Bento de Spinoza sinh ngày 24 tháng 11 năm 1632 ở Amsterdam. Spinoza là con trai thứ hai, và là một trong năm người con của ông Michael de Spinoza và bà Hannah Deborah Senior, những người nhập cư từ Bồ Đào Nha đến Hà Lan. Gia đình ông làm nghề buôn bán, và tương đối có tiếng tăm trong cộng đồng người Do Thái gốc Bồ Đào Nha ở thành phố này.
Lúc bấy giờ, những người Do Thái ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bị buộc phải cải đạo sang đạo Kitô, và vì thế họ được gọi là “những Kitô hữu mới”. Họ sống ở các quốc gia vùng đất thấp, dưới sự thống trị của người Tây Ban Nha, trong suốt thế kỷ mười sáu. Nhiều người trong số họ cư ngụ ở Antwerp, nay là một thành phố cảng thuộc Bỉ, nơi họ có thể làm kinh doanh ở một mức an toàn tương đối khỏi bàn tay của tòa thẩm giáo. Khi cuộc nổi dậy vũ trang của các tỉnh phương Bắc diễn ra (mở ra sự thành lập của Cộng hoà Bảy Tỉnh Thống nhất Hà Lan), vào khoảng 1570s, vị thế trung tâm thương mại của Antwerp cũng đồng thời bị lu mờ bởi Amsterdam, các gia đình Kitô hữu mới di cư ngược lên thành phố trên con sông Amstel này để sinh sống. Amsterdam, với một môi trường nhìn chung tolerant hơn, và quan tâm đến sự thịnh vượng kinh tế hơn là sự thống nhất về tôn giáo, đã cho phép những tín hữu Kitô mới gốc Bồ Đào Nha được trở về với tôn giáo của tổ tiên mình và tái thiết lại cuộc sống người Do Thái.

Khoảng giữa thập niên thứ hai của thế kỷ mười bảy, Amsterdam là nhà của ba nhóm dân Do Thái Sephardi: Beth Ya’acov, Neve Shalom, và Beth Israel. Mặc dù chưa có sự chấp thuận chính thức từ các nhà lãnh đạo thành phố về việc thờ phượng đạo Do Thái, những người Do Thái ở đây trên thực tế đã được nhìn nhận về tôn giáo và có thể gặp gỡ, thực hành những truyền thống cũ trong một môi trường tương đối hòa bình. Hiển nhiên luôn có những nhóm bảo thủ của xã hội Hà Lan lăm le đòi trục xuất họ, nhưng những vị quan nhiếp chính của thành phố với khuynh hướng liberal, chưa kể những thành tố văn hóa mang tính khai sáng của xã hội Hà Lan nói chung, không cho phép những sai lầm trước đây của Tây Ban Nha bị lặp lại ở thành phố này – trục xuất phần lớn dân số có năng lực làm kinh tế giỏi giang, vốn có thể đóng góp đáng kể vào sự phồn vinh của thời kỳ hoàng kim Hà Lan.
Gia đình Spinoza
Gia đình Spinoza không thuộc vào số những gia đình giàu có nhất của cộng đồng Do Thái Sephardi ở Amsterdam, nhưng họ có cuộc sống cũng dư giả, thoải mái. Họ sống ở Houtgracht, trên một trong những đại lộ của khu người Do Thái. Nơi này được gọi là “Vlooienburg”, được nhiều họa sĩ và nhà buôn hội họa yêu thích chọn làm nơi ở. Nhà của Spinoza cách không xa căn nhà nơi mà danh họa Rembrandt đã sống từ 1639 đến 1658. Công việc buôn bán của ông Michael de Spinoza là nhập khẩu trái cây khô và các loại hạt, chủ yếu từ những thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Theo như những ghi nhận của chính ông Michael và của những người bạn bè đồng nghiệp quanh ông, Michael đã có thời là một thương nhân khá thành công.

Gia đình Spinoza thuộc nhóm Beth Ya’acov, nhóm đầu tiên đến thành phố này. Michael giữ nhiều chức vụ trị sự không chỉ trong synagogue mà còn trong cộng đồng nữa, có giai đoạn ông làm thành viên của Senhores Quinze, một hội đồng gồm các đại biểu từ ba nhóm Do Thái ở Amsterdam chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề chung. Đến năm 1639, ba nhóm tôn giáo này quyết định hợp nhất thành một, gọi là Talmud Torah, hội đồng đại biểu trước đây được gọi bằng tên mới là ma’amad, điều hành mọi vấn đề tôn giáo lẫn thế tục của cộng đồng. Michael cũng nằm trong ma’amad một nhiệm kỳ, vào năm 1649, và cũng làm việc trong hội đồng giáo dục Tamud Torah nữa.
