Kiều ở lầu Ngưng Bích

kieu-o-lau-ngung-bich

Đoạn này, theo Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh dịch, NXB Đại học Quốc Gia, 1999), như sau:

Tú bà sợ phía ngoài người qua lại phức tạp, nên cho Thúy Kiều rời sang ở lầu Ngưng Bích. Ngôi lầu này, từ phía đông trông ra biển xanh, phía bắc nhìn lên Kinh kỳ, phía nam ngó lại Kim Lăng, phía tây trông ra dãy núi Kỳ Sơn. Thúy Kiều đối cảnh buồn bã, nhớ lại cái ngày cùng chàng Kim trao lời thề thốt, thân thiết biết chừng nào, mà nay vắng bặt tăm hơi, thê lương biết là dường nào, nhân cầm bút viết ra mười bài “Chẳng cùng nhau” để ghi lại tâm tình thương nhớ:

Một chẳng cùng nhau, một chẳng cùng nhau, lời thề chưa hết, bỗng tai bay vạ gió. Ôi chao! Tai bay vạ gió chia hai ngả.

Hai chẳng cùng nhau, hai chẳng cùng nhau, tình ngắn tình dài chất đầy lòng. Ôi chao! Chất đầy lòng đau khổ mung lung.

Ba chẳng cùng nhau, ba chẳng cùng nhau, nghĩ đến người thân nước mắt ròng. Ôi chao! Nước mắt ròng, sầu khôn nguôi!

Bốn chẳng cùng nhau, bốn chẳng cùng nhau, chuyện xưa niềm mới khó gỡ xong. Ôi chao! Khó gỡ xong quanh quẩn trong lòng.

Năm chẳng cùng nhau, năm chẳng cùng nhau, giận nghiến răng như dại như ngây. Ôi chao! Như dại như ngây. Chống má cho khuây.

Sáu chẳng cùng nhau, sáu chẳng cùng nhau. Rượu ly biệt sắp rót, ánh mặt trời xiên. Ôi chao! Ánh mặt trời xiên. Sao cất được đầu lên?

Bảy chẳng cùng nhau, bảy chẳng cùng nhau. Giận kẻ vương tôn đi chẳng lại. Ôi chao! Đi chẳng lại, quỷ thần sai?

Tám chẳng cùng nhau, tám chẳng cùng nhau. Chết xuống suối vàng lại sống lại. Ôi chao! Lại sống lại. Oan nghiệt an bài.

Chín chẳng cùng nhau, chín chẳng cùng nhau. Chết xuống suối vàng lại sống lại. Ôi chao! Phượng loan sum vầy. Xếp đặt sao đây?

Mười chẳng cùng nhau, mười chẳng cùng nhau. Đớn đau Thúy Kiều số mệnh trái ngang. Ôi chao! Số mệnh trái ngang, Thật bi ai!

Thúy Kiều viết xong mấy vần câu ca lại thấy nước mắt đầy khe, cỏ gò vương khói, tiếng triều rào rạt, cánh buồm thấp thoáng, bỗng nghĩ thành một bài thơ. Thơ rằng:

Bên sông nước suối thoảng mùi hoa,

Sương khói mung lung ngọn núi xa.

Gần biển, triều dâng bờ đá ướt,

Cách thành, buồm ngả bóng chiều tà.

Gió nâng vóc liễu trên từng gác,

Sóng giục người đi biệt đất nhà.

Việc cũ can chi mà nhỏ lệ?

Đốt lò nhấp thử vị hương trà.


Còn trong Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du viết như sau (từ câu số 1033 đến 1056):

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,

Vẻ non xa, tấm trăng gần, ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,

Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng.

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Bên trời góc bể bơ vơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm?

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa ?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác, biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ dàu dàu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh

ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồị

Chung quanh những nước non người,

Đau lòng lưu lạc, nên vài bốn câu.

Thanh Tâm Tài Nhân đơn thuần kể chuyện, với một nỗ lực vụng về bắt nhịp cầu nối giữa thơ với văn xuôi khi trích nguyên văn các cảm tác của nhân vật. Nguyễn Du, từ cái kể lể lôi thôi ấy, đã chắt lọc ra chi tiết nào giữ chi tiết nào bỏ, nhằm đảm bảo tính hàm súc của truyện. Sau đó, Nguyễn Du lại thoát khỏi cái miêu tả tù túng của Thanh Tâm Tài Nhân, mà phóng thích ra phong phú những hình ảnh xung quanh và trong lòng của nhân vật. 

