Thái Phỉ phỏng vấn Nguyễn Văn Vĩnh

Bài phỏng vấn “Một giờ với Nguyễn Văn Vĩnh” do Thái Phỉ thực hiện, đăng trên Tin Văn số 1 (28-7-1935) và số 2 (4-8-1935), được Nhị Linh chụp hình và đăng lên blog của anh ấy, nay tôi đánh máy ra đây.

Thật đúng như tôi đã đoán. Ông Nguyễn Văn Vĩnh đã nói chuyện với tôi bằng tiếng Tây như ông đã tiếp nhiều bạn đồng nghiệp khác đến phỏng vấn ông. Các ngài tính phỏng vấn cho một tờ báo quốc văn có cái tôn chỉ là vun đắp tiếng mẹ đẻ mà người phỏng vấn và người bị phỏng vấn lại đối đáp nhau bằng tiếng nước ngoài thì còn gì là trái ngược với lương tri bằng. Tôi nghĩ như vậy cho nên trong những thư từ trao đổi với “người dịch Molière”, tôi đã cố ý dùng quốc văn, cả đến cái bài đại lược cuộc phỏng vấn đưa trước cho ông cũng vậy, thế mà ông Vĩnh có lẽ không hiểu hay không muốn hiểu cho chỗ dụng tâm ấy, nên vừa mở đầu câu chuyện, ông đã nói tiếng tây rồi! Thói quen chăng?

Tất có người trách tôi rằng sao ngay lúc ấy lại không yêu cầu ông nói tiếng ta. Tôi cũng muốn làm thế, song cái lòng tự ái lại sui tôi nghĩ thế khác. Nó nói thầm vào tai tôi: “Ông Vĩnh vốn coi thường, coi khinh người ta, sẽ cho anh là người thế nào?”

Là một người không đủ sức học để chịu chuyện ông bằng tiếng Pháp, đời nào tôi lại muốn mang cái tiếng ấy.

Vì vậy mà câu chuyện đã mất đi một phần hứng vị: chúng ta không được nghe người có công đầu với quốc văn kể chuyện quốc văn bằng tiếng an nam.

Thái Phỉ Nguyễn Đức Phong

Bởi đã biết trước cái mục đích cuộc phỏng vấn này, ông Nguyễn Văn Vĩnh không để mất thời giờ, vào đề ngay: 

– Tôi không thích làm quảng cáo cho cái tên tôi.

Cái tên của cụ thì còn cần gì phải quảng cáo nữa. Từ trước đến nay, đã chán người đem nó ra làm quảng cáo rồi; tốt cũng có, mà xấu cũng nhiều. Chúng tôi nay không chủ tâm “đầu cơ” cái tên của cụ đâu. Chúng tôi chỉ có cái mục đích là giúp ích cho quốc văn mà thôi.

– Thôi không hề gì, mà hình như ông có đưa trước cho tôi một bản kê đại lược những điều ông muốn hỏi thì phải. Không biết tôi để đâu mất rồi!

Trên mặt một cái bàn giấy lớn để ngổn ngang nào quyển “Bắc dược bản thảo”, nào quyển lịch “Chính thái song hỉ”, nào cuốn “Nam thị hợp tuyển”, nào mấy trang bài xã thuyết đang viết dở dang cho báo Trung Bắc tân văn, ông lục góc này, mở ngăn nọ để tìm bức thư của tôi.

Trong khi đó thì, trông thấy bức thư ấy lần trong một tập giấy, tôi liền rút nó ra và để trước mặt ông.

– À đây rồi.

Ông vừa nói vừa đeo mục kính rồi cầm thư lên đọc qua một lượt, đoạn lại đặt nó xuống bàn, cất cái giọng dễ dàng, chểnh mảng, dè dè của ông thường có:

