Bài phỏng vấn Phan Du này do Hồ Minh Dũng thực hiện, đăng trên tạp chí Văn ở Sài Gòn của Nguyễn Đình Vượng số 132, “Phượng trong thành nội”, ra ngày 15-6-1969.
Nhà văn Phan Du tiếp chúng tôi bên thềm một căn nhà nhỏ ở đường Đặng Nghi, trong thành nội Huế. Qua cơn binh biến đầu xuân Mậu Thân, căn nhà còn đứng vững được như nhờ một phép lạ. Bom đạn đã cày nát cả bốn phía chung quanh.
Trời chiều thật mát, bên những chậu hoa kiểng tươi tốt nhờ bàn tay chăm sóc của chính nhà văn, ông Phan Du rót nước trà mời chúng tôi. Bằng một giọng chậm rãi, nhưng đầy nhiệt tình, ông đã trả lời tất cả những câu hỏi, và còn kể cho nghe nhiều câu chuyện văn nghệ lý thú khác mà tiếc vì khuôn khổ chật hẹp của một bài phỏng vấn, chúng tôi thấy không tiện ghi lại nơi đây…
Phỏng vấn Phan Du về tiểu sử
HMD — Xin ông cho biết sơ qua về tiểu sử của ông.
P D — Tôi sinh ngày 1.5.1915. Chánh quán làng Phước-đức, quận Quế-sơn, tỉnh Quảng-nam. Thuở nhỏ học qua cấp tiểu học ở trường Quốc-học (Khải-Định) và, sau đó, được gởi cho các sư huynh, ở trường Trung-học Gagelin tại Qui-nhơn, kềm cặp qua suốt cấp Trung-học. Thi diplôme lần đầu bị hỏng, tôi vốn thích được tự lập sớm, lại nhân có một hãng buôn lớn của người Pháp thâu nhận tôi làm thư ký về việc giao dịch thư từ, tôi bằng lòng ngay. Tuổi trẻ, độc thân, lương hậu, tôi đâm ra thích ăn chơi, mãi đến năm sáu năm sau mới đặt vấn đề tự học. Tôi đã từng sống qua nhiều nghề. Thời tiền chiến thư ký hãng buôn, thư ký dân sự cho văn phòng Service d’artillerie, thời kháng chiến dạy học tư, dạy học công, phát rẫy làm ruộng ở miền núi để tự túc khi phải tản cư vì nhà cửa bị bom đạn tàn phá. Hiện giờ tôi phụ trách công việc biên tập cho đài Phát-thanh Huế.
HMD — Xin ông vui lòng cho biết ông bắt đầu sáng tác vào năm nào, và ngay ở bước đầu có gặp được nhiều sự khích lệ hay không?
P D — Tôi bắt đầu sáng tác từ năm 1942. Truyện đầu tiên đăng ở báo Thời-vụ xuất bản tại Hà-nội. Sau đó, tôi viết cho Tiểu thuyết thứ bảy. Người khích lệ tôi nhiều nhất trong buổi đầu là anh Vũ Bằng, thư ký tòa soạn. Ngay sau khi đăng truyện Bữa cơm chay, anh liền có thư cho tôi. Rồi từ đấy, suốt trong thời gian tôi cộng tác, tuần nào anh ấy cũng có viết thư. Phê bình, góp ý, nói chuyện văn chương, tâm tình. Nhiều bức thư dài những năm sáu trương, phải gởi bảo đảm là thường. Thứ đến là anh Nguyễn Văn Xuân [tức nhà văn Thiết Can]. Trong lúc mới bước vào làng văn, còn ngại ngùng, bỡ ngỡ, tự dưng có người vì đọc văn mình rồi tìm đến thăm ngay giữa lúc mình đang bệnh nặng, kết bạn văn chương, anh nghĩ còn có gì cảm động và khích lệ hơn…
HMD — Ông viết cho Tiểu thuyết thứ bảy khá nhiều và theo chỗ tôi được biết, độc giả thuở đó rất thích đọc ông. Tại sao ông không có tác phẩm nào ấn hành ở thời tiền chiến?
