Nhà xuất bản Mai Lĩnh

mai-linh-0

Riêng trong năm 1941, Nguyễn Tuân in ít nhất 5 cuốn sách ở 4 nhà xuất bản khác nhau. Việc xuất bản Chiếc lư đồng mắt cua do nhà Hàn Thuyên của Trương Tửu lo liệu, nhưng in tại nhà in Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn, số 80 Quan Thánh, in xong ngày 5-6-1941. Du ký Một chuyến đi thì do nhà Tân Dân của Vũ Đình Long xuất bản, in tại nhà in Tân Dân, số 93 Hàng Bông, in xong ngày 20-7-1941. Tùy bút thì in ở nhà Cộng Lực của Bùi Xuân Tuy, số 9 Hàng Cót. Còn hai tập phóng sự Ngọn đèn dầu lạcTàn đèn dầu lạc thì in ở nhà xuất bản Mai Lĩnh Hà Nội, giám đốc là ông Đỗ Xuân Mai, không rõ in xong ngày nào nhưng cũng trong năm 1941. 

Hầu hết các tác phẩm này đều được viết từ vài năm trước đó, còn vì sao đến 1941 Nguyễn Tuân lại cho in đồng loạt như vậy, mà lại in ở nhiều nhà in khác nhau thì chưa rõ. Vì ông cần xoay tiền chăng?

Theo Tô Hoài, trong Cát bụi chân ai, ông Đỗ Xuân Mai của nhà Mai Lĩnh có tham gia hoạt động chính trị nào đó trong thời kỳ chiến dịch Đông Dương (1940) của quân phiệt Nhật Bản. Hình như ông có làm báo Văn Hóa, mà Nguyễn Tuân trêu hai chữ V.H. ấy là hai chữ “vừng hồng”, ám chỉ cái hình ảnh mặt trời trên lá cờ của Nhật, và như vậy thì ông Đỗ Xuân Mai là thành phần thân Nhật?

Đỗ Xuân Mai là một trong 7 người con của ông Đỗ Văn Phong (sinh năm 1860 tại làng Mai, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên, nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội), một nhà nho từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, sau bị đày đi Guyana. Đến năm 1924, cụ cùng 12 đồng chí vượt ngục, băng biển, qua Canada, sang Trung Quốc, rồi về Việt Nam. Theo một tài liệu ghi lại, trên chuyến tàu hỏa từ Vân Nam về Hải Phòng, ngồi trên toa xe lửa chạy băng qua đồng đất quê nhà, nỗi niềm thương nhớ vợ con và quê quán dâng lên, cụ gạt nước mắt để vững lòng theo nghiệp lớn. Từ Hải Phòng, theo chuyến tàu thủy Claude Chappe, cụ xuôi vào Sài Gòn, rồi xuống trú ngụ ở vùng núi Sập, Long Xuyên, một nơi tụ gặp của các chí sĩ khắp nơi từng bị tù đày biệt xứ vì hoạt động chống thực dân Pháp. Cụ Phong nhắn tin con cháu vào gặp, bàn bạc và thực hiện ý nguyện mở nhà xuất bản Mai Lĩnh để tuyên truyền lòng yêu nước và nâng cao dân trí cho dân tộc.

đại gia đình Mai LĨnh

Con cháu gia tộc họ Đỗ quyết noi theo tâm nguyện của cụ Phong. Chả bao lâu, một trung tâm thương mại văn hóa phẩm mang tên Mai Lĩnh được mở ngay tại thị trấn Phúc Yên quê nhà.Thêm một cửa hiệu lớn buôn bán văn hóa phẩm Mai Lĩnh được mở mang tại Hải Phòng. Rồi năm 1936, mở nhà in Mai Lĩnh tại Hà Nội. Thế là Hải Phòng tuần báo được ra đời, khơi nguồn cho sự nghiệp xuất bản, báo chí của Mai Lĩnh từng bước đi vững chắc.

Hoạt động kinh doanh của Mai Lĩnh ấn quán: Là một nhà in tư nhân nổi tiếng (chưa chuyển thành công ty) cho đến năm 1974, nhà in được trang bị máy in offset tự động, là nhà in in được các ấn phẩm nhiều màu, với các hình ảnh đủ màu sắc. Thường lĩnh in các loại ấn phẩm như sau:

  • Các hộp vỏ thuốc tây, thuốc tầu, thuốc ta cùng các toa thuốc liên hệ bằng nhiều thứ chữ, đủ mầu.
  • Các nhãn hiệu, vỏ hộp của nhiều sản phẩm kỹ nghệ nội hóa như: bao thuốc lá, nhãn hiệu rượu bia, bánh kẹo, đồ hộp…
  • Các chi phiếu dùng trong các ngân hàng;
  • Các loại bìa in nhiều mầu và hình ảnh sách báo, đặc biệt là các tuần báo, nguyệt san giai phẩm;
  • Các loại sách giáo khoa có nhiều hình ảnh ký hiệu…


Trọng lượng các loại ấn chỉ, thương mại và ấn phẩm linh tinh chiếm khoảng 25% trọng lượng các ấn phẩm được in trong năm.

(theo tài liệu lưu giữ của Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ Việt Nam)

Đoạn sau đây tôi trích nguyên văn từ bài viết Nhà xuất bản Mai Lĩnh: Tiếng vọng một thuở vàng son của tác giả Thụy Oanh trên Zing News:

Từ khi còn trong tù, sợ mình không thể giữ được mạng sống, cụ Phong đã gửi gắm một người đồng chí là cụ Đồ Chưng, dẫn dắt cưu mang con cháu mình với mong mỏi rằng con cháu cụ không lầm đường lạc lối giữa thời buổi nhuyễn nhương. Nhà nho Đỗ Văn Phong cũng nhắn gửi rằng muốn mọi hoạt động của con cháu đều thống nhất dưới cái tên Mai Lĩnh, ngụ ý không quên nguồn cội quê hương làng Mai, núi Lĩnh. 

Và nhất họ là phải làm được điều gì đó để khai mở dân trí, có lợi cho việc giải phóng dân tộc. Lúc này trong đầu nhà nho Phong đã nghĩ tới chuyện mở nhà xuất bản thương hiệu Mai Lĩnh, tiền thân của nhà xuất bản. Và nhà in Mai Lĩnh bắt đầu từ đây.

Ban đầu các con của cụ Phong mở cửa hiệu tạp hóa và trường tư thục với cái tên Mai Lĩnh. Đến năm 1936, ông Đỗ Văn Mai, con thứ của nhà nho, cho ra tờ Hải Phòng tuần báo. Khi nhà Mai Lĩnh quyết định lên Hà Nội thì nhà in và nhà xuất bản Mai Lĩnh mới chính thức ra đời. 

Thời bấy giờ, ngoài việc in sách, các nhà xuất bản còn cho ra đời các tờ báo riêng, báo chí và văn chương bổ trợ cho nhau, Mai Lĩnh cũng không ngoại lệ. Ý thức được xuất bản báo chí và văn chương là làm văn hóa, mà văn hóa thì phải đẹp, NXB Mai Lĩnh từ khi in Hải Phòng tuần báo đã chú ý đến việc trình bày đẹp, in giấy tốt để ra mắt độc giả những ấn phẩm chất lượng từ nội dung đến hình thức. 

