Theo Việt Nam văn học sử giản ước tân biên III của Phạm Thế Ngũ. Ảnh đầu trang, từ trái qua: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê
Tuy gọi là “nhà văn Nôm” nhưng cái chính yếu phân biệt những nhà văn này với các nhà văn thế hệ sau chỉ đơn thuần là hình thức chữ viết, mà là ở họ có sự tiếp nối liên tục với những tiền bối đời trước về mặt tinh thần. Nhưng cái phong độ của họ đã sút kém nhiều, không thể khương kiện được như thời Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, phần nào xuất phát từ những đổ vỡ chính trị trong nước trước súng đạn của thực dân Pháp. Phạm Thế Ngũ phân loại các nhà văn này thành ba khuynh hướng: văn thời thế, văn nhàn lạc và văn trào phúng.
Văn thời thế
Tức là những áng văn phản ánh tình thế nước nhà lúc bấy giờ. Các nhà văn thuộc khuynh hướng này gồm có Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Tôn Thọ Trường, Phan Văn Trị, Nguyễn Văn Giai, Nguyễn Nhược Thị Bích, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.
Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) quê ở Cần Thơ, cuối đời có để lại nhiều bài thơ, trong đó có bài Tạ ân nhân, đề tặng Đỗ Hữu Phương và Tôn Thọ Trường vì đã can thiệp với người Pháp tha cho ông sau khi ông bị bắt vì tham gia phong trào văn thân năm 1868.
Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) cũng là người Nam Kỳ; ông viết các bài thơ điếu Phan Thanh Giản, Trương Định và những nghĩa sĩ Cần Giuộc. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Lục Vân Tiên.
Tôn Thọ Trường (1825-1877) và Phan Văn Trị (1930-1910) có thể nhắc đến cùng với nhau vì họ nổi tiếng như cặp đối thủ trong một cuộc bút chiến mà tác giả Thái Bạch có viết hẳn một cuốn sách về nó, do nhà xuất bản Sống Mới phát hành năm 1957. Lý lịch Tôn Thọ Trường về đường khoa bảng lẫn việc chống Pháp không có gì gây kính phục; ông có từng tham gia phái đoàn của Phan Thanh Giản đi thương thuyết chuộc đất với Pháp, rồi sau cũng làm quan cho triều đình Huế. Phan Văn Trị thì không làm quan; ông là người Vĩnh Long, từng giao du với Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa.
Cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị và Tôn Thọ Trường xuất phát từ sự chia rẽ của thái độ các sĩ phu Nam Kỳ khi Pháp chiếm lục tỉnh: một bên do Tôn Thọ Trường đại diện chủ trương hợp tác với Pháp, một bên do Phan Văn Trị đại diện thì bất hợp tác. Tôn Thọ Trường làm thơ để bộc bạch và biện hộ cho lập trường của mình. Nhưng hễ bài thơ nào của Tôn Thọ Trường ra, là phía Phan Văn Trị lại họa lại đáp trả. Chẳng hạn, Tôn Thọ Trường mượn tâm sự Tôn phu nhân quy Thục viết:
AI về nhắn nhủ Chu Công Cẩn
Dù mất lòng anh được bụng chồng
Phan Văn Trị lấy luôn cảm đề ấy mà đập lại:
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng
Nhưng thẳng thắn nhất là 10 bài tự thuật của Tôn Thọ Trường, ở đó ông chỉ ra rằng hỏa lực của Tây quá mạnh, chống lại là dại dột:
Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc
Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay
Phan Văn Trị họa lại:
Đừng mượn oai hùm tung nhát khỉ,
Lòng ta sắt đá há lung lay
Tuy Phan Văn Trị được sự hậu thuẫn của chính nghĩa dân tộc khi đối đáp với Tôn Thọ Trường, nhưng ông cũng chưa lường hết được sức mạnh và tham vọng của Pháp. Thế nên càng về sau này, người trong nước lại càng đồng tình với Tôn Thọ Trường, nhất là ở thế hệ của Nguyễn Văn Vĩnh, thế hệ đặc trưng bởi sự hợp tác với Pháp. Và phải đến sau này, thời của Nguyễn Thái Học, sự chống Pháp mới trở lại, theo những đường lối mới.
