Vài dật sự về Nguyễn Văn Vĩnh

nguyen-van-vinh-4

Từ ghi chép của Nguyễn Hồng Phúc, chắt đích tôn của Nguyễn Văn Vĩnh.

Tôi thu lượm các chi tiết dưới đây qua những câu chuyện kể từ bà nội của tôi, bố mẹ và các cô các chú của tôi, và nhất là cụ Phạm Huy Lục, người cộng tác lâu dài nhất, cũng tốt nghiệp trường thông ngôn; Cụ làm báo suốt 30 năm từ tờ Đăng-cổ Tùng-báo đến tờ L’Annam Nouveau; Cụ cũng có đến nhà chúng tôi ở Sài Gòn và thường kể chuyện về ông cố Vĩnh cho chúng tôi nghe. 

Tôi nêu ra đây để người đọc được hiểu rõ thêm về con người Nguyễn Văn Vĩnh, để giải đáp những câu hỏi như tại sao việc Đông Kinh Nghĩa Thục, cụ bị bắt rồi được Pháp thả ra trong khi những người khác không được thả; tại sao cụ đang làm thành công trong nghề in báo mà lại phá sản bỏ đi tìm vàng để chết bên Lào, tha hương nơi đồng không mông quạnh; tại sao cụ đặt tên cho con là Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Kỳ, Alexandre Nguyễn Hiến, vân vân.

Nguyễn Văn Vĩnh cải cách chữ quốc ngữ

Ngày hôm nay chúng ta có phương tiện thông tin chớp nhoáng như điện thư, nhìn thấy mặt nhau qua mạng hay điện thoại lưu động, nhưng chắc hẳn khi dùng phím để đánh tiếng Việt lần đầu tiên, quý vị cũng phải chập choạng với những chữ có dấu trên phím Microsoft khi bộ chuyển mã chưa được hoàn tất như ngày hôm nay. Thời điểm 1900, cụ Nguyễn Văn Vĩnh là người chủ trương làm báo quốc văn. Bằng con mắt nghề nhà in, cụ nhận thấy là chữ quốc ngữ có 26 mẫu tự Latin, cộng thêm những âm tự và dấu, thành ra có tới 72 nguyên âm, rất phức tạp cho việc in ấn.

Cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) và phái đoàn người Việt chụp tại Hội chợ thuộc địa Marseillse năm 1906 (Nguyễn Văn Vĩnh đội mũ trắng và mặc đồ Âu)

Cụ nghĩ ra việc cải cách chữ quốc ngữ, ví dụ như thế những âm  bằng AH, Ă bằng AK, Ê bằng EH, Ô bằng OH, Ơ bằng OK, Ư bằng UK, ƯƠ bằng UOK… Dấu sắc thì thêm chữ S đằng sau. Dấu hỏi thì thêm chữ Z đằng sau. Dấu nặng thêm chữ X. Dấu ngã thì thêm chữ F. 

Cách cải cách này rất thuận tiện cho việc in ấn và điện tín thời bấy giờ, được hoan nghênh trong giới in báo, nhưng bị phản đối kịch liệt bởi phái bảo thủ có quyền hành trong nước, không được chấp nhận vì phần đông dân chúng đã quen đọc chữ Việt Nam có dấu. 

Hội nhân quyền và vụ Đông Kinh Nghĩa Thục 

Năm 1906, sau hội chợ thuộc địa ở Marseille lần thứ nhất kết thúc, trước khi về nước, Nguyễn Văn Vĩnh gia nhập hội nhân quyền ở Paris. Cụ là người đầu tiên gia nhập hội này. Về Việt Nam, cụ có chân trong hội đồng dân biểu Bắc Kỳ và hội đồng kinh tế tài chánh Đông Dương. Nhờ thế mà năm 1908, cụ Phan Châu Trinh sau vụ kháng thuế đã bị triều đình Huế bắt và kết án tử hình, cụ Vĩnh cùng với bốn người bạn Pháp trong hội nhân quyền đã vận động tích cực, nhờ toàn quyền Pháp can thiệp để cụ Phan Châu Trinh được thoát án tử hình và chỉ bị đầy ra Côn Đảo. Sau đó được Pháp cho đi Pháp ở một thời gian.

