Lê Văn Trương

le-van-truong-2

 

Với một ngòi bút trong tay và một lý tưởng đạo đức không lấy gì làm cao siêu lắm ở trong đầu, Lê Văn Trương đã đem tới cho tâm hồn quần chúng xứ này một sự bồng bột mới.
(Lan Khai)

Vào thời 1938-1945, Lê Văn Trương là một nhà văn ăn khách, và ngay cả khi dừng in sách ở Sài Gòn sau 1954, Lê Văn Trương cũng đã để lại một số lượng trước tác vô cùng đồ sộ. Tuy vậy, ông lại không được các nhà phê bình đánh giá cao, cho rằng văn chương của ông chỉ có lượng chứ không có phẩm. Hầu hết mọi người đều có thể nhắc về Lê Văn Trương như một nhà văn nổi tiếng một thời, nhưng nếu phải chỉ ra một tác phẩm nào của ông mà nói xuất sắc và xuất sắc ở đâu thì là một việc hết sức khó khăn. 

Con người Lê Văn Trương

Tôi đọc về Lê Văn Trương trước khi đọc Lê Văn Trương. Đó là qua cuốn Văn thi sĩ tiền chiến của Nguyễn Vỹ. Theo lời Nguyễn Vỹ, Lê Văn Trương là người ồn ào, nói nhiều và nói to, cũng triết lý nhưng tạp nham, hay tán phét và chửi tục, nhưng không thâm hiểm. Hồi làm báo Ích Hữu của Vũ Đình Long, Lê Văn Trương hay phô trương «triết lý sức mạnh», có lần muốn đánh nhau với nhóm của Nhất Linh, thì mấy ngày sau bị mấy thanh niên sinh viên trường cao đẳng đến tát cho một phát, với lý lẽ của chính Lê Văn Trương: «tôi chỉ áp dụng triết lý sức mạnh của ông Lê Văn Trương… nay rất hân hạnh được dịp áp dụng nó ngay với Lê Văn Trương tiên sinh». 

Nguyễn Vỹ còn kể Lê Văn Trương viết rất nhiều và nhanh, chú trọng về lượng hơn về phẩm, không có thì giờ săn sóc câu văn, không có kiên nhẫn sửa bản thảo, nên đến gần cuối đời tự bản thân nhận ra chính mình không có một cái tác phẩm nào đáng để gọi là để lại cho hậu thế: «Tớ viết quyển nào cũng hay cả, mà chẳng có quyển đ.. nào hay cả! Thế mới chó!». 

Thêm nữa, Nguyễn Vỹ còn so sánh Lê Văn Trương với Nguyễn Tuân: «Lê Văn Trương nói năng thô lỗ, cục mịch, ồn ào, nóng nẩy, đôi lúc nghênh nghênh có vẻ cao bồi. Nguyễn Tuân ngôn ngữ nhỏ nhẻ, đàng hoàng, từ tốn như một chàng thư sinh Nho giáo, chậm rãi và điềm nhiên. Lê Văn Trương hay khoác lác, ba hoa thiên địa, biết ít mà làm như biết nhiều. Nguyễn Tuân dè dặt đến mức độ ngờ nghệch ngây thơ, biết mà làm như không biết. Cho đến cách y phục, đi đứng cũng thế. Lê Văn Trương vội vàng, cẩu thả bao nhiêu, thì Nguyễn Tuân đủng đỉnh cẩn thận bấy nhiêu.”

