Lập trường của Nguyễn Văn Vĩnh

trung-bac-tan-van

Theo Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên III

Nguyễn Văn Vĩnh là nhân vật Tây học tiên phong ở nước ta. Khi còn nhỏ tuổi đã vào học trường thông ngôn, lại thêm sự thông minh trời phú và tinh thần ham hiểu biết, Nguyễn Văn Vĩnh nằm trong số những người kiệt xuất nhất nước ta thời đầu thế kỷ 20, cùng với các ông như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố hay Phạm Duy Tốn. Họ đọc nhiều, nghiên cứu sâu và rộng nhiều vấn đề, lại có thể sử dụng tiếng Pháp tinh tường.

So với các ông kia, Nguyễn Văn Vĩnh lại có những diểm riêng về xuất thân: ông sinh trưởng trong gia đình bình dân, tiếp xúc nhiều với người Pháp, chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp. Thế nên sau này ông quan tâm đến việc làm kinh tế hơn là đường quan lộ, lại cổ súy dân chủ kiểu Pháp hơn là quân chủ lập hiến kiểu Phạm Quỳnh. Ông ủng hộ duy tân và tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục cũng là vì muốn Việt Nam phát triển theo hướng Âu Tây. 

Tuy nhiên ông chỉ có thể ngồi chung với các cụ nhà nho khi ấy ở cái chiếu duy tân này thôi (mà thật ra các cụ cũng không chịu ngồi ở đây lâu), còn đối với cái xã hội nho lưu, những quan niệm nho gia, ông không thể nào chia xẻ. Trước nhất ngay về chính trị, nếu ông ủng hộ việc duy tân của nho gia, ông không hề tán thành việc Đông du, chủ trương cách mạng bạo động của một số. Không phải chỉ vì dưới con mắt ông đường lối ấy không hy vọng đi đến thành công (dân trí thấp kém, gương nước Nhật đối xử tàn tệ với Cao Ly, ưu thế của nước Pháp) mà nhất là vì nó hứa hẹn sự trở lại của thế lực phong kiến mà ông thù ghét. Đối với ông muốn cho nước tiến hóa, cần phải trước hết thanh toán cái xã hội cũ với ưu thế của nho gia, lớp người chuyên ăn không xã hội, của Hán học, cái học làm hàng rào ngăn chặn văn minh. Đối với ông hình ảnh tiến bộ tột bực ấy là nước Pháp, người Pháp, chế độ văn minh Pháp. Nước Nam phải duy tân đó là một “điều bất đắc bất nhiên” nhưng mà phải duy tân với người Pháp đó là một điều “bất đắc bất nhiên” khác.

Ông sẵn sàng cãi cho đường lối thân Tây ấy trong nhiều số đầu báo Đông Dương khi công kích “cách mạng Đông Du”. Ông viết dưới bút hiệu Tân Nam Tử:

“Tục thường nói: theo Tây thì sau mất nước, chỉ những lo quốc hồn mai hậu không còn. Phải biết rằng cơ còn mất ấy là ở ta. Còn người thì còn nước. Còn đẻ thì còn người. Còn có ruộng đất mà cày cấy thì còn đẻ được. Mà may sao đất của ta thì lại chỉ có tay ta cày được mà thôi. Đó là cái cơ còn chớ không mất được. Người Lang Sa sang đây có thu cái quyền lợi trong tay cũng chỉ là thu được cái thương quyền, chánh trị quyền mà thôi. Ví phải tay mấy giống mọt trong xã hội, đâu ở cũng được, ăn thế nào cũng xong, mà ở đâu mọc rễ sâu tại đó, thì không những là mọi lợi quyền ta mất hết lại còn sợ nó lấn đến lều tranh ta, ao rau muống ta nữa”.

Nói cách khác, thực dân tuy hại nhưng không hại bằng phong kiến. Trở lại với phong kiến ấy là trở lại với quan liêu áp bức, với hào mục mọt dân, với cướp đêm cướp ngày. Nguyễn Văn Vĩnh không tin tưởng một chút nào vào việc cách mệnh do đám nho gia lãnh đạo. Ông thâm thù cái trật tự phong kiến, những hủ lậu xâ hội cổ truyền và chào mừng đời sống an ninh, những tiện lợi sinh hoạt, những tiến bộ vật chất, cùng những thể thức dân chủ, khoa học mà Tây phương đem lại. 

Đông Dương tạp chí số 1, ra ngày 15/5/1913. Ảnh: Trần B.A.