(…)

Nơi đây cũng đã đỡ đầu cho tác phẩm của nhiều nhà văn trong giai đoạn mới vào nghề, trong đó phải kể tới “ông hoàng trinh thám xứ Bắc” Phạm Cao Củng, hay một cái tên đáng nể chuyên viết tiểu thuyết lịch sử của thời kì này là Nguyễn Triệu Luật.  

Thời điểm ấy, NXB Mai Lĩnh đã tổ chức cho các nhà văn đi thực tế, thâm nhập đời sống xã hội để sáng tác. Bấy giờ, để dễ bề cai trị, nhà cầm quyền để các tệ nạn như: nghiện thuốc phiện, đĩ điếm, trộm cắp… tràn lan trong xã hội.

Để thức tỉnh tầng lớp thanh niên khỏi u mê lầm lạc, đứng lên đấu tranh cho dân tộc, NXB Mai Lĩnh đã mạnh dạn cử người đưa các nhà văn xâm nhập các ổ tệ nạn để làm tư liệu sáng tác. 

Sau chuyến đi do NXB Mai Lĩnh tổ chức, “ông vua phóng sự đất bắc” Vũ Trọng Phụng đã cho ra đời những cuốn tiểu thuyết phóng sự nổi tiếng, phản ánh thực trạng xã hội một cách sâu sắc. Nhờ hướng đi thông minh và tiến bộ này, đội ngũ các nhà văn đến cộng tác với NXB Mai Lĩnh ngày một đông và phần lớn là các tên tuổi cự phách

Có một giai thoại rằng: Khi ấy do quá túng bấn, nhà văn Ngô Tất Tố đã đến vay tiền của chủ bút Đỗ Văn Mai. Ông Mai nói rằng nhà văn có thể chấp bằng bản thảo, coi như lĩnh trước tiền nhuận bút.

Bí quá, nhà văn Ngô Tất Tố mới nói sẽ in một tiểu thuyết lấy tựa Tắt đèn ở Mai Lĩnh. Vì theo nhà văn, hoàn cảnh của ông lúc ấy còn mờ mịt hơn cả tiền đồ của chị Dậu. 

Do những tác động của thời cuộc về chính trị và văn hóa nên thời kì vàng son của NXB Mai Lĩnh kéo dài chưa tròn một thập kỷ, từ năm 1936 đến 1944. Nhưng những con người làm nên cái tên lừng lẫy ấy đã để lại nhiều bài học giá trị trong lĩnh vực xuất bản cho hậu thế. 

Một số sách in ở nhà Mai Lĩnh:

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, tác giả của Đứng trước biển, hình như là cháu ngoại của ông Đỗ Văn Kiêm, con trai của Đỗ Văn Phong, có bài viết với nội dung như sau, tôi cũng xin trích nguyên văn:

Sau hiệp nghị Genève 1954 về cuộc chiến Việt – Pháp 1946 – 1954, Việt Nam phải chia hai miền Nam – Bắc. Những người miền Bắc từng theo Pháp và chính quyền thuộc Pháp, những người không theo Pháp, nhưng không tán thành chế độ Việt Minh cộng sản, ùn ùn đưa gia đình di cư vào Nam, tạo nên bầu không khí bức xúc và xáo trộn xã hội cho cả những người ở lại. Hai bên đối nghịch đều vận hết công suất tuyên truyền và phản tuyên truyền. Một đằng vận động dân đi càng nhiều càng tốt để hút cạn sinh lực đất Bắc, một đằng giữ dân ở lại, đừng mắc mưu kẻ địch. Hồi đó, tôi mới 9 tuổi, hàng ngày cắp sách đi học, từ nhà ở Trần Nhật Duật đến trường Đỗ Hữu Vị, phố Cửa Bắc, hôm nay vừa đọc ở các bức tường trên đường đi học, câu: “Cụ Ngô thống nhất sơn hà, Già Hồ chia sẻ nước nhà làm đôi”, viết nguệch ngoạc bằng sơn đỏ, thì sáng hôm sau, cũng dòng chữ trên tường ấy, được ai chữa chữ “Ngô” thành “Hồ” và chữ “già Hồ” thành “thằng Ngô”, đọc cả câu thành: “ Cụ Hồ thống nhất sơn hà, Thằng Ngô chia sẻ nước nhà làm đôi”. Hôm sau nữa, lại “Cụ Ngô…”, “Già Hồ…”. Rồi hôm sau nữa lại” Cụ Hồ…”, “Thằng Ngô..”, cho đến ngày Hà Nội hoàn toàn thuộc chính quyền mới.

Phải kể bối cảnh xã hội lúc đó, để nói về các ông nhà Mai Lĩnh, đến phút cuối cùng cũng người đi, kẻ ở. Do ông Ba và ông Năm cùng mất 1947, nên đến 1954, nhà Mai Lĩnh chỉ còn ông Hai (Đỗ Văn Kiêm, ông ngoại tôi), ông Sáu (Đỗ Xuân Mai), ông Bảy (Đỗ Như Ngọc) ở Hà Nội, và ông Tư (Đỗ Như Phượng) ở Xuân Mai, Phúc Yên.

Gia tộc Mai Lĩnh, có cụ Đỗ Văn Phong vì chống Pháp, bị Pháp xử khổ sai chung thân, đày đi Guyane. Thế hệ kế thừa là các ông nhà Mai Lĩnh lập ấp, làm báo chí, xuất bản, với mục đích góp phần đưa dân tộc thoát khỏi ngoại xâm bằng con đường cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí. Trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, các ông đều ủng hộ Việt Minh. Ông Hai, ông Tư bị Pháp bắt giam. Ông Ba cùng khá đông con cháu nhà Mai Lĩnh gia nhập Việt Minh lên chiến khu kháng Pháp. Đến năm 1954, gia tộc nhà Mai Lịch, trừ chú Rỵ, con ông Ba, bị động viên, học ở trường sĩ quan Đà Lạt, còn lại, không một ai làm việc trong chính quyền thuộc Pháp hoặc đi lính cho Pháp. Năm 1949, thủ hiến Bắc Việt nhiều lần gặp ông Hai và ông Sáu đặt vấn đề người Pháp sẽ tài trợ toàn diện để phục hưng nhà Mai Lĩnh, nhưng hai ông nhất mực từ chối.Vậy tại sao khi Việt Minh thắng Pháp, ông Hai và ông Sáu lại đưa quá nửa dân số nhà Mai Lĩnh vào Nam? Theo địch, chắc chắn không.

Nhưng không theo “ta” thì rõ ràng. Nguyên nhân chính, từ năm 1948, 1949 trở ra, những sinh hoạt chính trị và thanh trừng nội bộ trong lực lượng kháng chiến ở chiến khu, do ảnh hưởng từ cộng sản Trung Quốc, đỉnh điểm là vụ tử hình bà Nguyễn Thị Năm (1953), một địa chủ có công kháng chiến, đã dẫn đến việc hàng loạt các thành phần thuộc tầng lớp trên: trí thức, văn nghệ sĩ, địa chủ, tư sản, vân vân… bỏ chiến khu trở về vùng Pháp chiếm, gọi lóng là “dinh tê” (về tề). Hồi đó, những người này bị kết tội đào ngũ, phản bội, là ăn phải bả tuyên truyền của địch, là hèn nhát không chịu được gian khổ của kháng chiến, vân vân và vân vân…Chính làn sóng “dinh tê” này đã ảnh hưởng nặng đến số đông người trong vùng bị Pháp chiếm, từng theo Việt Minh, nhưng vẫn di cư vào Nam, trong đó có các ông nhà Mai Lĩnh.