Chính vì những lời này của Nguyễn Vỹ, mà mỗi khi hình dung về Lê Văn Trương, tôi lại tự dưng nhớ một nhân vật trong Nhà Nguyễn của Nguyễn Tuân:

Thằng cha ấy nó đòi đánh tôi nhiều lần lắm rồi đó. Trước kia y hay rủ tôi đi chơi luôn. Tính y rất hiếu thắng. Nói rất nhiều, rất to; những nhà nào có ông già bà cả nằm dưỡng bệnh hoặc có trẻ con đương ngủ thấy y xông vào nhà là sợ lắm. Tôi không nói ngoa tí nào, khi tôi bảo một minh anh ta, anh ta họp chợ nổi, chẳng cần đến hàng xứ nữa. Khiếp, người đâu mà nói như cái máy hát của mấy hiệu bào chế. Mà lại toàn nói nhảm. Ấy thế rồi có mấy đứa con – nhà giời đánh nào nó mới xui khôn xui dại anh ta, bảo anh ta là một người có tài. Anh ta trẻ người non dạ, tưởng thực, khi không đòi nhảy ra gánh vác việc đời. Thấy cái cung cách anh chàng táo tợn như thế, tôi hãi quá. Từ đấy tôi không dám gần anh ta nữa. Nhưng trước khi định đi xa hẳn anh ta, nhân danh một cái việc chung đụng cũ, tôi có bảo thẳng mặt anh ta một câu: «Lời nói thẳng hay làm mếch lòng, nhưng mích thì mích, tôi cũng cứ phải nói rõ cho anh hiểu rằng không bao giờ anh là người có tài đâu. Anh muốn cái đời anh được sung sướng, tất cả cái hoài bão của anh – và có lẽ cũng là cái hoài bão chung của những người sống ăn hột cơm của giời – là trở nên người sung sướng phải không? Làm sao lại giẫy nẫy lên. Muốn sung sướng, đâu có phải là chuyện xấu mà anh phải chối? Ồ! Vậy anh bằng lòng thành người sung sướng; có khó gì. Làm giầu đi, kiếm tiền cho nhiều vào. Tiền bạc không hẳn là cả hạnh phúc nhưng là một phần lớn của hạnh phúc. Giầu là đủ rồi, việc gì cứ phải có tài mới là sung sướng? Mặc kệ cho thiên hạ tài, mình cứ giầu sụ vào. Ai tài cứ cho người ta tài. Nhưng mà anh thì anh không được cho anh là tài.» Anh ta đòi sừng sộ với tôi ngay lúc ấy. Tôi phải dịu lời nói thêm: «Nghĩa là thế này: anh cũng có tài – tài làm giầu – thế cũng có ích cho xã hội – ngoài cái sự vinh thân cho anh – nếu anh cứ định gánh với xã hội một một chút (tôi không chờ ở anh những cái sốt sắng có giá trị như thế) thí dụ như lúc cái tài làm giầu của anh đã được thực hiện rồi, thì ai cấm anh đùm giúp những cái tài khác. Tôi nói những cái tài chơn. Để mà xã hội trí thức quên được những cái hành vi ấy của anh? Một cái tài làm giầu nâng đỡ những cái tài không có tiền. Vẻ vang biết mấy. Chứ bây giờ tự nhiên chẳng căn cứ vào đâu cả, anh xưng xưng nhận ngay mình là có tài, cũng bắt chước bỉ báng đồng tiền, khinh thế ngạo vật, tức là bỏ đứt cái sở trường của mình, để vác ngay cái sở đoản ra mà đập lên đầu thiên hạ cho người ta tối mày tối mặt lại. Thành ra anh đi bỏ một cái chỗ ngồi đích đáng của anh để nhảy sang chiếm chỗ tại miếng đất người khác. Ta không nên vụng dại thế. Anh há chẳng được trông thấy những cái thảm trạng gây nên bởi một chú lái buôn cứ đòi đốt trầm nắn phím. Anh há chẳng được chứng kiến những cuộc tàn sát thi ca của những ông lãnh binh sính làm thơ. Từ nay về sau, đứa nào cứ đến đấm cửa nhà anh để mở mồm khen anh là một người có tài thì anh phải từ chối những lời xàm bậy đó và đãi nó một số tiền rất hậu rồi đuổi nó ra. Nếu nó còn đến để vu khống anh ngay ở nhà anh nữa thì cứ trói phăng nó lại. Đời sẽ khen anh là một người có liêm sỉ. Anh đã có lúc yêu tôi như anh từng yêu những người tầm thường khác, dẫn tôi đi nghe ca hát, rồi ăn, rồi uống, rồi nói phiếm và cười suông. Để trả những món nợ miệng đó, tôi kính biếu lại anh những lời chân thành này. Nếu tôi có khinh anh, thì anh cũng nên xét và tha thứ cho tôi vì tôi đã thành thực trong cái ý tưởng đó.»

