Theo Vũ Ngọc Phan, người ngoài Bắc đọc Hồ Biểu Chánh chủ yếu khoảng 1929-1931 qua báo Phụ nữ Tân văn, sau đó thì người ta không còn đọc nhiều. Có lẽ vì lúc bấy giờ các nhà văn ngoài Bắc đã bắt đầu xuất hiện và sáng tác nhiều.
Văn của Hồ Biểu Chánh không trau chuốt ngôn từ.
So sánh giữa câu chữ của Hồ Biểu Chánh với Hoàng Ngọc Phách, Vũ Ngọc Phan nói: “Tiểu thuyết của họ Hoàng thiên về tả tình và giọng văn nhiều chỗ ủy mị, cầu kỳ, không tự nhiên; còn tiểu thuyết của họ Hồ thiên về tả việc và lời văn mạnh mẽ, giản dị, nhiều chỗ như lời nói thường”.
Đông Hồ tuy là người Nam Bộ nhưng lại từng không thích văn của Hồ Biểu Chánh. Đông Hồ viết: “Đọc thì cũng đọc, thích thì cũng thích, duy chúng tôi cứ không chịu được lời văn viết trơn tru thẳng tuột hời hợt của ông. Thời kỳ đó, theo quan niệm của chúng tôi, viết là làm văn chương mà văn chương thì phải sửa sang gọt dũa, phải điêu luyện chải chuốt. Dầu là tả thực, dầu là tả chân, câu văn cũng phải xếp đặt lại hơn ngôn ngữ thường đàm. Tối thiểu phải có một kỹ thuật”.
Nhưng ông cũng nói thêm: “Tôi không chịu được văn chương của Hồ Biểu Chánh, cùng như tới bây giờ tôi vẫn không chịu nổi văn chương hát cải lương với văn chương của những tiểu thuyết chưởng hiện đang thịnh hành. Trong lúc đó, chung quanh tôi, mọi người hoan nghinh nồng nhiệt. Như vậy, chứng tỏ rằng quan niệm của tôi sai lầm và cảm quan của tôi lệch lạc. Bởi tôi đã bị thành kiến chi phối và bị truyền thống bó buộc, chưa cởi mở được.
Quan niệm đó của tôi y như những nhà văn ngôn không chịu nổi lối văn bạch thoại của Tàu. Sao mà tôi cứ đứng trên địa hạt văn ngôn mà nhìn trào lưu bạch thoại. Nếu tôi đừng quá chủ quan, đừng quá cách biệt mà nhìn văn viết của Hồ Biểu Chánh. Tôi coi văn Hồ Biểu Chánh là lối văn bạch thoại, và coi Hồ tiên sinh là nhà văn bạch thoại tiền phong, như những nhà văn bạch thoại tiền phong Trung Quốc hồi đầu thế kỷ này thì tôi sẽ chấp nhận được, thưởng thức được văn chương của họ Hồ. Rồi tôi sẽ chấp nhận và thưởng thức cả văn chương hát cải lương, văn chương chưởng chỉ như thường. Tôi tiếc rằng nước ta không phát sanh phong trào to lớn để gây nên cuộc tranh biện, bút chiến giữa hai phái văn ngôn và bạch thoại như của nước Tàu. Chắc là vui rộn và bổ ích lắm”.
Văn khí quê mùa
Hồ Hữu Tường thì lại rất thích lối viết của Hồ Biểu Chánh.
Hồ Hữu Tường viết: “Sơn Nam buông một câu để giá trị văn chương của Hồ Biểu Chánh. Sơn Nam cho rằng văn chương ấy là quê mùa. Ấy là Sơn Nam đã tìm thấy và nói rất đúng. Phương tiện nào Hồ Biểu Chánh lại giúp cho tôi mấy lần nhập mộng? Phương tiện ấy chính là văn quê mùa vậy. Nguyễn Du thành công bằng cách gọt dũa văn chương Truyện Kiều, đến đỗi mỗi câu thành một hột châu trác tuyệt và Truyện Kiều thành một văn chương quí phái của nước Việt Nam. Trái lại, Hồ Biểu Chánh là tác giả có cái thiên tài là viết một lối văn quê mùa, cho đến đỗi nhiều người đều hỏi như vầy:
‘Không biết văn chương Hồ Biểu Chánh hay chỗ nào mà dân miền Nam lại ưa thích? Nếu ta tìm trong Hồ Biểu Chánh một câu văn gọt dũa trác luyện, thì thật ra trong gần mấy chục bộ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, không có câu nào đáng chép lại cả. Tại sao vậy? Bởi vì văn của Hồ Biểu Chánh quá quê mùa, câu nào cũng quá quê mùa, thì có câu nào là đáng chép?’