Đại gia đình Mai Lĩnh

Cuối năm 1953, cuộc họp gia tộc diễn ra tại 21 Hàng Bún, có mặt ông Hai, ông Sáu, ông Bảy; ông Tư, bác Tiếp, bác Thụ cùng ở Phúc Yên ra và bố tôi, dẫn đến quyết định cuối cùng: tất cả cùng đi . Nhưng ông Tư về Phúc Yên, do quá yêu, quá gắn bó, quá tiếc đồng đất quê hương, gia tộc, thay vì thu xếp ra đi, ông trở lên Hà Nội, nói với ông ngoại tôi: Các anh cứ đi. Tôi không thể bỏ đất đai, nhà cửa, mồ mả cha ông. Ở lại sướng thì biết chắc là không rồi, còn khổ bao nhiêu, tôi chịu hết, miễn vẫn giữ được đất nhà mình. Sau này, nói về sự qua đời tức tưởi của ông Tư trong cải cách ruộng đất, bố tôi nói: Ta biết tính ông Tư. Nếu biết đất cũng không giữ lại được một tấc, ông vẫn cứ ở lại.

Ông Bảy lại khác. Con trai lớn của ông là chú Yên (kỹ sư Đỗ Phúc Yên) theo Việt Minh, từ năm 1946, nhà ông Bảy ở Hải Phòng lại là cơ sở nuôi giấu nhiều cán bộ hoạt động nội thành của Việt Minh. Cũng vì “tội” này, ông bị sở Mật thám Hải Phòng hành lên, hành xuống, có thời gian phải đưa cả nhà trốn đi hậu phương Thanh Hóa rồi về làng Bát Tràng . Bên nhà bà Bảy cũng nhiều anh em làm lớn phía Việt Minh. Song điều quan trọng nhất là ông có niềm tin như đinh đóng cột vào lý tưởng yêu nước của Việt Minh, nên đem cân những lợi thế trên với quyết định của các anh và thúc giục ra đi của bà Bảy, thấy việc ở lại nặng ký hơn hẳn, lần đầu tiên trong đời, ông Bảy, em út của anh em nhà Mai Lĩnh, một người trước sau chỉ biết nghe lời các anh và nể vợ, dám quyết định ngược lại: Sẽ sống mãi với thành phố cảng.

Năm 1963, tôi đi thanh niên xung phong, rồi trở thành thợ sửa chữa ô tô lâm nghiệp ở vùng mỏ Quảng Ninh, đến trước hồi máy bay Mỹ ném bom ác liệt miền Bắc, mỗi năm đôi lần, tôi đạp xe từ Quảng Ninh về Hải Phòng, chơi ở nhà ông Bảy, số 9 , ngõ Công Bình, đường Cát Dài, và chú thím Bách (dược sĩ Đỗ Như Bách, con ông Năm), ở “căn hộ” một gian, vốn là vách ngăn cạnh gầm cầu thang khu tập thể xí nghiệp dược.Thời gian này cũng là lần đầu tiên tôi biết đến gia sản nhà Mai Lĩnh Hải Phòng. Trang ấp Mai Lĩnh, gần nhà thờ Nam Phát ở ngoại vi thành phố và những địa chỉ A, B, C nào đó, đều biến mất trong cuộc cải tạo tư sản. Cửa hàng thuốc tây ở ngã tư Cát Dài – Cầu Đất đưa vào công tư hợp doanh, nên cả nhà ông Bảy: hai vợ chồng, 11 con trai gái, toàn ở tuổi trứng gà, trứng vịt, cộng thêm cô Sửu, con ông bà Ba bị quy địa chủ, trốn từ Xuân Mai, Phúc Yên ra, ở ngôi nhà ngói một tầng khiêm tốn trong ngõ Công Bình.

Từ khi xa gia đình, sống tự lập, bắt đầu có ý thức về tinh thần nhà Mai Lĩnh một thời hưng thịnh trong sự nghiệp báo chí, xuất bản, thì nơi tôi tiếp xúc đầu tiên chính là nhà ông Bảy, còn trước đây, con cháu nhà Mai Lĩnh lứa chúng tôi, chưa bao giờ được nếm vị ngọt ngào từ bản lý lịch gia tộc, nên thường nói với nhau về thân phận mình: Hiện tại thì gian nan, hoàng kim thì tưởng tượng. Về ông Bảy, bố tôi thường kể, khi cùng ông Sáu, ông Năm làm Hải Phòng Tuần Báo, Tiểu Thuyết Thứ Ba và xuất bản sách, ở Hải Phòng, ông luôn cần mẫn, tháo vát, một mình bao hết việc đặt bài, sửa morasse, chạy nhà in, rồi giao dịch phát hành. Việc đến tay ông, không bao giờ ông Sáu phải xem lại. Người Hải Phòng biết nhiều đến nhà Mai Lĩnh với ông Sáu (Đỗ Xuân Mai), ông Năm (Đỗ Văn Năm), ông Bảy (Đỗ Như Ngọc) chính trong thời gian này. Khi nhà Mai Lĩnh phát triển việc xuất bản, ông Sáu lên Hà Nội, ông Bảy, ông Năm ở lại Hải Phòng vẫn lo tờ báo, quản lý ấp Mai Lĩnh, buôn bán nhà đất, thuốc tây, văn hóa phẩm.

Ông chủ Mai Lĩnh giờ là nhân viên bán hàng của cửa hàng thuốc tây công tư hợp doanh, không còn mang tên Mai Lĩnh. Hôm gặp ông ở nhà, tôi tò mò hỏi:

– Vào công tư hợp doanh, ông có còn là chủ?

– Không. Ông nói: Giờ ông chỉ là người làm thuê. Nhưng làm thuê trong chế độ xã hội chủ nghĩa, giá trị gấp trăm lần làm chủ dưới chế độ tư bản.

Một người ông cao, gày, chiếc kính cận gọng nhựa cũ với hai mắt kính dày cộp, góp phần tạo nên gương mặt luôn sống thật trong vẻ khiêm nhường, nhẫn nại với ít nhiều sự khắc khổ. Một con người như sinh ra để yêu công việc, yêu gia đình, dòng tộc, và chẳng bao giờ nhận ra ông có thể giận ai, ghét ai. Còn lòng yêu nước, yêu quê hương ở ông vừa chân thành, vừa quyết liệt, khi ông đặt tên tất cả các con là địa danh các tỉnh và dòng sông. Người đầu tiên là Đỗ Phúc Yên, rồi đến Đỗ Thái Bình, Đỗ Thị Bắc Ninh, Đỗ Thái Nguyên, Đỗ Thị Bắc Giang, Đỗ Lạng Sơn, Đỗ Tuyên Quang, Đỗ Thị Hà Đông, Đỗ Hải Dương, Đỗ Phú Thọ, Đỗ Thị Hồng Hà, đến Đỗ Thị Hiền Lương,… Họ hàng nói đùa: có lẽ sợ tiến qua sông Bến Hải sẽ vi phạm hiệp định Genève và luật sinh đẻ có kế hoạch, nên ông bà mới chịu dừng bước, nếu không, tên các con ông bà phải rải tận Cà Mau, Phú Quốc.

