Bài viết của Vũ Bằng trên Văn số 159.
Nếu tôi có tiếc điều gì khi nói về Đái Đức Tuấn bút hiệu Tchya «hỗn» danh Tẩy-xia, tôi tiếc là đã vắng mặt khi đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tuấn với tôi là văn hữu, ngoài tình bạn ra, còn là bạn rượu và bạn hút với nhau trên dưới hai mươi nhăm, hai mươi sáu năm trời. Tuấn chỉ hơn tôi dăm tuổi, nhưng lúc nào tôi cũng coi Tuấn là một người anh, bởi vì Tuấn thuộc vào lớp Phùng Tất Đắc, Hoàng Tích Chu, Đặng Trọng Duyệt, Đỗ Văn, Chu Mậu, mà tôi coi là những người đốt đuốc soi đường cho làng báo Việt Nam, sau Nguyễn Văn Vĩnh, Tú Mục, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Dương Bá Trạc…
Tuấn là một thứ đàn em trong bọn. Tôi cũng vào lớp với Tuấn. Nhưng bởi vì Tuấn, lúc đó đã đỗ Tú tài «mê tơ rô» và được bổ làm Tham tá Nha Học chính, đi chơi đi bời, chè rượu, phiện phò với các «tay tổ» ở Pháp về như Hoàng Tích Chu nên tôi sợ và có mặc cảm không dám coi Tuấn ngang với mình. Vì thế, lúc đó và sau này, lúc nào tôi cũng coi Tuấn như một bực đàn anh. Coi như thế, còn vì một lẽ nữa là Tuấn, ngay buổi đầu gặp tôi ở báo «Nhật Tân» đã tỏ ra «hách» lắm, coi tôi không ra gì.
Sau này, anh em đi lại với nhau thân mật hơn, Tuấn mới nâng tôi lên hàng bạn, nhưng dù vậy, tôi vẫn sợ Tuấn là vì qua vài câu chuyện, tôi biết Tuấn là một người khó tính: đối với những người lớn tuổi hơn anh, anh nói năng văng mạng, không coi ai ra gì; còn đối với những người ít tuổi hơn anh – như tôi chẳng hạn – thì anh có vẻ không muốn cho được tự mình coi là bình đẳng với ai.
Tôi cố làm vui lòng Tuấn, dù lúc đầu anh tỏ ra rất chướng, rất khinh bạc, không phải vì một lẽ gì khác, chẳng qua chỉ là vì trong mấy buổi đầu trò chuyện tôi thấy anh là một người kinh khủng, cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi, cái gì cũng hay.
Sau này, chơi với nhau lâu, cứt trâu hóa bùn, tôi biết Tuấn hơn một chút thì thấy anh cũng thường thôi, nhưng dù sao tôi cũng cứ phải nhận rằng Tuấn quả là một người thông minh, có một trí nhớ bén nhậy lạ lùng, nghe thấy ai nói gì hay thì nhớ liền và đi chỗ khác lại đem những chuyện đó nói ra nhưng văn vẻ, mạch lạc và có duyên hơn nên dễ được cảm tình và sự thán phục của người nghe chuyện. Nhưng đó không phải là điểm chính để cho tôi «cảm» Tuấn. Tôi bắt đầu yeu Tuấn và trọng Tuấn là về sau này, chơi thân thiết với anh hơn, nằm chung một bàn đèn «ăn thuốc», Tuấn đã tỏ ra là một tai giang hồ lọc lõi, một nghệ sĩ giầu tình cảm, một con người rộng lượng đã không biết thì thôi chớ đã biết thì có thể bán áo khinh cừu mua rượu đãi bạn và có thể bỏ làm bỏ ăn để lo cho bạn.