– Tôi đẻ năm 1882, hai năm trước ngày người Pháp lấy Bắc Kỳ. Tôi học Trường Thông ngôn, ngăm 1892, nghĩa là khi tôi mới có mười tuổi, thì tốt nghiệp, đáng lẽ tôi đỗ thứ 12; nhưng không lẽ lại bổ một ông ký “oắt con” mới có mười tuổi đầu, người ta đánh hỏng tôi rồi bắt tôi học thêm bốn năm nữa và mãi đến năm 1896, khi tôi 14 tuổi, mới cho tôi đỗ mà đỗ đầu. Tôi được bổ lên Tòa Sứ Laokay. Khi tôi ra Phủ Thống sứ lấy giấy má, quan Chánh văn phòng Tissot phải lấy làm ngạc nhiên, vì ngài không thể tưởng tượng được rằng người ta lại bổ một thầy ký bé con lên tận trên Laokay, vì hồi ấy, lên Laokay có phải dễ dàng như bây giờ đâu, đi tầu lên Phố ta rồi từ đấy phải ngược lên bằng thuyền, vất vả lắm. Tháng Janvier năm 1897, tôi được đổi về tòa Đốc Lý Hải Phòng. Quan Đốc lý hồi ấy là ông Lebrun, người nóng tính lắm, nóng đến nỗi cầm cả lọ mực đập vào đầu quan Phó Đốc lý mà đối với tôi thì ngài vừa thương hại thầy ký bé bỏng cũng có, vừa yêu nể một người biết việc cũng nhiều, nên may tôi không bị nhục lần nào cả. Tôi bổ vào Bureau de la Chancellerie tức bây giờ là Bureau du Protectorat, giữ việc kiểm sát tầu bè ngoại quốc và danh sách những hành khách trên các tàu ấy. Có dịp giao thiệp với người Anh và người Tàu, tôi bắt đầu học tiếng anh và tiếng tàu từ đấy. Tôi là người biết trước cái phong trào xuất dương. Các nhà cách mệnh an nam bắt đầu sang Tàu và nhất là sang Nhật hồi ấy rất nhiều. Cụ Phan Bội Châu đi năm 1898 có phải là tôi không biết đâu. Song giữa một hải cảng khi ấy cũng đã bắt đầu náo nhiệt, tôi thấy mình nảy ra cái chí kinh doanh. Nhưng dá tôi có chí làm quan thì có lẽ bây giờ cũng đã nghiễm nhiên là một cụ Tổng đốc rồi. Nguyên hồi ấy có giặc Thiên bình, tôi có công dụ được một tay làm phản là Khóa Doãn tức Đề Doãn, nên được tư bổ tri huyện. Nhưng đời nào người ta lại bỏ làm cha mẹ dân một thầy ký mới có 16 tuổi, nên tôi chỉ được thưởng ba trăm bạc và đặc cách thăng trật sớm một năm.

Trường Thông ngôn người Pháp đặt tại đình An Trí ở phố Phó Đức Chính ngày nay, nơi học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) từng theo học.

Giờ thì xin cụ cho biết sự đào tạo của cụ thế nào?

– Tôi học lấy nhiều. Nhưng tôi phải thú thật rằng tôi chịu ảnh hưởng của thầy đồ chữ Hán của tôi là cụ Phan Hữu Đại cũng lắm. Tôi phải thành thực nói rằng cụ Phan Hữu Đại là một nhà hiền triết nhất nước Nam. Cụ người tỉnh Vĩnh Yên, trước ngồi dạy học ở nhà tôi, sau được bổ tri huyện Tiên Lãng (Kiến An) vào hồi có loạn Thiên bình, giữa khi tôi còn làm việc ở tòa Đốc lý Hải Phòng.

Cụ có những tư tưởng rất lạ. Nói chuyện với quan Công sứ Kiến An, cụ chê cái chế độ chúng dân đầu phiếu, cho rằng dân phần đông còn ngu, để cho những người ngu trị nước thì nước yên làm sao được. Mà ông phải biết rằng thời bấy giờ các nhà nho ta đã bắt đầu đọc những sách của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu mà họ gọi là “tân thư” và đã nhiễm những tư tưởng dân quyền rồi đấy. Thế mà riêng cụ Phan Hữu Đại có nhiều những tư tưởng khác họ. Những ý kiến tôi đem ra viết báo bây giờ, khi ấy, cụ đã có rồi. Tuy vậy cụ thích đọc lịch sử nước Pháp ở ngay chữ pháp diễn nôm ra. Chiều ý cụ, tôi liền dịch một quyển Pháp sử ra quốc ngữ để đọc cho cụ nghe. Cái ý kiến dịch sách tây của tôi nảy ra từ đó, nhất là từ năm 1899 và 1900, khi mới có 17, 18 tuổi tôi cả gan dịch Contrat social của J. J. Rosseau và Esprit des lois của Montesquieu, được ông Nguyễn Dực Văn, ký lục, bạn đồng tòa của tôi ở Bắc Ninh, khuyến khích. Ông Văn đọc những sách ấy ở các sách Dân ướcVạn pháp tinh lý hay Pháp ý của Tàu dịch ở sách tây ra, rồi đem so sánh hai bản dịch thì thấy bản dịch của tôi cũng đúng. Tuy vậy, thấy chỗ nào đáng ngờ, hai chúng tôi lại đem ra bàn bạc với nhau, cái trí phê bình của tôi phát ra từ độ áy. Tôi lại dịch cả tập thứ nhất cuốn Traité de l’Esprit của Helvétius nữa. Hồi ấy nhằm vào năm 1905.

