Đọc Đò dọc (1958) của Bình Nguyên Lộc

do-doc-binh-nguyen-loc

Đò dọc mở đầu bằng gia cảnh “thường thường bậc trung” nhưng vui vầy của ông bà Nam Thành, với năm người con gái—Hương, Hồng, Hoa, Quá, Thơm—nhưng người con út tên Thơm mất sớm chỉ còn bốn cô đầu. Sống ở Sài Gòn, nhưng đến năm 1954, khi Pháp rút khỏi Việt Nam, việc kinh doanh của gia đình ông vốn bám vào người Pháp không còn như trước, thế là ông tính việc cùng gia đình rời căn nhà ở Sài Gòn—nằm trên đường Nguyễn Trãi bây giờ—để về Thủ Đức sống. Ở đó, ông cất nhà mới đặt tên là Thái Huyên trang, tức cái trại mà nơi đó người ta hái được sự thanh nhàn. 

Sống ở đấy một thời gian, cái cảnh quê vắng lặng làm bà Nam Thành nghĩ nó không tốt cho các con mình, nhất là khi các cô đến tuổi lấy chồng mà ở đây thì không có mấy ai được, vì bà tin rằng “giai cấp nào lấy giai cấp nào cũng có thể tốt đôi cả, nhưng có hai giai cấp không thể lấy nhau được mà không ai ngờ: giai cấp chợ và giai cấp quê”. Các con bà là gái thành thị không ưng được trai quê đâu, nên bà tính sẽ đưa mấy con về lại Sài Gòn cho đến khi các con đều có chồng hết. 

Thế nhưng chưa gì, một tối nọ, trước nhà có tai nạn giao thông, cả nhà tìm cách đưa người bị nạn vào nhà cứu chữa. Đó là một chàng thanh niên chừng hai lăm hai cháu, tên Long, một họa sĩ. Long lần lượt diện kiến bốn cô con gái ông Nam Thành, thì gặp cô Hồng, anh đã thấy như tình yêu sét đánh. Sau vài tuần Long ở lại đây để dưỡng thương thì cả ba cô Hồng, Hoa, Quá đều dần thích anh chàng. Sự xuất hiện của Long vì thế đã gây ra một xáo trộn lớn trong tình cảm của những con người ở Thái Huyên trang. 

Giọng văn của Bình Nguyên Lộc nhiều chỗ rất hoạt kê.

Ông Nam Thành đặt tên con một cách đặt biệt hơn ai cả, ông dựa theo năm chữ nhạc đầu trong điệu Bình bán vắn mà quyết định giọng của chữ tên của con ông: Hương, Hồng, Hoa, Quá, Thơm.

Ý ông muốn nói: cái hương của hoa Hồng thơm quá! Mà nói bằng điệu câu Bình bán vắn câu đầu. Cứ theo ý chí đó thì ông mà có đặt như vầy cũng vẫn ổn:

Con, Cò, Ma, Ốm, Thay!

Hoặc:

Tao, Mày, Đi, Tắm, Chơi!

Vì bất kể như vậy, hay nói cho đúng ra, vì chỉ kể có giọng bằng, trắc thôi, nên đứa nào xui nấy chịu. Đứa đó là cô con gái thứ năm, cô Quá.

Bình Nguyên Lộc cũng đưa vào trong Đò dọc nhiều nhận định về xã hội, về con người, có khi trong lúc dẫn truyện, có khi thông qua lời của ông Nam Thành:

Phu khiêng bàn ghế vào nhà chỉ tốn có nửa giờ thôi. Nhưng gia đình phải mất trọn ngày để sắp đặt mọi thứ lặt vặt. Không lần nào mà sáu người ấy đồng ý với nhau về vị trí một bức tranh hay một chiếc bàn con. Họ cãi nhau về mặt thẩm mỹ, mặt tiện lợi, mặt tình cảm, nhiều cuộc tranh luận sôi nổi quá, muốn chấm dứt phải mượn đến lối bỏ thăm đưa tay lên. Ngặt nhà có sáu người, số chẵn, khó lòng mà lấy được đa số khi ý kiến chia hai đều. Ông Nam Thành khôn ưa sử dụng quyền gia trưởng trong các việc lặt vặt, thành ra nền dân chủ trong gia đình ông gây rối loạn liên miên. Người ta cãi nhau, người ta giận hờn, nhưng vui lắm vì sự dao động vô tội ấy giúp đỡ chán cái mặt nước phẳng của nhà quê.

hoặc:

– Các con biết! Ngày xưa không ai nhớ Sài Gòn cả, vì lúc đó không có dân Sài Gòn.