P D — Tại vì thời cuộc. Tôi nhớ chừng như vào khoảng cuối năm 1944, ông Vũ Đình Long và anh Vũ Bằng có yêu cầu tôi chọn lựa một số truyện tôi vừa ý nhất để in tác phẩm đầu tay. Công việc chưa hoàn tất thì cuộc đảo chính Nhật xảy ra. Tôi rời Đà-nẵng về quê. Rồi bị bệnh. Sau đó lại mất liên lạc. Tiếp đến… kháng chiến bùng nổ.
Phan Du trước và sau 1954
HMD — Trong thời kháng chiến ông ở đâu?
P D — Tôi tản cư lên miền núi, chỉ cách vùng Thượng-du độ nửa ngày đàng. Nhà cửa bị bom tan nát, vợ chồng con cái dắt díu nhau ra đi, với hai bàn tay trắng. Gần chín năm trời phải chống chỏi với một cuộc sống kham khổ ở một vùng núi non, đầy chướng khí, thú dữ, rắn độc.
HMD — Như thế thực quá khổ phải không ông?
P D — Khổ thì có khổ. Nhưng chính cuộc sống khắc khổ ấy, chính nghịch cảnh lại giúp ích cho chúng ta rất nhiều về mặt tạo dựng bản thân, về kinh nghiệm sống. Có những khả năng, đức tính tiềm tàng chỉ triển khai trong cảnh gian truân. Anh thử tưởng tượng, lúc đầu, vợ chồng tôi và hai đứa con thơ phải sống trong một lều tranh trơ vơ giữa rừng vắng, xa cách hẳn thôn xóm, đêm về thú dữ lẩn quẩn quanh hè và rắn độc vào nhà là chuyện rất thường. Nhất là rắn. Có hôm vợ tôi sờ vào nôi lúc nhá nhem tối, tay chạm phải một vật gì mềm nhũn. Soi đèn mới biết đó là một chú rắn lục nằm khoanh tròn trên tã. Vùng này lại còn giữ phong thói hoán vật, nếu mình không tự sản xuất được lúa, khoai hay các sản phẩm khác thì khó mà sống được. Nhờ vậy mà chúng tôi cũng hóa dạn lần ra, cũng phát rẫy, cuốc đất, cũng tập được kinh nghiệm chế ngự hoang vu và quen với cuộc vật lộn cùng đá, cùng đất, cùng nước độc, rừng thiêng. Và khi đã hòa mình được vào cuộc sống ấy rồi thì lại khám phá được nhiều cái thú, khám phá được cái lạc thú sinh hoạt ngay ở những nơi, ngay trong những cảnh mà cứ đứng ngoài, hay đứng xa để nhìn, chúng ta cứ tưởng là khó mà sống nổi. Tình yeu giữa vợ chồng tôi hiện nay mà mặn nồng thắm thiết, một phần cũng chính là vì những kỷ niệm vui buồn còn lưu lại từ cuộc sống gian khổ khôn lường ấy. Tôi đã có ý định viết một truyện dài để phản ảnh lại cuộc sống thời đó, tôi tin là sẽ rất hấp dẫn và bổ ích cho người đọc…
HMD — Trong thời gian ấy ông có sáng tác không?
P D — Không! Có lần Tỉnh-hội mời tôi gởi sáng tác. Nể lời, tôi có viết mấy truyện. Được khen về kỹ thuật, bút pháp, nhưng chê dài về lập trường. Tuy được khuyến khích viets thêm, nhưng vì cái khoản “lập trường” mà tôi mất hứng. Tôi không viết nữa. Ngoài việc dạy học tư, tôi chỉ đọc sách và ghi chép những nhận xét, cảm nghĩ của tôi cũng như những kinh nghiệm về đời sống ở miền sơn cước trong hoàn cảnh kháng chiến. Tôi tiếc là những ghi chép đó bị thất lạc rất nhiều.

HMD — Ông về đây năm nào?
P D — Năm 1954…
HMD — Rồi ông lại bắt đầu sáng tác?
P D — Lẽ tự nhiên…
HMD – Vì đã thoát nạn “lập trường”?