Thế rồi vì trường hợp gì mà cụ lại bỏ nghề cạo giấy để bước vào làng báo?

– Năm 1906, tôi được cử vào phái bộ sang dự cuộc Đấu xảo Marseille. Dan hàng của Bắc Kỳ dựng ở liền dan hàng của báo Le Petit Marseillais. Ông chủ tờ báo ấy hiện giờ còn sống, muốn làm quảng cáo cho báo mình, đã khuân cả cái tòa báo vào trong trường Đấu xảo; xưởng máy, tòa soạn, tòa trị sự, đủ cả. Hằng ngày, tôi thấy cái cảnh hoạt động trong tòa báo ấy mà thèm: máy chạy ầm ầm, phóng viên đi lấy tin tới tấp. Tôi thấy như tôi đâm mê về cái nghề làm báo. Cả ngày tôi sang lân la hỏi hết cái này đến cái nọ. Ông chủ báo ôn tồn giảng giải cho tôi rất tử tế. Tháng Février năm 1907, tôi về nước, đem chuyện làm báo nói với ông Đỗ Thận, ông này khi ấy đang làm cho ông Schneider, chủ nhà in.

Đoàn đại biểu đầu tiên của người Annam thuộc xứ Nam Kỳ tại Hội chợ Thuộc địa Marseille 1906
(Nguyễn Văn Vĩnh đội mũ trắng, bên cạnh là Trần Trọng Kim)

Sau một cuộc thương thuyết giữa ông Đỗ Thận và ông Schneider mà kết quả là ông Schneider quyết định đổi tờ quan báo “Đại-Nam đồng-văn nhật-báo” ra làm “Đăng-cổ tùng-báo”, có cả phần pháp văn tên là “Tribune Indochinoise”, trùng tên với cơ quan của đảng Lập hiến ở Nam kỳ bây giờ.

Thế là sau mười năm mài đũng quần trên cái ghế tòa sứ, ông Nguyễn Văn Vĩnh năm 25 tuổi, đã trở nên một nhà làm báo.

Đăng-cổ tùng-báo”, tờ báo quốc văn thứ nhất của ta ra số đầu vào ngày thứ năm 28 Mars 1907, có đăng bài sau này, ký tên V. mà chúng tôi lục ra đây để làm vật khảo chứng, vì nó có thể coi là bài báo quốc ngữ thứ nhất của ông Vĩnh.

TRƯỜNG KỸ NGHỆ HANOI

Ở Hanoi có mở ra trường học kỹ nghệ, đã ba bốn năm nay mà học trò vẫn ít lắm, đến nỗi nhà nước phải cho thêm tiền mấy đi học. Mà từ ngày khai trường ấy đến bây giờ, những người học ở đấy ra, thì đã thấy ai làm được cái gì để mở mang rộng sự buôn bán trong nước mình chút nào chưa?

Sự đó là bởi thế này:

Việc buôn bán trong một nước mà rộng ra hay là hẹp đi, là bởi ở người có của. Mà trong nước Nam, những người nhiều tiền bạc nhất thì chỉ có những nhà quan. Nhưng con quan thì lại mong đi làm quan, ngoại giả sự học hành để đi thi, thì không trọng nghệ gì cả. Các cậu ấm chỉ cứ ngâm nga hão hiền, hay dở chỉ ở bài thơ, bài kinh nghĩa: ngoại câu văn chương, dẫu có tài nghệ gì cũng chẳng ai khen, vụng cũng chẳng ai chê. Vả con nhà thế gia mà có làm nghề gì kiếm ăn, thì thiên hạ khinh, không trọng bằng tuy đói rách nhưng mà vẫn cứ nằm giài đọc thơ ngâm phú.