– Không có dân Sài Gòn, thưa ba? Cô Hương ngạc nhiên hỏi.

– Nghĩa là có, nhưng không phải dân Sài Gòn chánh hiệu. Sài Gòn ngày xưa chỉ gồm có hai thư dân: thương gia và công chức. Công chức toàn là người các tỉnh lên. Họ về tỉnh cưới vợ, khi muốn lập gia đình. Đẻ con ra, họ cho về tỉnh ỡ quê ngoại, quê nội. Cả Sài Gòn đều đổ xô nhau mà nhớ tỉnh. Hễ Tết một cái là Sài Gòn trống trơn. Về ông về bà hết kia mà! Vả Sài Gòn lúc đó cũng chưa có đặc tính gì để họ lưu luyến, cho đến đỗi ca dao về Sài Gòn cũng rất hiếm hoi, đếm được trên đầu mười ngón tay. Số phận của các thành phố mới là như thế. Không có dân chánh gốc để làm cốt trụ, không có nhân cách riêng để quyến rủ người ta.

– Ba chưa nói đến hạng thứ hai là thương gia.

– Ờ thường dân ấy à? Bọn nầy là ngoại nhân cả. Cũng có vài thương nhân Việt Nam, nhưng họ là hạng người ít tình cảm, đâu cũng là quê, là nhà được tuốt.

Phải qua nhiều thế hệ người, một thành phố mới trở thành được một quê cũ có người nhớ, có người thương. Có lẽ Sài Gòn ngày nay đã đến tuổi già dặn của một chốn định cư lâu đời rồi.

Bình Nguyên Lộc chắc chắn là một độc giả của Tự Lực Văn Đoàn, có khi là một độc giả trung thành nữa. Trong Đò dọc, ông nhắc đến Trống Mái với Trại Bồ Tùng Linh, và cả nhà Ánh Sáng, với kiến trúc sư V.Đ.D. mà ta có thể đoán ra là kiến trúc sư Vũ Đức Diên. Cái cảnh sống trung lưu êm đềm, nhẹ nhàng ở đầu truyện, nó cũng gợi nhắc đến mấy đoạn văn của Khái Hưng:

Những con sâu con trùng gì không biết, ở đâu ngoài cỏ nội bay ùa vào đâm đầu vô ống khói rồi chết thiêu rơi rơi xuống đầy mặt bàn. Có một mớ lại rơi ngay trong ống khói đèn và lớp xác sâu cứ càng lúc càng dày lên.

Ông Nam Thành lượm lên một xác sâu xanh rồi nói:

– Thứ nầy tên là con phù du…

– Vậy hả ba? Té ra con phù du có thật à?

– Sao lại không thật.

Rồi ông ngâm:

“Đời người như kiếp phù du,

Sớm còn tối mất công phu lỡ làng.”

– Chà, ba thi sĩ quá!

Thêm hứng, ông Nam Thành hạ ngọn đèn xuống đoạn lại ngâm:

“Canh khuya thắp chút dầu dư,

Tim loan cháy lụn, sầu tư một mình.”

Cô Quá vỗ tay khen:

– Hay quá! Ba dạy con câu hát nhà quê đi ba.

– Tụi bây ở chợ, không nghe ai hát ru con nên dốt về câu hát lắm. Về đây rán mà banh lỗ tai ra để nghe mà học.

– Học làm gì, bà Nam Thành cà rỡn, mấy đứa nầy nữa chúng nó ru con bằng âm nhạc hò lờ, lúa vàng, và hò dô ta ấy mà!

