Trên Thư viện Quốc gia Việt Nam, tờ báo duy nhất ra ngày 31-12-1921, tức đúng 100 năm trước, có thể tìm thấy là Khai-Hóa Nhật Báo. Tờ báo này do Bạch Thái Bưởi bỏ tiền lập ra, phát hành số đầu tiên ngày 15-7-1921, tòa soạn và trị sự ở 82 phố Hàng Gai (Hà Nội), đến số 1.751, ngày 31-8-1927 thì bị đình bản, nghe nói vì lý do Bạch Thái Bưởi phá sản. Trên trang nhất có ghi tên chủ bút là Đỗ Thận. Được biết, ngoài ông, từng có Lê Văn Phúc, Lê Sĩ Tố, Hoàng Tích Chu làm chủ bút báo này. Nhưng Đỗ Thận là ai?
Theo một nguồn tin không rõ đúng sai, ông Đỗ Thận cũng thuộc nhóm các học giả, nhà báo, nhà giáo thời kỳ một phần tư đầu thế kỷ 20. Thuở nhỏ ông cũng học chữ Hán, sau học trường thông ngôn rồi làm thông ngôn ở Tòa đốc lí Hà Nội. Ông là một trong những người có tham gia vào Đông Kinh Nghĩa Thục và cũng từng làm việc cho nhà in của Francois Henry Schneider. Ít lâu sau, ông vào Nha học chánh, ban tu thư của phủ thống sứ và được hàm tri phủ, sau thăng bố chính. Đỗ Thận từng ứng cử Hội đồng thành phố Hà Nội, tham gia nhiều hội thân pháp, làm chủ bút báo Khai Hóa, ký giả cho báo Nam Phong. Thời gian làm việc tu thư, ông dịch một số tác phẩm ra Pháp văn như cuốn Việt Nam nhân thần giám của Hoàng Cao Khải, cũng soạn một số sách tiếng Pháp khác.
Một số tác phẩm của ông mà ta có thể tìm thấy:
- Bài “Une version annamite du Conte de Cendrillon” [“Một phiên bản An Nam của chuyện cổ tích Lọ lem”], in trên Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, tức tập san của viện Viễn Đông bác cổ, ra vào tháng 7 năm 1907
- Bài “Quan, hôn, tang, tế”, in trên Nam Phong số 94
- Bài “Cải lương hương chính”, in trên Nam Phong số 99.
- Bộ sách “Việt Nam tiểu học tùng thư”.
Trong số các tác phẩm nói trên, thì bộ sách “Việt Nam tiểu học tùng thư” là tác phẩm mà nhờ nó tên của Đỗ Thận được biết đến nhiều nhất. Đây là một bộ sách giáo khoa của nước ta dưới thời Pháp thuộc, được soạn bởi Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, và Đỗ Thận. Gần đây, một vài cuốn trong bộ này được Kim Đồng tái bản.
Đỗ Thận cũng xuất hiện rải rác trên các trang viết của người cùng thời. Chẳng hạn, Phan Khôi viết:
Ông Đỗ Văn đi sang Pháp hai lần, đâu chừng trong năm sáu năm, ăn học thành tài rồi thì ông về ở Hà Nội. Ở Hà Nội bốn năm năm nay, ông ấy trổ tài chuyên môn của mình mà làm cho nghề in và nghề báo ở Bắc Kỳ nẩy ra cái vẻ đặc sắc hơn xưa.
Thế mà thôi, ông Đỗ Văn nghĩ là chưa đủ, ông còn phải ra một tờ báo, làm chủ một tờ báo.
Vừa rồi báo Nhật tân xuất bản, in một cách đẹp hơn cả các báo Đông Dương. Còn phải tán gì, ông là chúa nghề in.
Có một điều đáng lạ, là báo Nhật tân mới ra đã nhè ngay ông Đỗ Thận mà công kích.
Như thế thành ra như ông Đỗ Văn đã trau dồi cái nghề ông trong bấy nhiêu năm là để chực công kích ông Đỗ Thận hay sao? Như thế thành ra như ông Đỗ Văn có hiềm giận gì ông Đỗ Thận, đi học tây về để mở báo, mà mở báo là cốt để công kích ông Đỗ Thận hay sao?
Con nhà họ Đỗ với nhau, có gì đi nữa lại đâu đến nỗi thế? Không có lẽ.
Ta hãy xem thử công kích về điều gì. Nhật tân chẳng nói xa nói gần gì hết, kêu tên ông Đỗ Thận ra mà nhạo báng rằng ông ấy đã hai lần vận động vào Huế làm quan đều trật hết.
Ủa hay, vận động làm quan mà trật đi, trật đi đến hai lần, lẽ đáng thương hại cho người ta mới phải, việc gì mà công kích? Thế nhưng chúng tôi đọc kỹ Nhật tân rồi thì thấy công kích cũng đáng lắm.
“… Quần áo xúng xính… tay áo dài phủ cả ngón tay, bệ vệ ngồi xe như ngồi ở khám thờ, hai tay lúc nào cũng chắp như sắp cúc cung bái…” ‒ Ấy là mấy lời của Nhật tân tả chân ông Đỗ Thận đó.