Nguyễn Văn Giai, tức Ba Giai, là nhà thơ người Hà Nội đã viết các bài Hà Thành chính khí ca và Hà Thành thất thủ ca, ghi lại những diễn biến khi Pháp đánh thành Hà Nội bao gồm cả việc Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, giặc cờ đen phản công, rồi đến Hoàng Diệu trấn thành. Còn Nguyễn Nhược Thị Bích là nhà thơ nữ người Ninh Thuận, là một phi tần của vua Tự Đức, đã viết bài Loan dư Hạnh Thục quốc âm ca, kể lại mọi biến cố xảy ra từ khi quân Pháp sang lấy Việt Nam cho tới lúc Thành Thái lên nối ngôi vua.
Phan Thanh Giản (1796–1867) trước khi chết cũng để lại một bài thơ tuyệt mệnh mang khynh hướng thời thế. Và Nguyễn Hữu Huân, tức Thủ khoa Huân khi thất trận năm 1863 bị đày đi Côn Lôn cũng để lại một bài cảm tác.
Nhưng trong số các nhà văn Nôm cuối cùng kể ra đây, gây ảnh hưởng nhất lên thế hệ sau có lẽ là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, một cụ chủ trương phong trào Đông du, còn một cụ chủ trương duy tân. Phan Bội Châu làm nhiều thơ tranh đấu mà sau này Đặng Thai Mai có bàn rất nhiều về nó. Còn Phan Châu Trinh sau khi bị đày ra Côn Lôn do liên quan đến phong trào kháng thuế của nhân dân miền Trung đã làm bài thơ nổi tiếng Đập đá ở Côn Lôn. Con đường của Phan Bội Châu gây ảnh hưởng nhiều lên các nhân vật như Đặng Thai Mai và Ngô Đình Diệm. Còn con đường của Phan Châu Trinh lại có ảnh hưởng đến Phan Khôi và Đào Trinh Nhất.
Văn nhàn lạc và văn trào phúng
Những nhà văn thuộc hai khuynh hướng này thì ít bàn về chuyện thời thế trong văn thơ, hoặc nếu có thì cũng rất kín đáo, tinh vi. Nhân vật đầu tiên là Dương Khuê (1839-1902), có cháu nội là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Dương Khuê làm quan cho nhà Nguyễn; về phần sáng tác, ông hay soạn những bài hát ả đào, bàn những chuyện gió trăng, thi tửu.
Cũng theo khuynh hướng này có Chu Mạnh Trinh (1862-1905), cũng làm quan và cũng say mê hát ả đào. Tâm trạng của Chu Mạnh Trinh là tâm trạng điển hình của nhà nho vong quốc, tìm lãng quên trong nếp sống dật lạc. Nhưng điều đặc biệt là nếp sống ấy nơi ông không sỗ sàng hời hợt như ở nhiều người, mà phủ màu kiều mị, in nét thanh tao, bởi bản chất ông là bản chất nghệ sĩ. Thi văn ông có thể thu về hai đề tài là phong cảnh Hương Sơn và câu chuyện nàng Kiều.
Nguyễn Khuyến (1835-1909) cũng từng làm quan nhưng trước cảnh nước nhà bị Pháp thâu tóm, ông cáo quan về ở ẩn, sống thanh bần đời sống nông thôn. Hoàng Cao Khải sau này có mời ông làm quan dưới thời Pháp để hợp tác phục vụ Pháp, nhưng ông khước từ. Với sự cai trị của Pháp, Nguyễn Khuyến có thái độ chống đối nhưng chỉ là một sự phản đối thụ động, chứ không bước sang hàng ngũ cầm khí giới như Phan Đình Phùng hay Nguyễn Thiện Thuật. Ông làm nhiều bài thơ trào lộng các cảnh ở đời, nhưng cũng có nhiều bài thơ mang tâm tình sâu nặng. Nguyễn Khuyến là một nhà thơ phong phú và có nhiều bài hay.
Trần Tế Xương (1870-1907), tức Tú Xương, tuy công danh sự nghiệp không mấy sáng láng, nhưng là người phong lưu và tài hoa. Có lẽ vì thế mà Nguyễn Tuân đặc biệt yêu mến Tú Xương. Ông sáng tác rất nhiều bài thơ nôm mà nhìn chung đều theo khuynh hướng trào phúng hoặc nhàn lạc.
Ngoài ra, cũng nên nhắc đến một nhà thơ Nôm trào phúng nữa là Nguyễn Văn Lạc (1842-1915), tức Học Lạc, người Mỹ Tho, tác giả của các bài thơ như Coi bông vụ, Coi hát, Ông làng hát bội, Tạ hương đảng, Con trâu, Cặp gà, vân vân.