P D — Đâu đã thoát. Hết nạn “lập trường” bên kia, lại đến nạn “lập trường” bên này. Anh có đọc truyện Cái cùm thứ hai của tôi không? Chuyện một thằng dân đen bị cùm, nằm trong bóng tối, trải qua những hai chế độ, hóa ra ngu đần và quá quen với bóng tối đến nỗi khi được tháo cùm, thay vì hoan hỉ vui reo, nó cứ lùi mãi vào bóng tối, nó khiếp sợ ánh sáng, nó chui vào xó cũ, nằm y với trạng thái cũ, hầu như là còn vướng mắc bởi một chiếc cùm vô hình, chiếc cùm thứ hai. Nghe qua, anh cũng đủ hiểu chủ ý của tôi là như thế nào. Ấy vậy mà cái ông chủ nhiệm tờ tạp chí tôi cộng tác lúc bấy giờ, một ông công chức hạng bự, một hai yêu cầu tôi phải cho cái “thằng dân” ấy đứng lên hoan hô chính quyền. Thực là một chuyện khôi hài. Tôi vừa tức cười mà cũng vừa nổi tức thực sự, nên tôi đã mắng ngay vào mặt và rút lui bản thảo. Lại một lần khác, cũng vì cái chuyện lập trường, một truyện ngắn của tôi đăng trên báo Trách nhiệm, bị xuyên tạc làm sao đó, mà báo đã phát hành, tòa báo phải đánh điện cho các đại lý để thu hồi cấp tốc. Đó là dưới thời cụ Ngô. Về sau này có đỡ hơn, nhưng các tryện của tôi thường bị kiểm duyệt nhiều. Trên tờ Văn truyện Hồi hộp phải lược bỏ nhiều đoạn mới lọt được lưỡi kéo của bà Kiểm. Và truyện Đêm hỏa châu, đã sắp chữ xong hết, đã vỗ thành morasse, vẫn bị bỏ hoàn toàn. Nghe đâu anh Phong-Giao còn gặp khó khăn nữa là khác, vì bà Kiểm cho rằng truyện đó có mùi “phản chiến.” Thực ra thì có gì đâu gọi là phản chiến. Nhiều khi muốn tránh sự phiền phức cho tờ báo, mình phải viết những loại không công phạt, nhưng những sáng tác như thế, khi đã đăng ra, chính mình lại không còn muốn liếc nhìn trở lại.
HMD — Tình trạng ấy có làm ông chán nản lắm không?
P D — Chán thì không chán. Nhưng tôi nghĩ cứ phải tránh né bà Kiểm-duyệt mãi để thoát qua cho trót lọt, thì có viết cũng như không. Tôi tạm nghỉ viết truyện ngắn để chuyên chú vào việc sáng tác truyện dài, và tin rằng truyện hoàn thành chắc là sẽ đã có sự đổi thay về chế độ kiểm duyệt.
HMD — Trên đây ông đã nhắc tới những khó khăn mà tòa soạn Văn đã gặp phải khi giới thiệu những sáng tác của ông. Ông có nghĩ là ở nước ta có một nền văn chương được gọi là văn chương “viễn mơ” chăng? (trước hết, ông có đồng ý với tên gọi viễn mơ không đã?) và riêng tờ Văn có phải thuộc loại báo làm văn nghệ viễn mơ chăng?
P D — Viễn mơ? Danh từ chưa được chỉnh cho lắm, nhưng nếu anh muốn tôi phải tìm một danh từ khác thì tôi cũng bí, ít ra là ngay bây giờ. Thôi thì cứ tạm gọi như vậy. Và tôi nghĩ là có. Còn riêng về Văn, tự nó, với nội dung của nó, với quan điểm, thái độ cũng như thiện ý, cái chí tình của người chủ trương cũng đã nói lên, đã xác định quá rõ với độc giả là nó có thuộc về loại văn nghệ đó hay không từ lâu rồi mà.
Phỏng vấn Phan Du về việc in các sáng tác của ông
HMD — Chừng như ông còn muốn đi cả về con đường sưu khảo, chẳng hạn như viết tập Truyện con người.