Tôi tin ông Bảy thật lòng khi nói về chủ nghĩa xã hội. Chỉ sau năm 1954, khi miền Bắc thực hiện phân loại dân chúng ra các thành phần: cán bộ, địa chủ, tư sản, phú nông, trung nông, bần nông, cố nông, tiểu chủ, tiểu tư sản, dân nghèo thành thị, vân vân… thì cả người hiểu biết lẫn không hiểu biết mới lớn tiếng nói về chủ nghĩa xã hội như những nhà thông thái, chứ trước đó, trong tâm trí người dân, xã hội chỉ đơn giản hai loại nhà giàu và nhà nghèo.

Cũng năm 1954 này, anh Khôi tôi, 14 tuổi, đang học trường trung học Chu Văn An, đem niềm phấn khởi từ các phong trào sinh hoạt chính trị ở trường về nhà tuyên truyền cho các em, trong đó, tôi lớn nhất, mới 9 tuổi: Việt Nam sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội, sẽ trở thành thiên đường như Liên Xô, Trung Quốc. Tôi hỏi: Chủ nghĩa xã hội là thế nào? Anh tôi hào hùng: Là tất cả mọi người đều bình đẳng, không có người bóc lột người.

Tôi cam đoan 90 phần trăm dân số miền Bắc, trong đó có ông Bảy, lúc ấy đều hiểu chủ nghĩa xã hội đơn giản và thật thà như anh tôi. Liên Xô, Trung Quốc chưa ai nhìn thấy, nhưng “tất cả mọi người đều bình đẳng, không có người bóc lột người” thì lý tưởng quá. Người nghèo sung sướng vì từ nay mình không còn bị thực dân, phong kiến bóc lột; còn người giàu cũng sung sướng vì nghĩ kẻ bóc lột không phải là mình. Chỉ khi dân chúng bị phân loại thành phần, rồi cải cách ruộng đất, rồi cải tạo tư sản, người giàu mới té ngửa: hóa ra kẻ phạm tội bóc lột là chính mình. Các cậu ấm, cô chiêu con nhà giàu được tỉnh ngộ nhờ tham gia sinh hoạt đoàn thể, về ngắm nghía bố mẹ mình để tìm hạnh phúc trong đấu tranh.

Ngoài công việc cần mẫn ở cửa hàng, ông Bảy có niềm say mê đọc tất cả các loại báo, tạp chí mới xuất bản, thấy bài nào hay về đạo đức, lý tưởng, về người tốt việc tốt là ông cắt ra, đóng thành bộ sưu tập để các con cùng đọc.

Chuẩn mực về đạo đức, niềm tin và nghị lực từ ông Bảy ảnh hưởng tích cực đến sự hiếu học và quyết tâm thành đạt của các con, cộng hưởng với khí phách phi thường của bà Bảy, thành sức sống mãnh liệt chung của cả nhà. Và nhờ sức sống này, gia đình ông Bảy đã vượt qua những thử thách gian nan, mà ngày nay, không ai tin có thể vượt qua.

Hải Phòng và miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Việc ông bà Bảy đóng góp tâm sức, của cải cho kháng chiến, có thể phải trả giá bằng sinh mạng, được xác định và tôn vinh là tư sản yêu nước, tư sản có công với nước, kèm theo chứng nhận của nhiều quan chức cao cấp, từng được ông bà giúp đỡ trong kháng chiến, nhưng tài sản vẫn cứ mất trong cuộc cải tạo tư sản, và các con lần lượt tốt nghiệp trung học loại xuất sắc, vẫn lần lượt không được vào đại học. Chú Đỗ Thái Bình, sinh 1941, phải ra Quảng Ninh dạy bổ túc văn hóa cho bộ đội. Đỗ Thái Nguyên sinh 1945 ra cảng làm công nhân bốc vác. Đỗ Thị Bắc Giang sinh 1946, làm công nhân ở nông trường Tô Hiệu. Đỗ Lạng Sơn làm thợ điện ở nhà máy nhựa Tiền Phong. Đỗ Tuyên Quang vào quân đội chiến đấu ở chiến trường miền Nam, vân vân…

Sinh mạng chính trị của gia đình như vậy, còn sinh mạng kinh tế rơi tõm vào tình trạng cực kỳ túng quẫn, khi lương nhân viên bán hàng của ông Bảy chỉ đủ nuôi mình ông, con lớn nhất là Đỗ Thái Bình mới 14 tuổi. Và người lèo lái con thuyền kinh tế gia đình Mai Lĩnh Hải Phòng trong cơn phong ba bão táp chính là bà Bảy. Xin nhắc lại, đó là người bà có khí phách phi thường, sẵn sàng xả thân đội trời đạp đất để sống và nuôi chồng con.

Bà (Lê Thị Nội) là dân Bát Tràng. Phụ nữ Bát Tràng nổi tiếng cả nước làm ăn buôn bán giỏi. Còn sinh đẻ có giỏi không thì không rõ, nhưng chỉ riêng với bà: con đầu được sinh năm 1941, con thứ 11, sinh năm 1958, tức trong vòng mười tám năm, bà liên tiếp mang thai và đẻ . Nếu tính con út sinh 1958 đến tuổi trưởng thành năm 1978, thì gần như cả đời bà phải nuôi con đàn, con mọn. Vậy mà nhà Mai Lĩnh thời hoàng kim, bà cũng tay hòm chìa khóa, sang thời không còn cả hòm lẫn chìa khóa, một mình bà vẫn xoay xỏa nuôi cả nhà bằng nghề bán… xôi.

Xuất thân trong một gia đình khá giả và danh giá, bà không đẹp nhưng có tướng sang: mắt sáng sắc, tai to, miệng rộng, giọng vang, luôn thu được sự nể trọng trong giao dịch của cả người thuộc giới thượng lưu lẫn giới bình dân, điều rất hợp với người buôn bán giỏi.

bà chủ Mai Lĩnh

Bà chủ Mai Lĩnh, nổi tiếng Hải Phòng, trước đây chỉ ngồi quầy đếm tiền, quản lý thu chi của gia tộc, giờ thúng mẹt ra vỉa hè ngồi bán từng gói xôi, nhặt nhạnh từng đồng. Sự nhẫn nhục, nuốt nghẹn những thể diện thời danh gia vọng tộc vì mưu sinh, giờ chỉ là chuyện nhỏ khi nỗi uất ức phải chịu đựng để sống trong những cực nhục vô lý lớn hơn gấp bội. Để được đặt gánh bán xôi ở vỉa hè, phải xin đủ thứ phép của đủ thứ cấp chính quyền, nhưng lệnh cấm buôn bán và chế biến lương thực từ các loại lúa gạo, ngũ cốc vẫn hết sức nghiêm ngặt. Muốn nấu xôi, đương nhiên phải mua gạo, đậu … chợ đen, nên việc bán xôi, nếu tính phạm pháp, công an bắt lúc nào cũng được. Bà Bảy phải vừa bán hàng, vừa lo chạy những cơn ruồng bố bất thần của công an. Sau này, bà làm tương để bán cũng vậy. Bán tương thì không cấm, nhưng cấm mua bán đậu làm tương, thế là phải tìm mọi cách để làm và tiêu thụ lén lút. Nhưng phạm pháp, dù để sống qua ngày, không phải phẩm chất nhà Mai Linh. Nên được chồng con làm ngơ, đối với bà cũng là điều hạnh phúc. Hơn nửa thế kỷ sau, Nhà nước xóa bỏ chế độ tem phiếu và bao cấp lương thực như một phát minh vĩ đại, không ai nhớ tới công của những người bán xôi, trong đó có bà Bảy, bao năm chịu đựng mọi đắng cay tủi nhục để…đi trước “thời đại”.