Thay vì thuật lại nguyên văn bài Chẳng cùng nhau của Kiều, vốn có phần lan man, nhập nhằng, Nguyễn Du lại chỉ tập trung vào hai ý: nỗi nhớ Kim Trọng và nỗi nhớ gia quyến. Và Nguyễn Du đã kể lại một cách lớp lang, hàm súc, mà cảm động. Thanh Tâm Tài Nhân đâu có kể chuyện Thúy Kiều nhớ những gì về người yêu và gia quyến, vậy mà Nguyễn Du lại nghĩ được rằng, lúc đó trong đầu Kiều cái hình ảnh hiện ra là “dưới nguyệt chén đồng”, là “quạt nồng ấp lạnh”, và gốc cây ở sân nhà chắc nay đã lớn. Đọc Kim Vân Kiều Truyện mà hình dung ra được cái nội tâm nhân vật như thế, thì Nguyễn Du hẳn phải đọc một cách vừa nhập tâm mà lại vừa sáng tạo. Như thể mỗi một tường thuật nhỏ trên trang sách cũng làm dậy lên trong lòng Nguyễn Du những rung động lớn, chắp nối những ấn tượng, những kinh nghiệm tưởng chừng xa xôi vào xếp cạnh nhau trong cùng một câu thơ. 

Nguyễn Du thực sự là một người đọc sách xuất chúng, và cũng là một tâm hồn nhạy cảm kỳ lạ. Vì sao con người ấy lại xúc động đến vậy trước Vương Thúy Kiều, trước Phùng Tiểu Thanh, và cả nỗi thống khổ của thập loại chúng sinh? Vì sao cái con người ấy lại nhiều lòng trắc ẩn đến vậy? Hay đúng cụ là người có “đôi mắt thấu suốt sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”?

Đến bài thơ bát cú của Kiều, Nguyễn Du cũng không ghi lại như Thanh Tâm Tài Nhân. Bài thơ ấy cái tình cảm hãy còn mờ nhạt, nhưng Nguyễn Du chuyển thành tám câu lục bát, trùng điệp với tư thế “buồn trông”, nghe ý nào ra ý đó, mà mãnh liệt, sâu sắc. Đầu tiên là cảm giác hy vọng như sẽ có ai đến đón mình về. Tiếp đó là cảm giác bi quan cho số phận trôi nổi. Rồi đến cái e ngại trước sự mênh mông của xứ lạ. Cuối cùng là dự cảm về một điều gì khủng khiếp có thể xảy ra.


Huỳnh Sanh Thông dịch đoạn này của Nguyễn Du như sau:

Locked in her spring at Crystal Tower, she lived

with friends – some hills far off, the moon near by.

On all four sides her ranging eyes could see 

the gold of dunes, the ocher dust of trails.

With shame she watched dawn clouds, the midnight lamp –

the scene and what she felt both filled her soul.

He’d shared the cup with her beneath the moon – 

now, day by day, he longed for news of her.

Stranded and waifed upon a distant shore,

when could she ever cleanse her heart of love?

She grieved for those awaiting at the door:

who fanned them now when hot, warmed them then cold?

After these months, the yard’s catalpa tree*

must be a size to stretch her arms around.

She saidly watched the harbor in gray dusk – 

whose boat was that with fluttering sails, far off?

She sadly watched the river flow to sea – 

where would this flower end, adrift and lost?

She sadly watched the field of wilted grass,

the bluish haze where merged the earth and clouds.

She sadly watched the wind whip up the cove

and set all waves a-roaring round her seat.

Cách dịch hai câu đầu của Huỳnh Sanh Thông có phần hơi suy diễn. “Vẻ non xa” và “tấm trăng gần” ở chung là cả hai vật thể đều ở chung trong một khung cảnh trước lầu Ngưng Bích, chứ không phải là chúng ở chung với Thúy Kiều đâu nhỉ?

Đang giãn cách theo chỉ thị 16 mà đọc về cảnh tù túng của Kiều thì mình cũng thấy liên hệ được ít nhiều.

1 Comment

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s