(Nguyễn Tuân, Nhà Nguyễn, Thời Đại xuất bản, 1945, tr.41-43)

Lan Khai mô tả, vẻ ngoài Lê Văn Trương cao lớn, với dáng đi lừ đừ như một con cá chắm lội, với một mầu da bánh mật, với một gương mặt rắn càng, một cái trán hẹp của người thiết thực, có đôi mắt sâu, gườm gườm và có những cái nhìn nhanh như chớp. 

Miệng không rộng; môi trên hơi kênh lên bởi một chiếc răng cửa khểnh. Cái miệng ấy, mỗi khi toét ra cười, thường cho ta một cảm tưởng dễ chịu nó sẽ mất đi ngay, nếu Lê Văn Trương bắt đầu nói. Lê Văn Trương nói, cũng chẳng khác nào khi người bị chói cố cựa cho dây đứt. Ông vừa nói vừa thở hổn hển; bao nhiêu thớ thịt trên mặt ông đổ sô cả lại hai bên sống mũi; trán ông rúm thành những đường nhăn ngang nó muốn kéo đôi lông mày thưa lên gần mái tóc để ngắn một cách trơ trẽn’ hai mắt ông long lanh và cặp lòng đen thường đảo lộn, đưa ngược lên rồi hạ thấp dần xuống một bên góc mắt. Trong khi nói, ông lại có thói quen đưa cánh tay phải ra trước, ngón trỏ dựng đứng lên trời, hoặc cả bàn tay xòe rộng và lia qua lia lại trước mặt người nghe, như cái bàn tay của nhà thôi miên.

(Lan Khai, Phê bình các nhân vật hiện thời: Lê Văn Trương – Mớ tài liệu cho Văn sử Việt Nam, tr. 18-19)

Cũng theo Lan Khai, Lê Văn Trương là một người nói nhiều tới mức gây khó chịu, nhưng có lẽ vì chơi được với Lê Văn Trương, nên khi viết quyển sách về Lê Văn Trương, Lan Khai cũng hết lời bênh vực, giải thích cho tính cách của bạn mình. 

Văn chương Lê Văn Trương

Lê Văn Trương chỉ lớn hơn Nguyễn Tuân bốn tuổi, và cả hai cùng bước vào làng văn gần như cùng một thời điểm. Trước khi viết văn làm báo, Lê Văn Trương đi làm thầu khoán, buôn bò, buôn ngọc, vân vân, sau ông mới cộng tác với tờ Trung Bắc Tân Văn rồi Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích Hữu, hay Truyền Bá. Giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Lê Văn Trương có lẽ là 1941-1943, có khi một tháng ra vài cuốn sách.

Lê Văn Trương cũng chơi với Trương Tửu. Trương Tửu quả là một nhà phê bình tài giỏi, nhưng, cũng giống như Phan Khôi, ông không có tài sáng tác văn chương. Có lẽ Kiều Thanh Quế đã nói đúng về Trương Tửu, Trương Tửu chê Tự Lực Văn Đoàn là vì tư thù, chứ Tự Lực Văn Đoàn thì đúng là có tài. Và Trương Tửu tuy cũng đã lựa lời khi khen Lê Văn Trương, nhưng sự khen đó cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng từ mối quen biết đôi bên. 