Với tất cả những gì tận tụy vô giá của ông, tất cả những gì hy sinh vô giá của bà, giờ đây, các con của ông bà Bảy đều vẫn lương thiện và cùng thành đạt. Kỹ sư Đỗ Thái Bình, đang là chuyên gia hàng đầu ngành đóng tàu Việt Nam, Đỗ Thị Bắc Ninh là Tiến sĩ ngôn ngữ xuất sắc, Kỹ sư Đỗ Tuyên Quang là chuyên gia kỹ thuật cao cấp của hãng Boeing… Những người khác đều thành công ở trong nước, ở Mỹ, Canada…Thế hệ thứ ba và thứ tư của gia tộc Mai Lĩnh vẫn nguyên vẹn sức sống truyền thống.

Và ông Trời công bằng, cùng ý chí mãnh liệt, đã cho bà Bảy sống tới 100 tuổi, mới qua đời năm 2015 tại Sài Gòn, để kịp thấy sự hy sinh cả đời cho các con và dòng tộc của mình cuối cùng cũng có kết quả.

Nghĩ về bà, tôi hay nhớ những ngày đạp xe từ Quảng Ninh về nhà ông bà ở ngõ Công Bình, Hải Phòng, cũng là những ngày thấy bà còng lưng vo gạo, đãi đậu, chuẩn bị nấu xôi, để sáng mai ra vỉa hè bán, nên chẳng để ý tới thằng cháu. Nhưng trong một lúc rảnh rang ít ỏi, bà chăm chăm nhìn tôi, rồi nói: Nếu mẹ anh còn sống, các anh không khổ như bây giờ.

Mẹ tôi mất từ năm tôi ba tuổi. Phải thân thiết lắm với mẹ tôi, bà mới nói được như thế, như tôi cũng là con cái bà.

Còn ông Bảy mất năm 1984 tại Sài Gòn. Cũng năm đó, trước khi ông mất, tôi chở bố tôi đến thăm ông ở nhà cô Giang (Đỗ Thị Bắc Giang, con gái thứ 5 của ông) ở đường Lý Tự Trọng. Ông đang bệnh và rất yếu. Nhận ra bố tôi, ông thân tình nắm tay:

– Sao hòa bình mười năm rồi, tình hình vẫn không sáng sủa?

Đó cũng là năm chính quyền thành phố đang thực hiện “phá rào bung ra” về kinh tế, nên bố tôi nói:

– Các ông ấy đang tích cực thay đổi. Các chủ doanh nghiệp, chủ trang trại bắt đầu được tôn vinh và ưu tiên…

Ông Bảy vẫn nắm chặt tay bố tôi:

– Nửa thế kỷ can qua chỉ để đổi tên… Như vậy nhà Mai Lĩnh vẫn còn.

Trong số những nhà văn từng in sách ở Mai Lĩnh, có thể kể đến Phùng Bảo Thạch, Lan Khai, Tam Lang Vũ Đình Chí, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Phùng Tất Đắc, Nguyễn Triệu Luật, Vũ Bằng, Phạm Cao Củng. Các tác phẩm nổi bật từng in tại đây có thể kể đến Tắt đèn (1939), Việc làng (1941), Lều chõng (1941) của Ngô Tất Tố, Làm đĩ (1939) của Vũ Trọng Phụng, Ngọn đèn dầu lạc (1941) và Tàn đèn dầu lạc (1941) của Nguyễn Tuân và các truyện trinh thám của Phạm Cao Củng, như: Bóng người áo tím, Đám cưới Kỳ Phát, hay Đôi hoa tai của Bà Chúa.

Ngô Tất Tố là bạn thân với người con cụ Đỗ Văn Phong. Làng quê Mai Lâm của cụ Tố cách làng Xuân Mai không xa. Nghe kể lại rằng, cụ Tố đã nhiều lần đi bộ từ làng nhỏ ven sông Đuống của mình, ngược lên làng Xuân Mai núi Lĩnh để đàm đạo với người bạn về thời cuộc và giãi bày những tác phẩm mà cụ ấp ủ định viết. Những dự định viết của cụ Tố, Mai Lĩnh xin được đón nhận hết và tuân thủ mọi thủ tục để được in sách của cụ Tố sớm nhất tại nhà sách của mình. Thấy nhà xuất bản thiện tình và là chỗ thân thuộc, cụ Ngô Tất Tố lại rủ nhà văn Vũ Trọng Phụng là bạn văn của mình, đem sách đến Mai Lĩnh in. Cứ thế, người nọ giới thiệu người kia, nhà xuất bản Mai Lĩnh dần có đội ngũ cộng tác viên cự phách.

Quan điểm làm ăn kinh tế của nhà xuất bản Mai Lĩnh rất rõ ràng. Để đầu tư cho ra đời những tác phẩm văn học, văn hóa có giá trị, thì phải biết củng cố kinh tế vững mạnh. Có những cuốn sách nhằm nâng cao dân trí, nhà xuất bản sẵn sàng bù lỗ. Mai Lĩnh coi trọng công việc sản xuất kinh doanh để lấy lãi nuôi lại khâu xuất bản. Ngoài việc thu lợi từ việc phát hành sách báo, Mai Lĩnh luôn chú trọng các khâu kinh doanh văn hóa phẩm kèm theo. Đó là hệ thống các cửa hàng kinh doanh giấy, bút, mực, văn phòng phẩm ở khắp Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn. Song song với việc đầu tư trang thiết bị máy móc in ấn tân tiến, để cho ra đời những ấn phẩm xuất bản tốt nhất, đẹp nhất, rẻ nhất; mặt khác, theo lời chỉ dẫn của cụ Đỗ Văn Phong, lớp con cháu còn biết đầu tư mua đất đai mở trang trại ở khắp ba miền. Không chỉ dừng lại việc canh tác ở ấp dưới, Mai Lĩnh đã mở rộng ấp trên gần chân núi Tam Đảo rộng hàng mấy trăm héc-ta chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Nhà xuất bản Mai Lĩnh còn mua đất ở Hải Phòng, mở mang nhiều héc-ta ở Chợ Lớn, Sài Gòn, thuê người chăn nuôi trồng trọt. Hàng năm, Mai Lĩnh thu lợi hàng ngàn tấn thóc, hoa màu và nhiều tấn sữa, nhiều tấn thịt gia súc. Khi có tiền, Mai Lĩnh lại càng đầu tư in, xuất bản những cuốn sách có giá trị dân trí cao.Mô hình tổ chức các ấp, trang trại của Mai Lĩnh có ý nghĩa rất lớn đối với xã hội thời đó.Công tác cứu trợ, cứu đói cho dân nghèo luôn được Mai Lĩnh quan tâm. Thời kỳ toàn quốc kháng chiến, hai ấp của Mai Lĩnh thường xuyên là nơi cư trú của người tản cư, của các cơ quan, đơn vị bộ đội dừng chân trên đường lên chiến khu Việt Bắc. Mai Lĩnh luôn nhiệt thành dành những khổ phần lương thực thực phẩm cuối cùng của mình để cho cách mạng. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nhà xuất bản Mai Lĩnh sẵn sàng bỏ cả cơ nghiệp lớn tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng. Đó là sự tự nguyện hy sinh cho kháng chiến, mà không dễ một doanh nghiệp nào thực thi được.