P D — Nói cho đúng, về công việc sưu khảo tôi chỉ nhắm mục đích học hỏi, bồi dưỡng kiến thức mà thôi. Con người làm văn nghệ phải trau dồi kiến thức không ngừng. Phải học mãi. Tôi cầu học chứ không có ý định viết sách. Trước kia, cũng như bây giờ, tôi thích theo dõi, tìm hiểu về các tiến bộ của sinh vật học, về các thuyết tiến hóa. Do cái thích này, tôi đi lần tới chỗ ham đọc các loại sách về nhân loại học, cổ sinh vật học và khảo cổ tiền sử. Tôi nghĩ con người muốn hiểu mình, muốn nhận định rõ vị trí, tư thế, hướng tiến của con người trong dòng sống, càng cần phải tìm hiểu rất kỹ về quá khứ của chủng loại mình, cái quá khứ đã được nhân hóa cũng như cái quá khứ đang còn đắm chìm trong vòng phàm thú. Các khám phá mới mẻ, những tiến bộ thu đạt ngày càng nhiều của ngành sinh vật học, nhất là di truyền học, thái sinh học, cũng như cổ sinh vật học, khảo cổ tiền sử soi sáng rất nhiều về phương diện này và giúp chúng ta, càng tìm hiểu ý nghĩa, càng điều chỉnh được những quan niệm lệch lạc từng có về các vấn đề xã hội, đạo đức, giáo dục và ngay cả triết học, đồng thời cũng làm sáng tỏ ở ta cái ý thức trách nhiệm của cả chủng loại, của mỗi cá nhân, đối với cuộc tiến hóa mà loài người đã tỏ ra có nhiều khả năng để can thiệp vào. Phát huy được cái ý thức trách nhiệm này tưởng cũng là một nhiệm vụ nằm trong cái thiên chức của người viết văn…
HMD — Ông đã không có ý định viết sách, tại sao lại có tập Truyện con người?
P D — Đó là do đề nghị của Vũ-Hạnh và sự yêu cầu của nhà xuất bản Cảo Thơm. Vũ-Hạnh thúc giục nhiều lần tôi mới soạn thảo quyển đó. Truyện con người chưa có gì đáng kể. Nó chỉ là một loại “vulgarisation” mà thôi, chưa có gì vè phần tôi trong đó. Tôi soạn xong hồi ở Sài-gòn giao cho Cảo Thơm mà không chắc là họ in được, bởi lẽ sự ấn hành đòi hỏi nhiều công phu lại là loại sách kén độc giả. Rồi tôi về Huế. Một năm qua, Cảo Thơm mới tin cho tôi biết là đã chuẩn bị xong và bắt đầu in. Nói là bắt đầu, nhưng khi Cảo Thơm nhắn tin ra Huế thì sách đã sắp chữ đến trang 128. Tôi muốn bổ túc, nhưng nếu bổ túc theo đúng ý tôi thì số trang từ 408 sẽ tăng lên tới trên 600 chưa kể số tranh ảnh cần thêm và đòi hỏi cả một sự xáo trộn mà nhà xuất bản khó thể chấp nhận. Tôi đành chịu vậy.
HMD — Ông có ý định cho tái bản quyển Hai chậu lan Tố-tâm không? Và sau những tác phẩm này, ông có dự định cho tác phẩm nào ra đời nữa không?
P D — Về chuyện tái bản H.C.L.T.T. tôi dành quyền quyết định cho nhà Cảo Thơm. Nhà Cảo Thơm còn định in quyển Giấc mộng kinh sư, vốn đã có đăng một ít ở phần thứ nhất trong mấy kỳ Văn-hóa Nguyệt-san. Nhưng quyển này tôi muốn viết lại hẳn. Ý định này là do sự góp ý kiến của anh Nguyễn Văn Xuân trong dịp gặp nhau ở Đà-nẵng vào dạo tháng 8-1968. Có một tập truyện ngắn nhà Giao-điểm nhận in, nhưng rồi còn nằm kẹt trong đó vì nạn kiểm duyệt. Kể ra số truyện ngắn còn lại, nếu cứ in từng tập năm sáu truyện như các văn hữu thường làm, thì cũng được độ năm, sáu tác phẩm nữa, nhưng tôi lười về mặt xuất bản lắm. Tự bỏ tiền ra mà in đó là chuyện tôi không bao giờ làm.
