Ghi lại lời của Nguyễn Huệ Chi trong một bài phỏng vấn do Thụy Khuê thực hiện, phát thanh trên RFI ngày 16-7-2005.
Bản thân tôi, tôi đã chứng kiến người bố của tôi, học giả Nguyễn Đổng Chi phê phán Phan Khôi theo yêu cầu của người khác, trái với tính cách của ông, rồi sau đó đã không ngớt ân hận.
Tôi và bố tôi thường vẫn đối xử với nhau như bạn bè; có những chuyện gì trong học thuật cũng trao đổi với nhau. Vào thời kỳ ấy, tôi nhớ khoảng tháng 3 năm 1958, hai bố con tôi nhân ngày chủ nhật cùng nhau đi chơi từ phố Đống Mác lên Tràng Tiền. Đến ngã tư Tràng Tiền rẽ về phía Nhà Hát Lớn, đến gần hiệu Bodega thì nhìn thấy hai bên đường có những tờ báo treo – bởi vì ở đấy có chỗ bán sách báo, thì ông mới nói với tôi thế này: “Ông Liệu (Trần Huy Liệu, tức trưởng ban nghiên cứu văn sử địa lúc bấy giờ, là thủ trưởng của Nguyễn Đổng Chi) có nói với bố là Phan Khôi thì rõ là sai rồi bởi vì tự dưng lại đứng ra làm chủ nhiệm báo Nhân Văn để cho những anh em trẻ nhân danh đòi tự do cho văn nghệ mà thoát ly đường lối lãnh đạo của Đảng, nên Phan Khôi phải chịu trách nhiệm cho việc ấy. Nhưng mà đối xử với Phan Khôi như thế là không được, là nặng. Vì Phan Khôi là một học giả nổi tiếng và một trí thức lão thành nên không thể đánh đồng với những người khác.” Nghe bố tôi nói như vậy, tôi cũng chỉ để tâm thế thôi, rồi hai bố con trở về.
Nhưng sau đó, chưa đầy một tháng, có một hôm bố tôi đi làm về mà tôi nhận thấy ông có một thái độ lặng lẽ khác thường, đi đi lại lại mà không nói gì. Tôi mới hỏi:
“Hôm nay có chuyện gì mà bố có vẻ ưu tư thế?”
“Bố mới được nhận một nhiệm vụ khó nghĩ quá.”
“Đó là việc gì?”
“Phải phê phán Phan Khôi.”
“Ủa, thế hôm trước bố mới nói như thế cơ mà?”
“Hôm nay thì cái yêu cầu đặt ra là tờ tập san Văn Sử Địa phải có một bài phê phán Phan Khôi mà bố được lĩnh cái trách nhiệm ấy.”
Vài hôm sau, bố tôi bắt đầu đi thư viện, đi lục lọi, sưu tầm ở thư viện rất miệt mài, và độ chừng mười lăm ngày sau thì bố tôi nói thế này: “Bố sẽ cố gắng chỉ nói về Phan Khôi cái giai đoạn từ 45 trở về trước thôi, còn cái giai đoạn sau bố không nói, bởi vì xem ra những bài ông ấy viết trên tờ Nhân Văn, tờ Giai Phẩm không có gì để nói được. Vì ông ấy phê phán lãnh đạo văn nghệ. Ông ấy phê phán một cái tập thể đứng ra thẩm định giải thưởng mà đồng thời lại đưa tác phẩm vào để xin được trao giải thưởng thế thì cái tập thể ấy có còn đạt được cái tiêu chuẩn dân chủ, công bằng hay không? Bố thấy ông Phan Khôi nói chuyện ấy rất rõ ràng, nên bố chỉ bàn về Phan Khôi từ 45 trở về trước.” Sau đấy ông viết, và tôi cũng tin là ông sẽ nói một cách chừng mực thôi.
Thế nhưng khi bài viết viết xong (bài Nguyễn Đổng Chi phê phán Phan Khôi là bài Quan điểm phản động, phản khoa học của Phan Khôi phải chăng là học mót của Hồ Thích) đưa cho tôi thì tôi có hơi choáng người vì những lời lẽ ông ấy viết rất nặng, nhưng vì kính trọng bố nên tôi không nói gì. Vả chăng lúc bấy giờ tôi cũng nghĩ là Phan Khôi sai lầm. Tuy rằng tôi thật tình chưa biết nhiều lắm về cụ Phan Khôi, nhưng tôi nghĩ là cụ Phan Khôi sai lầm, nên tôi thấy bố tôi nói như thế chắc là đúng.
Mãi về sau, hai bố con không nói về chuyện ấy nữa. Nhưng có một lần, bố tôi nói lại: “Bố ân hận quá, đã nói những chuyện không đúng về cụ Phan. Bởi vì cụ Phan Khôi từ trước cách mạng đã được dư luận coi là ngự sử văn đàn, một người rắn rỏi, cứng cỏi và thẳng thắn, cho nên những gì ông ấy viết bao giờ cũng có tính chất đối thoại với người ta, mà đối thoại là biểu hiện của dân chủ. Nên bố nghĩ rằng, khi bố phê phán chỗ đó, là bố đã theo đuôi để đưa đến cái không khí mất dân chủ.” Bố tôi chỉ nói đúng một lời như thế thôi.
Nhưng đến trước khi mất, vào mùa xuân năm 1984, bố tôi được đi Nga lần đầu trong một, hai tháng với tư cách viện trưởng viện Hán Nôm. Khi về ông bị ốm, thì lúc tôi lên thăm, ông nói với tôi thế này: “Bố thấy ở Nga có hai điều. Một là cái việc nghiên cứu Đông Phương học của họ đến nơi đến chốn, chứ không phải là nóng đâu phủi đấy như chúng ta. Điều thứ hai bố thấy họ có chỗ này không được – họ vẫn đặt việc nghiên cứu như là một đường rãnh, và mọi người phải trượt trên cái đường rãnh ấy cho nên cuối cùng thì người nào cũng quy về một điểm và không còn nhìn thấy sự đa dạng trong nghiên cứu nữa”.
Đến khi bố tôi khỏe, ông nói thế này: “Thực ra nước mình không phải là một nước có lý luận, và cũng không có triết học, mà chỉ là một nước thực tiễn thôi cho nên việc nóng đâu phủi đấy là việc bình thường. Và cái việc bố gán cho Phan Khôi là học mót cái thực dụng của Hồ Thích, mà Hồ Thích học mót của Dewey là sai. Bởi vì một cái chủ nghĩa thực dụng như của Dewey là lớn lắm chứ không phải nhỏ và cái việc mà ông Hồ Thích cắt gọt chỗ này chỗ khác mang áp dụng vào Trung Hoa là đúng theo điều kiện thực tiễn của Trung Hoa. Cái đó bình thường. Cho nên nói rằng Phan Khôi học mót của Hồ Thích mà Hồ Thích học mót Dewey là sai. Sau này, nếu có điều kiện thì con cố gắng làm thế nào đó rửa được cái sai lầm của bố”.
Quả thật, về sau, tôi càng ngày càng thấy những điều bố tôi nói rất đúng và sự ân hận của ông là sự ân hận của một người có lương tri, có tư cách của một người trí thức. Gần đây có người gợi ý nên làm toàn tập cho bố, rất nhiều chứ không phải ít, thì tôi chỉ cười mà không nói gì, bởi vì tôi nghĩ rằng chưa thể làm được. Làm toàn tập thì nhất định phải đưa hết các bài nghiên cứu của ông ấy vào, mà trong đấy, rất tiếc lại có một bài không vẻ vang gì cho bố tôi cả là bài phê phán cụ Phan Khôi. Bài ấy trên giấy trắng mực đen đã được in ra. Đó là bài “Quan điểm phản động, phản khoa học của Phan Khôi phải chăng là học mót của Hồ Thích” trên tập san Văn Sử Địa số 41, tháng 6-1958. Tôi không giấu diếm ai hết mà tôi muốn nói rõ cho bạn đọc biết cái bài đó làm cho chúng tôi xấu hổ như thế nào.
Nên gần đây khi biên tập bộ từ điển văn học bộ mới, có nhận lời ủy thác của người bạn quá cố là anh Văn Tâm – một người cũng lao đao trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, tôi đã bổ sung và chỉnh sửa mục từ Phan Khôi do Văn Tâm viết từ nhiều năm trước. Về sau thì anh Văn Tâm rất là muốn sửa cái mục từ ấy đi cho đúng thực chất giá trị của người mình viết, nhưng bệnh tật khiến anh không làm được việc ấy nữa. Anh mới ủy thác cho tôi. Tuy nhận lời ủy thác của anh ấy, nhưng trong thâm tâm tôi cũng muốn thực hiện cái di chúc của bố tôi để rửa cái mối nhục mà chính bố tôi đã tự gây ra cho mình.