Thời thế thay đổi, cơ nghiệp nhà xuất bản Mai Lĩnh gần như tiêu tan. Năm 1956, nhà xuất bản Mai Lĩnh ở Hải Phòng bị quy tư sản. Trang trại ở quê Xuân Mai bị quy địa chủ. Mãi sau này, nhờ chính sách sửa sai, cơ sở Mai Lĩnh Hải Phòng được xếp lại thành phần: tư sản kháng chiến. Những người cai quản trang trại Xuân Mai, được xếp lại thành phần: địa chủ kháng chiến. Vậy là công sức, tiền bạc của gần mười năm phấn đấu cho thương hiệu Mai Lĩnh nức tiếng trong giới kinh doanh xuất bản bỗng thành mây khói. May thay, thế hệ con cháu của gia tộc họ Đỗ vẫn âm thầm phấn đấu, để sống, để khẳng định, để tiếp nối hào quang rực rỡ của gia tộc, của thương hiệu Mai Lĩnh một thời. Nhiều người nay đã là những nhà khoa học, nhà quân sự, kỹ sư, nhà doanh nghiệp tài ba. Trong số con cháu dòng tộc họ Đỗ thương hiệu Mai Lĩnh, người có tên tuổi mà nhiều người biết đến, là giáo sư-tiến sỹ Đỗ Tất Lợi-một nhà khoa học chân chính, một từ điển bách khoa về cây thuốc nước nhà. Giáo sư-tiến sỹ Đỗ Tất Lợi là cháu nội của nhà nho yêu nước Đỗ Văn Phong, người khởi xướng thương hiệu Mai Lĩnh.

Lều chõng của Ngô Tất Tố, in ở Mai Lĩnh

Một bài viết khác của Vũ Ngọc Khánh và Mai Hương nhan đề Nhà xuất bản Mai Lĩnh trong tình hình xuất bản nửa đầu thế kỷ XX có bàn thêm về vai trò của Mai Lĩnh với thời cuộc:

Nho học bắt đầu suy tàn từ khi chính quyền “bảo hộ” bãi bỏ các kỳ thi Hương, thi Hội (1919). Giờ đây, các nhà cựu học hoặc cố sức chạy theo con đường canh tân của thời thế đổi thay, hoặc chỉ còn than thân trách phận: Con nhà Nho cũ thôi rồi còn đâu. Hệ thống các trường sơ học (ở làng, xã), tiểu học (ở các huyện, lỵ, tỉnh lỵ), trung học và trung học chuyên khoa (ở thị xã, thành phố lớn), được thiết lập trong cả nước, là nền móng của xu thế tân học đang phát triển – Lớp người được đào tạo từ nền giáo dục mới – chủ yếu từ bậc tiểu học trở lên – là tầng lớp bạn đọc đông đảo, tạo cơ sở thuận lợi cho việc truyền bá kiến thức, tư tưởng của các cơ quan ngôn luận, xuất bản, tùng thư, thư quán không ngừng được mở rộng khắp ba kỳ từ những năm ba mươi – bốn mươi của thế kỷ XX.

Thời ấy, tuy trung tâm chính trị của bộ máy Nam triều được đặt ở Huế, nhưng Hà Nội vẫn là trung tâm văn hóa của cả nước. Số lượng sách báo phát hành ở Hà Nội hàng năm, nhiều gấp mấy lần số lượng sách báo được phát hành từ Huế, Sài Gòn cộng lại. (Khác với Bắc Kỳ, Trung Kỳ là đất bảo hộ, đất thuộc địa Nam Kỳ thiên về xuất bản báo hơn là sách: cả báo tiếng Việt và tiếng Pháp).

Cũng cần nói thêm rằng, Nhà in – Nhà xuất bản Mai Lĩnh ra đời vừa lúc Mặt trận Dân chủ (1936 – 1939) hình thành, đẩy tới một cao trào báo chí sôi nổi với nhiều xu hướng, chính kiến thức khác nhau trong một tình thế luôn có những biến đổi về thời cuộc, Do đó, dư luận xã hội thường căn cứ vào thái độ đối với dân tộc và văn hóa dân tộc mà đánh giá sản phẩm tinh thần của nhà xuất bản và cơ quan ngôn luận. Sách của Nhà Mai Lĩnh được bạn đọc gần xa – ngoài Bắc trong Nam – biết đến, một phần rất quan trọng là do xu thế hướng về văn hóa dân tộc.

Thiết tưởng, cũng cần điểm qua một số nhà xuất bản hoạt động cùng thời với nhà Mai Lĩnh ở Hà Nội để thấy rõ hơn vai trò và vị trí của Mai Lĩnh trong thời gian hoạt động vừa tròn mười năm (1936-1946). Trở về với việc in ấn, xuất bản giai đoạn này, cũng phải thấy một thực tế: trong hoàn cảnh khách quan và điều kiện chủ quan khi ấy chưa có thể có được một tổ chức quy mô, khoa học như hiện nay. Nhưng, điều cần khẳng định: Đó là những bước đi ban đầu vô cùng quan trọng, mở đường cho việc hoàn thiện các tổ chức xuất bản, báo chí, in ấn sau này.

Nhà xuất bản Đời Nay  của nhóm Tự lực văn đoàn là một trung tâm văn hóa, được giới công chúng, đặc biệt lớp học sinh trung học và tầng lớp viên chức, trí thức thời ấy rất quan tâm – cũng tương tự như Tao Đàn thi xã ở Việt Nam trước đây, hoặc như Pléiada ở Pháp, nhóm này tập hợp những cây bút cùng chí hướng, cùng mục đích dấn thân, cùng khuynh hướng văn chương thành một tổ chức, có “tuyên ngôn” và cơ quan xuất bản riêng. Tham gia Tự lực văn đoàn có nhiều nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của văn học tiền chiến Việt Nam: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Tú Mỡ… sau có thêm Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tịnh và các họa sĩ: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân… Nhiều tập thơ nổi tiếng trong phong trào “thơ mới” được Đời Nay xuất bản: Mấy vần thơ (Thế Lữ), Thơ thơ (Xuân Diệu), Lửa thiêng (Huy Cận), Thơ say (Vũ Hoàng Chương), Dòng nước ngược (Tú  Mỡ)… Hàng chục tiểu thuyết hấp dẫn với bút pháp tân kỳ, chủ yếu của các nhà văn trong nhóm, được Đời Nay xuất bản liên tục trong mười năm kể từ sau tiều thuyết Hồn bướm mơ tiên  của Khái Hưng. Tự lực văn đoàn cũng đã trao nhiều giải thưởng văn chương (chính thức và khuyến khích) cho các nhà văn, nhà thơ: Nguyên Hồng (Bỉ vỏ), Nguyễn Bính (Tâm hồn tôi), Mạnh Phú Tư (Làm lẽ), Anh Thơ (Bức tranh quê), Tế Hanh (Nghẹn ngào)…

Ngoài tủ sách Tự lực văn đoàn, Nhà xuất bản Đời Nay  còn có cả báo Phong hóa, Ngày nay, báo Chủ nhật và xuất bản Sách Hồng đều đặn, phục vụ học sinh tiểu học, sơ học. Khuynh hướng xã hội của Tự lực văn đoàn  chi phối nội dung hoạt động của Nhà xuất bản Đời nay: Chống lễ giáo phong kiến, giải phóng phụ nữ, giải phóng con người khỏi những ràng buộc của gia đình phong kiến cũ, đấu tranh cho tự do hôn nhân, ủng hộ cải cách xã hội… Trong bài tựa Gió đầu mùa, Thạch Lam – một thành viên của nhóm viết “… Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly, sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực của chúng ta để vừa tố cáo, vừa thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác…”

Qua Nhà xuất bản Đời Nay, nhóm Tự lực văn đoàn đã mang đến cho công chúng và văn chương Việt Nam những cách tân đáng quý cả về nội dung và nghệ thuật. Nhà xuất bản Đời Nay có một vị trí nhất định trong giới xuất bản lớn mà nhờ đã ấn hành được nhiều tác phẩm được công chúng đương thời hâm mộ.

