Năm 1907 là năm diễn ra phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau khi đường lối chống Pháp theo con đường võ lực đã thất bại, lại thêm gương Nhật Bản đã cải cách quốc gia mà đánh thắng Nga, nhiều sĩ phu trong nước nhìn thấy hứa hẹn ở con đường duy tân. Ngoài các cuộc diễn thuyết của Phan Châu Trinh từ trước, biểu hiện rõ rệt nhất của chủ trương duy tân này là việc thành lập một trường học theo kiểu mới cho đồng bào mang tên là Đông Kinh Nghĩa Thục, tập trung các nhà nho yêu nước như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền hay Đào Nguyên Phổ, và có cả nhân vật tân học là Nguyễn Văn Vĩnh. Thời điểm này là một năm sau khi Nguyễn Văn Vĩnh đi dự triển lãm thuộc địa lần đầu, và khi ấy, Nguyễn Văn Vĩnh chỉ mới 25 tuổi.
Khác với những nhà nho trong Đông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn Văn Vĩnh từ nhỏ đã học Pháp văn ở trường thông ngôn và lớn lên chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Pháp. Năm 1892, ông cùng với những đồng chí lập ra Hội Trí Tri (Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin) để giúp nhau tự học.
Ngoài việc làm trưởng ban giảng huấn Pháp văn cho Đông Kinh Nghĩa Thục, ông Vĩnh còn xướng ra môn thể thao, lập sân thể dục cho trường. Ông còn mời thục trưởng là cụ Lương Văn Can đứng ra cùng lập hội dịch sách Bắc Kỳ.
Ông cũng giúp cho phong trào duy tân bằng con đường xuất bản và làm báo. Sau chuyến đi Pháp năm 1906, ông bắt đầu đam mê ấp ủ nghề in báo. Trong cuộc phỏng vấn với Thái Phỉ trên báo Tin Văn, Nguyễn Văn Vĩnh nói: «Năm 1906, tôi được cử vào phái bộ sang dự cuộc đấu xảo ở Marseille. Gian hàng Bắc Kỳ dựng liền với gian hàng của tờ báo Le petit Marseillais. Ông chủ tờ báo ấy muốn làm quảng cáo cho báo mình đã khuân cả cái tòa báo ấy vào trong trường đấu xảo, xưởng máy, tòa soạn, tòa trị sự đủ cả. Hàng ngày tôi thấy cái cảnh hoạt động trong tòa báo ấy mà thèm, máy chạy ầm ầm. Cả ngày tôi sang hỏi hết cái này cái nọ, ông chủ báo ôn tồn giảng giải cho tôi rất tử tế…». Các ảnh dưới đây lấy từ trang nhilinhblog.
Về nước sau đó, ông mới cùng với Đỗ Thận vận động đổi tờ báo chữ Hán Đại Nam đồng văn thành tờ Đăng-cổ Tùng-báo, theo nhiều người là tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ, số đầu ra ngày 20-3-1907. Tờ báo này nêu ra hai tôn chỉ: truyền bá học thuật Tây và cổ động cho chữ quốc ngữ. Nhưng vì báo quá ít độc giả, do chưa nhiều người biết chữ quốc ngữ, nên Nguyễn Văn Vĩnh phải đóng cửa. Dẫu vậy, ông vẫn không thôi đam mê làm báo, mà vẫn tiếp tục với các tờ Lục Tỉnh Tân Văn, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc Tân Văn và L’Annam Nouveau.
Có thể nói, Nguyễn Văn Vĩnh là nhân vật đứng đầu trong nhóm các trí thức tân học ủng hộ phong trào duy tân theo kiểu theo Tây phương, theo sau ông là Phạm Duy Tốn, Đỗ Thận, Bùi Đinh Tú, Trần Văn Khánh, Phạm Văn Hữu, Phạm Xuân Thuyết, Nguyễn Văn Tố..
Theo lời Nguyễn Gia Tường, cháu ruột Lương Văn Can (trong cuốn Trường hợp Phạm Quỳnh của Nguyễn Văn Trung): «ông Vĩnh và ông Quỳnh là hai người trí thức tiêu biểu một thời. Dư luận vẫn cho ông Vĩnh Tây hơn Quỳnh, nhưng thực ra theo tôi, ông Quỳnh thân Tây hơn ông Vĩnh. Ông Vĩnh là người thông minh, lanh lợi và phóng khoáng. Cụ Can có cho tôi hay các cụ trong Đông Kinh Nghĩa Thục thường thắc mắc ngạc nhiên không hiểu làm sao ông Vĩnh là người trẻ nhất trong tổ chức, được các cụ tin cẩn, chẳng những không bị bắt khi mọi người khác bị, mà còn xoay được tiền của Tây».
Sau vụ chống thuế ở Trung kỳ (3-1908) và vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội (6-1908), người Pháp mới nhân đó quy trách nhiệm cho sĩ phu duy tân và thẳng tay đàn áp Đông Kinh Nghĩa Thục, bắt hầu hết giáo viên, giải tán hội buôn, cấm diễn thuyết, nói chuyện, cấm lưu hành và tàng trữ các tác phẩm của nhà trường. Nguyễn Văn Vĩnh bị bắt nhưng rồi được thả, theo lời kể lại, thì là vì ông Vĩnh là thành viên của hội nhân quyền nên đằng nào cũng sẽ được thả; thêm nữa, thả ra thì sẽ gây nghi kỵ, làm mất uy tín ông.
Chính vì lẽ có can dự vào Đông Kinh Nghĩa Thục mà không bị bắt nên Phan Khôi trong bài Ông Nguyễn Văn Vĩnh trong con mắt tôi, đăng trên tuần báo Sông Hương số 1, mới nói đó là một trong hai việc mơ hồ của đời ông Vĩnh. Và Đặng Thai Mai sau này hẳn cũng vì thế mà nói ông Vĩnh “tư cách con người có những nét doanh lợi ám muội về mặt chính trị” (tr. 383).
2 Comments