Trong vụ vây bắt các thành viên của Đông Kinh Nghĩa Thục, vì sao Pháp thả Nguyễn Văn Vĩnh mà không thả các cụ khác? Thứ nhất, cụ có chân trong hội nhân quyền, nên nếu có bắt, hội nhân quyền cũng can thiệp để thả cụ ra. Thứ hai, Pháp thấy cụ có uy tín lớn quá nên thả cụ ra để gây chia rẽ và nghi kỵ, hạ uy tín của cụ.

Nguồn gốc của sự phá sản của Nguyễn Văn Vĩnh

Năm 1922, cụ Vĩnh được cử đi hội chợ thuộc địa lần hai cùng với hai cụ Phạm Quỳnh và Phạm Duy Tốn. Nhân dịp này, có hai nghề cụ để ý đến nhất là nghề in và nghề làm nước chanh, lúc này trong nước chưa ai nói đến cả. Khi đến thành phố thủ đô Berlin, quê hương của Gutenberg, người đã sáng chế ra máy in tối tân nhất, cụ nảy ra ý kiến là đổi mới nhà in của mình. Thế là sau khi về nước, cụ đã thế chấp tài sản và nhà in của mình, vay tiền thêm ngân hàng Đông Dương đầu tư cho việc tối tân hóa nhà máy in và cộng theo đó là mở một xưởng làm nước chanh theo phương pháp mới, gọi là nước chanh «TB», tức Trung Bắc, rất ngon. Dân chúng rất hoan nghênh nhưng cụ không nghĩ đến việc làm nước đá cho nên không cạnh tranh được với những hãng của Pháp. Vì không chịu mua nước chanh của các hãng Pháp thì họ không bán nước đá cho; bán nước chanh mà không có nước đá thì uống không được, nên cụ thất bại khi làm nước đá chanh.

Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh ở hội chợ thuộc địa 1922

Năm 1930, khủng hoảng kinh tế tài chánh nhiều nước, kinh tế Đông Dương cũng lâm vào tình trạng khốn đốn nguy kịch. Năm đó, cụ Vĩnh cũng ở vào hoàn cảnh khó khăn. Năm 1931, cụ vẫn gom cổ phần ra báo tiếng Pháp là L’Annam Nouveau vì tờ báo Pháp này có thể phổ biến ý kiến của mình mà không bị kiểm duyệt.

Năm 1932, đại hội đồng kinh tế Đông Dương họp tại Sài Gòn có đại diện ba nước là Lào, Cao Miên và Việt Nam. Việt Nam có ba miền Bắc Trung Nam. Cụ Vĩnh là đại diện cho miền Bắc. Cụ phản đối việc ngân hàng Đông Dương xin chuyển tiền Đông Dương từ ngân bản vị sang kim bản vị, nghĩa là thay vì lấy vàng bảo chứng thì lấy bạc bảo chứng. Việc đổi tiền như vậy chỉ có lợi cho ngân hàng Đông Dương mà có hại cho Đông Dương, nên cụ nhất định không ký.

Sau cuộc họp, tổng giám đốc Ngân hàng Đông Dương mới gặp riêng cụ và nói rằng: “Nợ của ông đã quá hạn từ lâu, chúng tôi vẫn hòa hoãn. Ông nên thuận ký cho được việc. Bây giờ ông ký vẫn chưa có muộn. Nếu ông không ký thì việc chúng tôi làm chúng tôi vẫn cứ làm”. Cụ một mực không ký. Khi về đến Hà Nội, thấy tài sản mình đã bị tịch biên toàn bộ theo trát tòa.