Bạn trên hết, xếp là đồ bỏ
Cũng phải nhận đức tính đó thật hay nhưng nhiều khi bạn cũng khổ vì Tuấn. Rất có thể anh không biết rằng làm như thế là làm phiền bạn, nhưng có ai ở trong cảnh mới biết rằng có nhiều khi vì vô tình trong cách xử sự anh em có người uất lên muốn chết. Đó là cái lúc anh hãy còn chưa lập gia đình, cùng với anh em ở một căn gác tại đường Nhà Thờ (tức là phố Lamblot)… Đi làm Nha Học chính, anh đi một cái xe nhà vàng, người xe của anh vừa kéo xe vừa làm bếp. Một buổi sáng, trước khi anh đi, anh em hỏi có tiền để làm cơm buổi trưa không. Anh móc hết các túi, không có đồng nào cả. Anh em vơ vét hết cả túi quần túi áo, ngăn tủ, xó bàn gom lại được một đồng, đưa cho người kéo xe để anh ta đưa Tuấn đi làm xong thì rẽ vào chợ mua thức ăn về làm cơm. Mười hai giờ. Một giờ. Anh em đói meo lên, cứ chờ, một giờ mười lăm cũng chẳng thấy cơm nước dọn lên. Một người bèn gọi người xe của Tuấn lên hỏi sao không thấy cơm nước gì. Người xe cũng đói meo, trả lời:
– Thưa các bác, cháu có làm cơm gì đâu mà đợi.
– Lạ, sáng đưa cho anh một đồng đi chợ mà? Sao lại không mua gì?
Đến lúc đó anh em mới ngã ngửa ra. Thì ra đồng bạc ấy, lúc đi làm, Tuấn đã lấy lại của anh xe và anh đã mua một cái mũ nồi kiểu basque mất tám hào, còn hai hào tiêu gì không nhớ, bây giờ hết sạch rồi. Anh xem còn sỉ vả không tiếc lời, nhất là lại biết rằng Tuấn đã có một mũ nồi ở nhà rồi. Mua làm cái mẹ gì kia chứ? Tuấn toét miệng ra cười:
– Mình thấy cái mũ hay hay thì mua, quên khuấy đi mất đó là tiền đi chợ!
Tuấn có một cái tính «phớt tỉnh» và chướng ách vượt bực làm cho nhiều người phát tức không chịu nổi, nhưng cũng có khi làm cho người ta thích thú mà không hiểu tính tình Tuấn ra sao. Tôi còn nhớ có một lần Nguyễn Tuân (tức Tuân mũi to) ở Thanh ra đến sở tìm Tuấn để thăm. Các bạn đọc không thể nào tưởng tượng nổi: Đái Đức Tuấn rủ Tuân ở lại phòng giấy của anh đánh cờ. Xin nhớ rằng thời đó là thời thịnh trị của thực dân Pháp, các ông tham ông phán trở lên, các ông huyện ông phủ trở xuống, hồ trông thấy xếp thì tay chân run lên như bắt chuồn chuồn, mặt cắt không còn hột máu và lắp ba lắp bắp nói không ra tiếng. Đái Đức Tuấn và Nguyễn Tuân vừa đánh cờ vừa nhắm mắm mực, y như khong có chuyện gì xảy ra, dù viên xếp tây cho họ là quái thai, cứ đi đi lại lại để cho họ thấy, họa có bỏ cờ mà đứng dậy chăng. Tuân đã lỳ, Tuấn lại lỳ hơn: cả hai đều không biết xếp là gì cả, cứ chiếu tướng, cứ ghểnh xe, thỉnh thoảng lại tức giận vì một nước cờ quá thấp lại còn tướng một vài câu tiếng tây nói lóng! Ấy là tôi lại còn quên chưa kể là trong khi đánh cờ như thế, Đái Đức Tuấn lại còn gọi thợ vào trong phòng để vừa đánh cờ vừa quấn cái vải vào người hớt tóc!
Tuấn và Tuân quả là hai nghệ sĩ – theo đúng cái nghĩa mà người ta vẫn hiểu. Sống hoàn toàn theo sở thích của mình. Sống toàn diện. Sống cho nội tâm của mình, bất cần những người chung quanh bằng lòng hay không. Vì thế, có nhiều khi Tuấn như một anh điên. Thực ra bảo là điên không đúng, nhưng có thể bảo anh là một thứ «tổ sử hippie» sống theo đường lối «hiện sinh» trước cả những tay tổ hiện sinh Âu Mỹ. Những người hiểu anh lâu dần, cũng quen đi, nhưng ai không biết thì tức, là vì trong cử chỉ, trong lời nói, anh tiết ra một sự khinh bạc làm cho người liên hệ muốn «từ».
Hồi Nhật đến đây, Đái Đức Tuấn đi tu ở trên một trái núi ở miền Trung. Nhờ có người đi lại báo tin, anh biết bà cụ sinh ra anh mệt nặng. Tuấn bèn viết một thư cho một người bạn thân gửi tiền vào cho cụ uống thuốc. Người bạn gửi một ngân rưởi theo lời anh yêu cầu. Bạn với bạn, đối với nhau như thế thực là chu đáo, nhưng Đái Đức Tuấn không những đã chẳng cảm ơn lấy nửa câu lại còn giở giọng chướng phè phè nói tức bạn: «Bởi vì mày giàu, mới bị khổ thân mày như thế; chớ mày nghèo thì tao phiền làm cái đếch gì!»