Nhưng mà giá trị của văn Hồ Biểu Chánh không phải là do sự có thể trích ra từng câu được, mà chính lại là giá trị của toàn bộ của văn Hồ Biểu Chánh. Cái giá trị của nó ở nơi chỗ không văn chương của Hồ Biểu Chánh, tức là nơi chỗ quê mùa của nó.
Cái đó gọi là cái văn khí quê mùa.
Nếu văn khí của Nguyễn Du là văn khí của một nhà thâm nho, quảng học, mỗi câu của Truyện Kiều có thể dẫn chứng nơi bài thơ Đường nào đó, nơi câu ở trong Nam hoa kinh hay là nơi một câu nào đó trong lục tài tử của Tàu, thì văn của Hồ Biểu Chánh lại không dẫn chứng được ở trong tác phẩm nào cả.
Văn khí của Nguyễn Du là văn khí bác học, còn văn khí của Hồ Biểu Chánh là văn khí quê mùa. Chính giá trị Hồ Biểu Chánh là chỗ đó, chỗ văn chương quê mùa ấy.
Có lẽ tôi gốc gác ở giới bình dân, nên tôi thích thứ văn chương quê mùa của Hồ Biểu Chánh. Rất tiếc là trong khi viết, tôi thường đề cập tới những tư tưởng cao xa, những lý thuyết thâm viễn. Thành ra, tôi bị bắt buộc phải dùng một mớ từ ngữ tân tạo, để mà nói những ý niệm mới mẻ. Thành ra, văn của tôi tương đối là văn quảng bác. Tôi ân hận vì chỗ ấy vô cùng. Điều mà tôi mong muốn là làm sao viết cho được quê mùa như văn của Hồ Biểu Chánh.”
Hồ Biểu Chánh không dài dòng trong việc tả cảnh hay miêu tả nội tâm, mà chủ yếu kể diễn biến câu chuyện. Nhờ đó, người đọc luôn bị cuốn vào chứ không buồn ngủ. Về điểm này, có lẽ Hồ Hữu Tường học hỏi nhiều từ Hồ Biểu Chánh.
Thụy Khuê viết:
“Hồ Biểu Chánh là người đầu tiên đã đưa yếu tố hư cấu (fiction) vào văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, một cách toàn diện và thành công.
Trước Hồ Biểu Chánh, tiểu thuyết của chúng ta thường viết truyện theo lối Tàu: nghiã là kể truyện lịch sử, hoặc viết lại những tích rút trong lịch sử, thần thoại, hoặc dựa theo một chuyện đã có thật, rồi thêm thắt chi tiết vào.
Nguyễn Trọng Quản được coi là người sớm nhất, đã đem tiểu thuyết viết theo lối Tây phương vào Việt Nam, năm 1887, với truyện Thày Lazaro Phiền. Nhưng truyện của Nguyễn Trọng Quản, cũng như truyện Tố Tâm (1922) sau này của Hoàng Ngọc Phách, vẫn còn viết theo lối ký thác, tác giả thuật một truyện ở ngôi thứ nhất (truyện của mình hay truyện do người khác kể lại) chứ tác giả không hư cấu, không tưởng tượng ra.
Hồ Biểu Chánh là người đầu tiên đã xây dựng nên toàn bộ hệ thống tiểu thuyết hư cấu, hiện thực trong tiếng Việt. Ông đã tạo ra một thế giới nhân vật tưởng tượng y như thật, trong đời sống, khiến Hồ Hữu Tường, thủa trẻ, khi đọc truyện của Hồ Biểu Chánh, đã nhập vào thế giới hư cấu ấy, mà ông gọi là «nhập mộng» và khi đọc xong, ông « tỉnh mộng », bởi vì ông ra khỏi thế giới hư cấu của tiểu thuyết.
Chả mấy ai đi bàn đến các thủ pháp nghệ thuật ngôn từ khi đọc Harry Potter hay truyện Kim Dung cả. Người ta nói đến các nhân vật, các sự việc. Hồ Biểu Chánh là người tạo ra loại văn chương kiểu ấy.
Trong văn của Hồ Biểu Chánh có nhiều yếu tố mang đặc trưng địa phương Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Hồ Hữu Tường viết: “Cảnh vui thú ở nhà quê, nhà bà Phủ ở mé sông có một cái cầu mát, cô con gái đứng phun nước miếng cho cá lòng tong trồi lên đớp thật là cảnh hoàn toàn Việt Nam. Những tâm tình, những phong tục, những động tác của đứa cháu gọi bà Phủ bằng dì, vãi tiền ra ứng cử hội đồng và tình tự với đứa em bạn dì thật là Việt Nam, không có gì là ngoại quốc cả. Vì nhưng câu chuyện như vậy xảy ra rất thường trong xã hội bấy giờ”.
Văn tâm, văn tứ và di sản Hồ Biểu Chánh
Về văn tâm, Hồ Biểu Chánh tuy sau này có học chữ quốc ngữ và Pháp văn, nhưng những ảnh hưởng của một nhà Nho vẫn rất rõ trong ông. Biểu hiện rõ nhất hẳn ở chỗ ông luôn luôn nêu cao luân lý trong các tác phẩm của mình. Những bài của ông đăng trên tờ Đông Pháp Thời Báo cho thấy rõ điều đó. Văn của Hồ Biểu Chánh cũng vậy. Nhân vật của Hồ Biểu Chánh thiện ác rõ ràng, và những câu chuyện đều kết thúc có hậu. “Văn chương ở đây luôn luôn là phương tiện nhằm chuyên chở, quảng bá đạo lý, thiện bao giờ cũng thắng ác, kẻ làm lành làm phải sau bao nhiêu gian truân khổ ải được đền bồi, người hàm oan được thoát tội, kẻ làm ác phải sống nhục, chết thảm. Tất cả luôn luôn là một bài học dạy đời”. (Dương Nghiễm Mậu, p.59) Sự lạc quan của Hồ Biểu Chánh làm ông khác với Hoàng Ngọc Phách hay cả Nhất Linh.
Là một công chức dưới chế độ Pháp thuộc, Hồ Biểu Chánh không khỏi chịu nhiều thành kiến, tương tự như trường hợp Phạm Quỳnh. Nhưng theo như lời kể của những người cùng thời, ông suốt đời sống thanh liêm, có lòng giúp đỡ dân nghèo.
Hồ Biểu Chánh khởi đầu nghiệp viết với việc dịch các tác phẩm Tàu, sau ông quan niệm mình nên kể chuyện ở xứ mình thì hơn là kể chuyện xứ người, nên ông viết U tình lục. Sau khi đọc Hoàng Tố Oanh hàm oan của Trần Chánh Chiếu, Hồ Biểu Chánh nghĩ rằng viết văn xuôi sẽ truyền cảm người đọc hơn là viết văn vần. Thế là ông tập trung viết sáng tác đầu tay của mình Ai làm được trong những ngày sống và làm việc ở Cà Mau.
Từ đó đến tận lúc mất, Hồ Biểu Chánh vẫn viết một cách bền bỉ, liên tục, cho ra đời một số lượng tác phẩm rất đồ sộ có thể xếp vào hàng những tác giả viết nhiều nhất, cùng với Lê Văn Trương hay Vũ Bằng.
Trải qua mấy chục năm thuộc giai đoạn lịch sử nhiều biến động của dân tộc, vậy mà có một điểm lạ là văn của Hồ Biểu Chánh gần như không thay đổi. Chủ đề của ông cũng không có liên hệ gì với các trào lưu tư tưởng, tình cảm, nghệ thuật thời ông sống. Hồ Biểu Chánh gần như đứng ngoài mọi trào lưu xã hội. Các cuộc kháng chiến chống Pháp và cả hiệp định Geneve chia cách Bắc Nam đều chừng như không có ảnh hưởng gì rõ ràng trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Duy có lần trò chuyện với Đông Hồ lúc cuối đời, ông bảo là ông đang sáng tác một truyện có liên quan đến cuộc cách mạng năm 1945.
Hồ Biểu Chánh có sử dụng nhiều cốt truyện của Pháp để làm đề viết, chẳng hạn quyển Cay đắng mùi đời vốn có cốt truyện của cuốn Không gia đình của Hector Malot, nhưng ngoại trừ cái cốt truyện chính ra, từ các chi tiết truyện đến cả lời thoại của các nhân vật đều do ông biên soạn. Thụy Khuê có bài viết phân tích kỹ những khác biệt giữa hai tác phẩm này. Tuy vậy, trong số 64 tiểu thuyết của ông, chỉ có không quá một phần sáu là dùng cốt truyện nước ngoài, còn lại do ông tự sáng tạo.