Sau khi tịch biên toàn bộ tài sản, Ngân Hàng Đông Dương đem tài sản cụ bán đấu giá. Cụ Vĩnh mua lại hết vì nghĩ rằng có ba tháng để trả nợ thì trong ba tháng đó nhờ bạn bè mua để giúp đỡ. Nhưng chuyện không thành, cộng thêm tiền lãi và tiền phạt rất nặng, và.. án tù. Cụ có đường lựa chọn là: hoặc đi tù về kinh tế vì không trả được tiền nợ hay đi lưu vong. Cụ bà vợ cả khuyên cụ đi ngồi tù ít lâu, có thể in báo dịch sách trong tù, vì là tù kinh tế chứ không phải tù hình sự nên người nhà có thể mang cơm chiếu vào cho. Nhưng cụ trẻ vợ ba là bà Suzanne mà cụ yêu nhất nói với cụ rằng “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, đã khuyên cụ nên đi nước ngoài thay vì ngồi tù. Cụ quyết định đi với người bạn Pháp là ông Clementi cùng là chủ nhiệm của báo L’Argus Indochinois. Tuy mấy tháng vất vả, lội rừng lội núi ăn mắm ngóe nhưng L’Annam Nouveau không số nào thiếu bài của cụ. Trong cảnh thiếu thốn cực khổ mọi bề mà bài gửi về vẫn là văn tuyệt tác.

Nguyễn Văn Vĩnh từ chối làm quan triều đình Huế

Khi Bảo Đại về nước có mời cụ ra Huế làm quan như Phạm Quỳnh, nhưng cụ từ chối. Năm 1933, theo lời mời của cụ Phạm Quỳnh, cụ Vĩnh vào Huế để tự mình được tận mắt thấy những điều xảy ra sau khi vua Bảo Đại về nước. Cụ có viết một bài phóng sự tên là «Từ triều đình Huế trở về», thẳng thắn nêu ra sự vô ích của một bộ máy cai trị mà tự nó chẳng có quyền hành gì.

Chuyện đặt tên con của Nguyễn Văn Vĩnh 

Thời đó Bắc Kỳ có ba thành phố trực trị theo Pháp là Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Luật chỉ được lấy một vợ. Ngoài ra, các tỉnh khác theo chế độ Nam triều thì có quyền lấy nhiều vợ.

Nguyễn Văn vĩnh và vợ cả Đinh Thị Tính chụp ảnh cùng các con tại ngôi nhà số 13 Thụy Khê, Tây Hồ, Hà Nội năm 1927

Năm 1914, bà vợ hai của Nguyễn Văn Vĩnh là Phan Thị Lựu sinh con trai. Cụ ra tòa đốc lý Hà Nội làm khai sinh cho con thì nhân viên tòa đốc lý đòi phải có giấy khai sinh bậc nhì cùng sự ưng thuận của vợ cả thì mới làm giấy khai sinh cho đứa bé được. Cụ Vĩnh nói, ra ngoại ô Hà Nội, thuộc tỉnh Hà Đông, tôi có thể làm giấy khai sinh cho con tôi dễ dàng, sao anh làm khó dễ tôi chi vậy? Nhân viên tòa đốc lý đành đặc biệt ngoại lệ chiều lòng cụ, thì khi đặt tên, cụ đặt là Nguyễn Nhược Pháp – có nghĩa là, luật pháp của Pháp đối với cụ là yếu.

Năm 1918, một tin đồn dữ dội: Nguyễn Văn Vĩnh sẽ bị xử trảm. Do vua Khải Định ngự giá Bắc tuần tại dinh toàn quyền Hà Nội làm lễ nghênh giá long trọng. Đứng trên bục có quan toàn quyền là Albert Sarraut và hoàng đế. Các quan giám đốc các ty và các đại biểu các hội đồng công cử phải diễu qua trước bực chào hai vị chúa tể. Đốc lý các hội viên Pháp Nam sở tại được vào chào trước nhất, sau đó đến lượt cụ Vĩnh là đầu hội viên An Nam, ông Sarraut bắt tay trước rồi đến vua Khải Định bắt tay sau. Sau lễ chào ấy mới đến lượt các quan ta vào quỳ lạy bái khanh. Các quan bàn soạn với nhau về cái tội khi quân, “phường bán nước, dám bắt tay vua là tội đáng chém”. Thế rồi cái tin chém lan khắp Hà thành. Ngay trong đêm ấy, nghe được tin, cụ Vĩnh chỉ cười mà rằng: “Nước còn đâu mà bán, ai đem bán từ hồi nào rồi”. Các quan làm sớ tâu vua về tội khi quân của Nguyễn Văn Vĩnh, dám bắt tay vua là tội xử trảm. Vua phán: “Bây kỳ quá, kỳ quá!” Năm ấy, cụ Vĩnh sinh con trai và đặt tên là Nguyễn Kỳ.

