Vì sao, đã có một thời chuyện Kiều được ca tụng đến triệt để và bắt đầu được dùng làm sách giáo khoa?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải nhắc đến một nhà văn mà tên tuổi thế nào cũng được ghi chép rõ ràng trong bộ Văn học sử tương lai của nước ta: Phạm Quỳnh, con người đã khởi xướng phong trào “tán Kiều” và học Kiều.
Là một thanh niên thông minh ưu tú, là một văn sĩ tài hoa lỗi lạc, là một học giả được hấp thụ sẵn học thuyết Khổng, Mạnh, nghiên cứu thêm Phật, Lão, Trang, Liệt từ thiếu thời, lớn lên lại thâu thái thêm những tư tưởng Voltaire, Montesquieu, Rousseau, thưởng thức thêm được mỹ vị văn chương Lamartine, Chateaubriand… Phạm Quỳnh cũng muốn tỏ ra một phần tử quan hệ của nước nhà. Tuy nhiên, con người như thế dù có lòng yêu nước thương nòi đi nữa, mà không được huấn luyện trong cách mạng hẳn hoi, thì cũng bị bơ vơ chưa có định hướng rõ rệt, và chỉ mong giúp đời giúp nước bằng sự nghiệp văn chương của mình mà thôi. Quả nhiên tài văn của Phạm Quỳnh đã chói lọi, trội hẳn lên trên văn đàn đương thời, và cố nhiên là Quỳnh được chánh phủ thực dân để ý theo dõi, rồi tìm cách đánh lạc hướng, cố lợi dụng làm tay sai! Người như Quỳnh, có thể nói là “tài” lớn hơn “chí” mà lại mắc phải vòng kiềm tỏa gang thép, mắc phải kế vuốt ve mua chuộc xảo quyệt của thực dân thì nếu không sa ngã vào vòng phản bội dân tộc, ắt cũng khoanh tay cúi đầu, không thi thố nổi chí nguyện gì nữa. Không lẽ trong lúc giống nòi nô lệ lầm than mà một con người ưu tú như mình đi làm tay sai trắng trợn cho người như kiểu bọn bán nước Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Quỳnh mới ôm ấp lấy một lý tưởng quốc gia kiểu Maurice Barrès. Hỡi ôi! cái chủ nghĩa ấy thì không phải là “không tưởng” nhưng con đường cách mạng của Quỳnh thì mới thật là không tưởng vậy. Làm cách mạng mà sợ phải đầy Côn Lôn, sợ phải lên máy chém, sợ bị chết già nơi hải ngoại, rồi vin lấy chữ “bất bạo động” của Thánh Gandhi, hiểu lầm câu “bạo động bất tử” của cụ Phan Châu Trinh, rồi cứ làm việc cộng tác với thực dân và âm thầm làm cái cuộc “cách mạng” ở trong lòng một mình thì chỉ mua cái cười! Cái lối “làm cách mạng” này, đời nay người ta gọi là “cách mạng xa-lông” đó vậy.
Thế rồi, không lẽ không có một hoạt động cụ thể chứng tỏ ta đây yêu nước, Quỳnh mới chủ trương công cuộc “nâng cao dân trí” trong đó có việc khai thác đề cao quốc văn. Quỳnh chạy theo André Gaudbye để nắm lấy câu này của Francis de Miomadre làm châm ngôn:
Một dân tộc bị chinh phục, muốn giải thoát chỉ cần có một từ ngữ được qui định bởi một văn phẩm kiệt tác.
Nghĩ tới văn phẩm kiệt tác, Quỳnh vớ ngay lấy chuyện Kiều rồi hô lớn lên rằng: “Chuyện Kiều là quốc hoa, quốc hồn, quốc túy Việt Nam… Nguyễn Du đổ máu làm mực, làm vẻ vang cho giống nòi… chuyện Kiều còn tiếng Nam còn; tiếng Nam còn, nước Nam còn…” Rồi ông xướng lên việc “tôn thờ” chuyện Kiều, tán Kiều, học Kiều. “Thôi thì bài diễn văn chất đống, sách du ký đầy thùng, nhà in đã sẵn, báo chí đăng lên tha hồ mà tán xằng nói nhảm…” (Lời cụ Ngô Đức Kế công kích ông Quỳnh) lòng tự phụ quốc gia kích thích đám thanh niên tân học đương thời chạy hùa theo Quỳnh vì họ đổ xô vào mà “bình phẩm văn chương Kiều, phê bình Kiều, chú thích Kiều, làm thơ vịnh Kiều; rồi hát tuồng Kiều, diễn kịch Kiều, chớp bóng Kiều, trong nhà ngoài đường, trên trời dưới đất, đâu đâu cũng Kiều, họ làm như thể nước Việt Nam bây giờ là “Kim Vân Kiều quốc”, nòi giống Việt thuộc “Kim Vân Kiều tộc” ấy…!
