Lễ kỷ niệm cụ Tiên Điền

hoi-khai-tri-tien-duc

Trích từ Nam Phong số 86, năm 1924.
Ảnh đầu bài: Toàn quyền Varenne được thân thiện đón tiếp tại Hội Khai Trí Tiến Đức ngày 17-4-1926.

Mồng 10 tháng 8 – 9 Septembre 1924

Nhân ngày mồng 10 tháng 8 là ngày giỗ cụ Tiên Điền Nguyễn tiên sinh, ban Văn học hội Khai Trí nghĩ muốn đặt một lễ kỷ niệm cụ. Tin ấy truyền ra, được suốt quốc dân trong Nam ngoài Bắc thảy đều hoan nghênh và biểu đồng tình, cho là một sự rất nên, rất phải, rất xứng đáng.

Vậy các đồng nhân trong ban liền họp nhau lại để định chương trình cuộc kỷ niệm. Nước ta xưa nay không phải là không biết sự kỷ niệm các danh nhân trong nước, nhưng ngoài những ngày giỗ của các nhà, những ngày hương tế quốc tế có một cái ý nghĩa, một cái khí vị thuộc về tôn giáo, còn thì không có cách kỷ niệm phổ thông như ở các nước Âu Tây, nhân ngày sinh nhật, ngày hủy nhật, nhân dịp năm mươi năm, một trăm năm một vị danh nhân nào đem công ơn sự nghiệp vị ấy mà phô trương biểu dương cho quốc dân, cho thiên hạ biết. Cụ Tiên Điền là tác giả truyện Kiều, chính là một vị danh nhân của nước ta, mà công ơn sự nghiệp đem ra phô trương biểu dương cho quốc dân, cho thiên hạ biết. Vậy lễ kỷ niệm này phải châm chước theo lối mới của Âu Tây, nhưng cũng nên giữ cho có một cái ý vị đặc biệt của nước nhà. Đồng nhân bèn định mở cuộc diễn thuyết, ngâm thơ, ca nhạc, đó là theo lối mới, lại định trưng đăng kết thề, bày hương án, đặt đỉnh trầm, đó là giữ lễ cổ. Cử ông Phạm Quỳnh và ông Trần Trọng Kim diễn thuyết, ông Nguyễn Đôn Phục soạn một bài ca kỷ niệm, còn các đồng nhân thời mỗi người giúp một phần vào việc tổ chức. Lại viết thư cho rạp hát Sán Nhiên Đài xin mượn kép Thịnh và đào Tuất là hai người kể truyện Kiều có tiếng hay. Về việc trưng bày sắp đặt thời nhờ được ông Nguyễn Thành là phó Hội đồng Công quán hội Khai Trí, có tài xếp đặt khéo, mỗi khi trong Hội có bày cuộc gì cũng một tay ông chủ trương cả. Lại định sẽ làm ngoài sân cho rộng, vì bữa ấy thiên hạ đến xem chắc đông. Mười lăm ngày trước, chương trình đã nhất định, đem ra trình với Hội đồng Trị sự Hội Khai Trí, Hội đồng đều duyệt y cả. Chương trình như sau này:

  1. Ông Phạm Quỳnh thay lời Văn học ban diễn thuyết về mục đích cuộc kỷ niệm.
  2. Ông Phạm Quỳnh diễn thuyết bằng tiếng Pháp cho các hội viên Tây nghe.
  3. Ông Trần Trọng Kim diễn thuyết về lịch sử cụ Tiên Điền và văn chương truyện Kiều.
  4. Kép Thịnh và đào Tuất kể truyện Kiều.
  5. Ả đào hát bài ca kỷ niệm của ông Nguyễn Đôn Phục soạn.

Hết mỗi hồi, có hội âm nhạc Ích Lạc giúp đánh đàn thổi sáo.

Chương trình đã định, bèn in giấy mời gửi khắp cả hội viên Tây Nam hơn một nghìn người và đăng báo cho quốc dân biết. 

Đúng ngày ông Nguyễn Thành đốc suất việc bày biện trong sân và trong vườn nhà Hội. Trong cùng đặt một cái bệ cao, trên để cái kỷ bày một cái lư đồng lớn. Trên cao treo một cái đèn bằng giấy kiểu lưỡng long chầu nguyệt, như hình bức hoành phi trong đề mấy chữ: “Tiên Điền Nguyễn tiên sinh kỷ niệm nhật”, hai bên cũng hai cái đèn giấy hình đôi câu đối trúc đề hai câu bằng chữ Nôm như sau:

Trăm năm để tấm lòng, còn nước còn non, còn truyền cổ lục;
Tấc thành dâng một lễ, nhớ người nhớ cảnh, nhớ buổi hôm nay.

Các đèn điện trong sân, trong vườn, ngoài cửa, đều trùm một cái chụp bằng giấy hình bát bửu, hình cái khánh, v.v. – Nói tóm lại, cách bày biện có vẻ rực rỡ, uy nghiêm, và có cái đặc sắc nước nhà, khác những ngày hội Tây hội Tàu thường.

Bắt đầu từ 8 giờ tối, người kéo đến chung quanh nhà Hội Khai Trí đông như kiến, cửa Hội mới mở, chỉ trong mấy phút đồng hồ là khắp trong sân, ngoài vườn, dưới nhà, trên gác, đứng chậc ních, kể có tới hai ngàn con người. Hội viên các tỉnh về cũng đông. Các bà các cô trong thành phố lại cũng nhiều. Hội viên Tây và các bà đầm ước được ba bốn chục người. Có mấy bà giáo mới ở bên Tây sang khẩn khoản muốn lại xem cho biết người An Nam tôn trọng một bậc danh sĩ trong nước thế nào. Ở Hà thành ta từ xưa đến nay có lẽ chỉ có tiệc trà đón quan Toàn quyền Sarraut diễn thuyết ở Văn miếu năm 1919 là họp được đông người đến thế.

Đúng 9 giờ thời khai lễ, theo như chương trình trên, ông Phạm Quỳnh diễn thuyết bằng tiếng ta và tiếng Pháp chừng nửa giờ đồng hồ, rồi đến ông Trần Trọng Kim diễn thuyết trong một giờ. Sau đến kép Thịnh và đào Tuất kể mấy đoạn truyện Kiều. Sau hết đến một cô đào đứng hát bài ca kỷ niệm của ông Nguyễn Đôn Phục. Các bài diễn thuyết và bài ca lần lượt đăng sau đây.

Nói tóm lại, lễ kỷ niệm này tuy là lần đầu mà đã được trọng thể lắm, tưởng cũng có ảnh hưởng sâu xa trong quốc dân vậy. Ước gì mỗi năm làm được một ngày giỗ cụ Tiên Điền như thế, tức cũng là một cách cổ động cho quốc văn và kích lệ tấm lòng kính trọng tiền nhân, yêu mến nước nhà vậy.

3 Comments

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s