Đái Đức Tuấn, một người hiền tàn ác
Xử sự như thế, nếu không phải là những người bạn hiểu Tuấn và thương Tuấn tất nhiên phải nọc ra mà đánh. Rút cuộc, chẳng có người bạn nào giận Tuấn hết vì ai cũng biết rằng ở dưới cái hình thức lập dị, khinh bạc ấy, Đái Đức Tuấn nuôi trong lòng một mối từ tâm như các bậc hiền nhân quân tử Đông Tây vậy: thập loại chúng sinh nhất thiết đều thương xót, thương từ con tôm con cá thương đi, thương từ ngọn cỏ lá cây thương lại. Có một hồi thấy giết con gà con vịt cũng không đành tâm, anh đã ăn chay trường một dạo, nhưng trong khi ấy thì vẫn hút thuốc phiện, đi hát cô đầu và chủi bới huyên thiên.
Nói đén chuyện Tẩy-xia mà đi hát cô đầu thì «cúng» được. Lập dị còn hơn cả Nguyễn Tuân. Đọc toàn thơ chữ Nho. Nói toàn lời đạo đức. Nhưng đến nửa tiệc rượu, bốc đồng lên, anh kêu hết các cô đầu ở trong nhà ra xếp hàng đứng trước mặt anh để anh cho điểm. Tội nghiệp cho cô nào chẳng may xấu xí hay vụng ăn vụng nói; anh chửi bới hành hạ không tiếc lời, ai cãi lại thì lột quần ra đánh đòn; vì thế thường thường ở những nhà hát anh vào vẫn xảy ra những chuyện than khóc, kêu ca, có khi sanh ra to chuyện đến cãi nhau hay xô xát. Vài hôm sau, Đái Đức Tuấn quần áo chỉnh tề đến xin lỗi bà chủ, như một đứa bé con ngoan ngoãn và thường là anh móc túi có bao nhiêu tiền lấy ra kỳ hết để tạ tội với người cô đầu mà anh đã lăng mạ và khinh khi bữa trước. Thế rồi lại rượu, và chứng nào tật nấy lại diễn ra… Tuấn không còn coi ai ra gì, và tỉnh rượu có khi anh ôm mặt khóc như một đứa bé con tội lỗi.
Tôi đã suy nghĩ nhiều về trường hợp Đái Đức Tuấn: anh quả thực là một cái mâu thuẫn lạ đời, đáng ghét mà lại đáng thương hết sức. Không biết cái mâu thuẫn kết tinh ở trong người anh đó là hậu quả của cái gì? Của một xã hội bị đè nén dưới thời Tây bảo hộ? Của những cuộc giao du với những người bạn không có một căn bản vững chắc mà lại lung lay tận gốc? Hay là của phiện và rượu đã lần lần ăn sâu đục thủng thần kinh anh từ lúc anh ra đời, một bước lên làm Tham tá Nha Học chính?
Những người thật am hiểu sự đời không bao giờ tìm hiểu cái mâu thuẫn đó và chỉ tha thứ mà thương mến Tuấn thôi. Tôi chịu Hà Thượng Nhân đã nói lên được những cái ý tiềm tàng của các anh em xa cũng như gần đối với Đái Đức Tuấn, tức Mai Nguyệt, tức Tẩy-xia:
«Hay, không xin hỏi cụ Tchya
Tuy «cụ» tiên sinh vẫn chửa già
Còn dẻo, còn dai, còn khỏe chán,
Vẫn ria, vẫn píp, vẫn hào hoa.
Oanh oanh yến yến mê sư cụ,
Thơ rượu đồng môn bác Tản Đà
Lăn lộn đắng cay từng nếm trải,
Đi Tầu cho chán lại về ta.
Cũng rằng «cách miệng» như thiên hạ,
Tay trắng hoàn nguyên, tóc điểm hoa.
Hơn đứt anh em tài tán dóc,
Chuyện tưởu, chuyện nỡm, chuyện con ma.
Tiếu lâm, nếu mở văn bằng ấy,
Nhà nước thi thì đỗ thủ khoa.