Có thể nói, Hồ Biểu Chánh mượn văn tứ của văn học phương Tây nhưng lại viết bằng một văn phong hoàn toàn thuần Việt và đặc trưng Nam Bộ. Nhờ đó mà ông thu hút những độc giả như Hồ Hữu Tường.
Sự khác biệt trong văn phong của Hồ Biểu Chánh so với những nhà văn trước đó như Nguyễn Chánh Sắt hay Lê Hoằng Mưu làm cho Bình Nguyên Lộc xem ông như một “biến cố”. Bình Nguyên Lộc cho rằng, nếu như đất Bắc có thể nhảy thẳng lên từ lối viết của các nhà “tân hủ Nho” lên lối viết của Tự Lực Văn Đoàn, thì trong Nam cần phải có một chiếc cầu bắt nối từ lối viết cũ lên lối viết mới của những Bình Nguyên Lộc hay Sơn Nam, và ông cho đó là Hồ Biểu Chánh.
Lối viết của Hồ Biểu Chánh khác hoàn toàn với lối viết của các nhà văn miền Bắc mà cũng chưa có nhà văn miền Nam nào trước ông từng có, nên phải nói Hồ Biểu Chánh là một nhà cách tân về lối viết ở Nam Kỳ. Không những vậy, Sơn Nam còn nhận thấy rằng Hồ Biểu Chánh là nhà văn ăn khách nhất của miền Nam, đến nỗi mà nếu như ở phía Bắc là các tiểu thuyết gia của Tự Lực Văn Đoàn, Tân Dân, Lê Cường, thì ở trong Nam chỉ một mình Hồ Biểu Chánh đơn thân độc mã, một mình một chiếu.
Số lượng người đọc văn Hồ Biểu Chánh ở Nam Kỳ rất nhiều, thậm chí các báo còn đặt mua hết tới mức viết không kịp. Bình Nguyên Lộc nói, cả trường Trương Vĩnh Ký vừa nội trú vừa ngoại trú đông hơn bảy trăm học sinh mà chỉ có năm bảy anh đọc Phong Hóa mà thôi, còn bao nhiêu anh khác vẫn tiếp tục chỉ đọc Hồ Biểu Chánh.
Hồ Hữu Tường cũng nói, “đối với thế hệ của những thanh niên vào lối năm 1920 cho đến 1950 mấy, đối với những thanh niên trưởng thành vào thế hệ tiền chiến, thì ta phải nhìn nhận rằng họ đã chịu ảnh hưởng của Hồ Biểu Chánh rất nhiều và lắm người ra viết tiểu thuyết nhờ đã đọc văn của Hồ Biểu Chánh”.
Hồ Biểu Chánh cũng đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nghệ thuật cải lương. Chính ông cũng đã giúp cho gánh hát của Năm Phỉ. Tiếp nối với cải lương đó là phim truyền hình của miền Nam sau này, nhiều bộ cũng lấy tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh làm kịch bản. Đó là những di sản quan trọng mà Hồ Biểu Chánh để lại cho miền Nam.
Bibliography
Thiếu Sơn, “Ông Hồ Biểu Chánh”, Phê bình và cảo luận, Nam Ký thư quán, 1933, tr.44-49.
Vũ Ngọc Phan, “Hồ Biểu Chánh (Hồ Văn Trung)”, Nhà văn hiện đại II, Nxb Vĩnh Thịnh, 1951, tr.359-366
Tạp chí Văn số 80 xuất bản tại Sài Gòn năm 1967, gần 10 năm sau khi Hồ Biểu Chánh qua đời, gồm các bài viết:
- Khái lược tiểu sử và sự nghiệp Hồ Biểu Chánh của Thanh Lãng
- Nhớ Hồ Biểu Chánh của Thiếu Sơn
- Nhập mộng và tỉnh mộng của Hồ Hữu Tường
- Biến cố và chiếc cầu Hồ Biểu Chánh của Bình Nguyên Lộc
- Nghĩ về Hồ Biểu Chánh của Sơn Nam
- Ghi nhận về Hồ Biểu Chánh của Huỳnh Phan Anh
- Từ đó đến nay của Dương Nghiễm Mậu
- Hồ Biểu Chánh: nhà văn bạch thoại miền Nam của Đông Hồ
- Hồ Biểu Chánh: một nhà văn viết rất siêng năng của Đông Hồ
Thụy Khuê, Hồ Biểu Chánh – nhà văn khai sáng nền tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, Chương trình Văn Học Nghệ Thuật RFI những ngày 8, 15, 22 và 29/11/2008. Đọc lại và bổ sung ngày 4/7/2014.