Phải, chúng tôi cũng đồng ý với bạn đồng nghiệp đứng đắn ở đường Hàng Da mà bảo rằng nội ngần ấy đó ông Đỗ Thận cũng đã đáng cho người ta công kích rồi.
Tay áo việc gì lại phải dài phủ cả ngón tay?
Ngồi xe việc gì lại phải bệ vệ như ngồi ở khám thờ?
Hai tay việc gì lại phải lúc nào cũng chắp như sắp cúc cung bái?
(“Ông Đỗ Văn và ông Đỗ Thận”, Phan Khôi: Tác phẩm đăng báo 1933-1934, do Lại Nguyên Ân sưu tầm và giới thiệu)
Ta biết Đỗ Văn là một nhân vật trong nhóm mà Dương Thiệu Thanh gọi là “tập đoàn Hoàng Tích Chu”.

Nói đến quá trình báo chí ở Bắc Việt, theo tôi, các nhà văn lão thành như Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Nguyễn Đỗ Mục, Đinh Gia Thuyết, Phạm Duy Tốn, Nhượng Tống… đều có công đóng góp rất lớn lao, nhưng phải đợi đến lúc Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh bút chiến về vấn đề lập hiến thì ta mới thấy một thứ nhựa mới làm cho làng báo mạnh hơn lên. Tuy nhiên, mạnh không có nghĩa là tiến bộ. Tôi còn nhớ lúc đó báo hàng ngày có ba tờ: Thực Nghiệp của ông Mai Du Lân, Trung Bắc của ông Nguyễn Văn Vĩnh và Khai Hóa của ông Bạch Thái Bưởi. Tin tức do Sở Cẩm Hàng Đậu và Hàng Trống cung cấp, còn xã thuyết thì Trung Bắc bao giờ cũng kết luận: “Quốc dân đồng bào nghĩ sao?”. Ông Đỗ Thận, râu một đống, viết xã thuyết cho báo Khai Hóa, cứ tết mồng năm thì có một bài xã thuyết mồng 5 tháng 5, tết Nguyên Đán thì không bao giờ thay đổi, mở đầu bài xã thuyết bằng hai câu (có dấu than): “Tết đến rồi! Tết đến rồi!” Còn ông Mai Du Lân thì mặc cho Trúc Khê Ngô Văn Triện và cụ cử Mai Đăng Đệ viết gì thì viết, việc chính của chủ báo là nhận đồ về in, lấy tiền ăn chắc hơn là bán báo.
Tôi đọc Hữu Thanh, Nam Phong và các báo hàng ngày không ham mấy, nhưng đọc đều đều để xem có tiểu thuyết nào hay thì học thuộc mấy câu mở đầu “biền ngẫu”.
Phải đợi đến lúc lên “sơ gông” ở trường, tôi mới thật thích nghề viết báo. Nhà báo tôi gặp đầu tiên là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Những bài tôi viết ở An Nam Tạp Chí là những tư tưởng của một ông cụ non, may đã tam sao thất bản rồi, chớ không mà phải đọc lại thì xấu hổ mà chết mất. Tôi nói: “thích nghề viết báo”. Chớ thực ra thì chưa ham viết.
Tôi còn nhớ rõ ràng tôi bắt đầu ham viết báo là kể từ ngày các ông Hoàng Tích Chu, Đỗ Văn, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, Vũ Đình Chí làm tờ Ngọ Báo của ông Bùi Xuân Học. Cho đến bây giờ và mãi mãi tôi vẫn nhận rằng Hoàng Tích Chu đã làm được một kỳ tích: viết Nam Phong ký tên Kế Thương, đọc chán như cơm nếp nát, thế mà đi Pháp mấy năm về, làm được một phát rất “trì” là làm sôi động cả ngành báo chí, đem lại cho tờ báo một bộ mặt mới, một hơi thở mới, một sinh lực mới. Ngọ Báo một xu bán chạy không chê được. Đọc không bỏ một chữ. Văn hay không chịu được, cái lớp tiểu yêu như tôi lúc đó đều công nhận như thế, nhưng các ông lớn tuổi thì dường như không tán thành.
(Vũ Bằng, Bốn mươi năm nói láo)
Ông Đỗ Thận có một bộ râu rất mỹ thuật để che lấp một cái lỗ móm mém thiếu mỹ thuật mà người ta quen gọi là cái miệng.
(Bài “Trong lúc quốc gia đa sự và đa nạn, một nội các liên hiệp quốc gia Việt Nam thành lập do ông Đặng Văn Dzự làm tổng lý nội các”, in trên Vịt Đực, Số 2, 29 Tháng Sáu 1938. Vịt Đực của Tam Lang Vũ Đình Chí là một tờ báo mang phong cách trào phúng nhưng đến muộn hơn Phong Hóa, và chịu ảnh hưởng từ Phong Hóa).
Ta thấy cái bộ râu của Đỗ Thận hay bị người ta mang ra bàn tán, không khác chi cái búi tóc của Nguyễn Văn Tố.
Đỗ Thận cũng góp tiền vào việc lập ra rạp hát Sán Nhiên Đài ở phố Đào Duy Từ, cùng với Nguyễn Quang Oánh, Nguyễn Văn Ngọc, mang nghệ thuật chèo từ ngoài sân đình vào sân khấu hộp.
Đỗ Thận mất năm 1959.
3 Comments