Ngọn lửa được Nguyên Hồng in xong ngày 26-6-1945 tại nhà in Trường Xuân, số 41 phố Hàng Đậu. Nhà xuất bản là Mới, trụ sở tại số 24 Maréchal Pétain, cũng là nơi mà Huy Cận xuất bản Kinh Cầu Tự (1942) và Đặng Thái Mai xuất bản Văn học Trung Quốc hiện đại. Phần dedication đề: “Gửi Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, và mấy người bạn đã chết”, ký tên N.H.
Truyện diễn tiến theo mạch suy nghĩ và quan sát của An, một thầy giáo ở Hải Phòng vào mùa rét năm 1944. Một buổi chiều, An vào tiệm ăn thì gặp những người Trung Quốc từ Thượng Hải sang để tránh cao trào của chiến tranh Trung-Nhật. Chỉ mỗi việc An ngồi trong hàng ăn mà cũng ngốn hết 15 trang sách, với những miêu tả cảnh vật và suy nghĩ nội tâm miên man. Cái lối viết này ngược lại với cái lối kể chuyện của Hồ Hữu Tường hay Hồ Biểu Chánh, và gần với cái gọi là “truyện không có chuyện” mà Nguyễn Tuân cũng là một người bênh vực cho cách viết như thế:
Cái truyện ngắn «Gió hồ» của bạn Đinh viết khéo quá. Anh Đinh nói chuyện gió heo may sô đuổi bèo Nhật Bản trên Hồ Tây. Trên mười hai trang giấy bản thảo, chỉ có một luồng gió của mùa thu già. Thỉnh thoảng, cảnh điểm thêm vào một con chim bói cá, một đàn sâm cầm hoặc dăm bảy chiếc nhạn nâu chập chờn trên nước hồ gợn đuổi bắt mấy con vờ vờ. Anh có cho chen vào một câu văn gợi cảm của Paul Valéry «Gió đã lên. Phải cố mà sống». Truyện viết không có gì cả. Chỉ có gió và gió. Gió chạy trên cuộc sống nhạt nhạt; gió tạt vào lòng một vài cái số phận đã bã ra và còn mãi mãi bẽ bàng với cái tưng bừng của một số người nhận đời là một bữa tiệc lớn mà họ không đến nỗi phải ngậm có xương thôi như những người khác bị đến chậm. Truyện viết chỉ có một người chủ động. Người ấy có lẽ là tác giả. Tác giả và cảm giác của tác giả trước đợt gió vì vù trên nước hồ.
Trừ một số trí thức có óc phê bình tinh vi, độc giả đọc truyện «Gió hồ» kêu cứ um cả lên. Tôi liên tưởng nghĩ đến cái lối hành văn của Marcel Proust mà lại muốn cười. Trong tập «Đi tìm thời gian lãng phí», Proust đã dành hai mươi trang liên tiếp cỡ chữ tám để tả một người cựa mình vật mình trên giường. Những vị độc giả thích những chuyện có nhẩy ngựa, bắn súng, lửa cháy đỏ cả tiểu thuyết, từ đầu đến cuối, hoặc người trong truyện tiêu tiền cứ phải hàng triệu một, đánh chết thể nào cũng không thưởng thức cược những sự quan sát tỷ mỷ rất có giá trị tâm lý này.
(Nguyễn Tuân, Tiệm thuốc văn chương, trong tập Tàn đèn dầu lạc, 1939, Mai Lĩnh)
Thế nhưng kỳ lạ là khi tôi đọc những suy nghĩ miên man của Nguyễn Tuân, tôi lại luôn bị cuốn hút hơn hẳn khi đọc Nguyên Hồng hay những người khác. Những cái lang thang, mơ tưởng của Nguyễn Tuân trong Một chuyến đi sao mà nó làm mình thích thú, mình cứ thỉnh thoảng đọc lại hoài như để tìm kiếm một cái gì. Còn cũng có những nhà văn khác viết hàng trăm trang sách độc thoại nội tâm, tôi càng đọc càng chán ngán. Nguyên Hồng chừng như yêu viết, thích viết, lại rất hay quan sát nội tâm, nhưng chưa bao giờ ông thoát ly hẳn khỏi cái thực tế của mình để bay hẳn lên mà cứ là là mặt đất. Nguyễn Vỹ từng kể chuyện Nguyễn Tuân xách va li ra ga xe lửa chỉ để tưởng tượng là mình đi du lịch. Đó là một kiểu nhập mộng mà những nhà văn quá tỉnh táo, quá câu nệ thực tế không làm được. Nguyễn Tuân sống với những giấc mơ bởi vì ông biết “chúng ta là những con người ta của người ta; chỉ có giấc mơ của mình là của mình”. Hơn nữa, ở Nguyễn Tuân có một sự không tin vào những gì được đa số xưng tụng là thiêng liêng. Cái vẻ hoài nghi, châm biếm của Nguyễn Tuân với thứ cao đạo, nghiêm túc ở đời nó làm văn ông không dàn trải dài dòng lên những bày tỏ tình cảm hay đề cao tư tưởng – thứ tình cảm và tư tưởng của đại đa số quần chúng.
