Con người và tác phẩm Nguyễn Nhược Pháp

Đời tuy ngắn, Nguyễn Nhược Pháp đã để lại trong văn giới Việt Nam cận đại một tên tuổi được nhiều người nhắc đến và thành thực mến yêu vì nó tượng trưng tất cả cái tươi tắn của một tân hồn thanh niên mới nở. (Nguyễn Giang, lời tựa tập Tình trẻ thơ)

Tôi đọc về Nguyễn Nhược Pháp lần đầu là qua cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân. Sau này, nhờ đọc Văn thi sĩ tiền chiến của Nguyễn Vỹ mà tôi được hiểu rõ hơn về con người nhà thơ, nhất là rất ấn tượng với chuyện giữa Nhược Pháp và một cô gái áo đen mà theo lời kể thì là intersexual. Câu chuyện đó, lại cả bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, làm tôi nghĩ ông có một cái gì đó linh hoạt kiểu nam chính trong Hồn bướm mơ tiên.

Tiểu sử Nguyễn Nhược Pháp

Nguyễn Nhược Pháp sinh ngày 12 tháng 12 năm 1914, là con trai thứ của Nguyễn Văn Vĩnh và là em của nhà thơ Nguyễn Giang, tác giả tập thơ Trời xanh thêm. Nguyễn Văn Vĩnh từng kể nguyên do đặt tên con là Nhược Pháp (xem Vài dật sự về Nguyễn Văn Vĩnh).

Thuở nhỏ học trường trung học Albert Sarraut, sau khi đỗ Tú tài thì theo học Luật trong một thời gian ngắn, cùng khóa với Phạm Huy Thông. Nguyễn Nhược Pháp qua đời tại bệnh viện Lanessan, Hà Nội, vào ngày 19-11-1938 vì bệnh thương hàn.

Bàng Bá Lân có kể về việc Nguyễn Nhược Pháp chống Thế Lữ: 

“Hồi ấy, thơ mới đang được đất nẩy nở. Ngôi sang Thế Lữ đang sáng chói. Trên thi đàn, nhà thơ này mặc sức dương đông kích tây. Dưới bút hiệu Lê Ta, ông phê bình thơ người này người khác. Phần nhiều bị ông diễu cợt chê bai. Thảng hoặc có tập thơ được ông khen, nhưng lại khen bằng một giọng trịch thượng. Được vậy là nhờ nhóm Tự Lực văn đoàn đang có ưu thế và báo Phong Hóa đang được nhiều người ủng hộ. Giữa lúc ấy, Nhược Pháp đứng ra chống với Thế Lữ. Luôn mấy kỳ, trên báo L’Annam Nouveau, anh phân tích và vạch rõ những cái dở, cái sai lầm trong thơ Thế Lữ. Thế Lữ hung hăng đả kích lại trên báo Phong Hóa. Nhưng trước những lý lẽ chắc chắn vững vàng trình bày bằng một giọng điềm đạm của Nhược Pháp, Thế Lữ nhụt dần.

Trong một bức thư viết cho tôi, Nhược Pháp có nói về Thế Lư như sau: Thế Lữ không phải là một người biết yêu sự thật giản dị. Thế Lữ ưa những sự hoang đường vô nghĩa lý, dễ lòe mắt trẻ con hay những người không có học. Lời phê bình tuy hơi khe khắt, nhưng không phải không có phần đúng”.

Ta biết là Nguyễn Nhược Pháp thì chơi với Nguyễn Vỹ mà Thế Lữ thì muốn dìm Nguyễn Vỹ cho bằng được, lại thêm sự hỗ trợ của Hoài Thanh Hoài Chân vì một món nợ cũ nên cuốn Thi nhân Việt Nam mới nói về Nguyễn Vỹ một cách xấu xí như vậy. Nguyễn Tuân nói về thơ Thế Lữ chỉ bảo: “chỉ có bài con hổ, nhưng bài đó hoàn toàn ăn cắp ý thơ trong bài thơ ngụ-ngôn của La Fontaine”, còn mấy bài kia ăn cắp ý thơ Tầu.

