Gần đây có tin binh sĩ Ukraine bị lính Nga thiến và giết. Tin đó nếu như trước đây gây cho tôi sự tức giận và thương xót, thì giờ đây lại làm tôi nghĩ về nhà Lannister trong Game of Thrones. Những đứa trẻ khi xem phim thường sẽ kết án Lannisters là gia đình xấu xa, độc ác, đã hãm hại nhà Stark (mặc dù ý kiến của những con cừu thì không làm bận lòng sư tử; với Tywin, người nhà Lannister có thể làm bất cứ thứ gì, nhưng không hành xử ngu ngốc), nhưng người lớn thì có thể nghĩ khác, giống Cersei nói: quyền lực là quyền lực.
Chính nhà Lannister đã từng ở một địa vị như nhà Stark, dưới thời của Tytos Lannister. Tytos, cha của Tywin, quá mềm lòng trước thuộc hạ và kẻ thù nên bị những thế lực xung quanh thao túng, uy thế của Casterly Rock sụt giảm, và hai nhà Reyne và Tarbeck đã nổi dậy để chống lại Lannisters. Chính Lannisters cũng đã từng ở trong tình thế có thể bị chặt đầu, xẻ thịt, thiêu sống, vân vân, nhưng Tywin không xin giặc rũ lòng thương, không kêu gọi đối phương tuân thủ vào cam kết pháp lý nào đó đã ký, mà đã mang quân chinh phạt những kẻ thù này. Walderan Tarbeck và những người con trai của ông ta bị bêu đầu trên giáo. Reynard Reyne và khoảng ba trăm người nhà Reyne bị dìm chết trong hầm mỏ ngập nước. Chẳng phải, cái kết đó là xứng đáng cho những kẻ phản bội lòng trung thành? Và nếu Reyne và Tarbeck giành chiến thắng, và nhà Lannister bị giết sạch, thì đó có làm chúng ta hả hê hơn khi kẻ thù của nhà Stark sau này bị như thế?
“Khi chơi trò chơi vương quyền, hoặc bạn thắng hoặc bạn chết,” Cersei từng nói như thế.
Cuộc chiến Quốc Cộng giai đoạn 45-46 cũng như thế. Trên thực tế, cả hai phe đều có những cách thức chính đạo lẫn tà đạo để giành quyền lực. Và dù cho ta có cảm tình với phe Quốc Dân đảng như thế nào, sự thật vẫn là V.M. đã thắng. Điều này, xét trên nhiều bình diện, vẫn có mặt lợi, ở chỗ nó tạo ra sự đoàn kết cần thiết cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Hoàng Xuân Hãn từng so sánh vai trò của Việt Minh với vai trò của lực lượng Lam Sơn trong kháng chiến chống quân Minh: “Lúc ấy, đời Lê Lợi cũng nhiều đám chứ không phải chỉ mình đám Lam Sơn mà thôi. Đám Lam Sơn, đám Đông Triều, những đám lớn đấy. Đám Đông Triều, đám Lam Sơn, đám Tuyên Quang… bốn năm đám không có cộng tác direct thế này mà giành nhau, nhưng mà cũng là ganh tỵ nhau để giải phóng đất nước. Rồi đám thuộc Trần, muốn cứu vớt con cháu nhà Trần mà cũng đánh như Trần Giản Định, Trần Trùng Quang gì đấy. Những đám ấy có thể nói với đám Lam Sơn cũng là trái nhau hết cả. Nhưng sau này người ta quên. Người ta nhớ đám Lam Sơn vì chính nhờ đám Lam Sơn mà đất nước được giải phóng. Cho nên tôi nghĩ không nên xét vội từ bây giờ. Về lâu, về dài sau mới nghĩ đến sự có công của một người nào.”
Không có chỗ cho nỗi buồn trong chiến tranh. Sự chính trực, liêm sỉ, ngay thẳng ở kẻ tham chiến cũng là những đòi hỏi thiếu thực tế. Machiavelli đã nói rõ điều đó, và Tôn Tử cũng dạy rằng “binh giả, quỷ đạo dã”. Những ông vua mà nhân từ quá, có khi lại hoá nhu nhược, rồi lại thành con cừu cho bầy sói. Tommen Baratheon đã có thể là một vị vua tốt, nhưng không hề có chút quyền lực trong tay và ra đi quá sớm chính vì lòng trắc ẩn của chính mình.
Trò chơi vương quyền xuất sắc là bởi George R.R. Martin không phải một nhà luân lý. Ông không cố gắng viết một câu chuyện ác giả ác báo, thiện giả thiện lai. Mà ông có vai trò giống một nhà tự nhiên học quan sát con nai dùng sừng đâm chết con rồng, nhưng rồi con nai, cùng với sói, đều bị sư tử ăn thịt. Để sau đó, sư tử lại bị sói, rồng, và nai cùng trả thù.
Sự thương tiếc cho những người bị áp bức và căm phẫn trước sự trí trá của chính sử nơi tôi, tôi hiểu ràng, là biểu hiện của các lòng nhân ái và tình yêu sự công bằng. Nhưng những cảm xúc đó không có mấy ý nghĩa cả trong việc nghiên cứu lẫn trong chính trị.