Đọc Ngọn lửa của Nguyên Hồng, người ta mãi quanh quẩn trong những tủn mủn của sinh hoạt, với những cái túng thiếu đói khổ hàng ngày. Nguyên Hồng, dường như cũng mắc cái bệnh của nhiều nhà văn khác, quá thực tế và nghĩ rằng cái hiện thực của mình có gì đáng giá lắm phải viết ra, nhưng sự thật có khi là chẳng có gì ở đó hết. Cách Nguyên Hồng ghi nhật ký đã cho thấy điều đó. Những sự kiện rời rạc, liên miên, tưởng như có gì đó nhưng sẽ chẳng có gì hết, trừ khi nhập vào cảnh mộng để những ký ức rời rạc xa cách nhau bỗng như chắp nối lại bằng chất kết dính của vô thức. Đó là thứ mà Nguyễn Tuân luôn làm được, và Nguyên Hồng đã làm được trong Những ngày thơ ấu (Đời Nay, 1940), nhưng không làm được trong Ngọn lửa.
Dẫu vậy, cái ngọn lửa mà Nguyên Hồng muốn nói đến là cái ngọn lửa của hy vọng, của lương tri, và của tình yêu với việc viết. Cả cuộc đời Nguyên Hồng sống chung với ngục tù, tệ nạn, các ác, cái bất công, nhưng ông lại luôn giữ cho mình một tâm hồn ngây thơ trong sáng và lòng thương người. Đó là điểm đặc biệt của Nguyên Hồng, và cũng là cái mà làm Nguyễn Tuân rất thương ông.
Nguyên Hồng khóc khi nghe Hoàng Cầm đọc Bên kia sông Đuống, mếu máo thanh minh cái sự ngay thẳng của ông khi làm tuần báo Văn. Mãi sau này, sau giai đoạn 1956-58, Nguyên Hồng vẫn giữ được cho mình cái ngọn lửa của cái thiện lương, trong trẻo đó.
Ở Ngọn lửa, Nguyên Hồng viết:
“Đây chỉ có ba người nhưng sự ầm ỹ hơn cả. Chúng cũng quần áo tây lụa, đầu chải bóng mặt mày lồm lộp những vẻ quái gở đâm vào mắt An còn sắc gấp bội. Hình An mới gặp chúng lảng vảng ngoài Sáu Kho hay thì thọt ở phố khách, phố Ba-ty. Món «hàng» bạc nghìn nào đã vào tay chúng nên ở người chúng mới hiện ra những Sơ-mi «Valisère», quần «tusso soie», đồng hồ «cá ngựa» đeo tay, nhẫn vàng to kếch, giây vàng lòng thòng thế kia. Chắc chắn chỉ chốc nữa, An sẽ gặp chúng ngất nghểu trên những chiếc xe cao xu bóng loáng có người đạp hầu và oang oang cười nói ở dưới xóm cô đầu hay trước những «dancing».
Một câu nói của người bạn lại đến trí nhớ An:
– Ấy thế mà những lũ này sẽ khuất phục được bao kẻ đấy. Và bao nhiêu cái hay, cái đẹp, cái tử tế, cái giở, cái xấu sẽ do chúng định đoạt đấy.
và:
An càng thêm bao nhiêu yêu thương những kẻ An quen biết và không quen biết. Những kẻ An chỉ nghe nói chứ không hề gặp mặt, những kẻ lặn lội, ngoi ngóp ở mãi chân trời góc biển, hang cùng ngõ hẻm nào. Có học hay không có học, làm ăn lấm láp hay cặm cụi với sổ sách chữ nghĩa, giá như trẻ họ đến góp một phần nhiều nhất của sinh lực mình vào cuộc đời thế mà lại được hưởng ít nhất êm vui, lại ít chờ đợi nhất trước tương lai, mặc dầu họ không dám có một chút buồn nản vẫn đua nhanh bước tiến đường đời như được trông hẳn thấy cánh cửa hạnh phúc sắp mở ra.
(…)
Và những ai kia là những kẻ không rõ mặt, không được biết tên, không được tính tuổi, đem cả một kiếp người làm việc mà cứ bị chìm đắm, quên vùi trong đau khổ?
Đọc vào, ta thấy cái nhận định của Nguyễn Tuân, trong Anh bạn Nguyên Hồng của tôi, khi mượn cái cặp da cũ kỹ của Nguyên Hồng mà nói về ông rất có lý:
Mỗi khi câu chuyện nói đến cái cặp lịch sử này thì ý kiến bạn bè của Nguyên Hồng lại khác biệt nhau. Một số cho rằng đó là cái cặp của công tố viên, con người sẵn sàng bằng tất cả sức nặng của các chứng cớ mà ông ta đã thu thập được giáng xuống đầu bị cáo, còn số khác – lại cho rằng đó là cái cặp của người bào chữa, sẵn sàng bằng tất cả những biện pháp anh ta có được bào chữa cho kẻ vô tội.