Cái cảnh nhà treo một bức, cửa yết một tờ, kèn trống rước vào, hương hoa cúng lễ ấy… thật là quá đáng” (phỏng theo lời cụ Ngô Đức Kế công kích ông Quỳnh). Giới thanh niên Âu học vì nhiễm phải cái tư tưởng lãng mạn, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật” mà xô nhau vào “tán Kiều” chỉ cốt để giải phóng cho bản năng tình cảm bị gò bó trong lễ giáo. Họ ham mê Kiều không phải vì nội dung nó hay dở ra sao, mà chỉ mê vì những câu văn tình tứ, những hình ảnh của ái ân. Và ngay đến giới đạo đức chịu ảnh hưởng Tây học cũng đem cái sở đắc về phương pháp thưởng thức văn chương kiểu mới đã lĩnh hội được, để áp dụng vào sự phân tách cái hay cái khéo của từng câu Kiều. Thành thử, từ già, trẻ, thầy, trò nô nức nhau mà tán Kiều suốt mấy năm trời trên tạp chí Nam Phong, và những sự ca tụng cuồng nhiệt ấy được kết thúc bằng cuộc kỷ niệm thi sĩ Nguyễn Du ở Hà Nội năm 1924”.
Sau có tác giả tìm hiểu nguyên nhân cuộc khủng hoảng tinh thần của thanh niên. “Nhưng chúng tôi thì lại cho rằng trạng thái văn hóa ấy là do cuộc khủng hoảng tinh thần của một số thanh niên trí thức mà nne. Than ôi! Những hài nhi khi lọt lòng mẹ thì nước đã mất từ đời nào rồi! Những con chim non nhí nhảnh vào trường học thì đầu óc trong trắng bị nhồi vào ngay một cái học nô lệ của nền giáo dục thực dân! Những mái đầu xanh khi quay ra tìm hiểu đời, tìm tương lai sự nghiệp, thì những cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám đã bỏ mình, các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã bị tù đày, luân lạc, cho tới về sau ông Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái đều bị rơi đầu hoặc vong thân! Còn ai dìu dắt họ nung nấu tinh thần cho họ? Sống không có lý tưởng cao quý, giữa cái xã hội kim tiền ô trọc, họ đang chán ngán về cuộc đời vô vị, thì một số khác đi du học nước ngoài đem về “làm quà” một chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, một chủ nghĩa lãng mạn quá trớn, cặn bã của văn minh Âu Tây, thì họ trách sao cho khỏi mắc mồi, say thuốc? Nào tiểu thuyết, nào dâm thư, nàm phim ảnh trữ tình, nào âm nhạc mê hồn, có đủ thứ để cho thanh niên giết cái tuổi xanh vô vị, cho tiêu thời giờ (chứ không phải tiêu cái sầu vong quốc). Họ đang say sưa với cái “văn chương mượn” của người, bỗng thấy Phạm Quỳnh xướng lên cái “học nhà” đưa ra và khai thác một áng văn trữ tình bất hủ (chuyện Kiều) thì họ đều “giác ngộ” mà xô vào chiếu cố cái món hàng lãng mạn “nội hóa” và “cổ truyền” ấy để họ cũng tự nhủ rằng: Có yêu quốc văn tức là có yêu nước. Chính phủ thực dân nhận thấy chuyện Kiều chẳng có chút gì là tuyên truyền ái quốc, mà lại có tính chất lãng mạn trữ tình để ru ngủ hồn thanh niên thuộc địa, thì bằng lòng cho dùng chuyện ấy để dạy học ngay. Về cái việc tai hại này không hiểu Phạm Quỳnh có chủ tâm đồng lõa với thực dân chăng? Hay là ông Phạm Quỳnh chỉ vì dại dột mà hại nước một cách vô ý thức? Thời gian sẽ viết nên những giòng sử chính xác, chúng tôi chưa dám quyết đoán lúc này; chỉ thấy rằng ngọn lửa lãng mạn đang bốc cháy dữ dội, lan tràn của cặn bã văn minh Tây Âu, thì ông Quỳnh bỗng lại lôi ra một thùng thuốc súng mà dân Việt Nam đang xếp kín một nơi: là chuyện Kiều! Rồi ông Quỳnh đem ném luôn vào đám cháy cho lửa càng bùng lên sáng rực, nóng ran. Hai nhà chí sĩ Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng hoảng hốt vội vã lật đật ôm ra mấy thùng nước để hắt lên cứu hỏa, nhưng sức hai cụ có hạn, rồi không ai trợ lực nữa, lửa vẫn cháy và tiếng kêu cứu hò hét của hai cụ chỉ là vài tiếng kêu trong bãi sa mạc. Tư tưởng lãng mạn và cá nhân cùng phát triển.