Tư tưởng ấy ngay khi làm tờ Đăng-cổ tùng-báo ông đã biểu lộ. Năm 1911, cách mạng Trung Hoa thành công ở Vũ Xương, ông viết báo bày tỏ mơ ước một nước Cộng Hòa Việt Nam với một tổng thống đứng đầu và dưới sự bảo hộ của Pháp. Năm 1913 trên tờ Đông Dương tạp chí, ông lại đứng vào phe trật tự Pháp bài xích phe nho gia bạo động. Cũng ở trên tờ Đông Dương tạp chí ông đi mổ xẻ tất cả những cái xấu, cái dở trong một xã hội An nạm cổ lỗ mà ông mong muốn gấp rút sự canh tân dưới ngọn đuốc “khai hóa” của người Pháp. Những bài luận thuyết của ông ở đây ở Đông Dương tạp chí cho thấy rõ cái lập trường đó.

Loạt bài Xét tật mình (từ số 6 đến 29) là để phơi trần những hủ lậu xấu xa người mình cần phải ý thức và từ bỏ nếu muốn học theo văn minh. Nào là sự hủ bại của thôn xã trong tay bọn kỳ mục, kỳ nát (số 10). Nào là thói tín ngưỡng lăng nhăng, mê muội làm cho ta không có một tôn giáo nào mạnh mẽ nên không có sự tin tưởng nhiệt thành, do đó không có sức mạnh tinh thần để làm một công cuộc gì lớn lao (số 13). Nào là sự nông cạn và sai lầm của cái học người mình, cái học tạo ra một giai cấp kẻ sĩ “với dăm ba chữ ngồi rung đùi từ sáng đến chiều, no cơm ấm cật, còn gạo thổi cơm ở tay ai mà ra, vải may áo ở tay ai mà ra, không nghĩ đến lại còn có ý khinh người chân lấm tay bùn nông giả nãi vũ phu chi cục mịch”, tóm lại tạo ra “một hạng người ăn lường cơm mặc lường áo của xã hội” (số 11). Nào là tình trạng xã hội bất ổn, loạn lạc, áp bức thường xuyên, làm cho dân quê điêu đứng và do đó sự an ninh và dân chủ người Tây đem lại quả là một con đường giải phóng (số 12). Ngoài ra còn bao nhiêu tật nữa: ham cờ bạc, vụng nói chuyện, huyền hồ lý tưởng, gì cũng cười…”. Tóm lại tất cả từ chế độ, học thuật, văn chương, chỗ nào so với Tây phương cũng là kém là thua, cũng xấu, cũng hủ, cũng cần phải sửa đổi, phải học theo Tây phương.

Nhời đàn bà là một mục khác để xét tật mình nhưng mà hướng riêng vào nữ giới. Tác giả vạch những nết dở, thói ngang của phụ nữ ta khi đó, từ trong cách ăn ở, sanh đẻ, đến phép đối xử với chồng con bè bạn. Nào là tục nằm bếp kỳ cục (số 9), nào là cách nuôi con luộm thuộm (số 10), nào là thói ngồi đồng cốt chỉ là trá hình của thị dục nữ tính (số 20), nào là tục ăn trầu có người cho là lịch sự nhưng cái lịch sự ấy cũng dã man một chút (số 49). Nào là nết nói bẩn nói tục “chắc hẳn không người nước nào bằng nước An nam ta” (số 50).

Khát vọng Âu hóa, lòng ghét bỏ khinh bỉ phong tục của người mình được tỏ rõ nhất trong bài ký sự Hương Sơn hành trình (nguyên bằng Pháp văn trong Notre Journal năm 1909, tự ông dịch ra tiếng Việt và đăng ở Đông Dương tạp chí từ số 41, nhân hội chùa Hương năm 1914). Hương Sơn là một trung tâm hành hương của hàng vạn phật tử miền Bắc mỗi năm vào tháng ba, là nơi dân chúng lũ lượt kéo đến lễ Phật cầu phúc, cũng là nơi mà thi nhân mặc khách ta về trước thường ca tụng phong cảnh hùng vĩ nên thơ. Đối với Nguyễn Văn Vĩnh, cuộc đi Hương tích thật là vô tích sự, chẳng đem lại thú vị gì. Ông chỉ thấy đụng đầu với những thứ ngớ ngẩn của đám dân mê tín. Cảnh đã không thi vị mà sự lễ bái cũng chẳng có nghĩa gì cao siêu. Ông có một giọng báng bổ rõ rệt khi nói về những việc như cầu tự, xin con. Ông viết: “Cách trí ôi! Văn minh ôi! Mau mau đến mà đuổi những sự tin nhảm, những tục buồn cười ấy đi”. Ông kết luận về sự tín ngưỡng của người “An nam ta như sau: 

