tập làm văn

tap-lam-van

Tiểu thuyết gia, đồng thời cũng là thủ tướng Anh gốc Do Thái, Benjamin Disraeli từng nói một câu đại ý rằng, mỗi nhà phê bình là một nhà văn thất bại. Không biết câu đó có đúng với người khác không, nhưng với tôi – chí ít trong thời gian gần đây – thì lại đúng vô cùng.

Hơn 5 năm về trước, tôi đã từng có thể viết vài truyện ngắn, tuy không có gì xuất sắc, nhưng với một cách say mê và lấp lánh nhiều triển vọng. Thế rồi kể từ khi tôi bắt đầu công việc full-time đầu tiên, từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, và kéo dài đến tận bây giờ, không hiểu sao tôi không còn viết được một truyện nào. Sự mất đi năng lực hư cấu một câu chuyện diễn ra cùng lúc với việc tôi phải tiếp xúc với nhiều người hơn và bận rộn liên miên hơn với deadline so với thời gian một mình và rỗi rãi trước đó, làm tôi nghĩ rằng, giữa chúng có một mối liên hệ gì đó với nhau. Thật đáng xấu hổ khi đem việc đi làm ra làm cái cớ cho sự yếu kém về bút lực, khi mà có không ít nhà văn cũng phải cân đối cả hai thứ: mưu sinh và sáng tác. Franz Kafka thường hay than thở rằng công việc ở công ty bảo hiểm làm ông không có đủ thời gian để viết, nhưng quan trọng hơn, là để giải quyết các vấn đề nội tâm của mình. Dường như với Kafka, viết là để thúc đẩy một tiến triển nào đó của các cảm nghĩ hỗn loạn bên trong. Một người như thế tạo cho tôi cảm giác rằng nếu không có một công việc văn phòng, thì anh ta sẽ cứ viết mãi, viết mãi cho đến khi cảm thấy đủ. Cái tác phong đó không giống với những nhà văn có thể ngồi vào bàn vào một giờ giấc nhất định, và hoàn thành từng chương từng hồi theo từng ngày, từng tuần. Đều đặn và chừng mực. Đó là tác phong của Murakami Haruki hay Nguyễn Hiến Lê. Tôi luôn thấy mình, nếu có trở thành một nhà văn, cũng sẽ thuộc vào loại thứ nhất trong hai loại nói trên. Vì những ngày tháng cách đây 5 năm, tôi như thể luôn sống trong một cuộc tìm kiếm những cảm đề. Trong lúc chạy xe trên những cung đường nhiều cây hay ngồi ở vỉa hè một quán cà phê cóc, tôi hay thơ thẩn chìm vào khoảng không như trông ngóng ở đó một cốt truyện có thể tóm tắt được cái vấn đề của mình. Và tôi thừa thời giờ, thừa bồng bột cho việc đó. Tôi không quan tâm chuyện tiền nong, và tôi không quan tâm chuyện văn chương có là vô dụng hay không. Nhưng kể từ khi đi làm, tôi cảm thấy như cái thế giới riêng tư mà mình vẫn khóa chặt nay đã mở ra để cho những người khác bước vào, mang theo những giá trị sống khác, làm phai màu đi ở tôi một cái gì đó ngây thơ nhưng cũng thật bản năng. 

Tôi bắt đầu bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ yếm thế như là “ai sẽ đọc”, “có xuất bản sách thì cũng được bao nhiêu”, dù trước đó tôi không hề quan tâm. Thế rồi việc bước chân vào lĩnh vực content writing hay copywriting có thể là một sai lầm, vì ở đó viết không phải là cho mình mà là cho người khác. Hình như tôi có đọc qua về sự khác biệt giữa cách nghĩ của người Mỹ về văn chương và của người Pháp về văn chương. Một tài liệu không quá đáng tin nhưng đáng nghiền ngẫm. Người Mỹ càng lúc càng hiểu rằng văn chương là để giải trí cho người khác, thế nên sự tập trung càng lúc càng dồn về việc tạo ra những thế giới giả tưởng, với các nhân vật và hành động. Người Pháp thì quan niệm văn chương là để phát đi một cảm nghĩ, nên sự tập trung nằm ở các triết lý thâm viễn bên dưới hoặc đằng sau câu chuyện, ở sự tinh tế của các cảm nhận. Trong khi ở Mỹ, hư cấu có thể trở thành một ngành công nghiệp, ở Pháp, văn chương lui về các thư viện. Tôi nghĩ rằng content writing là một thứ rất Mỹ bởi vì ở đó cái tôi khả ố hay cái tôi thượng đẳng của người viết phải bị nhượng bộ cho một thứ gì đó lớn hơn người viết: sự vận hành logic của một thế giới phù thủy hay siêu anh hùng. Thế nên tuy người Pháp rất nghiêm túc khi khảo cứu các suy nghĩ tình cảm của bản thân trong văn chương, thì nếu phải tạo một thế giới hư cấu như Harry Potter hay Game of Thrones thì người Pháp lại không nghiêm túc bằng phía Anh hoặc Mỹ. Có thể vì họ cảm thấy nó không đủ hứng thú để làm chăng? Nói tóm lại, từ khi tôi phải cân nhắc đến sự tồn tại của người đọc, hay của những thứ khác với thế giới của tôi, tự dưng tôi đâm ra lo nghĩ, rằng phải làm sao để văn của mình khác với văn người này người kia, phải làm sao để văn của mình chinh phục được người đọc kiểu này hay kiểu khác. Và có thể đó là khi tôi mất đi cái vô tri siêu việt, cái ngây thơ quý giá. 

Tôi muốn đọc nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, trước khi thực sự viết, vì tôi sợ rằng mình chưa đủ chín chắn, chưa đủ uyên bác. Nhưng tôi chợt nhớ ra rằng, có những nhà văn chỉ đạt đến đỉnh cao nhất của họ ở một vài tác phẩm đầu tay, khi tuổi đời còn trẻ. Nguyên Hồng chẳng hạn, với Những ngày thơ ấu. Và không phải cứ đọc nhiều là sẽ viết hay. Mặc dù muốn viết thì phải đọc, nhưng trong lúc đọc, cũng đồng thời phải duy trì việc viết. Đó có lẽ là một ràng buộc rất phức tạp. 

Nói chung, việc tôi không viết được truyện, tức là một truyện có câu chuyện, cũng khá là dài dòng. Nhưng đại khái là, trong hai ba năm qua, tôi chỉ toàn làm việc không phải với tư cách một nhà văn tập sự, mà với tư cách một nhà phê bình, hay chính xác hơn là một nhà biên khảo tập sự. Tôi đọc các nhà văn để tìm ở họ một thứ gì đáng học hỏi để trở thành một nhà văn, mải miết đến độ tôi quên mất vì sao tôi đã đọc họ ngay từ lúc đầu. Đây chắc là một mắc mớ lớn của riêng tôi, với tư cách một người muốn viết văn, mà tôi vẫn chưa tìm ra cách tháo gỡ.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s