Quan niệm về nghề văn của Phan Du
HMD — Người ta thường nói sáng tác đối với nhà văn cũng cần thiết như ăn, như thở có đúng như thế không?
P D — Quả có như thế. Không viết được thứ này thì cũng phải viết thứ khác, không thể ở không, ngồi không.
HMD — Nhà văn Nguyễn Mạnh-Côn có nói “nhà văn là những người mang trong bản thân cái sứ mạng thiêng liêng là tìm thấy và chỉ đường cho tất cả những người còn lại”; ông có cho là đúng không, và có nhận lấy niềm kiêu hãnh đó không?
P D — Cũng có thể như vậy. Nhưng riêng về phần tôi, tôi không dám có cao vọng đó. Tôi nghĩ một cách khiêm nhượng hơn. Tôi nghĩ rằng cái sứ mạng mà người cầm bút không thể quên được và cần phải kinh sợ để không xa rời là, với cái cảm tính bén nhạy của mình, với những xúc cảm chân thành, những thể nghiệm sâu sắc về cuộc sống, những nghệ cảm được chọn lọc kỹ càng, khơi động ở người đọc những cảm niệm sâu xa về con người, khơi động cái hứng khởi, ý nguyện khắc phục bản thân để tiến về Thiện, Mỹ. Chỉ làm được cái việc khơi động đó cũng đã là quí và khó lắm rồi. Và cần thiết nữa. Vì văn nghệ có thay đổi được thế giới này hay không đó là chuyện đang còn tranh luận. Nhưng điều hiển nhiên, không ai phủ nhận được, là văn nghệ có thể thay đổi tâm tính con người và thay đổi một cách sâu xa. Cái sứ mạng này tuy có khiêm nhượng hơn nhưng không kém khó khăn, anh à!
HMD — Ý ông muốn nói?
P D — Tôi muốn nói là… với ý hướng trên, người viết văn không những phải lo trau dồi kỹ thuật, kiến thức không ngừng, phải suy nghiệm nhiều về cuộc sống, hội sống, mà còn phải cải tiến bản thân theo chiều hướng cách mạng, phải đục đẽo, mài dũa nó một cách quyết liệt, tàn nhẫn như nhà nghệ sĩ đục đẽo khối đá cho thành tác phẩm. Nghĩa là phải trau dồi nhân cách. Vì văn là người, và có thực sự yêu chuộng Thiện, Mỹ, có thực sự sống với cái chí nguyện dó, có cố gắng thể hiện cái chí nguyện đó ngay từ bản thân mình, thì mới có những truyền cảm Thiện Mỹ chân thành, mới có tác dụng khơi động ở người, không thì lại vấp vào cái lối dĩ văn tải đạo vụng về, giả tạo mà thôi.
Phỏng vấn Phan Du về sự kiện Mậu Thân 1968
HMD — Ông đã sống qua biến cố đau lòng Tết Mậu-Thân tại Cố-đô Huế, xin ông cho biết cảm nghĩ của ông về biến cố đó.
PD — Tôi đã từng sống gần chín năm trời giữa những thảm cảnh chiến tranh và sự đe dọa không ngừng của bom đạn ở thời kháng chiến, nhưng tôi có thể nói là hai ngươi sáu ngày của biến cố Mậu-Thân ở Huế có thể là những ngày dài hơn nhiều và thê thảm hơn nhiều. Cố-đô tự dưng biến thành một hỏa ngục không có lối thoát, một thế giới quỷ khốc thần sầu, trong đó cái sống cách cái chết chỉ một sợi tơ, sợi tóc, và người dân bất cứ giờ phút nào cũng có thể làm mồi cho súng đạn của cả hai bên. Khổ nỗi là tôi đã phải sống qua chuỗi ngày đen tối, thê thảm ấy với tâm hồn của con người văn nghệ. Cũng như dưới mắt y sĩ, một bệnh nhân là một bệnh nhân bất luận sang hèn, thù bạn, dưới mắt con người văn nghệ một xác chết là một xác chết dù là của người ben này hay của người bên kia, với lại có ai vào đó, toàn là người Việt cả mà. Cân não, tâm hồn tôi trong thời gian ấy, lúc nào cũng căng thẳng như một sợi dây đàn rớm đứt, nhất là sau một buổi sớm phải ngắm nhìn cái cảnh xác người nằm lẫn xác chó ở vườn hoa Nguyễn Hoàng. Giữa cái cảnh đổ vỡ, nhào lộn đẫm máu, đẫm lệ nồng nặc cả mùi tử khi ấy, người ta không những chỉ nghe có tiếng rền rĩ đau thương của con người, mà con nghe cả tiếng rền rĩ đau thương vật vã của đất nước… Có biết bao nhiêu là nhận xét, là cảm nghĩ, suy tưởng xót xa, chua chát, đắng cay… nói làm sao cho hết!