Cũng giống như Trương Tửu, văn Lê Văn Trương nêu ra khá nhiều tư tưởng, nhưng khá tạp. Ông đã cực lực cổ động cái tinh thần quốc gia và đề xướng một cuộc «cách mệnh tinh thần» dựa theo «thiên lương» và «ánh sáng của Khổng học». Ông tin ấy là «một quan niệm làm người khác thiên hạ». Cái thái độ ấy của Lê Văn Trương nguyên lai ở sự kém hèn của giống mình, trong cái tấn kịch Âu Á gặp nhau, trên đất nước này. Ông xét thấy «cần phải đổi mới, cướp đường mà tiến lên để theo cho kịp người». Trong khi ấy, quay nhìn thực trạng xã hội Việt Nam, ông thấy «ủ trong lòng nó một hiểm tượng»:

Bà Hỷ, vợ đầu của Lê Văn Trương và con út Giáng Vân, ảnh chụp tại Hà Nội

Một phần đông thanh niên bị văn minh vật chất cám dỗ, bị giáo dục gia đình kìm kẹp lý tưởng, tinh thần bị thành kiến hư bại của xã hội dựa theo khuôn trưởng giả, đã nhãng quên cả khi làm trai, thiên chức của tuổi trẻ và danh dự làm người.

Lăn lóc mãi trong vực thẳm của khoái lạc đê hèn, ngụp lặn mãi trong bùn nhơ của phồn hoa hỗn tạp, cặm cụi theo mãi vết chân đẫm máu của con «bò vàng», họ đã đàn áp hết lương năng, dày séo lên tất cả những tình cảm thiêng liêng của cõi lòng.

Đối với họ, Tổ quốc là một ngụy ảnh, Nghệ thuật là một hư ngôn, Danh dự là một phiếm ngữ, tình yêu là một vô ý nghĩa, tình bạn là một xơ mướp.

Họ chỉ tận tụy thờ một thần tượng: thần khoái lạc; họ chỉ còn tin một luân lý: tìm khoái lạc; họ chỉ còn theo một châm ngôn: giầy xéo lên tất cả để tìm và hưởng khoái lạc.

… nhìn kỹ cái xã hội Việt Nam hiện tại người ta thấy gì?

Chỉ thấy đức hạnh bị hắt hủi, ngây thơ bị giầy xéo, ngay thẳng bị thiệt thòi, đểu giả được người ta hoan hô, lố bịch được người ta xùng mộ, trâng tráo được người ta ca tụng, những quân lừa thầy phản bạn được người ta bia đá tượng đồng.

Cả một xã hội là một tịch mịch thê lương, trong đó trái tim đương kêu gào thảm thiết. 

(Lê Văn Trương, Một lương tâm trong gió lốc, trang 21)

Qua đoạn trên, ta có thể thấy ngay hai điểm khác biệt giữa Lê Văn Trương và Nguyễn Tuân. Một là, giống như nhiều người thời mình, Lê Văn Trương hô hào «cách mệnh», trong khi Nguyễn Tuân lại rất thờ ơ với hai chữ «cách mệnh», dù là về tinh thần hay chính trị. Hai là, Lê Văn Trương kết án “chủ nghĩa khoái lạc” thì Nguyễn Tuân lại là người nổi tiếng với chuyện ăn chơi trác táng và viết nhiều về sự hành lạc. Thật ngạc nhiên, khi một bên lại tỏ vẻ là người xem trọng luân lý, kêu gọi quần chúng nhận lãnh một trách nhiệm, một nghĩa vụ với xã hội, thì trong hành xử hàng ngày lại có vẻ thiếu chỉn chu hơn một người có vẻ phụ bạc luân lý, thoái thác trách nhiệm như Nguyễn Tuân. Tuy Nguyễn Tuân vẫn thể hiện sự chán chường với thời thế, nhưng ông không giương cao khẩu hiệu đạo đức, không tuyên xưng, không hô hào cho một lý tưởng, sự nghiệp gì.