Bình Nguyên Lộc viết cái cảm xúc của mấy cô gái bị cho xem mắt, vừa cảm thấy bản thân bị rẻ rúng, nhưng lại cũng không muốn mình bị ế chồng. Tự dưng tôi nghĩ ngay đến nhà ngoại tôi và mấy bà dì. Ông ngoại tôi hình như gốc Quảng Ngãi, cưới bà ngoại tôi người Bắc, nhưng hai ông bà lập nghiệp ở Bình Thuận, cũng đẻ một bầy con gái y vậy. Ông ngoại tôi cũng kiểu như ông Nam Thành hay là ông Khiếu Nhàn, cũng “một gây gánh vác biết bao nhiêu cành”. Tôi nhớ hình như ngày tôi học tiểu học, ông bà ngoại tôi cũng bày ra chuyện xem mắt như thế cho một bà dì của tôi. Giờ thì tôi mới hiểu cái cảnh lúc đó nó ra sao. Ôi các ông bà già ngày xưa có mấy chuyện xếp đặt nghĩ cũng buồn cười. 

Cái xã hội ngày xưa, và cả bây giờ, sao mà người ta bận tâm quá thể đến cái chuyện hôn nhân sinh đẻ của người khác, cả miền Nam lẫn miền Bắc (đọc Thời xa vắng của Lê Lựu). Rồi như chuyện ế, hay chuyện đã từng có một chuyện tình dang dở, mang cái não trạng của tuổi trẻ thời bây giờ mà phán xét, mình thấy có cái quái gì đâu mà người thời trước phải buồn, phải lo, phải giấu? Ấy thế mà cái thói đời đó nó hãy còn đổ bóng dài lên cuộc đời của cái thế hệ tôi đây, ở những câu chào hỏi chuyện chồng con, chuyện bạn gái mỗi khi tụ họp bà con xóm giềng, ở cái khó chịu của tôi và của mấy con bạn của tôi. Vì sao người phụ nữ lại phải bị dằn vặt bởi một cái áp lực vô hình của việc phải lấy chồng, và cái áp lực ấy càng tăng khi họ nhích dần đến lằn ranh 30 tuổi? Tôi thấy nó có khác chi một cái Homo Sapiens Agenda khác như trong Simon vs. the Homo Sapiens Agenda đâu. Những phong tục, truyền thống, thói đời, lâu ngày thành định kiến mà làm khổ người ta.

Thế mới thấy tại sao cái ông nhà văn băng ngang qua nhiều thời kỳ (từ quân chủ đến thời Tây đến thời kháng chiến) lại ngày một phát triển cái thái độ cynical và năng lực châm biếm của mình lên thế, ấy là vì càng lúc ông càng nhận ra ở đời này chẳng có cái gì đáng để mình phải làm quá lên hết. Ngày xưa người ta xem G là bệnh, rồi bây giờ người ta tung hê G. Cũng như cái cô Hồng hay Quá trong truyện, vì sao vì chút chuyện cỏn con đã đòi tự vẫn? Hôm nay đọc về cái khổ sở của người đàn bà đi xin con nuôi mà bị điều tiếng, bị chồng xử bạc mà không bỏ được trong Cay đắng mùi đời, rồi sau đó lại xem mấy cái mối quan hệ polyamory trong House of Cards, tình dục tay ba tay bốn tay năm trong Sense8, mới thấy “chỉ cần thay đổi bối cảnh, một chuyện phức tạp nhất sẽ trở nên bình thường, thậm chí lố bịch”. Sao các cô có thể chết vì bị oan uổng bị bức ép, mà sao các cô không chết vì sự tự do? Ví dụ như các cô đâu cần phải lấy chồng, các cô có thể vào rừng du lịch rồi chết như Christopher McCandless mà? Và tôi mừng khi tôi là một thằng báng bổ tất thảy cái ra vẻ cao đạo nghiêm túc ở đời, vì dẫu sống như vậy nó chỏng chơ lạc lõng lắm, nhưng bù lại tôi thấy mình chả bó buộc vô cái gì trừ tin nhắn báo lương.

Chết vì tình yêu ư? Rick Sanchez đã nói nó chẳng là gì hơn ngoài phản ứng hóa học để kích thích động vật sinh đẻ mà thôi. Thế thì vì cớ gì phải tự sát. Mấy cụ ngày xưa đọc Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách xong rồi đi tự tử thì đúng là các cụ dại quá. Đến cả cái chết mà các cụ cũng chả biết tận hưởng lấy một cách chết thú vị.

Có một cái nữa mà dùng cái tâm tư thời nay xét đoán, tôi không bằng lòng với ông Bình Nguyên Lộc, đó là cái sự phân biệt thành thị với nông thôn, quê với chợ:

– Không đẹp ở chỗ nào?

– Nói không được. Nhưng cỡ tôi dẫn Hồng đi chơi thì ai cũng thấy không xứng. Hồng không, không…

– Không élégante? (quý phái)

– Anh nói đúng lắm. Chữ đó thì phải dùng tiếng Pháp nói mới được.

– Thì anh cứ cưới Hồng rồi để ở nhà, tôi thấy vài gia đình như vậy.

Long trố mắt nhìn Bằng, thấy rằng anh chàng này kỳ dị lắm, giây lâu chàng hỏi:

– Anh sống đời sống như vậy được à?

Bằng phá lên cười, cười rất lâu, mới dứt cơn được. Bấy giờ anh vỗ vai Long mà rằng:

– Hú hồn hú vía! Tôi ngỡ là gì. Không, tôi đùa anh chơi chớ tôi cưới vợ rồi nhốt vợ trong buồng cũng không được.

Vụ của anh là như thế này. Anh không có bị thần kinh lung lạc gì cả. Nhưng cảm tình đã khiến anh mờ mắt, thấy cả bốn chị em đều đẹp quá xá, nhất là Hồng. Nhưng anh chỉ mờ sơ sơ thôi vì Hồng quả đẹp thật.

Tại làm sao mà về sau, anh lại thấy cô ấy không đẹp? Anh cũng nói sai chỗ đó. Cô ấy vẫn đẹp nhưng không élégante đó thôi. Anh chỉ mới thấy sau vì về Sài Gòn anh có dịp thấy và so sánh, mà cảm tình của anh cũng không còn thủ vai gì nữa cả.

Trong một đêm đi chơi với tôi, anh có nhớ không, anh có nói đến hạng phụ nữ, nếu lấy riêng ra cái mặt, cái tay thì đẹp, mà những thứ ấy ráp lại thì không khéo.

Nơi Hồng, những thứ ấy ráp lại vẫn khéo. Nhưng anh nên biết rằng cuộc sống lam lũ ở thôn quê đã biến Hồng ra như vậy. Hồng đã trở thành vụng về trong cử chỉ, quê kệch trong dáng đi điệu đứng từ mấy tháng nay.

Tôi đã lo sợ anh thấy điều đó mà không khỏi. Anh là nghệ sĩ mà! Với người thường kia mà còn chưa thể che dấu được thay.

Ông dượng tôi ổng không hề biết việc đó, mà cỡ tôi có nói ra ổng cũng không thấy gì đáng lo. Các cụ thì quan niệm cưới vợ có hạnh có nết và dễ coi là đủ.

Dung nhan một cô gái biến thành quê kệch rất có hại cho việc lấy chồng của cô ấy. Ông dượng tôi không thèm biết thế, cứ đem con về vườn lúc chúng nó sắp lấy chồng.

Tôi nói nãy giờ, anh có tin tôi hay không?

– Tin. Anh thấy khoa học lắm!

– Nếu tin, thì anh cũng nên tin rằng dung nhan ấy sẽ tước bỏ sự quê kệch của nó khi về sống trở lại ở thành.

Long như chợt tỉnh, ngỏn ngoẻn cười với bạn:

– Té ra tôi tạo cái khổ cho tôi và cho người khác một cách vô ích quá, vì không có gì đổ vỡ cả.