Bởi thế cho nên chỉ có con nhà thường dân đi học kỹ nghệ mà thôi, mà con nhà dân cũng chẳng mấy người muốn học là vì làm sao? Bởi rằng kẻ có nghề phải có vốn mấy dùng để làm ích cho mình được. Có tài mà tiền kém thì dẫu học được nghề khéo, bất quá lại phải đi làm công với người ta mà thôi. Lại thấy nhiều người khác cũng đi học, nhưng mà chỉ học vài ba năm chữ tây thì ra làm ông thông ông ký mà mình học cũng bấy nhiêu năm lại phải làm công ít tiền mà khó nhọc, vả lại thiên hạ không trọng bằng các thầy thông thầy ký, thế thì ai còn muốn học kỹ nghệ làm gì nữa?

Ấy tràng kỹ nghệ mà ít người học là bởi thế. Muốn cho những nghề hay ở trường ấy dậy mà có thể làm ích lợi cho dân ta được, thì trước hết những người nào của phải chịu khó đi học mà mở nghề mới ra, để mà mong lãi nhớn. Chớ đừng đeo đuổi mãi nghề ngồi không mà lại muốn làm đàn anh người ta. Thời thế mỗi ngày một đổi. Xưa còn có người vừa được đòn vừa lậy, bây giờ nghe đâu thiên hạ đã bớt dại rồi. 

Có tiền phải tìm đường sinh kế làm giầu to mới được. Làm giầu bây giờ tức là ái quốc đấy! Dân nước ta bây giờ mỗi ngày mỗi nghèo đi. Tiền còn ở trong tay người An Nam thì về sau còn có nghề mà làm được, chứ tiền sang tay chú Khách hết cả rồi, thì đến nỗi người chết đói sau chỉ trông kẻ chết đói trước mà thôi.

V.

Sở dĩ chúng tôi lục bài này ra đây là để các bạn đọc đem nó so sánh với những bài ông Vĩnh mới viết trở lại gần đây, để xem văn ông tiến thế nào, nhất là về đường hình thức.

Công việc của ông Vĩnh trong bộ biên tập “Đăng-cổ tùng-báo” thật là nặng nhọc. Một ông chủ bút kiêm viết cả xã thuyết lẫn thời sự, vì tuy gọi là tòa soạn đó, mà buổi đầu có lẽ chỉ một mình ông viết cả, từ những bài luận thuyết đánh thức đồng bào ký ten N. V. V., Tân-Nam-Tử, Mũi-tẹt-Tử, Ảh-mố, Tổng-già, Lang-già, những bài “Nhời đàn bà” đặc giọng đàn bà ký ten Đào-thị-Loan, cho đến những bài thời sự cỏn con đá khôi hài, đọc không thể nhịn cười.

Cả cái bài ông Trần Tán Bình diễn thuyết ở Nam Định về những cái tai nghe mắt thấy ở bên Pháp, mở đầu một cách thực thà như sau này:

“Tôi xin các ông đây, là anh em đồng bào với tôi, hẵng lẳng lặng vui lòng mà nghe.

Tên tôi là Trần Tán Bình. Ngày tháng hai tây năm ngoái, nhà nước có ý dúp cho nước Nam ta được sửa đổi, tấn tới đến cõi văn-minh thì có sai tôi cùng với chín ông quan nữa, ở Bắc Kỳ sang nước Đại Pháp xem xét mọi sự hay để về hiểu lại cho người bản quốc nghe, để ai nấy được hưởng những sự hay ấy.

Tôi sang bên quý quốc rồi. Những điều tôi trông thấy, thì thật từ xưa chưa từng trông thấy bao giờ; những nhời tôi nghe thấy từ xưa chưa từng nghe thấy bao giờ…

(Nhời ông Trần Tán Bình diễn thuyết ở Nam Định)

cũng do ông Vĩnh soạn ra, theo lời ông nói với tôi.

Trong bài nào, tôi cũng thấy cái lối văn giản dị, tự nhiên của ông Vĩnh, cái lối văn viết cũng như nói, nó như có đóng một cái “dấu” riêng “trộn không lẫn được”.