*
Viết thư nhiều kẻ hỏi lăng nhăng,
Mai Nguyệt là con hoặc giả thằng?
Tuổi độ bao nhiêu nhờ mách giúp,
Người ơi, chớ hỏi cuội cung trăng.
Nếu tôi nhe miệng tôi mang vạ,
(Tính cụ Tchya vẫn nhập nhằng).
Vả lại làm sao người chẳng hỏi,
Anh chàng họa sĩ khá kiêu căng,
Tóc cua trán rộng, bàn răng cuốc,
Chẳng phải sư mà đích thị Tăng.
Lương mấy chục ngàn sài rất lớn,
Mắt xanh, ai có để vào chăng?»
Hà Thượng Nhân cũng là một thứ anh em thương yêu Đái Đức Tuấn cho nên không nhìn thấy Tuấn hỏng về khía cạnh nào mà chỉ thấy Tuấn «còn dẻo, còn dai, còn khỏe chán». Hà Thượng Nhân làm thơ này vào khoảng 1957, 1958 gì đó. Thực ra, so với lúc bắt đầu viết Đông Tây, Nhật Tân, lúc ấy Tuấn đã yếu đi rất nhiều, và sở dĩ về sau này anh «mất lực» đi mau quá cũng là vì chơi bời phóng túng quá, hủy hoại thân xác đi ghê rợn quá hồi còn ở Bắc. Tản Đà nghiện rượu đế. Nguyễn Thế Truyền ưa uýt-ky. Nguyễn Tường Tam ghiền Martell. Nhà văn ai cũng ghiền, không rượu thì thuốc phiện, không thuốc phiện thì coca (?). nhưng đến Đái Đức Tuấn thì phải nói là anh ta… vượt mức! Tất cả cái gì kêu là ma túy, tất cả cái gì liệt trong tứ đổ tường, tất cả cái gì hủy hoại thần xác ta, đốt cháy linh hồn ta, anh đều ham cả và ham hạng nặng.
Về rượu, thường những anh ghiền tay tổ uống gin, uống đế, pẹc-nô, hay pun sô, pun phờ-roa (rượu rum cho đường, chanh rồi hâm nóng lên để rượu dẫn mau vào mạch máu, bốc lên đầu). Ở Hà Nội, hồi Taverne Royale (một khách sạn có Tây ra vào nhậu nhẹt) do một người chủ Do thái tên Besson quản nhiệm, Đái Đức Tuấn không ngày nào không có mặt vài ba lần. Các bạn không thể tưởng tượng được anh ta uống ra thế nào. Sơ sơ tà tà cũng bốn năm cái cốc-tay một lúc. Mà cốc-tay là gì? Prairie Oyster. Dịch nôm là con ngao cánh đồng. Phải biết người ta pha một cái cốc tay ấy như thế nào, các bạn mới có thể biết Tuấn tự đầu độc mình hàng ngày ra sao. Một ly bự, trong có hai ba ly nhỏ Saint Raphael làm căn bản, đập một cái tròng đỏ trứng gà vào, cho thêm một ít pẹc nô, quậy cho thật đều rồi… lấy cái cối xay hạt tiêu ra quay… cho một lớp hạt tiêu phủ lên trên hết. Cái cốc-tay như thế, đưa lên miệng uống một hơi, kiểu linh tẩy uống la ve vậy!
Lần lần, quen mùi đi, không uống thì muốn ói, cứ sắp tỉnh rượu lại phải uống tiếp luôn. Tiện thì lại ra Taverne làm vài cái nữa; nhưng nếu không tiện đường thì làm hai cốc vại pẹc nô, áp-sanh, rồi rủ anh em lên Đông Hưng Viên uống nữa, uống Mai Quế Lộ, uống Thanh Mai, uống Sử Quốc Công. Bây giờ những anh em còn sống không quên được một vài bữa ăn ở Đông Hưng Viên phố Hàng Buồm, Tuấn đã say mèm mà cứ thách Đặng Trọng Duyệt uống rượu, say quá đến nỗi cả hai cùng ngồi đơ ra, không dám quay đi quay lại vì quay đầu thì…chớ và kết cục là hai ba phổ ky phải lên khiêng Tuân từ lầu ba xuống đưa lên xe trở về nhà.
