Hoàng Oanh ngâm thơ

hoang-oanh

Tốt nghiệp đại học Văn khoa Sài Gòn, “chim vàng Mỹ Tho” Hoàng Oanh đã định sẽ làm một bà giáo, vì dẫu sao nghiệp ca hát cũng không phải là cái mà cô đam mê (theo chia sẻ của cô trong một bài phỏng vấn của PBN 130). Thế mà cuối cùng cuộc đời Hoàng Oanh lại gắn liền với nghiệp ca hát.

Nghệ danh Hoàng Oanh chỉ có từ khi cô vào ban Tuổi Xanh của bà Kiều Hạnh (trước đó nghệ danh cô là Kim Chi, cũng là tên thật). Đây là nghệ danh do cha của cô đặt cho, lấy cảm hứng từ một chi tiết trong lời ca khúc Bản đàn xuân của Lê Thương:

“Chờ tin thơ chim hoàng oanh đưa
Còn xa bay trong áng sương mờ.”

Hoàng Oanh in a recording session for the choir Tiếng Hát Đôi Mươi [The Voice of People in Their Twenties]. Source: The Jimmy TV.

Trong việc ca hát, Hoàng Oanh tạo ra được một dấu ấn riêng của mình là cô thường bắt đầu bài hát bằng việc ngâm một đoạn thơ có nội dung liên quan.

Bài hát đầu tiên mà Hoàng Oanh ngâm thơ trước khi hát là Hòn vọng phu của Lê Thương, do hãng dĩa Sóng Nhạc thu âm. Vốn dĩ, trong phần lời, Lê Thương cũng đề thêm mấy câu thơ:

Trống Tràng thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín lần gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.

Và do đó, việc ngâm thơ trước khi hát là một yêu cầu bắt buộc khi trình bày nhạc phẩm này. Nhưng về sau, nhận thấy việc có thêm lời thơ trước khi hát làm tăng thêm cảm xúc cho bài, Hoàng Oanh tự mình sưu tầm những đoạn thơ có liên quan để ngâm.

Khi hát Trộm nhìn nhau của Trầm Tử Thiêng, Hoàng Oanh ngâm Một mùa đông của Lưu Trọng Lư:

Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa,
Nhìn nhau mà lệ ứa,
Một ngày một cách xa

Khi hát Chuyến tàu hoàng hôn của Minh Kỳ và Hoài Linh, Hoàng Oanh ngâm Những bóng người trên sân ga của Nguyễn Bính:

Những cuộc chia lìa khởi tự đây,
Cây đàn sum họp đứt từng dây.
(…)
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?

Khi hát Chuyện một chiếc cầu đã gãy, một ca khúc quan trọng của Trầm Tử Thiêng về sự kiện Tết Mậu Thân 1968, Hoàng Oanh ngâm Tình ca dâng Huế của Trần Thị Lai Hồng:

Ơi Huế!
trăm nhớ với nghìn thương
hồn lưu lạc vẫn thường về chốn cũ
mưa giăng mù chắn lối
trong những giấc mơ tôi thấy về Thôn Vỹ
để ngất ngây mùi hoa cau hoa bắp dậy thì

Ơi Huế!
bao dâu bể oan khiên
sáu vài mười hai nhịp Tràng Tiền
nào ai trông ai nhớ ai đợi ai chờ
cuộc đổi đời
dù đá nát vàng phai
nơi đất khách lạc loài
tôi vẫn nhớ mãi thương hoài về Huế.

Hoàng Oanh singing Trầm Tử Thiêng’s Chuyện một chiếc cầu đã gãy [The Story of a Broken Bridge] in the benefit concert Góp một bàn tay [Lend a hand] aiming at funding for Vietnamese refugees in the Philippines in 1996. Source: The Jimmy TV.

Còn khi hát Cuốn theo chiều gió của Anh Việt Thu tại Singapore, lần lưu diễn rất gần Việt Nam nhưng lại không thể trở về, Hoàng Oanh ngâm một bài về nỗi nhớ quê hương, không rõ của ai:

Không biết quê ta ở hướng nào.
Mộng về đường củ nẻo chiêm bao.
Nửa đêm tỉnh giấc thầm rơi lệ.
Thương người nhớ cảnh dạ nao nao.
Thu qua đông tới đời lưu lạc.
Quê người ai thấu nỗi thương đau.