Mãi về sau này, khi viết Đông Dương tạp chíTrung Bắc tân văn, ông đã dùng dần dần nhiều chữ Hán và cho đến tận bây giờ, khi ông cần bày tỏ những chánh kiến của mình bằng quốc văn trên báo Trung Bắc Tân văn, cái lối văn thuần phác ấy cũng không thay đổi mấy.

Số Tin Văn đăng bài phỏng vấn Nguyễn Văn Vĩnh của Thái Phỉ

Song khảo cứu về văn ông Vĩnh không thuộc vào phạm vi bài này. Công việc đó, có dịp, tôi sẽ làm sau. Bây giờ tôi xin tiếp tục câu chuyện phỏng vấn mà ông Vĩnh xin lỗi đình lại vài phút, để xem tờ L’ Avenir du Tonkin trong đó có đăng 29 điều “sắc luật” của ông Laval về chánh sách khôi phục nền tài chánh nước Pháp.

Ông như chú trọng về việc ấy lắm, sau khi trao đổi mấy lời bình phẩm qua loa về cái chánh sách ấy với ông Lê Thăng, ông trở lại câu chuyện bỏ dở.

Hởi về việc kiểm duyệt báo chí hồi ấy, ông nói:

Đăng-cổ tùng-báo chẳng những bị kiểm duyệt mà thôi đâu. Ngoài những bài bị xóa ra, chúng tôi lại còn bắt buộc phải đăng những bài của Chánh phủ gửi đến nữa. Người giữ việc kiểm duyệt khi ấy là ông Bouchet, ông này trước còn khá sau vì một tiếng dùng trong baosmaf có kẻ bẻ ngay làm queo (trong một bài thơ có tiếng mút-xe, kẻ nịnh nói là tiếng ấy ám chỉ ông Bouchet) khiến ông ta hiểu lầm, sinh ra ác cảm với chút tôi.

Sau này báo “Đăng cổ” phải đình bản cũng vì không thể chịu được cái lối kiểm duyệt quá ngặt của ông Bouchet.

Thế mà sao tôi còn thấy trong báo “Đăng cổ” có một mục chép những điều báo Tây và người Tây kể xấu người Annam đề là: “Chúng nói ta”?

– Khi ấy, những bài báo đệ ra ty kiểm duyệt đều phải dịch ra tienegsT ây cả. Ông tính “chúng nói ra” mà dịch là “Ce qui’ils disent de nous” thì còn gì là cái nghĩa hỗn xược của tiếng an nam nữa.

Nhân nói đến việc phien dịch, tôi tưởng chẳng nên bỏ qua một công cuộc lớn lao của ông Vĩnh. Tôi muốn nói đến việc dịch sách của ông. 

Về viedjc này, hồi còn làm chủ bút “Đăng-cổ tùng-báo”, ông đã hô hào lập nên một “hội dịch sách”. Chủ nhật 4-8-1907, tức là 26 tháng 6 năm Thành Thái thứ 19, hội họp lần thứ nhất tại hội Trí Tri Hanoi, có tới 300 người dự. Ông Vĩnh có đọc một bài diễn văn dài, đại ý nói rằng nước Nam ta muốn tiến kịp người thì phải thâu thái lấy những tư tưởng mới, mà muốn cho những tư tưởng mới ấy lan khắp trong quốc dân, thì phải truyền bá nó ra bằng những sách dịch ở chữ nước ngoài ra tiếng an nam.

Về phương pháp dịch sách, ông nói:

“Chắc rằng làm việc là việc bạc, vì bây giờ đem sách người mà dịch ra tiếng bản quốc, nếu cứ dịch cho đúng từng chữ thì xem không thể hiểu được. Tất phải dịch lấy nghĩa. Lấy nhời nhẽ ta mà giải nhời nhẽ người. Đến lúc thiên hạ xem hiểu nhiều rồi, người rạch ròi muốn biết nghĩa thâm trầm thì lại đem dịch lại, nhưng lúc bây giờ dịch kỹ mới có người hiểu.