Có lẽ nhà xuất bản đầu tiên tự xác định tư cách của một nhà xuất bản và cũng có quy mô bề thế hơn cả, ra đời vào khoảng thập kỷ ba mươi là Nhà xuất bản Tân Dân của Vũ Đình Long. Ông giám đốc này có vốn lớn, có hiểu biết về kinh doanh, biết cách sắp đặt làm cho Nhà xuất bản có nề nếp. Ông lại có tài giao tiếp khôn khéo, tập hợp được nhiều cây bút để nguồn xuất bản của mình không bao giờ cạn. Tân Dân có nhà in riêng, có cả báo và tạp chí xuất bản rất đều đặn. Báo của nhà Tân Dân thiên về văn nghệ, là món ăn tinh thần, hợp với nhu cầu bạn đọc lúc bấy giờ. Vũ Đình Long cho phát hành Tiểu thuyết thứ bảy ra hằng tuần, khuôn khổ tạp chí cỡ vừa, rồi tờ Ích Hữu báo văn nghệ có kết hợp cả chính trị thời sự, sau đó, ông còn cho in cả Tao Đàn, một dạng tập san cũng khá dày dặn. Về sách, nhà Tân Dân cho ra loại “Phổ thông bán nguyệt san”, danh nghĩa là nguyệt san, nhưng thật ra mỗi số là một cuốn tiểu thuyết cỡ vừa. Đồng thời ông lại cho ra mắt bạn đọc những tủ sách riêng. Ví dụ như tủ sách: “Những tác phẩm hay”, cũng toàn là tiểu thuyết tình, tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết lịch sử. Rất nhiều người cộng tác vời Nhà xuất bản Tân Dân, có người rất gần như chuyên trách như Lê Văn Trương, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Trúc Khê (về sách), Thanh Châu, Ngọc Giao, J.Leiba v.v…(về báo) nhà Tân Dân còn thu hút được các bạn viết xa gần, chỉ có nhóm Tự lực văn đoàn là không cùng hợp tác.

Sau khi phát xít Nhật đã tràn vào biên giới Việt Nam và thực dân Pháp từng bước nhượng bộ đầu hàng phát xít Nhật, nhóm Hàn Thuyên tập hợp chung quanh họ một số nhà khảo cứu có quan tâm đến lịch sử và thời cuộc nước nhà. Họ lập ra Hàn Thuyên xuất bản cục và ra tạp chí Văn mới với tuyên ngôn: “Đi tìm một chân lý về nhân sinh có lợi ích thiết thực cho cuộc sống của người dân Việt Nam”. Chương trình hành động của nhóm khá quy mô: biên soạn nhiều sách phổ biến kiến thức về triết học, kinh tế học, sử học. Họ tự xưng là áp dụng biện pháp duy vật và duy vật sử quan để lý giải những vấn đề lịch sử và văn hóa, văn học.

Những cây bút chủ chốt của nhóm là Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu), Lương Đức Thiệp, Nguyễn Tế Mỹ, Lê Văn Siêu… Những cây bút khác cộng tác với nhóm vì khát khao được học hỏi, nghiên cứu, nhưng hầu hết họ lại có nhận thức mơ hồ về nhiều vấn đề. Chẳng hạn trong công trình biên khảo Hai Bà Trưng khởi nghĩa (1944) Nguyễn Tế Mỹ cho rằng: Xã hội Việt Nam thời Hai Bà Trưng thuộc chế độ Mẫu hệ, còn xã hội Trung Quốc thời Hán đã ở một trình độ phát triển cao hơn. Vì vậy, cuộc khởi nghĩa đó đi ngược lại quy luật, phải tiến hóa, và tất nhiên không tránh khỏi thất bại (!).

Hoặc Nguyễn Bách Khoa trong công trình Nguyễn Du và Truyện Kiều đã phân tích bệnh lý, ông cho rằng Kiều là “cô gái đến thời kỳ xuân tình phát động”, nhưng do lề thói phong kiến nên “tính dâm đãng không thể thực hiện được”, từ đó, ông đi đến kết luận: Truyện Kiều là loại dâm thư và Nguyễn Du là kẻ gây bệnh (!).

Do lỗi tư duy dung tục, thô thiển nên nhiều tác phẩm của nhóm Hàn Thuyên trở nên phản khoa học, lấy quan điểm duy vật tầm thường thay cho duy vật biện chứng. Tuy vậy, do tính chất học thuật (có phần nữa vời) của nó, ấn phẩm, của nhà xuất bản này cũng tạo được sự chú ý với bạn đọc là học sinh trung học thời bấy giờ.

Trước đây, nhiều người cho rằng Nhà xuất bản Hàn Thuyên có khuynh hướng Tơ-rốt-kít nhưng thực ra không ai trong số họ am hiểu nhiều về hệ tư tưởng này. Nhưng rõ ràng – qua sách báo phương Tây – họ cũng muốn nêu lên một khuynh hướng riêng, song còn mơ hồ nên cuối cùng cũng chưa có một quan điểm học thuật chính thống.

Đời Nay, Tân Dân và Hàn Thuyên là những nhà xuất bản vào loại tiêu biểu trong số hàng chục cơ sở xuất bản khác ở Hà Nội hoạt động cùng thời với Mai Lĩnh. Các nhà xuất bản này theo khuynh hướng xã hội khác nhau, hoạt động trên quy mô nhỏ và ảnh hưởng cũng hạn hẹp hơn. Nhà xuất bản Tân Việt, có khuynh hướng giới thiệu một số nền văn minh thế giới và lịch sử tư tưởng dân tộc, nhưng với số đầu sách ấn hành còn ít ỏi về triết học phương Tây và cổ sử Trung Hoa, Nho giáo… chưa đủ tạo thành một nhà xuất bản có tầm cỡ theo hoàn cảnh khi ấy. Ngược lại, có nhà xuất bản, tuy số đầu sách phát hành nhiều nhưng không gây ấn  tượng trong lòng bạn đọc, vì họ tung ra thị trường những sản phẩm văn chương vô bổ. Đó là trường hợp Nhà xuất bản Đời Mới với hàng loạt tiểu thuyết của Lê Văn Trương rất bình dân cả nội dung và nghệ thuật biểu hiện.

