vài bỏ ngỏ về Nguyễn Tuân

nha-van-nguyen-tuan

Phạm Thị Hoài có thành kiến với Nguyễn Tuân không?

Tôi có lần viết, cả một nền văn chương tiền chiến có mỗi Nguyễn Tuân là không quan niệm văn học nhằm phục vụ một cái tư tưởng gì. Nhận định mạnh bạo này tôi thấy chắc sai rồi, vì thực ra có nhiều nhà văn cũng không làm cách mạng, cũng viết văn không phải để châm biếm thành phần nào, bênh vực thành phần nào. Nhưng cái hay của Nguyễn Tuân là ông cũng không viết chuyện tình cảm trai gái nốt.

Nguyễn Tuân có giống Chateaubriand không? Và nếu có thì giống như thế nào? Điều này quả thực tôi không biết.

Cụ Tú Lan đã ảnh hưởng đến Nguyễn Tuân như thế nào? Liệu cụ có kể cho Nguyễn Tuân nghe về mấy chuyện chống Pháp? Nguyễn Tuân nghĩ gì về các phong trào chống Pháp? Nguyễn Tuân chắc cũng thích Pháp văn, nhưng ông nghĩ gì về sự cai trị của người Pháp ở Đông Dương? Nguyễn Tuân có thực sự thờ ơ với phong trào kháng Pháp của Nguyễn Thái Học? Một tài liệu nói rằng Nguyễn Tuân từng tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng khoảng năm 1928, nhưng sau đó sớm ly khai. Trong Nhìn rõ sai lầm (8-4-1958), Nguyễn Tuân nói trước cách mạng ông có cảm tình với tư tưởng Đệ Tứ, nhưng hình như ông không có tham gia hoạt động chính trị của Đệ Tứ. Vụ bị bắt đi tù khoảng 1940-41, hình như thật sự là vì dính tới Phùng Bảo Thạch và nhóm thân Nhật chứ không phải vì ông làm quốc sự chi chi. Chưa tìm thấy tài liệu về thời điểm đi tù là lúc nào và ra tù là lúc nào, nhưng trong khoảng tháng 6 và tháng 7 năm 1941, Nguyễn Tuân liên tiếp xuất bản sách tại nhiều nhà xuất bản khác nhau. Có thể đây là thời điểm ông đã từ Vụ Bản về. Tháng 7 năm 1941 cũng là lúc mà Pháp và Nhật thỏa thuận với nhau về việc ở Đông Dương, có khi vậy nên những thành phần bị cho là thân Nhật được thả. Còn thời điểm bị bắt có lẽ vào giữa năm 1940 chăng? 

Việc Nguyễn Tuân không làm chính trị trước 1945 và rất né tránh, phải chăng vì ông đã lớn lên trong cái thế hệ mà Thanh Lãng gọi là “thế hệ liên hiệp”, đã nghe nhiều chuyện các cuộc khởi nghĩa chống Pháp đều nhận lấy cái kết tắm máu nên ông sợ sệt rồi không dám làm dự phần vào chuyện xã hội trong những thời khắc trọng đại? Hay vốn dĩ ông ở trong một cái giai cấp được đặc quyền nên ông không cảm thấy chuyện chống Pháp là bức thiết cho lắm, nên ông cứ trong cái trạng thái thiếu thành kính và tin tưởng như nhân vật trong Thanh Đức của Khái Hưng? Mà ông Tuân ông ấy cũng hiểu bản thân lắm. Ông bảo ông nào muốn làm nhà văn lớn, chỉ muốn làm nhà văn trung bình viết những cái mình thích mà thôi.

Rốt cuộc thì cái gọi là “trụy lạc” ở Nguyễn Tuân ở mức độ nào? Ông hút thuốc phiện nhưng thời ấy người ta hút công khai, hút đầy rẫy ra. Ông uống rượu nhưng uống rượu thì đã chết ai? Ông mê nghe hát cô đầu, rồi có thể là có ăn nằm với một vài cô đi, như vậy thì đã là cùng cực của trụy lạc ư? Khó biết quá, vì người thời nay thì có cái thước đo giá trị khác, cách chúng ta đánh giá mấy chuyện cũ đó đâu giống cách người họ sống thời đó đánh giá.