HMD — Ông có dự định sẽ phản ánh biến cố đó trong một tác phẩm nào không?
P D — Nhã-Ca, trong dịp cùng đức lang quân ra Huế, ghé thăm tôi, cũng đã có hỏi về chuyện đó, có nhắc nhở đến chuyện đó. Lẽ tự nhiên là phải có. Cũng như Nhã-Ca, cũng như tất cả những văn hữu đã sống qua biến cố, tôi không thể để cho trôi qua, cho tan biến đi trong im lặng những gì mà tôi phải nói lên về biến cố với tư cách là một chứng nhân. Nhưng biến cố Mậu Thân ở Huế có lắm chuyện éo le, lắm ản khuất, hiện tượng bi đát, nghịch lý đến dở khóc, dở cười, viết ngay bây giờ tôi ngại nỗi khó mà phản ảnh trung thực đúng như ý muốn.
HMD — Ông nghĩ thế nào về cái thường được gọi là “văn chương dấn thân”?
P D — Văn chương nghệ thuật đã đành không phải là thứ có thể làm cho lúa trổ bông, cho khoai ra củ, nhưng nếu không có văn chương, nghệ thuật, thiết tưởng con vật đứng thẳng cũng khó mà vươn cao hơn những loài bò lết và các giống bốn chân. Từng có chủ trương cho rằng văn nghệ chỉ cần làm cho con người biết mơ mộng một thế giới khác mà thôi. Quan niệm này không hẳn là sai, nhưng có phần quá trớn. Làm cho con người biết mơ mộng một thế giới khác đó là điều hay, là một phần trong chủ đích văn nghệ. Nhưng nếu chỉ mơ mộng mà thôi, nếu chỉ dừng lại ở đó, nếu cái thế giới mơ mộng ấy chỉ nằm trong chữ nghĩa, trong màu sắc, thanh âm, đường nét thì văn nghệ quả chưa làm tròn sứ mạng của nó và vô tình chỉ lặp lại cái phương thức thoa dịu bất lực của tôn giáo với những viễn ảnh Thiên-đàng, Cực-lạc. Nghệ thuật đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử nhân loại, ngay từ cái thuở con người còn chui động, rúc hang. Những nét họa, hình họa, hình chạm trên mặt đá, trên vách hang động âm u của các lớp người tiền sử ít ra cũng đã mặc khải với chúng ta cái lý do phát hiện của nghệ thuật và cái ý nghĩa của lối mơ mộng ở con người nghệ sĩ. Từ cái sự kiện này mà suy ra, thì cái thế giới mơ mộng cần tạo phải là một thế giới không quá xa với tầm với của loài người, phải là một thứ thực-tại-khác mà nhân loại, nếu muốn, có thể thể hiện ngay trên mặt tinh cầu. Và văn nghệ, khi tạo ra cái thế giới ấy, khi làm cho con người biết mơ mộng cái thực-tại-khác ấy, phải đồng thời tạo ra ở con người nguồn sinh khí, phải khơi động cái quyết tâm, hứng khởi và những đức tính còn tiềm tàng mà rất cần thiết cho việc thể hiện giấc mơ. Con người văn nghệ do đó càng phải có ý thức trách nhiệm đối với cuộc sống và không thể quên rằng cái phương tiện mình nắm trong tay rất có thể dự phần, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc gián tiếp hay trực tiếp, vào việc vun xới thế giới bông hoa. Quan niệm dấn thân để được chính xác, để khỏi hạ thấp giá trị của văn nghệ, còn được xây dựng ngay trên những nhận thức nói trên. Cho nên tôi rất đồng ý với văn hào John Steinbeck khi ông ta nói: “Có thể phân biệt được trào lưu văn nghệ có tính cách lịch sử văn học với ‘ thẩm mỹ văn nghệ’ chỉ nhằm gây xúc động cho người đọc. Nhưng cũng có một điểm mà lịch sử với thẩm mỹ gặp gỡ nhau, đó là sự gặp gỡ trong một thể văn nghệ dấn thân.”