Nguyên Hồng đúng là một kiểu nhà văn của những người bị áp bức và chống những kẻ áp bức. Lại cũng là nhà văn của những trăn trở về một thứ nghệ thuật cao đẹp giữa cái cảnh sống khổ cực như Hộ trong Đời thừa của Nam Cao. Nguyên Hồng càng bám vào hiện thực bao nhiêu thì lại càng trở thành một bản sao của Nam Cao, một bản sao nghiêm túc hơn và buồn bã hơn. Trong nhật ký ghi đầu năm 1944, Nguyên Hồng chẳng đã bảo bản thân rung động khi đọc Nam Cao?
Viết! viết để giải thoát những tình cảm xúc động. Để phơi bày những ý tưởng rạo rực. Để tìm cái vui, cái quên, cái an ủi giữa những đau khổ. Để gây một địa vị thanh cao trên những thấp hèn, ti tiện của cái thế giới đảo lộn bởi đồng tiền, bởi bạo quyền. An còn để tạo cho mình một cái sống lâu dài trong tâm hồn mọi người, vượt qua cả những biến đổi của thời gian.
Nhưng hơn năm nay, An đã bỏ giở luôn mấy truyện bởi vì An đau đớn nhận ra An không thể nào viết được:
Trước kia, sự viết đối với An là để cởi mở những xúc động, nhưng giờ còn đâu những yêu thương chua xót dễ dàng và mau chóng để An say lên, vồ lấy, hăm hở đưa tràn ra trên mặt giấy? Cũng làm rạo rực đầu óc An nhưng những ý tưởng để An phơi bày đâu nó còn có chịu như là những hoa lá trang điểm một tiệc cưới, một đám ma xong rồi vứt bỏ đi chỗ nào cũng được. Viết lại còn để tìm những cái an ủi thì an ủi sao được với những cái vui chẳng thể nào vui được nữa vì những sự chua chát chợt thấy rõ mình. An nhận thấy An đương ở trong một cái chết của sự e ngại, buồn nản nó từ từ thôi nhưng nếu An không mau chóng cất mình lên bước theo một tin tưởng mới, sáng suốt đúng thực, thì cái trạng thái u uất của tâm hồn An sẽ thành vĩnh viễn rồi An sẽ chết hẳn mất!
Hình như thời điểm 1944-1945 này có một cao trào gì trong tâm thức chung của những nhà văn tiền chiến, làm họ trở nên phải vội vã nắm bắt một cái gì. Khi “ngoài đường, cuộc Cách Mệnh đang bước dài trên khắp ngả phố”, Nguyễn Tuân cũng muốn “lột xác” để thành một cái gì khác. Ngọn lửa cho thấy rõ cái ý hướng của Nguyên Hồng trong quan niệm về viết ở cái thời điểm này của lịch sử. Nguyên Hồng nghĩ rằng viết chỉ để ghi lại những cái riêng tư mà một hành vi ích kỷ, mù quáng và lừa dối bản thân khỏi cái hiện thực. Rằng cái bổn phận của thằng con người là phải trông thẳng vào cuộc sống, thấu suốt nó, nhận lấy nó rồi biến đổi nó để thuận tiện cho sự nảy nở của sinh lực mình. Và theo đó, muốn giữ được ngọn lửa của hy vọng, của lương tri, của lòng yêu viết thì phải dự phần vào cuộc cách mạng để cải tạo thế giới khách quan.
«Hiện tại tối tăm, bi thảm là lúc này đây. Vượt khỏi là sang tới ngày mai. Mà còn ngày mai là còn tương lai chắc chắn phải rực rỡ, vui tươi»
Câu nói của Giang và cái giọng nhỏ hổn hển nổi lên. An vội ngước mắt trông hút vào bóng tối. Như viết bằng những ánh lửa, những nhời kia biến thành những chữ, sáng rực lên, chạy vằn vèo, thoăn thoắt trước mặt An.
…Gió vang quá. Đầu An càng buốt lộng, An muốn kêu lên.”
Kết như vậy là móc nối với cái tiền đồ tối đen như mực của chị Dậu trong Tắt đèn cũng như là cái hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới lóe lên trong óc anh Tràng trong Vợ nhặt. Nguyên Hồng tham gia Việt Minh từ sớm, ông đề “gửi Nguyễn Tuân, Vũ Bằng” phải chăng để muốn nói một điều gì với những nhà văn này?
Lúc Nguyên Hồng ra tù là lúc Nguyễn Tuân vào tù. Hai người quen nhau trong khoảng năm 1940 và làm bạn từ đó. Tại đám tang Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân bảo ông là một người thích phá đình, phá chùa, trong khi Nguyên Hồng thì đúng là một người ưa chuyện tô tượng đúc chuông, bởi vì “dường như bằng mỗi dòng văn của mình, anh muốn bảo vệ cái gì đó sống thoát khỏi cái chết”. Ngọn lửa mà Nguyên Hồng muốn giữ tắt hay còn sau 1945?
2 Comments