Trên mạng có một bức ảnh Eminem đọc sách, nhưng đó lại là cuốn sách mà người ta có vứt giữa đường tôi cũng không thèm lượm: How to Win Friends and Influence People của Dale Carnegie. Số lượng người mẫu đọc sách triết học trên thế giới chắc rất ít, mặc dù đôi khi chỉ giả vờ đọc thôi cũng mang đến cho mình một cái vẻ gì thâm sâu lắm. Hôm nọ thấy Hải Sâm trích dẫn thơ của Thanh Tâm Tuyền, “ôm em trong tay mà đã nhớ em những ngày sắp tới” (nghe như “đôi khi thấy trong cánh chim từng đêm tối”) trong bài hát mới. Nhưng phải ở cấp độ David Bowie thì mới tính là kiệt xuất, nhỉ?
Nhiều lúc, có một câu trong bài Sự thật trong cái lạnh hay trở lại trong cuộc sống thường nhật của tôi, nhất là khi chạy bộ hay ăn một món ngon: “Không có gì siêu hình ở đây hết”. Trắc nghiệm MBTI có sự phân biệt giữa sensing (S) và intuition (N); càng ngày tôi càng cho rằng mình nên tin vào những giác quan này thay vì những suy nghĩ tư biện bên trong. Quảng cáo Coca-cola năm 1971 có khẩu hiệu: “It’s the real thing”, và một cái thông điệp thế tục như thế mới thực sự cần thiết hơn các lập luận, các khái niệm. Có lẽ đến lúc phải xác định rằng, biện chứng pháp Hegel không quan trọng bằng cảm giác khoan khoái khi được massage hay chăm sóc da mặt, hoặc toàn bộ The History of Sexuality của Foucault không quan trọng bằng phút giây lên đỉnh.
Cơ thể này và cái thực tại phàm tục này mới thật quan trọng làm sao, vì thế phải học tập Madonna: “To age is a sin”, mặc dù tự Madonna phản lại mình khi cho rằng cô chiến đấu chống lại ageism.
“Tôi cho rằng nghệ sĩ nên chết trẻ, nếu mình có quyền chọn tuổi chết. Tài sắc con người ta ở đời, ai cũng chỉ có một thời thôi. Con tằm nhả được tơ óng mãi hay sao? Sống bấy lâu, nhiều khi cũng hớ. Nó chỉ tỏ ra rằng mình có cái da thịt cứng quá, trùng khó đục thủng mà thôi. Ai mà chịu được một nàng Tây Thi tóc bạc da mồi. Một người tướng tài mà không chịu hết tắt với dặm nghìn da ngựa mà lại chết già trong giường vợ, thì còn gì dại dột hơn nữa.”
Nguyễn Tuân, Một đêm họp đưa ma Phụng, bài đăng trên tạp chí Tao Đàn, số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng, xuất bản tháng 10-1939
Khi chết trẻ (một câu thơ Nguyễn Du: “nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương”), thì người ta lại hay nhớ hình ảnh của mình lúc mình còn trẻ.










and 3D artwork by Gui Wenlong: