Theo bài viết “Sơ thảo 15 năm văn xuôi miền Nam – nhóm Bách Khoa” của Cao Huy Khanh đăng trên tuần báo Khởi Hành.
Tạp chí Bách Khoa ra số đầu tiên ngày 15-1-1957, do Huỳnh Văn Lang chủ trương; tất cả được 192 số. Trước năm 1963, trên Bách Khoa đã xuất hiện những nhà văn như Võ Phiến, Vũ Hạnh, Nguyễn Hiến Lê và Lê Văn Siêu – có thể xem họ như những thành viên kỳ cựu của một tập thể gọi là “nhóm Bách Khoa”. Sau 1963, với ban chủ nhiệm mới, Bách Khoa đón nhận thêm những nhà văn trẻ viết cho Bách Khoa như Y Uyên, Lê Tất Điều, Đỗ Tiến Đức và Nguyễn Thị Hoàng. Tạp chí Mai do Hoàng Minh Tuynh chủ trương cũng có nhiều liên hệ đến Bách Khoa.

Trong khi “nhóm Sáng Tạo” thuần túy viết về văn chương, “nhóm Phổ Thông” hay “nhóm Thời Nay” thuần túy cập nhật kiến thức bác học cho độc giả phổ thông, thì “nhóm Bách Khoa” dung hòa cả hai. Riêng trong mảng văn chương, ba gương mặt nổi bật của “nhóm Bách Khoa” là Võ Phiến, Võ Hồng và Vũ Hạnh. Điểm chung của họ là đề tài sáng tác thường hướng về thôn quê và những nếp sinh hoạt bình dị, nếp suy nghĩ chất phác của dân quê. Giọng văn giản dị, chừng mực, không phóng túng, không táo bạo.
Tuy không gây nên tiếng vang hay kích hoạt được một phong trào văn nghệ mạnh mẽ, các nhà văn của nhóm Bách Khoa lại sáng tác đều đặn và bền bỉ, với tác phong điềm đạm, ôn hòa, gây một ảnh hưởng thâm trầm và lâu dài.
Võ Phiến
“Tôi muốn kể chuyện dâu bể của xóm tôi nhưng quả rằng xóm quê tôi tầm thường chẳng phải là nơi linh địa. Cho đến những điều dâu bể cũng tầm thường nhạt nhẽo, chẳng thành chuyện ra hồn. Chỉ nghe một cái gì buồn rã rích như từng giọt từng giọt của trận mưa dai dẳng kéo dài, kéo dài qua… qua cái gì? Qua suốt mười mấy năm dài chưa dứt sao?”
(Đêm Xuân Trăng Sáng, truyện ngắn, Nguyễn Đình Vượng xuất bản, 1961: Về Một Xóm Quê).
Đoạn văn trên đã thâu tóm một cách gọn gàng và đầy đủ tất cả những đặc điểm nòng cốt của văn chương Võ Phiến, một nhà văn kỳ cựu đã chính thức bước vào nghề văn từ những năm đầu tiên của nền Đệ Nhất Cộng Hòa miền Nam. Võ Phiến chủ yếu viết về những người dân bình thường, sống ở thôn quê Việt Nam. Ông miêu tả nếp sống ôn hòa, thầm lặng của họ, và phân tích tỉ mỉ các diễn biến tâm lý tình cảm. Đôi khi, ông bày tỏ ngậm ngùi trước sự chảy trôi lạnh lùng của thời gian qua những phận người hèn mọn. Võ Phiến không dùng câu từ bóng bẩy, cầu kỳ mà giản dị, đơn sơ.
Vốn quê ở làng An Quý, Qui Nhơn, Võ Phiến viết nhiều tác phẩm có bối cảnh là vùng quê của mình, như Mưa đêm cuối năm, Giã từ, Thư nhà, hay Đêm xuân trăng sáng. Ông cũng đã đi qua nhiều vùng quê khác của miền Trung và đưa vào sáng tác của mình những điều ông quan sát được. Văn chương Võ Phiến là một thứ văn chương về làng mạc ruộng vườn, những thôn ấp nghèo dân cư thưa thớt, được viết bằng một thứ ngôn ngữ mộc mạc, đơn sơ.
Văn Võ Phiến cũng biểu lộ thái độ chính trị chống Cộng của ông. Sự chống Cộng của những người dân quê xuất phát từ chính thái độ xem trọng tình cảm hơn lý luận nhân danh lý tưởng:
“Những nguyên tắc lý luận của anh chỉ biết có lợi ích xã hội. Lợi ích xã hội muốn chúng tôi chia rẽ kẻ nam người bắc. Bởi vì sự chia rẽ, lòng khao khát thương nhớ của chúng tôi làm ra một tình trạng khao khát khắc khoải có lợi cho kế hoạch tranh đấu của tập thể. Cố ý gây ra sự nhớ thương đau đớn khắc khoải của chúng tôi để lợi dụng nó như một phương tiện”
(Đêm Xuân Trăng Sáng, truyện ngắn, Nguyễn Đình Vượng xuất bản, 1961: Thị Thành, tr.273).
Tuy Võ Phiến không chủ trương biến văn chương ông thành văn chương tuyên truyền, nhưng bàng bạc trong các tác phẩm của ông một không khí khó chịu với CS, quanh những nhân vật rời bỏ bên kia để trở về trong vùng tự do, qua giọng điệu châm biếm mỉa mai và cả tình cảm ôn hòa chống lại chủ nghĩa phi nhân. Mưa Đêm Cuối Năm có cái tình cảm bẽ bàng thảm não của hai anh chàng cán bộ CS lỗi thời đang sa vào chỗ cùng đường. Thác Đổ Sau Nhà vẽ ra chân dung buồn bã của Thọ, một kẻ vì mặc cảm mà đã bỏ nhà bỏ vợ ra đi trong tuyệt vọng. Giã Từ ghi lại sự thất vọng não nề của ông bác Đại Cuộc đối với một chủ nghĩa mà trước kia chính ông đã tích cực ủng hộ. Chính những mảnh đời đó trong sáng tác của Võ Phiến tự thân nó là một tiếng nói chống Cộng mạnh mẽ, không cần đến những lời khẳng định to tiếng.
Vũ Hạnh
Có thể nhìn thấy qua các tác phẩm của Vũ Hạnh rằng ông dùng văn chương để bàn luận về các khía cạnh của luân lý. Chẳng hạn, truyện Mối thù của Khoan Ray (in trong tập truyện ngắn Vượt thác, Giao Điểm xuất bản lần đầu năm 1963, Cảo Thơm tái bản năm 1965) viết về khao khát trả thù của một người cha có con bị hổ vồ chết. Cái xấu đi rồi nói về sự ăn năn hối hận của một kẻ phạm tội. Lòng Suối có sự xuất hiện của một thứ luật pháp vô hình trừng phạt kẻ gian ác. Bút máu (in trong tập Chất Ngọc, Cảo Thơm xuất bản năm 1964) thì nói về ý thức và sứ mệnh của người cầm bút với xã hội, dân tộc. Vượt thác còn nói đến kiểu luân lý của bọn cướp:
“Thực ra sống trong bọn người tự hào lương thiện như cha con ngươi mới thường xuyên bị mất cướp, còn sống ở trong bọn cướp là chúng ta đây mới thực an toàn” (V.T., tr.59, 60)
hoặc luân lý của kẻ mạnh:
“Đạo đức cũng do con người tạo lập mà cái ngôi danh nghĩa nữ là ta cốt đặt cho nàng! Kẻ nào có thể dựng xây, kẻ ấy có quyền phá hoại” (Mùa tuân trên đỉnh non cao, truyện ngắn, Cảo Thơm xuất bản, 1964, tr.86)
Tựu chung, tuy Vũ Hạnh không ngừng thắc mắc, nghi ngờ, dò hỏi về giá trị chân thực có hay không của một nền luân lý đích thực, ông lại chủ trương con người phải bền gan tranh đấu kiên trì để cải tạo xã hội, nhân hóa thiên nhiên, bảo vệ lý tưởng sống, để cho con người luôn luôn đi sát với thực tế cùng chung lưng gánh vác với nhau những trách nhiệm nặng nề trong việc bảo tồn chính sự sống của mình. Có thể thấy đó là một kiểu mẫu luân lý cổ điển theo đúng truyền thống như ở hiền gặp lành, kẻ ác phải đền tội, ca ngợi tính tốt, phe phán tính xấu.
Ngoài ra, truyện Vũ hạnh trong thời kỳ đầu còn có một đặc điểm đáng chú ý là bối cảnh tác phẩm thường là vùng rừng núi thượng du miền Trung. Ở đó, người ta có dịp khám phá một lề thói sinh hoạt khác lạ với thành phố. Những địa danh vùng cao không quen tai. Những mẫu người còn mang nề nếp tâm lý hoang dã. Đề tài về rừng núi thượng du đã chi phối hầu hết những truyện ngắn đầu tiên của Vũ Hạnh và dần dần trong giai đoạn sau chỉ còn giữ một vai trò khiêm tốn hơn.
Võ Hồng
Cũng như Võ Phiến và Vũ Hạnh, Võ Hồng là nhà văn nòng cốt thứ ba trong nhóm Bách Khoa, chỉ đặc biệt chuyên viết truyện ngắn và thành công với thể loại này. Đề tài viết của Võ Hồng khá đa dạng: Hoài cố nhân kể những chuyện tình dang dở xảy ra trong thời kỳ tản cư loạn lạc những năm 40. Lá vẫn xanh bày ra một cảnh gia đình với ông bố góa vợ và ba đứa con. Con suối mùa xuân nói về một nhân vật thất tình. Song, bút pháp của ông qua các truyện tương đối nhất quán.
Võ Hồng có vẻ là một nhà văn phức tạp, hay nói đúng hơn, càng về sau khuynh hướng văn chương của ông càng trở nên biến chuyển linh động và phong phú hơn thêm.
Trong những tác phẩm đầu tay người ta có thể tìm thấy dễ dàng sắc thái văn chương độc đáo của Võ Hồng. Đó là những chuyện tình thời loạn. Bối cảnh là giai đoạn lịch sử rối ren trước hiệp định Genève với sự có mặt của cả người Pháp lẫn người Nhật trên xứ sở này. Chuyện tình thời loạn thì thường là những chuyện tình thiếu may mắn; hầu hết những nhân vật yêu đương ở đây đều toàn là những kẻ thất tình thầm kín và thâm trầm. Viết về kỷ niệm của đời mình, kể lại những chuyện tình đã qua, đưa vào tác phẩm hầu hết những kinh nghiệm sống trong thời dĩ vãng của riêng mình, đó chính là cái yếu tính đặc biệt của Võ Hồng.
Sau này, có những chuyển biến nhất định trong văn Võ Hồng: những chủ đề mới hoặc những đề tài mô tả tâm lý thuần túy hoặc những đề tài mang nhiều tính chất thời sự sống động, đề cập ngay những diễn biến chính trị vừa diễn ra trong nước hay bám sát những sự biến chuyển tình cảm và tâm lý của người thời đại.
Truyện Võ Hồng còn có cái đặc biệt là đã sử dụng nhiều tiếng địa phương, những chữ dùng quê mùa và thô lỗ của người dân quê miền Trung.
Võ Hồng là một nhà văn khá phức tạp với một số lượng tác phẩm đến nay phải được kể là phong phú. Càng ngày người ta thấy bút pháp ông càng trở nên điêu luyện hơn trong khi những đề tại được chọn lựa cũng thay đổi và biến chuyển theo với thời gian và lịch sử. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật nhất trong văn chương Võ Hồng, khả dĩ có thể giúp người ta phân biệt ông với những nhà văn khác phải được tìm thấy ngay từ những tác phẩm đầu tay và đến nay thỉnh thoảng vẫn được nhắc nhở lại bằng một nghệ thuật diễn tả có khả năng truyền cảm một cách tế nhị và thâm trầm. Đó là những chuyện tình bâng khuâng, những chuyện tình nhẹ nhàng đượm một vẻ xa vắng mông lung tuy không đâu nhưng rất quyến rũ một cách êm dịu của Võ Hồng, dù đó không phải là toàn thể tài năng và sự nghiệp của ông.
1 Comment