Trong một bài phỏng vấn, Phan Du bảo rằng trước năm 1941 đã có viết truyện ngắn đăng trên báo Thời Vụ, nhưng phải đến truyện Bữa cơm chay, ông mới được giới văn nghệ chú ý. Truyện ngắn Bữa cơm chay của Phan Du đăng trên tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy của nhà xuất bản Tân Dân số ra ngày 29-5-1943.
Truyện kể về cuộc gặp của năm bà mệnh phụ ở Huế: một bà Thượng, một bà Tham tri, hai bà Thị-lang, một bà Bố-chánh. Các bà này là hội viên hội Phật học, gặp nhau để ăn chay rồi đi chùa lễ Phật, nghe thuyết pháp. Mỉa mai ở chỗ, trong khi các bà lúc nào cũng tự hào về cái sự thuần thành ngoan đạo của mình, thì chính các bà lại phạm đủ thứ giới của nhà Phật, nói xấu người vắng mặt, đối xử với gia nhân như trâu như chó.
Vừa lúc ấy, tên lính đúng hầu quạt cao hứng thế nào phẩy một nhát quạt lông quá mạnh tay để điếu thuốc của bà Bố đang nằm trên vành đĩa trà theo đà gió rơi ngay xuống đất. Bà Bố ném ngay vào mặt tên lính một cái nhìn ngụ ý rằng nếu là người nhà bà thì đã được một trận đòn nên thân. Đồng thời, bà Thượng trợn mắt lên, đập tay xuống sập, quát lớn:
– Mệ nội mi! Cái quân mọi rợ! Mi hầu quạt mà mắt mi để đâu, hở thằng kia? Quạt dịu tay có được không? Bận sau như rứa là tao chém đầu.
Tuy biết câu sau cùng của cụ bà dạy chỉ là một cách nói cho oai; tuy biết cái thời buổi mà chiếc đầu người có thể rơi một cách dễ dàng vì một sự lỗi lầm nhỏ mọn đã qua rồi; tên lính vẫn sợ hãi trước cơn thịnh nộ của cụ Bà.
hay là
“Phải, cho chúng về đi tiện hơn. Giá có tiệc tùng gì thì cũng cho ăn, cho uống; nhưng hôm nay vía phật tổ sợ nấu cả chay lẫn mặn nhỡ người nhà vô ý lẫn lộn thức ăn và chén bát thì thêm mang tội to. Mà bọn này thì ăn chay gì được. Tụi quỷ sứ ấy mà lại có cho dùng đồ lợt thêm nổng của.”
Các bà đấy đều cùng một kiểu người như bà Phó Đoan chứ đâu. Bà Phó Đoan mồm thì chửi “cái dân An Nam ngu thật”, trong khi quên mất rằng chính mình cũng là dân An Nam. Đó đều là mâu thuẫn đạo đức mà chính các bà mệnh phụ trong Bữa cơm chay cũng không nhìn ra được.
Các bà đốt tiền xây đình đúc chuông tô tượng không tiếc nhưng cho người hầu kẻ hạ ăn thì lại tiếc. Các bà không muốn động tay vào cắt tiết con gà, con vịt, nhưng ai mà làm sẵn thì các bà ăn bao nhiêu cũng hết. Các bà ngồi bàn chuyện buồn nôn khi ăn chay mà có mùi mặn, trong khi thời điểm đó người ta chết đói, như trong Gió đầu mùa (1937) của Thạch Lam, hay Một bữa no (1943) của Nam Cao. Các bà miệng tụng nam mô nhưng nhận thức về quyền con người và bình đẳng xã hội vô cùng tệ lậu.
Chưa kể cái lịch sử thủ ác của các bà cũng kinh khiếp lắm:
– Cái nước thiệt thà của bà Hiệp thì thật là hết chỗ nói. Bà ta ghen lắm nhưng chẳng biết đằng ghen. Nói không ra hoạch, làm không ra bề, kẻ dưới nó thấy thế thì nó khinh nhờn rồi là lồng lên. Ai đời con hầu mà ngủ tám chín giờ trưa mới dậy; chực cơm dọn sẵn mà ăn; trà chế sẵn mà uống; còn ẽo ượt đủ thứ. Bà ta nói, nó mắng lại sa sả, không còn coi khuôn phép, trật tự vào đâu. Bọn mình lại không cho gặp những quân ấy. Có mà chết. Nghe đâu con ấy là một ca nhi đẹp và hát hay.
Bà Bố cười nhạt:
– Thường như vậy, những quân vô loại ấy mỗi khi được sủng ái là đã cậy sắc, cậy tài mà lên mặt ngay nếu mình thiếu đi một cái oai và không trị cho già roi, già vọt. Cứ đánh cho tan xác ra. Không dấu gì cụ bà và mấy bà lớn đây, lúc nhà con còn làm án sát, cũng có một độ say mê một đứa hầu mua ở Thanh Hóa. Thoạt tiên mình nghĩ chẳng sá gì cái thân phận thấp hèn của nó mà ghen tuông cho mệt. Song những đứa ngu muội nó thấy mình thế lại tưởng là thiệt thà ít ỏi đấy nên nó muốn chơi cái lối vuốt râu hùm. Ngứa gan con lên là con lột chuồng ra, cột đầu tóc vào chân giường rồi đánh cho một trận nhừ tử. Sướng tay quá. Hả tức một cái rồi thì là đuổi cổ về.
Đấy là quỷ phá nhà chay chứ phật tử nỗi gì. Mà sao cái hình ảnh đó bây giờ vẫn còn “relevant” ghê nơi. Nhiều bà phật tử quê tôi, qua mấy chuyện tôi được nghe kể lại, thì cũng nhân danh đạo pháp mà thao túng, mà xuống tay kinh khủng lắm. Y chang các bà mẹ Mỹ nhân danh Chúa mà đưa con mình đi conversion therapy. Mấy phác họa phong tục thế này sẽ rất thuyết phục khi dùng để biện minh cho cải cách ruộng đất. Cải cách xong, dám cá không còn một ai dám làm bà Thượng, bà Bố.
Truyện Bữa cơm chay tuy phê phán một thành phần xã hội nhưng không quá cường điệu như Sống chết mặc bây của Phạm Duy Tốn [dẫu vậy, Phạm Duy kể bà mẹ ông lại hay ngồi đánh tổ tôm với Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim], không quá nghiêm trọng như Tắt đèn, hoạt kê nhưng không quá hài hước như Số đỏ. Nhưng xem mấy bà mệnh phụ nói chuyện lại cứ thấy buồn cười. Tôi tưởng đến việc dựng phim ngắn mà cho Hồng Vân đóng vai mệnh phụ nói giọng Huế như trong Gái già lắm chiêu thì lại hợp vô cùng.
Câu văn của Phan Du rất chuẩn, và trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ, không có thành phần nào thừa. không một câu nào là không đúng văn phạm. Đem so với câu văn của Tô Hoài, sẽ thấy ngay cái khác biệt.
1 Comment