Bà Hannah Deborah, mẹ của Spinoza, là vợ thứ hai của ông Michael. Vợ đầu, Rachel, mấy năm 1627. Bà Hannah cũng có sức khỏe kém và mất năm 1638, khi Spinoza chỉ mới năm tuổi. Michael hiển nhiên rất cần sự đỡ đần trong nhà từ một người phụ nữ, nên ông tái giá với bà Esther Fernand, bốn mươi tuổi, vào năm 1641. Bà Esther sống cũng chỉ mười hai năm sau đó rồi mất vào tháng mười năm 1653. Năm tháng sau, ông Michael cũng nối gót bà ra đi. Có thể thấy thời niên thiếu của Spinoza chứng kiến khá nhiều sự mất mát.
Việc học tập thuở thiếu thời của Spinoza
Spinoza hẳn từng là một đứa trẻ thông minh sáng dạ, và đã gây ấn tượng mạnh với những thầy giáo của mình khi ông học ở trường học của cộng đồng tại Houtgracht. Ông có thể đã học với những rabbi hàng đầu lúc bấy giờ của Talmud Torah, bao gồm Menasseh ben Israel, một rabbi có khuynh hướng ecumenical và cosmopolitan, và có lẽ là người Do Thái nổi tiếng nhất ở Châu Âu lúc đó, ông dạy học các cấp cơ sở ở Talmud Torah khi Spinoza đang theo học ở trường này. Trong số các thầy dạy Spinoza có thể có cả Issac Aboad da Fonseca, một rabbi có khuynh hướng thần bí, và Saul Levi Morteira, một rabbi có khuynh hướng triết học lý trí, thường bất đồng quan điểm với Aboab về sự phù hợp của kabbalah, một phương pháp bí truyền, lĩnh vực và trường phái trong chủ nghĩa thần bí Do Thái giáo.
Spinoza có thể đã học xuất sắc ở trường, nhưng trái với giai thoại người ta thường kể, ông không hề học để trở thành một rabbi. Trên thực tế, ông chưa bao giờ lên cả các cấp lớp trên của chương trình giáo dục của Talmud. Năm Spinoza mười bảy tuổi, anh trai Isaac của Spinoza qua đời, ông – vốn là con trai thứ hai trong nhà – phải nghỉ học để thay anh phụ cha làm công việc kinh doanh. Rồi đến khi cha ông, Michael, mất, năm Spinoza hăm hai tuổi, ông lại phải cùng với người em trai còn lại là Gabriel điều hành công ty “Bento y Gabriel de Spinoza”. Nhưng dường như Spinoza không phải là một doanh nhân giỏi, và công ty ông – với gánh nặng nợ nần của cha để lại – phải loay hoay nhiều để vượt qua khó khăn.
Spinoza không mấy hứng thú với cuộc sống thương buôn. Thành công về mặt tài chính, vốn giúp mang lại địa vị và sự tôn trọng trong cộng đồng người Do Thái gốc Bồ Đào Nha, lại không hề thu hút ông. Trước cả khi cùng em trai tiếp quản cơ nghiệp gia đình, Spinoza đã bị xao nhãng khỏi những vấn đề vật chất, và thường dành nhiều tâm huyết của mình cho những mối bận tâm trí thức. Vài năm sau này, sau khi đã toàn tâm toàn ý theo một cuộc đời triết học, Spinoza nhìn lại cuộc đời trước đây của mình và thấy rằng ông đã dần nhận thấy sự theo đuổi tiền tài vật chất là một việc phù phiếm, còn giá trị đích thực nằm ở chỗ khác.
Sau khi kinh nghiệm dạy tôi rằng mọi thứ của cuộc đời thường đều sáo rỗng và không đáng kể, và mọi thứ gây cho tôi sợ hãi vốn tự thân nó chẳng tốt cũng chẳng xấu, có chăng chỉ là phản ứng của tâm trí tôi với chúng mà thôi, tôi cuối cùng đã quyết định tìm kiếm xem liệu có một thứ gì trên đời là một thứ đáng theo đuổi, mà một khi có được nó tôi sẽ hạnh phúc đến vô cùng.
Nhưng Spinoza không phải là không lường trước rủi ro của việc bỏ hẳn mối quan tâm tài chính và theo đuổi đời sống của suy tư.