Tác phẩm của Nguyễn Nhược Pháp

Nguyễn Nhược Pháp viết nhiều thể loại, đăng trên các báo L’Annam Nouveau, Đông Dương tạp chí, Nhật Tân, Hà Nội báo Tinh hoa. Nhưng tác phẩm đầu tiên in thành sách là tập thơ Ngày xưa (Nguyễn Dương xuất bản tại Hà Nội năm 1935). Sách dầy 56 trang, khổ 19.5cm x 13cm, có một phụ bản của Nguyễn Giang vẽ hình Sơn Tinh có một mắt ở trán, tay cầm quyển Thơ. Trang đầu ghi Librairie Nouvelle Place Négrier Hanoi. Trang sau đề “Tặng anh Giang, N.N.P.”

Ngày xưa gồm 10 bài thơ, viết theo nhiều thể: ngũ ngôn, thất ngôn, thất ngôn bát cú. Cuối mỗi bài có ghi ngày tháng. Trong sách các bài thơ được sắp xếp như sau:

  1. Sơn tinh Thủy tinh (Avril 1933) thất ngôn
  2. Mị Châu (Janvier 1933) thất ngôn
  3. Giếng Trọng Thủy (Janvier 1933) thất ngôn
  4. Tay ngà (2 Mai 1934) ngũ ngôn
  5. Mị-Ê (Mai 1933) thất ngôn bát cú
  6. Một buổi chiều xuân (6 Mai 1933) ngũ ngôn
  7. Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống (30 Décembre 1932) thất ngôn bát cú
  8. Đi Cống (10 Mai 1933) thất ngôn
  9. Mây (25 Janvier 1934) ngũ ngôn
  10. Chùa Hương (Aout 1934) ngũ ngôn

Trong số trên có nhiều bài thơ hay, đáng kể là bài Chùa Hương từng được Trần Văn Khê phổ nhạc và rất phổ biến. Nhờ nó mà nhiều người còn nhắc đến Nguyễn Nhược Pháp sau này. Bàng Bá Lân thì cho rằng bài Sơn tinh Thủy tinh là bài có giá trị nhất trong tập ngày xưa. Nguyễn Nhược Pháp kể lại sự tích Sơn tinh Thủy tinh bằng thơ, với vẻ hóm hỉnh của riêng mình. Dưới đây là một đoạn trích từ bài thơ này:

Ngày xưa, khi rừng mây u ám
Sông núi còn vang um tiếng thần,
Con vua Hùng Vương thứ mười tám,
Mỵ Nương, xinh như tiên trên trần.
Tóc xanh viền má hây hây đỏ,
Miệng nàng hé thắm như san hô,
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ:
Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ.
Hùng Vương thường nhìn con yêu quá,
Chắp tay ngẩng lên giời tạ ân;
Rồi cười bảo xứng ngôi phò mã,
Trừ có ai ngang vì thần nhân.
Hay đâu thần tiên đi lấy vợ!
Sơn Tinh, Thuỷ Tinh lòng tơ vương,
Không quản rừng cao, sông cách trở,
Cùng đến Phong Châu xin Mỵ Nương.

Quyển sách thứ hai được in trong lúc nhà thơ còn sống là tập kịch Người học vẽ, vốn từng được đăng trên Hà Nội bác (những số chót, trước khi đình bản). Đây là một hài kịch ba hồi, xuất bản tại Hà Nội năm 1936, in tại nhà in Trung Bắc. Sách dầy 60 trang, khổ 19x13cm. 

Sau khi Nguyễn Nhược Pháp qua đời, nhà xuất bản Hoành Sơn của Nguyễn Giang có in tập Tình trẻ thơ vào năm 1950. Sách gồm bốn tác phẩm: Tình trẻ thơ (truyện), Mẹ và con (truyện), Một chiều Chủ Nhật (kịch) và Khỏi Nấc (kịch). Có lẽ đây là di cảo của Nguyễn Nhược Pháp được gia đình giữ lại.

Nguyễn Nhược Pháp qua đánh giá của người cùng thời

Dưới đây là một số tài liệu có thể giúp các nhà nghiên cứu văn học hiểu thêm về nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp:

  • Hoài Thanh và Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nguyễn Đức Phiên xuất bản ở Huế năm 1942. Bản in của nhà in Thụy Ký Hà Nội trang 316-325.
  • Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại – quyển 3, Thăng Long tái bản, Sài Gòn 1960, trang 701.
  • Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến, Khai Trí xuất bản, 1970
  • Bàng Bá Lân, Kỷ niệm văn thi sĩ hiện đại, quyển I, Xây Dựng xuất bản, 1962
  • Bài phê bình tập Ngày xưa của Tự Trị đăng trên Văn học tạp chí bộ mới, số 5, ra khoảng tháng 6-1935. 

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s