Ông sống với bạn bè chắc nhiều khi cũng sống lỗi lắm, cũng hay mượn tiền, tính cách cũng quái quái. Rồi rốt cuộc đấy đâu đã là Inferno? Nguyễn Tuân có thực sự là người không có một chút ảo tưởng gì để mà gọi là “lasciate ogni speranza”? Thế nào là lãng mạn? Nói Nguyễn Tuân là nhà văn lãng mạn nghĩa là thế nào? Vì sao Nguyễn Tuân không làm thơ, không thể làm thơ, không thể ngâm thơ? Vì sao nói Nguyễn Tuân lãng mạn mà cổ điển? Rốt cuộc Saint-Beuve thực sự đã nói gì về cổ điển, và nó liên quan thế nào với Nguyễn Tuân?

 Trong khi các nhà văn đương thời thường đọc Pháp văn, Nguyễn Tuân lại rất say mê sách cổ, văn học cổ. Đây là Trương TửuNguyễn Vỹ nói. Nhưng chính Nguyễn Tuân cũng đọc rất nhiều sách Pháp văn. Nguyễn Tuân chứa đựng trong mình những vang và bóng của một thời Ta, nhưng cũng chứa trong mình những vang và bóng của một thời Tây, rồi kinh khủng hơn nữa, ông quyết định vắt ngang qua 1946 để trở thành một nhà văn của kháng chiến. Trong Chùa Đàn, cái bối cảnh không rõ không gian thời gian đó, chẳng phải là dấu vết của một sự tiếp nhận vào mình những thứ vừa rất cũ lại vừa rất mới?

Hoàng Tích Chu có ảnh hưởng lên Nguyễn Tuân như thế nào? Có thể xem cái thời kỳ 1940-1945 là thời kỳ phục cổ không? Và trong thời kỳ đó, Vang bóng một thời có vai trò thế nào? Thế nào là “ngông”? Nguyễn Tuân có “ngông” như lời đồn? Có “gàn” như lời đồn? Hay cơ bản chỉ là người đời không ai nắm bắt được cái tâm hồn Nguyễn Tuân? Nguyễn Tuân ảnh hưởng lên những ai? Vì sao nhiều người thích văn Nguyễn Tuân?

Hình như sau khi ra tù, ông có mượn tiền Vũ Ngọc Phan nhưng Vũ Ngọc Phan không cho vì sợ dính dáng đến người ở tù, thế nên sau ông ghét Vũ Ngọc Phan lắm. Và phải chăng vì cần xoay tiền nên ông mới in nhiều nhà xuất bản khác nhau, vì một nhà thì không đưa hết cho ông cùng một lúc? 

Thời điểm mà Nguyễn Tuân bắt đầu nghĩ đến chuyện “lột xác” là từ khi nào? Có do một sự kiện chính trị gì kích hoạt không? Có giống với cái trạng thái của Nguyên Hồng trong Ngọn lửa? Rõ ràng là sau khi ra tù năm 1941, Nguyễn Tuân không quá quan tâm đến chuyện chính trị. Phải từ sau năm 1943, hay 1944, Nguyễn Tuân mới bắt đầu có cái trạng thái như vậy.

Sau 1945, Nguyễn Tuân có thể tin vào kháng chiến, nhưng lòng tin của ông với Đảng thế nào? Có hai Nguyễn Tuân, trước và sau 1945 không? Hay vẫn cứ là một Nguyễn Tuân? Vì sao Nguyễn Tuân phải thêm phần “Dựng” và “Mưỡu cuối” vào Chùa Đàn ở thời điểm ấy?

Nguyễn Đăng Mạnh có vai trò như thế nào trong việc nhìn nhận Nguyễn Tuân? Dẫu sao khi tổng hợp lại tài liệu để viết biography về Nguyễn Tuân, tôi vẫn thấy tuyển tập mà Nguyễn Đăng Mạnh làm có nghĩa.

Hình như có một cái gì đó rất đáng nói ở Chiếc lư đồng mắt cua.

Rốt cuộc trong các gương mặt nhà văn ở miền Bắc sau 1946, có phải Nguyễn Tuân là lớn nhất?

Cuộc đời Nguyễn Tuân, 77 năm từ vang bóng một thời, đến tiền chiến đến kháng chiến, làm tôi phải nhớ đến cuộc đời 91 năm của một người nhạc sĩ, cũng tiền chiến, cũng kháng chiến, xong di cư vào Nam thập niên 50, vượt biên năm 1975, rồi về nước năm 2005 – một người nhạc sĩ “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” và sống một đời Việt Nam.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s