Phan Du nói về các nhà văn trẻ mà ông đọc
HMD — Ông nghĩ thế nào về những nhà văn trẻ? Ông có đọc họ không? Theo ông, họ có những ưu điểm nào, khuyết điểm nào?
P D — Đã thiết tha với văn nghệ, với nền văn nghệ của xứ sở thì lớp người đi trước bao giờ cũng thích hướng về lớp trẻ, mong chờ ở họ những tài năng mới lạ. Đọc họ không? Tôi thường đọc. Nhưng cũng như tôi đã nói, tôi vốn cầu học, công việc sưu khảo, tìm hiểu để lấp những khoảng trống “dốt nát” của mình, cộng thêm với công việc viết lách, đã choán quá nhiều thời giờ nên tiếc là không đọc họ được nhiều và đủ các tác giả. Chỉ một số thôi. Y Uyên, Thế Uyên, Lê Tất Điều, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nhã Ca, Túy Hồng. Trội hơn về tuổi tác thì có Dương Nghiễm Mậu và Võ Hồng là hai tác giả tôi thích. Võ Hồng có gì gần tôi. Còn ưu khuyết? Xin cho tôi được dè dặt về điểm này. Lẽ tự nhiên khi đọc là đã có chú ý đến một số ưu khuyết, nhưng tôi nghĩ tôi chỉ đọc với lối đọc của độc giả chứ chưa đọc theo lối đọc của nhà phê bình, lại chưa đọc được toàn bộ tác phẩm của mỗi tác giả, cho nên về sự phê phán ưu khuyết, nếu chỉ nói ra trong những buổi mạn đàm giữa hai anh em để trao đổi ý kiến thì được, còn trên giấy trắng mực đen tôi thấy cần phải xét kỹ lại đã, vì sự phê phán không chính xác không những bất lợi cho các tác giả mà còn cho cả độc giả của họ nữa, dù nêu các khuyết hay nói đến cái ưu. Ngoài việc đọc các nhà văn trẻ có tác phẩm hoặc có tên tuổi, tôi còn tìm đọc những sáng tác của các bạn trẻ đăng rải rác trên các trang tạp chí, và đối với số anh em sinh viên, thanh niên năng lui tới, gần gũi, tôi thường đặt nặng vấn đề khuyến khích, thúc đẩy những người xét ra có khiếu văn chương về chuyện sáng tác.
HMD — Những người quen biết thường bảo ông ít nói, luôn luôn ưu tư, có lẽ ông mang một tâm sự nào chăng?
P D — Không đúng là tôi ít nói. Khi xét thấy cần thì tôi cũng nói nhiều. Nhưng tôi chỉ nói những gì thực sự là cần. Từ lâu, tôi rèn luyện đức tính “Se taire”. Đức tính này rất quý, anh à. Se taire không phải là không nói, ít nói, nhưng không nói những câu, những lời, những tiếng vô ích, hay có hại cho người nghe. Đức tính này không những gây được sự tin cẩn ở những người chung quanh mà còn dành cho mình nhiều thì giờ hơn để suy tư. Và đã làm chủ được ngôn từ thì cũng làm chủ được mình ở nhiều phương diện khác. Còn ưu tư? Không. Suy tư thì có nhưng ưu tư thì không. Tâm hồn tôi rất thanh thản, vì tôi không bận bịu chút nào về những chuyện được mất, về cái thương cái ghét cái khinh cái trọng, sự khen hay chê của tha nhân đối với mình. Hơn nữa, tôi sống với tinh thần “tri túc” nhưng chỉ “tri túc” về phương diện vật chất mà thôi, về nhu cầu vật chất chứ không bao giờ tôi chịu “tri túc” về phương diện tinh thần. Sự gian khổ mà tôi đã phải chịu đựng rất nhiều, đã giúp cho tôi cái bí quyết tạo được lạc thú sinh hoạt trong bất cứ hoàn cảnh nào và tạo được với những điều kiện rất là giản dị.