“Người nước Nam ta tin có bụt cũng như tin có trời hay có thần thánh yêu ma, tin nhưng không phân biệt, không nghĩ tách bạch ra xem cái mình tin nó thế nào… Bởi chưng có trí tin hồ đồ thế cho nên trong những việc tin có nhiều điều trái ngược nhau mà không biết cứ chịu cả là thực. Như có kẻ sáng ngày ra lễ điện phủ thờ bà cô, ông mãnh, chiều lại vào làm tôi con ông Hưng Đạo là thần hay trị những tà ma, những ông hoàng bà chúa. Đến sáng hôm sau có thể cũng người ấy lại chay lòng thật dạ mà nghe giảng những lời đạo đức của ông Khổng vốn không có dạy phải tin thờ ông thần ông thánh nào, hoặc là đi lễ Phật là một đạo trái hẳn với đạo ma thiêng thần dữ”.

Tóm lại thật là một mớ tín ngưỡng hỗn độn, nông nổi, nhiều khi lại rất nhảm rất bậy, vì bị một số người thừa ăn thừa mặc lợi dụng làm một phương tiện để giải tỏa những ý hướng tầm thường của bản năng. Ông nhận xét về cái tục lễ bái đồng bóng: “Xin cứ kiếm cho người đàn bà ta những cách nào khoe đươc khăn tơ áo lụa, khoe được hoa, hột, mặt phấn, môi son, cứ ít bữa lại có dịp nào gia nhân tài tử được hội họp một nơi mà nhìn nhau thỏa thích cho các cô được thấy người nhìn, người yêu, người muốn, người thèm thì rồi có tịt cả chùa Hương với cái hang hôi hám, Hòa giai với bọn tăng, chư vị với những cách õng ẹo lẳng lơ”.

tranh vẽ Nguyễn Văn Vĩnh

Và ông kết thúc thiên ký sự “Ở nước ta, tới tưởng không phải cầu cho thần thánh chóng chết bởi vì thần thánh xưa nay chưa hề có như ở các nước Âu châu, nước ta thần thánh bịa ra chẳng qua chỉ để làm nê cho những kẻ bị phong tuc bó buộc quá xưa nay mượn lễ bái mà làm cho thỏa những tánh tự nhiên của người ta mà thôi” (số 45).

Nói rằng ông chỉ làm việc đả kích phá hoại thôi thì không đúng, ông cũng làm công việc xây dựng, giáo dục nữa. Cả tờ Đông Dương tạp chí là một công cuộc giáo dục theo đường hướng bài cựu nghinh tân ấy. Đặc biệt ông còn viết loạt bài Phận làm dân (từ số 48). Ông chỉ lối cho người dân quê mỗi khi tới cửa công thường lúng túng ngớ ngẩn không biết quyền lợi của mình đâu mà đòi hỏi. Đó chính là những bài công dân giáo dục đầu tiên mà một người có tân học đem giảng dạy cho dân quê ta. Ông phân tích những chức vụ chánh quyền của nhà nước bảo hộ từ trên xuống dưới, cắt nghĩa tổ chức thôn xã, thủ tục tố tụng từ phủ huyện lên tỉnh, vạch trần những thói đút lót, tâm lý hiếp đáp của nha lại, tinh thần khiếp sợ của người dân đến trước cửa công.

Ngoài ra ông còn là tác giả một thiên khảo luận đặc sắc Chỉnh đốn cách cai trị dân xã (từ số 61). Thiên khảo luận này nhằm giải đáp một vấn đề người Pháp đặt ra cho Hội đồng tư vấn Bắc kì mà Nguyễn Văn Vĩnh là một hội viên. Khi người Pháp bắt tay vào cai trị miền Bắc, họ đụng phải ở nền gốc một tổ chức rất phiền toái cái làng An nam, một tổ chức tự trị với những luật lệ riêng rẽ mà triều đình xưa cùng không xâm phạm vào. Mỗi làng có khoán lệ, có hương ước riêng. Song có điều chung là làng nào cùng chịu ách thống trị của một bọn kỳ mục hách dịch hủ bại, tranh nhau chiếu trên chiếu dưới, giành nhau từ miếng đùi gà, má lợn, đến nỗi vì đó mà “cái cổng làng thành ra một cái thành quách vững bền để mà chống cự với cái văn minh không cho lọt vào đến dân thôn”. Do đó một cuộc cải tổ tỏ ra rất cần thiết. Trong loạt bài này Nguyễn Văn Vĩnh chưa kịp đưa ra một giải pháp nào nhưng ông để ý phân tích những nguyên lý cắt nghĩa tổ chức thôn xã của ta, những lý do của chế độ tự trị ấy, sự trái ngược của nó với quan niệm pháp trị phổ biến ở những nước dân chủ Tây phương, những hậu quả tai hại của nó đối với dân trí mà nó làm cho hẹp hòi, nhất là đối với dân sinh mà nó làm cho nghèo khó. Và theo ông thì rút lại chính cái nghèo khó ấy đã làm phát sinh ra đủ điều ngăn cản việc tiến hóa. Ông viết: 