Không rõ Hoàng Oanh có bao giờ chia sẻ về lựa chọn không trở về của mình bao giờ chưa. Cũng không rõ việc trở về với một người như Hoàng Oanh có nhiều khó khăn hay không. Nhiều người vẫn biết rằng những bài nhạc chiêu hồi như Chuyến đò vĩ tuyến của Lam Phương hay Về đây anh của Nguyễn Hiền và Nhật Bằng, một trong những ca khúc mở trên loa công suất lớn ở hai bên bờ sông Bến Hải, vẫn gắn liền với giọng hát của Hoàng Oanh.

Khi hát Chuyến đò vĩ tuyến, Hoàng Oanh ngâm Chia tay của Vũ Hoàng Chương, cũng là một người đã bỏ Hà Nội vào Nam:

Đò chiều sông lạ tiễn đưa nhau
Gió nấc từng cơn, sóng vật đầu
Hai ngả lênh đênh trời ngụt khói
Người đi, ta biết trở về đâu
Cuối thôn gà giục sáng từ lâu…
Hết một đêm gần… thôi, xa nhau
Vĩnh biệt đây chăng? Rằng tạm biệt
Mà sao bến vắng nặng mây sầu

Nhưng thôi, thôi cũng đừng lưu luyến
Đời loạn còn chi đẹp nữa đâu
Dứt áo cho tình ta đẹp nhé
Non cao ngàn thuở nhớ sông sâu
Nắm tay cùng hẹn mai sau
Dòng Ngân bắc lại nhịp cầu mong manh
Còn trăng hai mảnh xa gần
Còn soi bờ liễu sông Tần vẹn gương

Hoàng Oanh and her husband, songwriter Mai Châu, in 1972.

Còn khi hát Một người đi của Mai Châu, cô ngâm:

Trời Sài Gòn mưa thu rơi nhiều quá
Ướt áo anh thấm lạnh cả hồn tôi
Chinh nhân ơi! xin đừng buồn anh nhé
Người yêu anh sẽ yêu anh trọn đời.

Có thể đây là chính nhạc sĩ, cũng là phu quân, viết cho cô, hoặc do cô tự viết.

Hát Xin thời gian qua mau, Hoàng Oanh ngâm Mưa đêm trừ tịch của Thanh Nam:

Ôi! cố hương xa nửa địa cầu
Nghìn trùng kỷ niệm vẫn theo nhau
Đêm nay ta đốt sầu lưu lạc
Trong khói men nồng hạnh phúc xưa.

Là một người sinh ra ở Nam Bộ, nhưng Hoàng Oanh lại ngâm thơ không nghe ra giọng vùng miền, phải chăng vì cô tiếp xúc nhiều với những người Bắc di cư năm 1954? Được biết, Hoàng Oanh đã có khiếu ngâm thơ từ nhỏ, sau này, được thi sĩ Đinh Hùng mời vào ban ngâm thơ trên đài phát thanh của mình, cô lại tiếp xúc với các bậc tiền bối như Hồ Điệp, Quách Đàm, Hoàng Thư, hay Tô Kiều Ngân, và cũng học hỏi thêm từ họ.

Phạm Đình Chương, anh trai của Thái Thanh, có từng mời Hoàng Oanh hát cho phòng trà Đêm Màu Hồng của ông, nhưng Hoàng Oanh từ chối vì bận chuyện bài vở vào buổi tối. Đồng thời, cô cũng nói rằng không khí náo nhiệt ở phòng trà hay vũ trường không phù hợp với tính cách của mình. Thi thoảng cô chỉ nhận lời hát cho các đại nhạc hội. Còn ngoài những khi phải đến đài phát thanh, cô dành thời gian để học bài và ôn thi.

Một số bài báo ngày xưa về danh ca Hoàng Oanh:

3 Comments

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s