Về phiện, Tuấn cũng hút lẫm liệt như uống rượu. Chính trên báo này, tôi đã có dịp kể chuyện Tuấn hút cả đêm không nghỉ, đến sáng tháo nhẫn ma dê ra trả chủ tiệm. Đấy không phải là một buổi hút đặc biệt đâu; đã hút Tuấn thường hút cả đêm như thế, còn thuốc còn hút, hút kỳ cho bao giờ hết thuốc, hết tiền mới thôi. Hút cả đêm chưa đủ, hút luôn cả ngày, công việc làm ăn ở sở không cần biết tới. Chính vì sống triệt để, theo kiểu Lý Bạch, không cần biết ngày mai, không cần biết chung quanh, nên có lần Tuấn đã bỏ luôn sở làm nghỉ một mạch ba ngày mà không báo cho xếp Tây biết. Lúc ấy, anh đang làm Tham tá Nha học chính. Đột nhiên vắng Tuấn, cả sở nhao lên. Xếp cho đi tìm khắp mọi nơi không thấy. Ai cũng đồ rằng Tuấn bị bắt cóc hay gặp một tai nạn gì. (Vì chính Tây muốn nghỉ một buổi cũng phải xin phép Giám đốc; Giám đốc có ký mới dám nghỉ). Có cô nhân tình Tuấn đã hoe hoe con mắt muốn khóc và để tang anh. Đến ngày thứ tư, Đái Đức Tuấn lừ đừ đến sở, thắt ca vát, mặc tuýt so soa và cầm can rất bảnh. Không để xếp hỏi, Tuấn sửa bộ mặt rất nghiêm:
– Thưa ông, tôi đến đây hôm nay là để xin thôi việc.
– Ủa, làm sao vậy?
– Không có gì lạ lắm. Tôi có việc riêng, đột ngột nghỉ mất ba ngày mà không báo cho ông. Tôi tự thấy là một cái lỗi, mà cái lỗi ấy tự tôi cũng thấy là không thể nào tha thứ được. Không đợi ông khiển trách, tôi cũng tự xử lấy tôi, tôi phải nghiêm khắc với tôi hết sức, tôi thôi việc. Xin cảm ơn ông.
Viên xếp Tây tức uất lên mấy hôm nay, thấy Tuấn đi cái bước trước như thế, ớ ra không biết nói thế nào, đành phải khuyên Tuấn đừng nóng nảy, việc gì mà chẳng giải quyết được, can chi phải thôi ngang như vậy. Nói mãi, Tuấn mới thở dài, ở lại làm việc «vì xếp tử tế». Thực ra, xếp chẳng tử tế gì, nhưng biết làm sao được? Y cắn răng lại mà chịu đựng Tuấn vì Tuấn mánh lới lắm, bao nhiêu hồ sơ Tuấn thuộc lòng và cất huyên thiên mỗi cái một nơi, không có hệ thống gì cả, chỉ có một mình Tuấn biết, nếu Tuấn thôi đại thì công việc bối rối, lung tung, không còn biết đàng nào mà dò, không còn biết tìm đâu ra đầu mối.
Đó là một cái điểm rất lạ kỳ của Tuấn. Say sưa đến thế nào, vô trật tự cách nào, mặc kệ, nhưng phàm cái gì anh đã chú ý làm, định tâm làm thì anh lại kỹ lưỡng và tỉ mỉ không ai bằng. Ở sở, các hồ sơ ấy anh xếp lại theo một hệ thống chỉ riêng anh biết. Về văn chương, cũng thế. Anh bừa bãi, phóng túng, cái áo vứt một nơi, ca vát quăng một nẻo, mặc cho bà vợ muốn thu dọn thế nào tùy ý, anh không cần biết, không thèm nhìn, coi đời không ra gì; nhưng trái lại, anh có khi lại tỉ mỉ đến cái độ làm cho bạn bè không chịu nổi mỗi khi anh hứng lên vì một bài văn nào đó. Sửa mô-rát, anh cẩn thận từng cái dấu phẩy, từng một chữ dùng, thợ in xếp bát chữ xong đâu đấy rồi chỉ đợi bon à lirer, anh thấy không hay, bắt phá ra xếp lại vì anh không ưng một chữ dùng, một cách trình bầy hay một câu đối thoại.