“Tiến hóa cốt ở việc học hành việc công nghệ, việc lo cho cái thân con người được hưởng những cái sung sướng vui vẻ, ở cửa cao nhà rộng, mặc quần lành áo sạch, ăn uống đồ ngon bổ, chơi bời những cách thỏa thuê thần trí. Người ta có dư dật thì mới nghĩ đến được những cách ở cao mặc sạch, ăn ngon, uống mát, chơi bời cho tiêu khiển, luyện tập tâm trí cho khôn ngoan và biết cảm những tình cao thượng. Nghèo như dân ta thì quanh năm chỉ lo đổ vào miệng còn chưa xong. Nhà rách vách nát, cơm thì bữa khoai bữa đậu, quý hồ nuốt trôi cổ để đỡ bụng đói mà làm lụng, đồ ăn ngon lành còn sợ hao phí, thì phỏng còn học hành gì, òn luyện tập gì đến tâm trí, còn nghĩ gì đến những việc ích lợi cho xã hội” (số 64).

Một trang Đông Dương tạp chí năm 1916

Những bài tham luận này không thiếu đặc sắc nhưng cũng là những bài duy nhất của Nguyễn Văn Vĩnh ta được đọc trong hai năm đầu báo Đông Dương tạp chí này thôi. Qua kỳ đổi mới 1915, ông bỏ cây bút nghị luận quay sang chuyên dịch tiểu thuyết, kịch. Rồi khi Đ.D.T.C. chết, ông qua làm tờ Trung Bắc tân văn (là một tờ nhật báo chuyên về thông tin) và khai thác việc dịch thuật và xuất bản. Thời này là thời toàn thắng của tư tưởng dung hòa và bảo tồn của Nam Phong. Ngôi sao Nguyễn Văn Vĩnh có mờ đi. Nhưng đến năm 1930 khi Phạm Quỳnh cổ võ cho chủ nghĩa lập hiến ta lại thấy Nguyễn Văn Vĩnh đứng ra chống chế quan điểm Âu hóa cấp tiến của ông. Ông ra tờ báo Pháp L’Annam Nouveau và đốì lại thuyết lập hiến của Phạm Quỳnh cổ võ cho thuyết trực trị. Thuyết này đại khái chủ trương triệt bỏ hẳn vai trò trung gian của quan lại phong kiến để cho người Pháp trực tiếp cai trị dân chúng (như ở Nam kỳ). Cách ấy theo ông đem lại cho người bình dân không khí tự do dân chủ hơn, cho phép thực hiện một cuộc Âu hóa nhanh chóng hơn.

Cũng nên thêm rằng Nguyễn Văn Vĩnh không phải chỉ chủ trương Âu hóa trên lý thuyết mà còn thực hiện lý tưởng ấy ở con ngưởi ông, sự sinh hoạt của ông. Vào một thời mà toàn dân ta còn khăn đóng áo dài, kiểu cách khúm núm, tẩm nhiễm nho phong, ông mặc đồ tây, đội mũ thuộc địa (casque colonial), đi bình bịch (mô tô) cử động phóng khoáng, nói năng cởi mở… Tóm lại Nguyễn Văn Vĩnh có thể coi như hình ảnh của sự Âu hóa sớm sủa nhất cao đạt nhất trong giới trí thức Bắc Hà vào đầu thế kỷ này. Ở chỗ này ông thật là một hình ảnh đối nghịch với Phạm Quỳnh. 

Sau này ông có làm một việc mà phái Tây học thường công kích, cho là thoái hóa, là việc ấn hành Niên lịch thông thư (dạy cách tính ngày giở tốt xấu, so đổi tuổi…). Ông có cắt nghĩa trong một cuộc phỏng vấn của Đào Hùng (trên tờ Phụ nữ tân văn số 91) là để… thu nhặt tài liệu cho các nhà khoa học. Song người ta đều hiểu đây chỉ là một phương tiện kinh tài của nhà xuất bản (sách niên lịch này khi ấy bản rất chạy).

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s