Năm 1920 là thời điểm dịch Ba người ngự-lâm pháo-thủ của Alexandre Dumas, và vì say mê với tuyệt tác này mà khi bà cụ trẻ là bà Suzanne khi sinh con trai, cụ đặt tên là Alexandre Nguyễn Hiến.

Từ chối huy chương

Nguyễn Văn Vĩnh từng từ chối huy chương như tấm kim khánh của vua Nam triều và hai lần Bắc Đẩu Bội tinh của Pháp, thể hiện bản lĩnh giữ đúng lập trường và đường lối suy nghĩ tự do độc lập của mình.

Ảnh chụp năm 1919, Ban biên tập báo Trung Bắc tân văn, tờ nhật báo đầu tiên của lịch sử báo chí Việt Nam. Nguyễn Văn Vĩnh đứng thứ 3 từ phải sang, đội mũ. 

Vua Khải Định vốn đã không chém cụ Vĩnh vì tội khi quân, mà còn làm các quan phẫn uất hơn nữa khi mấy hôm sau ban tặng cụ Vĩnh và ba hội viên khác mỗi người một tấm kim khánh. Ba người kia là ông Đỗ Thận, Nguyễn Kim Lân và Nguyễn Trung Tiến, tất cả đều xin bái lãnh.

Duy có cụ Vĩnh gửi giấy kính tạ xin miễn cho cái vinh dự ấy vì cụ muốn “giữ được cái ngực còn trinh suốt đời”. Chẳng những khước từ kim khánh mà về sau còn khước từ hai cái Bắc Đẩu Bội tinh của Pháp; Pháp muốn tặng cho cụ Vĩnh vì công nghiệp của cụ đối với việc mở mang văn hóa trong nước.

Nguyễn Văn Vĩnh được các làng quanh Hà Nội tôn thờ

Cụ Vĩnh được tôn là người bảo vệ các làng lân cận Hà Nội cũng như là thần hoàng làng. Trong thời điểm đầu thế kỷ, dân chúng Việt Nam mù chữ đến 90%. Trên thì thực dân Pháp đô hộ, dưới thì có vua, dưới nữa đến quan, bắt đóng thuế và bắt nạt dân thì nhiều, chẳng bảo vệ quyền lợi cho dân chúng gì cả. Nếu có sự xích mích, oan ức tranh tụng, thì quan làm ngơ lâu lắm, không được xử. 

Nguyễn Văn Vĩnh và con trai, Nguyễn Nhược Pháp trên bìa Trung Bắc Chủ Nhật năm 1944

Các dân làng thường đến tòa báo gặp cụ xin chỉ bảo cách thức làm đơn cho đúng luật, gửi đúng nơi. Nhờ đó, quan không dám làm ngơ nữa và các vấn đề được giải quyết công bằng hợp lý và nhanh chóng. Các làng lân cận Hà Nội như Đại La, Thanh Trì, Bát Tràng quý trọng cụ, coi như người bảo vệ, như vị thần hoàng làng vậy. Hàng năm, ngày hội lễ đình làng, cụ bà thường dắt hai con trai nhỏ là Dự (7 tuổi) và Hộ (5 tuổi) đi dự lễ, mà cụ ông bận nhiều việc quá không biết. 

Thời đó, người Pháp có ông Pierre Gourou nghiên cứu, tìm hiểu và trích dẫn các bài cụ Vĩnh đăng trong tờ L’Annam Nouveau về tập quán và đời sống của những người nông dân vùng châu thổ sông Hồng. Sách đến 700 trang đã được dịch sang chữ quốc ngữ trước đây.

1 Comment

  1. Pingback: Array

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s