Phạm Thế Ngũ sinh năm 1921 ở Hải Dương, học hành ở Bắc kỳ, sau 1954 thì vào Nam dạy học ở các trường Võ Tánh, Phan Thanh Giản, Petrus Ký và viết sách. Về khoản vừa là giáo sư vừa biên soạn văn học sử, ông khá giống với linh mục Thanh Lãng.
Bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của ông gồm 3 tập, được in lần lượt vào năm 1961, 1963 và 1965, bởi Quốc học tùng thư ở Sài Gòn, là một đơn vị xuất bản do Phạm Thế Ngũ thành lập. Bộ sách này bao quát lịch sử văn chương từ thời văn học dân gian đến năm 1945.
Đọc lời nói đầu của bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, thấy ông cố tình giữ một thái độ khiêm tốn:
“Văn học sử nước nhà, trong mười năm nay, đã được nhiều vị để công biên soạn. Gần đây, có những bộ sách rất có giá trị, như bộ Việt Nam văn học toàn thư của ông Hoàng Trọng Miên, bộ Văn học Việt Nam của ông Phạm Văn Diêu đều là những công trình, tuy chưa hoàn tất song xem ra, chuẩn bị lâu năm, quy mô vĩ đại, tài liệu sung thiệm, biên chép tinh tế, có thể là sách tham khảo quý giá cho ngay bậc học giả.
Bỉ nhân tự xét đọc ít, thấy hẹp, lại biếng hỏi, ngại tìm, thật không dám đua đòi ở chỗ uyên bác. Chỉ nhặt nhạnh một ít điều “biết thừa”, cố gắng dựng nên đây một cái nhất lãm giản dị và ước lược về toàn bộ nền văn học nước nhà, hầu mong giúp ích phần nào cho bạn đọc không có thì giờ hoặc không muốn đi sâu vào việc khảo cứu.”
Tập 1 của Việt Nam văn học sử giản ước tân biên gồm 50 trang cho văn học truyền khẩu, còn lại thì viết về văn học lịch triều Hán văn. Tập 2 viết về văn học lịch triều Việt văn. Thông thường, người ta phân kỳ văn chương dựa vào phân kỳ lịch sử, có những thời kỳ vừa có Hán văn vừa có Việt văn, còn Phạm Thế Ngũ thì lại tách riêng ra mà khảo cứu. Chính điều này khiến nhiều nhà nghiên cứu không đồng tình. Nhưng chủ ý của Phạm Thế Ngũ là lấy tiếng nói và chữ viết làm cơ sở vật chất để khảo sát, trước khi nói đến ý nghĩa văn chương.
Ở tập 3 về văn học hiện đại (1862 – 1945), cách phân chia thời kỳ của Phạm Thế Ngũ khác với Thanh Lãng. Trong khi Thanh Lãng chọn 4 cột mốc là 1862, 1900, 1913 và 1932, thì Phạm Thế Ngũ chỉ lấy 3 cột mốc là 1862, 1907 và 1932. Riêng giai đoạn 1932-1945, Phạm Thế Ngũ phân biệt các nhà văn, nhà thơ theo thể loại và theo… nhà xuất bản, với hai thế lực nổi bật là Tự Lực Văn Đoàn và Tân Dân, đó là một cách phân loại có thể bỏ sót rất nhiều trường hợp.

Tôi được biết Việt Nam văn học sử giản ước tân biên là trong khi đọc mấy bài viết của Thụy Khuê, vì bà hay trích dẫn sách này. Đánh giá bộ sách này, có nhà phê bình nói là ông phân chia thời kỳ chưa chính xác, cũng có người nói là ông chưa nhìn nhận đúng giá trị của các nhà văn, chẳng hạn như không đề cập đến Nhượng Tống, trình bày sai danh mục tác phẩm của Khái Hưng và dành quá nhiều trang cho Phạm Quỳnh. Là một người quan tâm đến Nguyễn Tuân, tôi cũng thấy rằng Nguyễn Tuân xuất hiện rất mờ nhạt trong bộ sách này.
Tuy nhiên, theo tôi, đây vẫn là một công trình hữu ích, nhất là với những ai hãy còn đang ở bước đầu tìm hiểu về văn học sử, cần có những chỉ dẫn để tìm đọc các tài liệu khác. Nếu đem bộ này làm sách giáo khoa giảng dạy văn chương thì tôi thấy còn giá trị gấp nhiều lần sách giáo khoa hiện hành. Thế nên cũng khá ngạc nhiên khi, trong ấn tượng của tôi, không có nhiều người nhắc đến Phạm Thế Ngũ.
Ngoài Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Phạm Thế Ngũ còn viết một số sách khác như Văn thể lược giảng (Quốc học tùng thư xuất bản, Sài Gòn 1965, bài giảng về tất cả các văn thể trong chương trình trung học và các kỳ thi tú tài), Bình luận văn chương (Quốc học tùng thư xuất bản, Sài Gòn 1970, luận đề khái quát về văn học sử và các tác giả, tác phẩm) và Tự Lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc (Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội 2000).