Cũng trong Từ điển Văn học bộ mới, các mục từ về những tác giả Nhân Văn Giai Phẩm tôi đều quan tâm và đều có trực tiếp viết hoặc sửa chửa. Và những cái mục từ ấy ít nhất cũng đã lấy lại một cách nhìn tương đối đúng đắn – tương đối thôi chứ chưa hết – cái giá trị thực họ có mà bao nhiêu năm bị dập vùi, bị cái nhận định officiel đã biến trắng thành đen, và làm cho họ không còn giá trị nữa ở trong dư luận bạn đọc thông thường.
Cũng trong Từ điển Văn học bộ mới có mục từ Hồ Thích, tôi cũng tự mình đảm nhiệm cốt là để giải oan phần nào cho cái gọi là chủ nghĩa thực dụng học mót của Dewey mà người bố của tôi đã kịch liệt phê phán.
“Khép lại quá khứ” thế nào cho đúng?
Khi đọc bộ Trần Thanh Mại toàn tập, tôi không thấy cái bài mà ông Trần Thanh Mại đã phê phán giáo sư Trương Tửu trong liền ba số báo Nhân Dân quãng đầu năm 1957, thì tôi mới ở trong một tâm trạng băn khoăn và nghi ngờ. Đọc các bộ toàn tập khác, cũng thấy họ bỏ một cách nhẹ nhàng những bài viết – những bài viết đã hằn lên thành những đường rãnh trong đầu óc của rất nhiều người về những tác giả Nhân Văn Giai Phẩm. Vì thế nên tôi nêu lên thắc mắc: Những bài viết của Trần Thanh Mại phê phán Nhân Văn Giai Phẩm đã không được đưa vào Trần Thanh Mại toàn tập (Nxb Văn Học, 2004). Tôi để ý thì thấy hết thảy các bộ toàn tập của những tác giả được Nxb Văn Học công bố mấy năm nay đều bỏ hẳn phần viết này và cả một số phần khác nữa. Như vậy, thì định nghĩa thế nào là toàn tập? Hay toàn tập chỉ là những gì còn ăn khách được với hôm nay, còn những miếng xấu hổ “khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào” thì thôi, đành theo ý ai đấy, giấu nhẹm đi để người ta quên đi một thời người cầm bút phải thóa mạ nhau túi bụi cho vừa lòng bề trên? Có lẽ cách xử sự như thế cũng là hữu lý chăng?
Có thể những người biên soạn các bộ toàn tập này mang trong mình ý nghĩ rằng việc cắt đi những bài như bài đấu tố trong cải cách ruộng đất, hay những bài phê phán Nhân Văn Giai Phẩm quá nặng nề ấy là một cách làm khép lại quá khứ. Nghĩ thế, theo tôi có phần gọi là “phải đạo” nhưng nếu nghĩ cho thấu đáo thì không khỏi đơn giản và lầm. Ta thử nghĩ lại mà xem, bao nhiêu người từng bị xử lý trong cuộc đấu tranh chống nhóm Nhân Văn Giai Phẩm: bị treo bút, bị cải tạo, bị tù đày, hàng chục, vài chục năm, cho đến nay, đã có người nào được lên tiếng nói lại một vài lời cho thỏa đáng? Mà khá nhiều người đã chết rồi chứ, như là anh Trần Dần, anh Phùng Quán, bà Thụy An. Khép lại kiểu ấy thì thử hỏi là công bằng ở đâu? Cũng giống như hàng triệu người, vì quẫn bức mà phải bỏ nước ra đi đầu những năm 80. Lúc bấy giờ, trong khi họ đã lênh đênh trên biển và rất nhiều người đã chết, mà chúng ta ở trong nước không làm gì cả. Bây giờ chúng ta nói “khép lại quá khứ”, đúng, hoàn toàn đúng. Thế nhưng mà khép lại không có nghĩa là “thôi, anh quên cả đi, anh quên cả cái chết của những người ấy đi” và không còn chiêu tuyết cho những người đã chết trên biển nữa. Tôi nghĩ khép lại như thế không được.
1 Comment