Trong Kiệt tác không người biết của Balzac, có bốn lần cái gọi là “thơ” hay “tính thơ” xuất hiện trong cuộc nói chuyện của ba họa sĩ: Frenhofer, Porbus và Poussin.
Lần đầu tiên, khi Balzac nói về những người họa sĩ mà trong quãng đời chớm nở của tài năng không được gặp một mẫu mực của cái đẹp, sẽ luôn giữ trong sâu thẳm một dây cung không được chạm đến, luôn thiếu vắng trong mỗi nét cọ một phẩm chất không thể định nghĩa, một thành tố huyền bí mà người ta gọi là “tính thơ”.
Lần thứ hai, khi Frenhofer phê bình bức tranh Mary of Egypt của Porbus, ông dẫn ra một ví dụ để nói rằng bức tranh của Porbus tuy có đẹp nhưng thiếu sự sống, thiếu một cái gì vô hình mà người ta gọi là “tính thơ”, ông dẫn ra ví dụ là có những người rất điêu luyện về cú pháp và ngôn ngữ nhưng lại không thể thành một nhà thơ lớn.
Lần thứ ba, đoạn Porbus nói với Poussin suy nghĩ của ông về Frenhofer. Theo Porbus, Frenhofer là một người đầy đam mê, có thể thấy cao và xa hơn những họa sĩ khác. Ông ấy đã chiêm nghiệm sâu sắc về màu sắc và cái chân lý tuyệt đối của đường nét; nhưng khi nghiên cứu quá mức ông ấy đã đến chỗ ngờ vực cả sự tồn tại của những vật thể mà ông nghiên cứu. Trong những khoảnh khắc chán nản, ông thậm chí nói rằng không có cái gọi là “drawing” (để phân biệt với “painting”, vì cả hai trong tiếng Việt đều được hiểu là “vẽ”), và bằng những đường nét, chúng ta chỉ có thể tái tạo lại những hình khối; nhưng nói vậy là quá, vì bằng đường nét và đổ bóng chúng ta có thể tạo ra những hình thức mà không cần đến màu sắc, điều đó cho thấy rằng nghệ thuật, cũng như Tự Nhiên, được tạo bởi một số lượng vô hạn các thành tố. Drawing cho ta cái bộ xương, một cái khung kết cấu, còn màu sắc đưa vào đó sự sống; nhưng sự sống mà không có xương thì thậm chí còn không hoàn thiện hơn một bộ xương không sự sống. Với họa sĩ, thực hành và quan sát là mọi thứ; và khi những lý thuyết và những ý tưởng bay bổng bắt đầu đối chọi với nét cọ, cái kết chỉ còn là sự hoài nghi, như việc đã xảy ra với Frenhofer, một người nửa là họa sĩ, nửa là một kẻ bay bổng điên khùng. Một họa sĩ siêu việt! Nhưng không may cho ông ấy, ông ấy sinh ra trong sự giàu có, và do đó ông ấy có thừa rảnh rỗi để theo đuổi những ảo mộng của bản thân. Đừng nối gót ông ấy! Hãy làm việc! Suy tư không phải là công việc của họa sĩ, mà phải là cầm lấy cây cọ trong tay và vẽ.
Lần cuối cùng, sau khi Porbus và Poussin đã thấy bức tranh La Belle noiseuse hoàn thiện của Frenhofer, Porbus đặt bàn tay lên vai ông họa sĩ già và quay mặt sang hỏi Poussin như muốn hỏi: “Cậu có nghĩ ta thấy ở đây một họa sĩ vĩ đại?”. Possin đáp lời một cách trầm trọng: “Ông ấy phần nhiều là một nhà thơ hơn là một họa sĩ”.
Câu chuyện trên cho ta thấy một cách hiểu về cái gọi là “thơ” hay “tính thơ”. Nó là một sự vượt thoát khỏi khuôn khổ những gì thường nhật, để vươn lên một lý tưởng và thỏa mãn tức khắc một khao khát của con người. Theo đó, hiển nhiên “thơ” sẽ xô vỡ ngữ pháp hay các nguyên tắc diễn đạt thông thường. Phải chăng chính trong những thứ như Jờ joạcx của Trần Dần, hay thơ của Dương Tường, Ly Hoàng Ly là một nỗ lực vượt khỏi cái giới hạn của ngôn từ?
Giống như Phan Ngọc đã nói trong tiểu luận Thơ là gì, có những khao khát kiếp người không sao thoả mãn được. Tôi biết tôi sẽ chết, nhưng lại muốn sống mãi; tôi đã già hay sẽ già, nhưng lại muốn trẻ mãi. “Ðể thoả mãn ngay tức khắc cái khao khát này, văn xuôi bó tay. Tại sao? Vì văn xuôi là tiếng nói của thực tế tẻ nhạt, hằng ngày. Mà cái khao khát vươn lên đến sự thống nhất với vũ trụ, với loài người, xoá bỏ mọi giới hạn vốn dĩ là quái đản, cho nên phải có một cách tổ chức ngôn ngữ quái đản mới đáp ứng được. Tại sao cô vũ nữ ba lê đi trên đầu ngón chân cho khổ? Ðứng cả hai bàn chân cũng được chứ sao? Nhưng chỉ cần cô đứng trên hai bàn chân là cái thế giới bay bổng của trí tưởng tượng biến mất. Cô quay tròn trên đầu ngón chân như vậy thì ta mới có thể chấp nhận rằng cô nói với cái thế giới của mơ ước.”
Cũng như Frenhofer khước từ hình thức, như Plato, muốn theo đuổi một lý tưởng, mà đã chối bỏ đường nét, nhà thơ quay lưng với ngôn ngữ tẻ nhạt, tìm kiếm cái dạng thức trình bày siêu việc. Liệu rằng điều này có phải cũng giống như cái mà Sartre nói: “Poets are men who refuse to utilize language; he has chosen the poetic attitude which considers words as things and not as signs”.
Tôi nhớ hai điều Nguyễn Huy Thiệp nói về thơ: “Người làm thơ thường bị coi là hạng phóng dật, thiếu đứng đắn, bê tha. Thơ quá phát triển là dấu hiệu của phong hóa suy đồi và đạo đức xã hội đi xuống chứ chẳng hay phải hay ho báu bở gì.” (…) “Tôi không dám khẳng định rằng một dân tộc đi đâu cũng thấy tiếng thơ véo von là một dân tộc suy đồi nhưng bất hạnh là cái chắc.” Cả Dương Thu Hương cũng ghét thơ: “Hồi tôi làm ở ty văn hóa Quảng Bình, tôi có chơi với hai cô nhà thơ là Lê Thị Mây và Lâm Mỹ Dạ. Lâm Mỹ Dạ sau này là vợ ông Hoàng Phủ Ngọc Tường. Làm thơ nó cũng lây như bệnh ghẻ, nên chơi với nhau, tôi cũng vớ vẩn làm thơ. Sau này, ông Chế Lan Viên cũng khuyến khích tôi làm thơ, nhưng mà tự nhiên tôi thấy sao mà nhà thơ Việt Nam lắm thế? Đi đâu cũng gặp nhà thơ, mà mấy cái thằng tôi ghét nhất cũng làm thơ. Thằng L.Đ.T. chẳng hạn, thơ chó ỉa cũng làm. Thế rồi tôi suýt bị bắt năm 89 vì đụng đến ông H., vì lúc bấy giờ họ mời tôi nói chuyện về ông H., tôi có bảo rằng ông H. là nhà chính trị, còn với tư cách nhà thơ, thì thơ ổng chỉ là loại thơ báo tường, là loại thơ dưới trung bình. Hôm ấy, tôi nhớ anh Hoài Vũ, tác giả bài Vàm Cỏ Đông, lúc bấy giờ còn làm thư ký cho ông bí thư thành ủy Sài Gòn. Anh ấy là người rất tử tế. Hôm ấy anh mang đến cho tôi một phong bì tiền bảo, ‘Hương ơi, anh lạy em, hôm qua nó định bắt em rồi nhưng mà anh xin mãi nó mới thôi. Thôi thì tiền đây em mua váy mua áo rồi em ra Bắc lại nhé. Anh chuẩn bị vé cho em rồi, em phải đi ra ngay nếu không thì phiền lắm’. Tôi bảo tôi không nhận đút lót, nếu mà đã như thế thì em đi ra. Thì tôi đụng đến người mà người ta cho là nhà thơ H., còn tôi thì cho là thứ vớ vẩn. Sau vụ đấy thì tôi đâm ra ghét thơ. Tôi nghĩ đất nước gì mà thằng chó nào cũng làm thơ, mẹ từ thằng thủ tướng cho đến thằng bốc cứt cũng làm thơ. Có khi cái đất nước này khốn nạn cũng là vì nhiều thơ quá”.