Cái phương pháp này, ông Vĩnh đã tự vạch ra cho người theo mà chính ông thì đã theo được đúng “Lấy nhời nhẽ ta mà giải nhời nhẽ người” văn lệ ấy ông Vĩnh không hề rời bỏ nó trong những khi có ở trước mắt những bản kịch của Molière, những tiểu thuyết của Fénelon, của Alexandre Dumas và của Victor Hugo, cả đến những bài ngụ ngôn của La Fontaine nữa.

Về sự lựa chọn sách để dịch, ông nói:

“Điều ấy phải để tùy ý những người dịch, vì những người đã có thể dịch được, tất học thức đã giộng, dân An nam đương cần học gì tất cũng đã biết, bây giờ chắc hẳn những điều cao kiến lắm, dân mình xưa nay trí khôn chỉ là là mặt đất, cũng chưa với đến được. Chắc các ông vào việc dịch sẽ trọn những sách phổ thông. Mỗi thứ phải có một ít. Cách trí, bác vật, hóa học, toán học, cơ khí học, thương mại học là điều cốt nhất. Nhưng tất trong hội các quan cũng nhiều ông xem ngoại thư cũng đã giộng, bây giờ lại đọc những sách phổ thông thì cũng khi nản, vậy xin thể nào cũng có dịch một hai quyển cao kiến như kinh tế học, chính trị học, luận lý học..”

Về những điều trên này, ông Vĩnh không thực hành hẳn được theo như ý định, vì sau này, người ta chỉ thấy ông dịch toàn những sách phổ thông dễ hiểu.

Nguyễn Văn Vĩnh dịch La Fontaine

Ông là một người “gặp chăng hay chớ”.

Ông nói: “Có thì một cốc Pernod glacé uống cũng thích; không thì một bát nước vối, uống cũng xong, không câu nệ gì cả”.

Bởi vậy cách làm việc của ông cũng thế:

– Đang sửa bài nhà in, thấy cháu, tôi bỏ đấy, lôi một bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine ra dịch chơi. Ông có biết tôi dịch bài gì trước nhất không? La Jeune veuve đấy! Dịch xong, tôi tự lấy làm lạ rằng mình lại có tài “ghép vần” nữa mới thần tình chớ. Nguyên ông Crayssac có bảo tôi viết cho báo “La Revue indochinoise”, tôi chẳng biết viết gì, đem đưa ngay cho ông ta cái bài ngụ ngôn mới dịch xong ấy, ông ta thích chí bảo tôi dịch thêm nữa. Thế là tôi lần lượt dịch: Le Corbeau et le Renard, Le vieillard et les trois jeunes hommes..” vân vân. Ông có biết tôi dịch bài cuối cùng này mất bao nhiêu thời giờ không? Hai mươi phút thôi! Mà vừa sửa bài nhà in vừa dịch đấy. Duy có bài: “La Grenouille qui veut se faire aussi grosse que le boeuf” là tôi phải dịch đi dịch lại đến ba lần, vì có những câu đối đáp vụn vặt, khó diễn cho có vẻ hoạt động lắm. Bài cuối cùng lại chính là La Cigale et la Fournie. Dịch bài này, tôi muốn thử dùng ca thi luật của tây vào tiếng ta xem có được không thì thấy nghe cũng xuôi xuôi.

– Ấy chính trong một bài bàn về Thơ mới đăng trong Văn học tạp chí trước kia, tôi đã lục bài:

Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè.
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối

ra mà cho là bài thơ mới “cổ” nhất của ta. Nhưng hình như trong “Đăng cổ tùng báo”, ở những số sau cùng cũng có đăng nhiều bài dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine, vậy những bài ấy cũng của cụ chăng?

– Không, không phải. Tôi không nhớ rằng có đăng không nhưng nếu có thì cũng không phải của tôi.

Ông Vĩnh, ngày nay, ngoài một tuần vài bài cho báo T.B.T.V. mà ông là chủ nhiệm cũ, chỉ có viết báo tây, vì ông cho rằng, trong buổi quốc văn còn đang thành lập này, chỉ có pháp văn mới là cái lợi khí để tranh luận về chánh trị. Vậy ta hãy nghe ông nói về cái đời viết báo tây của ông.