Lê Văn Trương cũng lập ngôn về việc sáng tác văn chương:

Tạp chí Văn, số tưởng niệm Lê Văn Trương

Tôi cho ở đời này cái sự nghiệp lâu bền và đáng giá nhất là cái sự nghiệp văn chương. Đấy anh xem, những công trình vĩ đại như Kim Tự Tháp, như Vạn Lý Trường Thành, như Đế Thiên Đế Thích còn đổ nát được. Duy sách vở các triết nhân là vẫn còn. Đã mấy nghìn năm, người ta cũng vẫn đọc và vẫn thấy khoái trá vô cùng. Những tác phẩm ấy, tôi dám chắc sẽ cùng bền với trời đất này. Sự nghiệp văn chương thực là vĩ đại, nó như khí giới, nó như cơm trắng, bao giờ người ta cũng cần phải dùng đến. Khí giời với cơm trắng còn là của Trời sinh ra, chứ văn chương lại chính của người tạo nên. Loài người sở dĩ dám sáng với Trời là ở chỗ ấy, ở chỗ cũng sáng tạo được những cái kiệt tác như Trời.»

(Lê Văn Trương, Một người, trang 137)

Những lời trên của Lê Văn Trương, Lan Khai cho là xuất phát từ sự vị kỷ, tham vọng muốn làm một ông trời, chứ không vì một sự nghiệp gì đó lớn lao cho mọi người. Tuy tuyên ngôn như thế, nhưng Lê Văn Trương lại chẳng chọn ra được trong số các tác phẩm của mình một cuốn nào ông cho là để đời. Và trong khi người cùng thời Nguyễn Tuân đều nói về cái sự khắt khe của ông với các tay biên tập, thì Lê Văn Trương lại không phải là một người có tiếng là chăm chút cho sách vở.

Cái “tôi” của Lê Văn Trương khá lớn, và in lên các trang viết của ông. Chẳng hạn, truyện Tôi thầu khoán (Tân Dân, Hanoi 1940) của Lê Văn Trương bị Vũ Ngọc Phan nhận xét là: “Viết du ký không những phải có duyên lại còn cần phải có giọng hòa nhã, làm cho người đọc mến, chứ không cứ phô bày cho thật nhiều những thủ đoạn «anh hùng» của mình và luôn luôn nhắc nhở đến cái «tôi» của mình là làm cho người ta mến phục, nhất là những thủ đoạn ấy và cái «tôi» ấy chẳng làm lạ cho ai cả. (…) 

Đọc những sách thám hiểm, những bài kỷ thuật của các nhà bác học và những vị anh hùng có danh, người ta thấy cái giọng khác xa. Những cái oanh liệt vô cùng của các ông, các ông đã thuật lại một giọng vừa giản dị, vừa bình tĩnh, vừa khiêm tốn, làm cho người đọc phải cảm phục và thấy rằng những «người lớn» không phải những người huênh hoang. 

Vũ Ngọc Phan nhận xét chung về Lê Văn Trương như sau:

Lê Văn Trương là một nhà tiểu thuyết luân lý, nhưng cái luân lý của Lê Văn Trương là một thứ luân lý rất thông thường, vợ phải theo chồng, em phải nghe anh, phải ở dưới quyền che chở của anh. Nhưng bên cái luân lý thông thường ấy, Lê Văn Trương lại luôn luôn nêu lên những cái rất thương tổn đến phẩm cách con người: nào là sự gian lận như việc buôn lậu, nào là sự ác nghiệt và tàn bạo như những việc đánh đập kẻ dưới, nào sự hiểu lầm lẽ sống, tưởng rằng có thuốc phiện, có gái, có trỵ lạc mới là sống nhiều, sống đầy đủ, và hiểu rõ cuộc đời. (…)

Lê Văn Trương lại tựa vào một thuyết rất hẹp. Cái thuyết sức mạnh của ông là thứ lý thuyết nông nổi, không có gì vững vàng, không thể so sánh mảy may với cái thuyết về sức mạnh và về người siêu nhân của Nietzsche. Tác giả còn cần đi sâu hơn nữa.

