Đọc Số đỏ (1938) của Vũ Trọng Phụng

Những tác phẩm tiền chiến tôi từng đọc phần nhiều nghiêm trọng và ảm đạm, thế nên Số đỏ vẫn gây được trong lòng tôi một cảm giác khác biệt ở chỗ nó không hề buồn, mà lại vui. Vui vì nhìn chung đó là câu chuyện có hậu: nhân vật chính, dù là antihero, vẫn leo lên được nấc thang giai cấp từ thằng nhặt banh quần trở thành chồng của một cô con gái nhà giàu. Mình vẫn đồng cảm được với Xuân vì cơ bản là nó không độc ác, mà thi thoảng cũng là một thằng chịu nghe điều lẽ phải.

Trên hết, cái khôi hài của Số đỏ nằm ở chỗ nó là tập hợp của hàng loạt các nghịch lý: Xã hội văn minh mà cảnh sát lại buồn. Thi đấu thể thao thua mà lại vinh quang. Bà Phó Đoan ngoài mặt tự hào mình thủ tiết thờ chồng nuôi con, nhưng trong lòng lại những mong được đàn ông hiếp. Ông Typh hô hào Âu hóa thời trang nhưng đến khi vợ ông đòi mặc cái áo ngực Ỡm Ờ, cái corset Ngừng Tay thì ông lại chửi vợ mình đĩ điếm. Xuân Tóc Đỏ thô tục, dâm ô thì được dư luận tung hê lên làm Đốc tờ, giáo sư quần vợt, nhà cải cách xã hội, và cái hy vọng của Bắc Kỳ. Tất cả những nhân vật ấy lại tập hợp với nhau dưới một cái oxymoron lớn hơn mang tên “hạnh phúc của một tang gia”. 

Phải nói Vũ Trọng Phụng là một người thông minh. Không những thông minh, ông còn được định mệnh sắp đặt cho một cái vị trí mà nhìn ra được những cái lố bịch ở các giai tầng xã hội khác nhau. Gia cảnh Vũ Trọng Phụng rất nghèo, nhưng ông lại là người có học. Nhìn lên bọn trọc phú, thì ông thấy sự trụy lạc và thói đạo đức giả. Nhìn xuống kẻ bình dân, thì ông thấy sự thô bỉ, cơ hội và hãnh tiến – mà Xuân Tóc Đỏ là một điển hình. Chính vì Số đỏ châm biếm mọi hạng người, nên nói Số đỏ tập trung vào vấn đề giai cấp là lối khiên cưỡng.  

Một điều rất đáng chú ý ở đây: cách Vũ Trọng Phụng miêu tả cảnh sống của giới thượng lưu với sự châm chọc. Xem cách Khái Hưng mô tả cảnh sống của giới thượng lưu trong Đẹp hay trong Thanh Đức ta sẽ thấy không có sự châm chọc. Có khi chính điều này lại phản ánh rõ hơn hết cái giai tầng xã hội của Vũ Trọng Phụng. Vì một người sống trong cảnh nghèo khổ nhưng lại có học thức, Vũ Trọng Phụng chắc chẳng mấy tiền để mà nghiện hút, nghe hát cô đầu hay là chơi gái. Ông hình thành một lập trường đạo đức bỉ bôi cái chơi bời, đề cao cái đứng đắn trong kham khổ nó cũng giống như cái gọi là “slave morality” trong Genealogy of Morals