– Bài báo tây thứ nhất của tôi, viết vào năm 1905, đăng trong báo “Courier d’Haiphong”. Bài ấy để đáp lại một bài của ông De Monpezat bàn về cái chánh sách biệt hóa mà hiệp lực (politique d’association). Nhân bài ấy mà dư luận người Pháp chú ý đến tôi. Rồi đến năm 1907 thì bản dịch bài “Đầu Pháp Chánh phủ thư” của ông Phan Chu Trinh, đăng trong báo “Tribune Indochinoise”, đã khiến cho ông Trinh ngầm đến thăm tôi ở số 39, phố Mã Mây và ca tụng tôi hết sức. Ông tính một người như tôi mà độ ấy đã được coi là một người có học vấn yêm bác thì nhân tài nước ta khi ấy thế nào, chẳng nói ông cũng rõ. Năm 1907, tôi lại viết cả báo “Pionnier indochinois” của ông Babut, nhưng báo này chết yểu, thành thử năm 1909, tôi phải ra tờ “Notre journal”. Ông Ng. Phan Long khi ấy thường thường chỉ gửi cho những chuyện ngắn, tôi phải yêu cầu ông ấy viết về chánh trị. Ngay độ ấy, tôi đã viết nhiều bài công kích quan trường, đều ký Tân Nam Tử cả.

chân dung Nguyễn Văn Vĩnh và một trang báo L’Annam Nouveau

Thảo nào mà ngày nay, sau non 3 chục năm, ông Tân Nam Tử (fils de l’Annam nouveau) vẫn không hề nhãng bỏ việc ấy trong báo Tân Nam (l’Annam Nouveau).

Ông Vĩnh nhếch mép cười một cách nhọc mệt, sau khi ngậm ngùi cho cái thân thế phù trầm của ông:

– Tôi thất bại lần này là làn thứ ba rồi. Bởi đã quen nên tôi cứ thản nhiên như không. Duy tôi đã thấy chán hoạt động, chỉ muốn được yên thân để tĩnh tư mà không xong.

Tuy vậy, ông Vĩnh vẫn không giấu nổi cái buồn nó hiện ra trên bộ mặt dầy rạn xạm đen của ông, nhất là trên cái trán có kẻ mấy đường răn reo lệch lạc. Cái áo sơ mi màu lá mạ xẫm mà ông mặc hôm ấy lại như vào hừa với nhà Đông Pháp ngân hàng để làm rõ một cái vẻ buồn chán ấy lên.

Nhưng từ trước đến giờ, ông Vĩnh vẫn một lòng tin cậy ở sự tiến bộ của quốc văn. Hỏi ông về sự vun đắp cho quốc văn thành một thứ văn minh bạch và chính xác như Pháp văn, ông đáp:

– Có thể được lắm…

Miễn là…?

– Miễn là người ta dùng nó. Phải làm thế nào cho rất nhiều người biết quốc ngữ, dùng quốc ngữ, đọc báo và sách quốc ngữ mới được. Tôi tiếc rằng ông Phạm Quỳnh đang ở cái địa vị có thể làm được những việc đó mà ông không làm. 

Cái chủ trương cái thuyết “trực trị” còn cho tôi biết nhiều điều, hoặc về việc “Đông Kinh Nghĩa Thục” hoặc về cái tùng thư “Âu Tây tư tưởng” hoặc về báo “Tứ dân văn uyển” mới xuất bản gần đây, nhưng những điều ấy đều không quan hệ đến những người còn sống thì lại có ảnh hưởng cho địa vị của ông trong lúc đang bị nhà Băng làm khó dễ này, nên lòng kính trọng ông bắt tôi phải im đi, tuy tôi vốn trọng sự thực. Vì không phải sự thực nào cũng nên nói ra.

Trong số báo “l’Annam Nouveau” ra ngày thứ năm ler Aout, ông Vĩnh, sau khi giảng giải tại sao ông đã nói chuyện với tôi bằng tiếng tây, chừng có ý lo xa về những điều đó. Ông cẩn thận quá. Giờ thì ông hẳn yên tâm. Còn sự ông trách tôi không đưa bài cho ông xem trước thì tôi xin thành thực nhận lỗi. Tôi há lại không biết cái lệ hay sao, nhưng tôi viết báo cũng như ông, chỉ bao giờ “nước đến chân mới nhảy” nên trong lúc vội vàng bất đắc dĩ phải vượt cả lề luật. Lề luật nào cũng có những biến ngoại chớ.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s