Tiểu thuyết của Lê Văn Trương mỗi ngày một nhiều, nhưng xét chung tất cả, người ta thấy các truyện của ông không khác nhau mấy tý. Người ta lại thấy về đường tư tưởng và ý kiến, những truyện của Lê Văn Trương chỉ có chiều rộng, không có chiều sâu. Không một ai có thể bảo ông không giàu tưởng tượng, nhưng người ta nhận thấy rằng bao giờ ông cũng thiên về một mặt là sự tin cậy ở sức mạnh bồng bột – thường thường là vật chất – nên trong tiểu thuyết của ông có rất nhiều sự quá đáng, còn những cái thật «nhân loại» thì lại rất hiếm.

ưVề cách hành văn, người ta thấy từ quyển truyện đầu tay cho đến những quyển xuất bản gần đây nhất của ông, ông không thay đổi mấy. Xưa kia ông hay nghị luân trong các truyện ngắn truyện dài, thì bây giờ ông cũng vẫn hay nghị luận một cách trường giang đại hải. Văn ông chỉ là một thứ văn hoạt, thứ văn dễ hiểu cho người trung lưu chí thức, không có gì đặc sắc.

Về cách hành văn, người ta thấy từ quyển truyện đầu tay cho đến những quyển xuất bản gần đây nhất của ông, ông không thay đổi mấy. Xưa kia ông hay nghị luân trong các truyện ngắn truyện dài, thì bây giờ ông cũng vẫn hay nghị luận một cách trường giang đại hải. Văn ông chỉ là một thứ văn hoạt, thứ văn dễ hiểu cho người trung lưu chí thức, không có gì đặc sắc.

(Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại 4 – tập thượng, tr.162-163)

Lan Khai thì nhận xét, văn của Lê Văn Trương cũng có giương cao tư tưởng, cũng có sự thành thật, nhưng lại không có cái đẹp về hình thức, không có sự sáng suốt trong phô diễn. Ông hay lải nhải lặp đi lặp lại nhiều lần một ý nào đó. Thêm nữa, ông không sâu sắc trong việc xây dựng tính cách và chuyển biến tâm lý nhân vật. Cũng theo Lan Khai, tiểu thuyết của Lê Văn Trương đơn điệu, nhàm chán. Nhân vật và tình tiết có thay đổi, nhưng tinh thần chung, kiểu cách mô típ chung không đổi: cũng thiện ác tranh chấp.

Nói chung, trong đánh giá của nhiều người, văn của Lê Văn Trương là một văn chương trung bình. Có lẽ Lê Văn Trương viết nhiều là vì ông nghĩ rằng viết cũng chỉ là nói, chẳng qua với một hình thức biểu đạt khác mà thôi. 

Tuy nhiên, sau này khi tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng ra số 29 tưởng niệm Lê Văn Trương thì có nhiều nhà phê bình nhìn nhận khác về ông, theo chiều hướng tích cực hơn, chẳng hạn như Nguyễn Ngu Í hay Nguyễn Văn Trung.

Dù sao, toàn bộ trên đây chỉ là những lời người khác nói về Lê Văn Trương, còn muốn hiểu về thực chất văn chương Lê Văn Trương, có lẽ chúng ta sẽ phải mất thời gian để đọc các trước tác của ông. Nhưng thú thật nhìn vào đống sách mà Lê Văn Trương để lại, tôi e không đủ hứng thú để bắt đầu và không đủ kiên nhẫn để đọc hết. Việc này chắc đành nhờ một ai đó hứng thú với Lê Văn Trương đọc hộ, chứ còn hiện tại chắc chỉ đành đọc tóm tắt của Vũ Ngọc Phan.

Bibliography

Lan Khai (1940), Phê bình các nhân vật hiện thời: Lê Văn Trương – Mớ tài liệu cho Văn sử Việt Nam, Minh Phương xuất bản.

Vũ Ngọc Phan (1951), Nhà văn hiện đại (quyển IV, tập thượng), Vĩnh Thịnh tái bản.

Tạp chí Văn số 29 (1964) tưởng niệm Lê Văn Trương

Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên III, Quốc Học Tùng Thư ấn hành.

Nguyễn Vỹ (1970), Văn thi sĩ tiền chiến, Khai Trí xuất bản.

1 Comment

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s