Những nhà xuất bản còn lại, phần lớn không có khuynh hướng rõ ràng, lại càng không có chức năng riêng của mỗi cơ sở xuất bản. Tủ sách của trường phái Bạch Nga in ở các cơ sở xuất bản khác nhau: Đông Tây, Minh Phương, Nam Ký, Bảo Ngọc… Ngoài ra, các cơ sở xuất bản như Lê Cường, Á Châu, Cộng Lực … cũng xuất bản những tác phẩm văn học có giá trị của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, nhưng đáng tiếc không tồn tại được lâu dài. Cũng có những tác phẩm do nhà sáng tác biên soạn hoặc Thư quán (Librairie) đứng ra xuất bản, như trường hợp Nguyễn Đức Phiên (Hoài Chân) xuất bản cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân. Thi quán tùng thư xuất bản cuốn Việt Nam văn hóa sử của Đào Duy Anh…

Nhìn chung, những thập kỷ đầu thế kỷ XX, ngoài một số ít nhà xuất bản có quy mô, có tổ chức tương đối quy củ, phần lớn các nhà xuất bản khác có tên “xuất bản” nhưng thực chất đó chỉ là những cơ sở vừa xuất bản, vừa phát hành, có khi cả in ấn: thường là gặp bản thảo nào có thể có bạn đọc, cơ sở đó liền xin giấy phép và chịu trách nhiệm xuất bản trước cơ quan kiểm duyệt. Thậm chí, có nhà xuất bản chỉ có các tên không chứ không hình thành một tổ chức, không có ban phụ trách và điều hành (như Nhà xuất bản Sinh Minh ở Vinh, Nhà xuất bản Ngàn Thống Hà Nội).

Trong hoàn cảnh chung như vậy, Nhà xuất bản Mai Lĩnh đã ra đời, góp phần công sức với giới học thuật, giới sáng tác và nâng cao dân trí nước nhà. Khi mới lập nghiệp Mai Lĩnh cũng chỉ là một nhà in, sau đó dần dần tự hình thành nên từ cách xuất bản riêng, tuy không đề ra phương hướng học nghệ thuật như những nhà xuất bản cùng thời. Song Nhà xuất bản Mai Lĩnh đã chiếm được cảm tình của bạn đọc.

Lúc đầu, có lẻ cần “in đại đi” để có sách bán, Nhà in Mai Lĩnh cho in hàng loạt những sách gọi là kiếm hiệp. Loại sách này thường rất mỏng, bán mỗi quyển có ba xu, ra hàng tuần, liên tiếp số này số khác. Có nhà văn chuyên trách loại sách này, tiêu biểu là Văn Tuyền (một bút danh của Phạm Cao Củng) với những: Chu long kiếm, Lục kiếm đồng, Hồng giang nữ hiệp, Khánh sơn tiêu hiệp, Phi hành đao, Dã quang tình hợp.v.v… Toàn là những câu chuyện bịa đặt nào là phi kiếm quang, võ Thiếu Lâm, hoặc những truyện tranh chấp nhau giữa các phái Côn Lôn, Nga My.v.v… Truyện kiếm hiệp ba xu tuy còn bị dư luận chê trách, nhưng phải nói thật là lúc đó đã khá hấp dẫn với thiếu niên, nam nữ. Và kể ra tuy là những cốt truyện hoang đường bịa đặt, lối xây dựng tản mạn, nhưng một số quyển cũng gây được hào hứng cho lớp trẻ. Những hành vi nghĩa hiệp được đề cao, các tình tiết cũng khêu được trí tò mò. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, loại sách này tự nó không còn chỗ đứng nữa.

Cùng lúc này, có một loại sách nữa không được quần chúng ham thích: loại truyện trinh thám. Từ một vài quyển lẻ tẻ chìm ngay vào quên lãng, NXB Đời Nay cho in một số cuốn của Thế Lữ (như quyển Gói thuốc lá) được bạn đọc chú ý; song thực ra phải công nhận là NXB Mai Lĩnh đã có công trong việc giới thiệu thể loại này. Tác giả Phạm Cao Củng được Nhà xuất bản in cho một loại tiểu thuyết lấy Kỳ Phát làm nhân vật trung tâm. Tuy nghệ thuật viết trinh thám chưa cao lắm, song Phạm Cao Củng đã gây được ít nhiều cảm tình với bạn đọc. Không biết vì sao, sau này lại không thấy ông tiếp tục ra mắt làng văn. Những truyện tình báo, phản gián mới đây đều theo một hướng riêng, không ai nối tiếp con đường của Thế Lữ và Phạm Cao Củng.

Dần dần, nhà in Mai Lĩnh trở nên quen thuộc với giới nghiên cứu hơn. Mấy chữ “Mai Lĩnh xuất bản” hay “Edition Mai Lĩnh” được chính thức ghi lên các bìa sách. Lớp thiếu niên học sinh thời trước ham truyện kiếm hiệp thì nay lại được làm quen với những truyện cổ dân gian, nhưng là bằng tiếng Pháp! Loại sách: Livre du Petit (sách cho trẻ) do ông Lê Doãn Vỹ chủ trương, lần lượt kể chuyện đời xưa và xuất bản được rất hiếu kỳ. Bên Nhà Đời Nay có loại Sách Hồng, bên Nhà Tân Dân có loại sách Truyền Bá, bên Nhà Cộng Lực có loại sách Hoa Mai, đều dành cho trẻ em; thì loại này của nhà Mai Lĩnh được các nhà trường sử dụng. Tôi đã thấy nhiều trường phổ thông (lúc ấy gọi là Cao đẳng Tiểu học) mua cả bộ sách làm phần thường hàng năm cho học sinh các lớp đệ nhất, đệ nhị v.v…

Cũng dần dần, các nhà văn tên tuổi các bộ sách giới thiệu hoạt động cách mạng các chí sĩ thời “cận đại”.

Đầu tiên có lẽ là Đào Trinh Nhất với những cuốn như: Đông kinh nghĩa thục (1937), Phan Đình Phùng (1937), Đời cách mạng Phan Bội Châu (1938) v.v… Cái khéo của người soạn giả và người chịu trách nhiệm Giám đốc – là ở chỗ, viết về các chí sĩ Việt Nam chống Pháp mà trình bày được một cách trót lọt, qua được vòng kiểm duyệt của chính quyền thực dân, để truyền bá lòng yêu nước cho quần chúng. Những sách này được đánh giá cao lúc bấy giờ. Tiếp đến, Ngô Tất Tố có thể gọi là cộng tác viên gần gũi nhất với  nhà Mai Lĩnh. Tiểu thuyết Tắt đèn, sách Việc làng, sách Phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim, Mặc tử và cả bộ Việt Nam văn học: Đời Lý, đời Trần v.v… của ông Ngô đều do Mai Lĩnh xuất bản. Các nhà văn Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng… cũng lần lượt góp đầu sách vào Nxb này, Những cuốn như: Làm đĩ, Ngọn đèn dầu lạc đều ra đời một lúc. Một trong hai người viết bài này thời đó ít tuổi, đôi khi được “chầu rìa” các vị đàn anh, thì không nghe các nhà văn phàn nàn gì lắm về chuyện thù lao của Nxb (trong khi ở một Nxb khác có lúc họ phải trực tiếp với Giám đốc để đòi tăng gia tiền cho các trang viết!).

Sau năm 1944, khi nhà Mai Lĩnh, lần đầu tiên giới thiệu một cái tên mới mẻ: Phan Khoang với bộ sách Trung Quốc sử lược (trước đó Đào Duy Anh có Trung Hoa sử cương xuất bản ở Huế), chắc vì nhiều lý do, không thấy Nhà Mai Lĩnh in thêm sách gì nữa. Nhưng phải công nhận là Mai Lĩnh đã thực sự có một quá trình có ý thức và cũng đã đóng góp phần hữu ích với học thuật nước nhà. 

2 Comments

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s