Tôi còn nhớ có một đêm nằm hút thuốc với Tuấn xong, tôi nghỉ, nằm viết cái phóng sự «Một tổ mèo» cho báo Nhật Tân. Độ hai giờ sáng xong, Tuấn cầm lấy đọc. Bây giờ tôi không còn nhớ lúc tôi viết mấy con mèo tranh nhau ăn ở trong một cái hầm thì tôi ví ví von von thế nào không biết, nhưng Tuấn nhất định không chịu, bắt phải tìm một danh từ khác.
Tôi bảo:
– Ối chao, viết đại nó đi, chớ văn chương của mình có phải để truyền cho hậu thế đọc đâu mà tỉa tót và lựa từng câu từng chữ!
Tuấn nhất định không chịu, lại gọi bồi tiêm lấy thuốc nữa để cho anh nghĩ… và anh nghĩ mãi không ra, cho đến sáng chải đầu rửa mặt đi làm sớm. Tôi cũng tưởng như thế là xong, không ngờ chiều hôm sau, Tuấn tìm tôi cho kỳ được bắt tôi phải sửa lại là lũ mèo ấy tranh ăn dữ dội và chạy lồng lên như bức tranh «La Chevauchée des Walkyries»!! Có sửa lại như thế thì Tuấn mới… hả và cười sằng sặc lên vô cùng đắc chí.
Một cái thích đặc biệt của Đái Đức Tuấn
Nói trộm vong hồn Đái Đức Tuấn, anh thực quả là một nghệ sĩ hoàn toàn hư hỏng. Nghiện cái gì cũng nghiện đến nơi đến chốn. Chơi cái gì cũng chơi đến cực độ mới thôi. Văn chương, bất cứ bộ môn gì, đối với anh cũng là một thứ say sưa: thơ, tiểu thuyết, xã luận, tùy bút, thơ nhái, họa… cái gì anh cũng thích, cũng mê, cũng muốn là một tay danh bút. Sau này anh lại viết cả trào phúng nữa.
Nhưng nghệ sĩ ham viết, mà lại ham cả tứ đổ tường, cái đó không có gì lạ mấy. Lạ nhất là Đái Đức Tuấn nghiện và yếu như thế mà sao nói khỏe lạ lùng; nói cả ngày cả đêm; nói sa sả ra và cho rằng như thế chưa đủ, anh lại còn đọc luôn cả những bài văn dài như một cây số do anh viết để cho người khác nghe. Nguyễn Doãn Vượng thường ưa thuật một câu chuyện mà chính anh chứng kiến: Tuấn đi hớt tóc, vừa vểnh cầm lên để cho thợ cạo cạo râu vừa nói chuyện thơ văn và ngâm to tướng những bài thơ trong tập «Đầy vơi» cho anh em thợ hớt tóc cùng thưởng thức.
Nói đến hớt tóc, tôi cảm thấy hình như Tuấn tìm thấy ở trong công việc cạo râu hớt tóc một cái thú lạ kỳ. Nhiều anh em khác cho hớt tóc là một cực hình, ngồi xuống ghế là giục anh thợ hớt tóc cạo thật nhanh lên. Tôi đã thấy Thiết Can Nguyễn Văn Xuân «tốc» vào hạng nặng, mỗi khi hớt tóc y như là đi xem hội, cứ muốn kéo dài mãi công việc hớt tóc tỉa râu. Đái Đức Tuấn cũng thế: không biết làm gì, anh đi hớt tóc. Hớt một tuần một lần, không đủ; một tuần hớt hai ba lần mới «đã». Thế ngộ tóc chưa mọc kịp thì hớt cái gì? Thì cứ hớt không có tóc thì bấm gáy cho xanh rồi tỉa chung quanh đầu, cạo râu, muốn làm gì cũng được!
Anh Phùng Tất Đắc kể cho tôi nghe một chuyện về vụ đó chứng tỏ Tuấn mê cắt tóc và tốn kém về cắt tóc đến chừng nào. Lúc anh ở hậu phương về thành, Tuấn ở Hà Nội chỉ có vài tháng rồi đi Huế. Cả ngày, Tuấn không ở nhà, hết đi chỗ này đến chỗ kia, và thường đêm không về. Thế rồi tự nhiên anh đi mất, chẳng nói với bạn bè một câu, không để lại một chữ. Ít lâu sau, ông chủ tiệm hớt tóc gửi phắc-tuya đến nhà ông bạn mà Tuấn ở để xin thanh toán hai tháng rưỡi hớt tóc của Tuấn – lúc ấy tiền có giá lắm – sơ sơ ba ngàn hai trăm đồng bạc Việt Nam.