– Cái gì cũng giải quyết được hết. Tôi lo lắng cho các em tôi như vậy, vì như đã nói, tôi không muốn có được sự thất bại của dì dượng tôi làm cho người khác sợ hãi rồi không dám trở về quê nữa.

– Thành ra có con gái lớn, không nên lui về vườn.

– Tùy. Nếu không có tham vọng gả con cho dân thành thì cứ việc lui. Mà nếu có, thì nên để con ở lại đây.

Tôi đồ rằng chính đây là một cái thứ tư tưởng đã tiêm nhiễm vào đầu của mấy thị dân Sài Gòn, hay cụ thể hơn là bà mợ tôi, khiến bả nghĩ rằng ở quê thì quê mùa. Cậu mợ tôi ăn còn không đủ ăn mà thà chết vẫn không muốn về quê vì nghĩ nơi đó quê mùa. Hai ông bà ấy nào biết xu hướng bây giờ là về quê nuôi cá và trồng thêm rau. Thật. Think globally, act locally. Bây giờ về quê có thiếu gì đâu? Muốn đọc sách tiếng Anh thì lên Libgen, muốn xem phim Mỹ thì dùng Netflix. Thời buổi nào rồi mà còn chợ với chả quê. Ở thành phố giờ mà kiếm con cá chép chiên xù cuốn bánh tráng mới tốn mớ tiền ấy. Nói chung là, một lần nữa, phải băng qua một số thế hệ, vài cột mốc nhận thức, người ta mới thấy là những thứ từng một thời làm mình khổ sở, làm mình vật vã, hóa ra chỉ là mấy cái sự làm lố. Có thể là Bình Nguyên Lộc đã đúng ở cái thời của ông, nhưng cái quan niệm này không còn đúng ở thời này nữa. Ngặt nỗi, chính nó đã đổ bóng dài lên cái cuộc đời của cậu mợ tôi. Nghĩ mà buồn!

Văn của Bình Nguyên Lộc trong Đò dọc có nhiều miêu tả cảnh vật, sinh hoạt, lời thoại hơn là tập trung kể chuyện như Ai làm được? của Hồ Biểu Chánh. Trong mô tả nhân vật, về hình thể, Bình Nguyên Lộc có những diễn đạt tinh tế. Nhưng nhiều khi, không hiểu có phải do khoảng cách thế hệ không, tôi thấy hành động và chuyển biến tâm lý của các nhân vật không thuyết phục tôi cho lắm: Vì một cái chuyện vặt là Hoa tiết lộ tình sử của Hồng cho Long nghe mà hai cô đánh nhau như thể muốn giết nhau là hơi quá. Rồi chỉ vì cãi nhau mà cô Hồng muốn tự sát cũng quá nốt. Và cái việc Long bị thuyết phục khi nghĩ rằng cứ cưới vợ rồi dẫn vợ về thành phố là không còn “quê mùa” nữa nghe cũng ba xạo lắm.

Bình Nguyên Lộc kém Nguyễn Tuân 4 tuổi, nhưng có thể xem là cùng thế hệ. Khác mỗi, trong khi một ông cả đời sống ở miền Bắc, thì ông kia gần như cả đời ở miền Nam, chỉ có hai năm cuối đời là sống ở Mỹ. Tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng xuất bản năm 1933, tức năm mà Bình Nguyên Lộc 19 tuổi, rồi cứ thế đều đặn ra mỗi năm, nên rất có thể trong quá trình hình thành một phong cách văn chương cho riêng mình, Bình Nguyên Lộc cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ Khái Hưng chăng? Nhưng cái cách dùng ngôn ngữ, cái cách kể chuyện đó lại vẫn miền Nam, vẫn Hồ Biểu Chánh lắm. Mà hình như Bình Nguyên Lộc viết văn hơi trễ? Thấy danh mục trước tác của ông, ông sáng tác nhiều từ thập niên 50 trở đi.

Ngoài lề: Cuối truyện có nhắc đến người Ấn Độ ở Sài Gòn. Truyện Rượu, chưa đủ của Dương Nghiễm Mậu cũng có nhắc đến người Ấn Độ ở Sài Gòn.

1 Comment

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s