Tôi nói rằng “tôi cuối cùng đã quyết định” – vì thoạt đầu nó có vẻ là khờ dại khi bỏ đi một thứ chắc chắn để kiếm tìm một thứ không chắc chắn. Hiển nhiên tôi đã thấy những cái lợi mà tiền bạc và danh vọng mang lại, và tôi cũng biết một cuộc sống bình thường sẽ không cho phép tôi tìm kiếm cái mới và cái khác biệt; và nếu vô tình niềm hạnh phúc lớn nhất nằm ở đó, tôi thấy rằng chắc chắn tôi sẽ phải sống mà thiếu nó. Nhưng nếu nó không nằm ở đó, mà tôi bỏ tất cả sự ổn định chắc chắn này để theo đuổi, rồi cuối cùng cũng chẳng có nó thì sao?”
Khoảng đầu đến giữa 1650s, Spinoza quyết định tương lai mình nằm ở triết học, và sự tìm kiếm tri thức và niềm hạnh phúc đích thực, chứ không phải nhập khẩu trái cây khô.
Cũng trong khoảng thời gian xác lập tư tưởng rũ bỏ cuộc đời thương buôn, Spinoza bắt đầu học tiếng Latin và những tác phẩm kinh điển, nhất là kịch. Tiếng Latin lúc này là lingua franca của giới học thuật ở châu Âu. Spinoza cần dùng nó để học triết, nhất là nếu ông định sẽ tham dự những bài giảng ở đại học, và công bố tác phẩm của riêng mình. Ông đã phải ra ngoài cộng đồng Do Thái để tìm thầy học trong những bộ môn này, và người đã dẫn dắt ông là Franciscus van Enden, vốn từng là một tu sĩ dòng tên và là một nhà cải cách chính trị đã dùng căn nhà của mình như một salon gặp gỡ những nhà nghiên cứu khoa học nhân văn có khuynh hướng thế tục và những người có tư tưởng độc lập. (Chính Van den Enden sau này bị hành hình ở Pháp vì can dự vào lực lượng cộng hòa chống lại vua Louis XIV và nền quân chủ). Có lẽ chính Van den Enden là người đầu tiên đã giới thiệu những công trình của Descartes và những nhà tư tưởng cùng thời cho Spinoza. Trong lúc theo đuổi việc học tập triết học, văn chương và tư tưởng chính trị mang tính thế tục ở nhà của thầy dạy tiếng Latin, Spinoza hẳn cũng tiếp tục học trong cộng đồng Do Thái ở yeshiva hoặc học viện Keter Torah, điều hành bởi rabbi Morteira.
Mặc dù bị xao nhãng khỏi công việc kinh doanh và trải qua những sụt giảm đáng kể về niềm tin vào Do Thái giáo khi dấn sâu vào thế giới thế tục, Spinoza vẫn cho thấy mình là một thành viên đứng đắn trong giáo đoàn suốt những năm đầu 1650s. Ông vẫn nộp đủ các loại thuế và phí, thậm chí còn làm từ thiện trong cộng đồng.
Spinoza bị trục xuất khỏi cộng đồng Do Thái Sephardi ở Amsterdam
Nhưng rồi vào ngày 27 tháng 7 năm 1656, tuyên bố sau đây được đọc trong tiếng Hebrew trước Torah ark, tại nhà nguyện đông đúc ở Houtgracht:
“Các Senhors của ma’amad từ lâu đã biết những quan điểm và hành động xấu của Baruch de Spinoza, và đã nỗ lực bằng nhiều phương pháp để giúp anh ta rời xa tà đạo. Nhưng đã thất bại trong việc thay đổi con người anh, trái lại, ngày một nhận ra những thông tin ngày càng nghiêm trọng về khuynh hướng dị giáo ghê gớm mà anh ta thực hành và giảng dạy. Và với nhiều lời chứng đáng tin cậy từ những người đã tiếp xúc với Spinoza, chúng ta đã biết được sự thật, điều tra sáng tỏ và đi đến quyết định cuối cùng, với sự đồng thuận của các rabbi, rằng Spinoza sẽ bị trục xuất khỏi cộng đồng người Israel. Chiếu theo chỉ thị của các thần và hiệu lệnh của các thánh. chúng ta rút lại tư cách thành viên, trục xuất, và nguyền rủa Baruch de Spinoz, với sự đồng thuận của Chúa, và với sự đồng thuận của toàn bộ giáo đoàn, và trước những văn bản gồm 613 mệnh lệnh được viết ở đây; nguyền rủa Spinoza với sự trục xuất như Joshua đã làm với Jericho. như Elisha đã làm với đứa bé trai, và với toàn bộ những sự trừng phạt được viết trong the Book of the Law. (…)
Thông báo này kết lại với lời cảnh báo “không ai được giao tiếp với Spinoza, dù là viết hay nói, không đi cùng, không sống cùng dưới một mái nhà, không đọc bất kỳ một bài luận nào được viết bởi Spinoza”.
còn tiếp
1 Comment