Tuy chưa đọc các tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng, nhưng tôi đồ rằng, trong các tác phẩm đó, Vũ Trọng Phụng cũng như Ngô Tất Tố hay Nam Cao, tả chân để kêu đòi một cuộc sống đầy đủ hơn, cơ bản là vì thời điểm đó họ chưa dám nghĩ đến chuyện đấu tranh giai cấp hay kháng chiến chống Pháp. Cái vụ “văn chương dâm uế” mà Vũ Trọng Phụng bảo rằng mình chỉ đang phô bày ra cái sự thực trần trụi ở đời, nó thực ra là triệu chứng của sự bất lực không thể trụy lạc vì sống trong cảnh nghèo, đành phải trả thù trong tư tưởng. Chứ nếu ông Vũ Trọng Phụng mà giàu thì làm đếch gì có nhà văn Vũ Trọng Phụng. Sự khác biệt giữa Vũ Trọng Phụng với Tự Lực Văn Đoàn nằm ở chỗ, Tự Lực Văn Đoàn tuy giàu hơn, có thể chơi bời, nhưng cái chơi của họ cũng không sa đọa. Còn Vũ Trọng Phụng không có tiền chơi bời, và ông an ủi bản thân khi cố bốc ra mấy trường hợp nhiều tiền nhiều quyền mà sa đọa. 

Nguyễn Tuân thì tuy gia đình trung lưu, nhưng ông sa đọa thẳng thừng, mặc nhiên thừa nhận bản thân trụy lạc. Vì ở vị thế tương đối no ấm nên ông đâu có nhu cầu kêu đòi cải cách xã hội gì, nhưng hay ở chỗ ông cũng không thèm viết về mấy cảnh sống, mấy câu chuyện đời thường như Lê Văn Trương, mà ông lại toàn viết những cái cảm giác, những cái suy nghĩ chẳng mấy liên quan đến hiện thực. Ông từng bảo ông không có nhu cầu làm nhà văn lớn, chỉ thích làm nhà văn trung bình viết mấy cái mình thích thôi. Nhưng một khi ông phải làm một ông công tố viên thì xem ra giọng văn ông cũng gay gắt lắm, đọc bài Phê bình nhất định là khó của Nguyễn Tuân trên tuần báo Văn là thấy.

Còn câu chuyện “hiện thực” với “lãng mạn”, “nghệ thuật vị nghệ thuật” với “nghệ thuật vị nhân sinh”, tôi lại thấy Hồ Hữu Tường trong bài Khái-Hưng, người thứ nhứt muốn làm nguyên soái của “văn chương sáng giá” rất có lý khi phân biệt làm ba loại “văn nghệ”: văn nghệ du hí, văn nghệ ca tụng, và văn nghệ sáng giá. Thời trước 1945, văn nào mà phê phán sự bất công dưới thời Pháp thuộc là được chương trình sách giáo khoa miền Bắc sau này tung hê hết, thế nhưng sau này, những sáng tác phê bình sự trói buộc sáng tác trong thời Nhân Văn Giai Phẩm hay phê phán sai lầm trong quản lý thời Đổi Mới thì lại bị cấm, bị cho là hiện thực chỉ nói cái “nên là”, chứ không nói cái “thực là”. Thế nên nếu Vũ Trọng Phụng mà sống lâu, và sống qua cái giai đoạn 1956-1958, tôi e có khi Vũ Trọng Phụng lại bị treo thêm cái án “đồi trụy” ngay cổ nếu cứ đòi làm nhà văn “tả chân”. Thay vì tập trung vào chuyện “tả chân” hay “hư cấu”, “vị nghệ thuật” hay “vị nhân sinh”, sao không đặt những câu hỏi cụ thể hơn như là “văn này có nịnh chế độ không”, “văn này có phê phán đối tượng nào không”, như vậy đỡ mất thời gian cho những tranh cãi viển vông hơn không?

Cách phân biệt trên đây của Hồ Hữu Tường cũng cho thấy rõ Nguyễn Tuân thuộc kiểu nào. Cả trước và sau 1945, hình như Nguyễn Tuân cũng chỉ làm “văn nghệ du hí” mà thôi.

Nhưng vì sao Vũ Trọng Phụng lại như có một mối thù với Tự Lực Văn Đoàn nhỉ? Có phải cũng như nhiều nhà văn ngoài Tự Lực Văn Đoàn thời ấy, ghét Tự Lực Văn Đoàn vì nó lớn quá, nó gây ảnh hưởng quá? Nguyễn Vỹ bảo Vũ Trọng Phụng không ưa Tự Lực Văn Đoàn nhưng lại có cảm tình với Khái Hưng. 

4 Comments

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s