Không bao giờ có ai nhắc lại câu chuyện đó với Tuấn. Và tôi biết rằng chính Tuấn cũng không bao giờ nhớ rằng mình đã đặt nhiều «mìn nổ chậm» lại cho bạn bè, bởi vì Tuấn cho tất cả cái gì ở đời cũng là thường cả, không quan hệ – đời là một cái trò chơi! Có một hôm, tôi ngồi tán láo về cái thú uống rượu say, sực nhớ đến một câu chuyện do Sở Bảo Doãn Kế Thiện kể cho tôi nghe lúc làm Trung Bắc.
Say rượu đến như LÝ Bạch kể đã là hay: say quá, làm một cái pờ-lông-dông xuống biển để bắt mặt trăng rồi bị nước cuốn phăng đi mất. Văn chương Tầu còn một ông cụ khác kỳ hơn: say suốt ngày, nằm uống, ngồi uống, đi đường cũng uống, lúc nào cũng có một tiểu đồng đi theo, cầm một cái mai cái thuổng. Hỏi để làm gì vậy? Thì ông cụ nói: «Để chôn ta! Say rượu, chết ở giữa đường thì cuốc thuổng đó đào ngay một cái lỗ tại chỗ để chôn, tiện quá!».
Nhiều người cho rượu đến như thế thì nhất và cái triết lý của người say rượu đến như thế là tuyệt trần đời. Không ngờ có một ông lắc đầu chê bai bải:
– Triết lý rượu đến như thế, còn xoàng quá. Tôi cũng uống cũng say nhưng tôi không cần phải mang tiểu đồng cầm cuốc thuổng đi theo làm gì. Say quá, lăn ra chết, cứ mặc xác tôi ở đấy cho diều tha quạ mổ, như thế có phải là nhất cử mà lưỡng tiện không?
Đái Đức Tuấn rất thú câu chuyện đó và định làm một bài thơ trường thiên để nói lên triết lý của người say rượu, nhưng không hiểu tại sao đến lúc chết, Tuấn vẫn không làm việc ấy. Sau này, ở xa về, nói đến cái chết của Tuấn, anh em cho tôi biết là mấy độ sau này anh yếu quá nhưng vẫn ghiền cả rượu, cả thuốc píp, cả thuốc phiện, thành thử đến lúc đưa vào bệnh viện cơ thể anh hư hỏng hoàn toàn, các danh y không còn cách gì cứu được.
Tôi hỏi:
– Tôi biết Tuấn cai thuốc ba lần cả thảy. Một vài năm trước khi anh mất, tôi nghe thấy anh lại cai lần thứ tư kia mà!
Anh em lắc đầu, buồn:
– Nói thế thôi, chớ một nghệ sĩ muốn sống vội, sống một người bằng một trăm, một ngàn người, sống rất đa diện, như Đái Đức Tuấn thì cai làm sao được? Tôi chắc là anh cai chơi vài lần là vì thương vợ, nể vợ đó thôi, chớ thực ra anh không muốn cai, không muốn tự rút đi một cái thích thú nào. Anh ta muốn sống thật đầy đủ, nếu hôm sau chết ngay, anh cũng không cho là quan trọng.
Bởi vậy, nghe thấy tin Tuấn mất, tôi yên chí anh không hề muồn một ly nào lúc lâm chung. Chết hay sống, đối với anh cũng chỉ là chuyện rất thường. Cái quan trọng là sống cho thật trọn vẹn cái đời nghệ sĩ «giầu cảm lụy», và mặc cho thân thế «tàn đi với văn chương».
Chỉ buồn cho những người ở lại nhớ đến anh chỉ còn biết dở mấy tác phẩm còn sót ra để đọc và tự nhủ:
«Một kỳ tài như Tuấn, đến lúc chết không để lại được chút gì cho bà vợ hiền ngoài mấy cuốn văn thơ nhầu nát, thật quả là một cái hận «mang mang vô tuyệt kỳ»!».
vvd
Chào bác Tuan.
Không biết bác đã xem ebook Hoài niệm Nhất Linh chưa ạ? Trong đó có bài viết cũng của Vũ Bằng về nhà văn Nhất Linh. Ở bài đó, tác giả Vũ Bằng đã kể lại những góc khuất cuộc đời của Nhất Linh và cũng đưa ra những suy ngẫm khá tinh tế của ông về vị văn hào. Hi vọng bác Tuan đọc và thích nó.