Đến đây tác giả nhân định về những hậu quả của cuộc “cách mạng văn chương” lãng mạn khởi nguồn từ Nam Phong, về phương diện gia đình, xã hội. Về phương diện quốc gia, tác giả nói:
“Về phương diện quốc gia thì cái cuộc cách mạng Duy Tân của đám thanh niên mới lại càng tai hại nữa. Quân thù đang cai trị dân mình, giầy xéo lên đất nước, đàn áp bóc lột đồng báo tới xương tủy, thế mà cái chủ lực của dân tộc lúc ấy, cái đoàn thanh niên trí thức ấy chưa có một hành động nào cụ thể chống ngoại xâm, chống kẻ thù chung của dân tộc, lại cứ hăng máu “Duy Tân” lên mà xông vào công phá gia đình, tranh đấu ác liệt với cha mẹ. Họ say mê văn chương lãng mạn, họ yêu đương nồng cháy, mê mệt, rồi họ thất vọng, họ đau khổ vì gia đình, họ điêu đứng vì “bên hiếu, bên tình” và bù đầu loạn óc, tê tái tim gan, trọn đời tìm cách “sống thác với tình” thì còn lòng nào nghĩ tới quốc gia tới độc lập là cái gì nữa?
Giữa tình trạng lịch sử ấy mà có người lại đề xướng ra việc dùng cuốn Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du làm sách giáo khoa, thì thật là người ấy đã gãi vào chỗ ngứa của bọn thực dân! và chuyện Kiều bị lạm dụng, bị xuyên tạc tinh thần thì quả là một trong những liều thuốc mê để thực dân ru ngủ tinh thần hăng hái, để giết chết tinh thần tranh đấu của thanh niên Việt Nam trong thời nô lệ vậy”
Khi nhắc tới phản ứng chống đối của ông Ngô Đức Kế, tác giả viết:
“Đọc những giòng tâm huyết này, nhất là những chữ “gan lòng sắt đá chí nguyện cao xa”, tất ai ai cũng phải hiểu rằng cụ Ngô đã làm phận sự của một nhà ái quốc kêu gọi cảnh giác thanh niên nhiều hơn là làm phận sự của một học giả phê bình văn chương một tác phẩm. Cụ Ngô công kích ông Quỳnh chính là cụ đay nghiến bằng một câu cuối cùng não ruột:
Ôi! Than ôi! Kim Vân Kiều mà “cai trị” nước Việt Nam thì xã hội Việt Nam không nói cũng biết rồi!
Cụ không dám lớn tiếng bàn chính trị, nhưng hai chữ “cai trị” cũng đã gây cho mọi người yêu nước một ý thức giác ngộ và căm hờn. Lại thêm bốn chữ “chí nguyện cao xa” ở trên, đã có giá trị như một bài hịch văn “Chiêu hồn nước” rồi vậy”.
Một đoạn khác, ông Tử Vi Lang cho rằng nếu các cụ sống vào thời truyện Kiều không còn bị lợi dụng chính trị (thời Nhật cũng cho dịch Kiều ra tiếng Nhật) thì chắc các cụ sẽ có ý kiến khác:
“Chúng ta phải nhận định rõ ràng: Hai cụ Ngô, Huỳnh sở dĩ phải nhắm mắt kết án cả chuyện Kiều là vì ông Phạm Quỳnh quá đại ngôn khoác lác, ông Quỳnh ru ngủ tâm hồn thanh niên mà lại dám nói quá đáng rằng: “Chuyện Kiều quan hệ văn hóa Việt Nam… nếu không có chuyện Kiều thì tình trạng dân tộc Việt Nam chưa biết đến thế nào (!)” Vì thế cụ Ngô mới công kích ông Quỳnh là “con oanh học nói, xằng xiên bậy bạ, rồ dại điên cuồng, đưa tà thuyết ra để vu dân…” Các cụ hay có thành kiến và chủ trương tuyệt đối cho nên, một khi đã nghi ông Quỳnh là Việt gian thì các cụ phải mạt sát lây cả đến cái tác phẩm mà kẻ Việt gian đã tán tụng, để xuyên tạc, lợi dụng! Chứ nếu như các cụ còn sống tới ngày nay thì biết đâu các cụ lại chẳng “phục hồi danh dự” cho chuyện Kiều?