Người làm thơ là những người đã xô vỡ đi cái khuôn khổ của xã hội, để tìm một lối diễn đạt hoàn toàn cá nhân. Nên nhiều khi chìm đắm trong thơ là chìm đắm trong một cái gì không thiết thực, vô luân lý. Đinh Hùng thì dường như hiếm khi tỉnh táo.
Nguyễn Tuân thì quay mặt với thơ. Quan niệm về thơ của Nguyễn Tuân giống quan niệm tình yêu: “Tình yêu phải lãng mạn mới đẹp, nhưng lãng mạn thì mất thời giờ, rồi rốt cuộc phải có một người khóc, một người cười, hay là cả hai cùng khóc. Chẳng bao giờ hai người cùng cười”.
NL nói Nguyễn Tuân ở sát sạt thơ và tính thơ, nhất là trong Vang bóng một thời, nhưng vẫn không làm thơ. Ít nhất, ta không thể nói đến một Nguyễn Tuân nhà thơ. Chính xác thì Nguyễn Tuân có làm thơ, nhưng mấy bài thơ này lại là những bài mà Nguyễn Vỹ gọi là “đạo mạo cộng với hài-hước, trừ bớt nụ cười, nhân với 7, chia ra 8”, tức là “một bài toán thất ngôn bát cú”. Nghịch lý của Nguyễn Tuân là ở chỗ một con người rất đỗi mơ mộng, lúc nào cũng muốn vượt thoát khỏi sự tủn mủn, lặt vặt tầm thường của cuộc đời, nhưng lại vẫn cứ không thể ra khỏi nó được. Và Nguyễn Vỹ đã rất tinh tế nhận ra Nguyễn Tuân có tâm hồn thơ mộng, có ý thơ, nhưng anh diễn tả ra thì nó không phải là thơ nữa. Tại anh lý-luận nhiều quá, cái lãng mạn của Tuân chỉ nảy nở trong một khuôn khổ công-thức nào đó, không vượt ra ngoài, không vút lên cao.
Chỉ một đôi lần, giữa những câu văn, Nguyễn Tuân sẽ bộc lộ ra tính thơ của mình. Và những trường hợp đó giống như Phan Ngọc nói: “văn xuôi khi cố tình thể hiện cái khao khát này đều phải mang một hình thức quái đản: cân đối, nhịp nhàng, thậm chí hóc hiểm. Những câu kinh nổi tiếng được truyền lại đều mang hình thức này”.
Barthes trong What is writing nói, mỗi nhà văn khi sáng tác đều phải cân nhắc đến cách dùng ngôn ngữ của xã hội mà anh ta sống. Theo đó, “viết là luân lý của hình thức”. Ngôn ngữ là một ý thức tập thể. Nhà thơ thì phá vỡ liên hệ với ngôn ngữ xã hội, còn nhà văn thì phải liễm kết cái cá nhân của mình một cách kín đáo dè dặt trong những sắp đặt, như thể nhà văn vẫn phải nể nang cái thực tại anh ta sống. Và phải chăng vì vậy mà kiệt tác của Nguyễn Tuân vẫn sẽ là kiệt tác không người biết? “Hay là cuốn sách hay vẫn là cuốn sách không bao giờ viết?” (Nhà Nguyễn). Và như Tô Hoài nói: “Truyện ký Vang bóng một thời, hình ảnh những ngày qua xa xưa. Vang bóng một thời Tây mà Nguyễn Tuân lúc nào cũng định viết, đã công bố trên trang Cùng một tác giả từ khi tập truyện ngắn Vang bóng một thời in lần thứ nhất. Thời ấy, thời Tây, mới thực Nguyễn Tuân, những nông nỗi, những vang bóng của Nguyễn Tuân. Cái này tôi phải viết… Cái này ông phải viết… Viết chứ! ở Tuỳ bút 1, Tuỳ bút 2, Một chuyến đi hay Chiếc lư đồng mắt cua, hay ở những tuỳ bút kháng chiến, những cái đã viết và những cái chưa viết mới chỉ là mành hoa thoáng bóng ai chứ chưa bao giờ Nguyễn Tuân thực đã viết”.