HMD — Với cái ý hướng ông nói về cái thiên chức của người cầm bút, ông nghĩ thế nào về cái tình trạng mà nhiều người phàn nàn là trên thị trường hiện nay có quá nhiều tác phẩm không đúng đắn, đầu độc thanh niên?
P D — Đó là một thực trạng đáng buồn, đáng đau lòng. Nhưng dường như gần đây đã có một dấu hiệu đáng mừng, là có nhiều nhà văn, nhà giáo, nhà xuất bản quan tâm đến vấn đề “giải độc”. Tôi nghĩ các người có thiện chí, các cơ quan giáo dục, các giới phụ huynh nên tiếp tay mạnh vào công việc nâng đỡ, khích lệ việc làm trên đây.
HMD — Những nhà văn, nhà thơ nước ta đa số là nghèo, khi sống không đủ ăn, khi chết không đủ ấm quan tài, điển hình là nhà văn Lê Văn Trương, thi sĩ Đinh Hùng, ông có cảm nghĩ gì về sự bạc bẽo đó của nghề viết văn?
P D – Đó là một thực trạng hiển nhiên. Nhưng tôi nghĩ rằng đã chọn nghề viết văn thì phải sẵn sàng và can đảm mà chấp nhận sự bạc bẽo đó. Có người quan niệm rằng nên có sự nâng đỡ thiết thực của chính quyền để cho nhà văn đỡ khổ. Tôi không đồng ý chút nào. Văn nghệ chân chính không bao giờ chấp nhận chuyện đó và cũng khó để phát triển được với sự nâng đỡ của chính quyền. Văn nghệ chân chính là thứ dị thảo chỉ có thể đơm hoa trong không khí tự do và trong cái thế độc lập mà thôi.
Về thói quen sinh hoạt hàng ngày
HMD — Chừng như ông làm việc nhiều lắm phải không?
P D — Ngoài công việc phải làm ở sở, tôi tranh thủ tất cả thời giờ còn lại để đọc, ghi chép, suy ngẫm, và sáng tác. Càng lớn tuổi, càng thấy thời gian trôi qua nhanh vội, quả là như bóng câu, như tên bay. Tôi đọc sách về đêm, sáng tác về khuya. Ngủ vào khoảng 11g30 hay 12 giờ, dậy lúc 4 giờ, tự đun nước pha trà rồi viết đến 7 giờ. Đều đều như vậy mà vẫn chưa nên được tích sự gì…
HMD — Ông không nghĩ đến chuyện tiêu khiển hay sao?
P D — Có chứ. Tôi vẫn dành một ít thì giờ trong ngày để nghe nhạc, chăm sóc hoa kiểng và chơi với mấy đứa con tôi, hay thỉnh thoảng đưa chúng đi chơi.
HMD — Một câu hỏi chót: hiện nay, cứ nói riêng ở Huế, có rất nhiều người trẻ làm văn nghệ, họ mang hành trang, dấn thân trên con đường gai góc, ông có gì cần nhắn nhủ họ không?
P D — Những gì cần nhắn nhủ? Đó là cái thiên chức mà tôi đã nói với anh. Và nếu cần phải nói thêm, thì đó là: Người làm công việc sáng tác, trước hết, là sáng tác cho chính mình; nhưng tôi ước muốn các bạn trẻ làm công việc sáng tác, ngoài chính mình ra, đừng quên là còn có bạn đọc, — còn có quần chúng độc giả mà văn nghệ có thể vươn tới, nhập vào, và gây tác dụng…
HỒ MINH DŨNG thực-hiện
(Huế, 5.5.1969)