Tôi vẫn tin cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc là thiêng liêng, và cái nền hòa bình ngày hôm nay không thể có được nếu không có những người lính Việt Minh ngày trước. Bất kể cái tính cách machiavellian trong phương tiện, kết quả vẫn là chúng ta đã làm được.
Trong cuộc đối đầu trực diện với Pháp đó, để đường hoàng ngồi vào bàn hội nghị Genève 1954, không có Bảo Đại, không có Ngô Đình Diệm, cũng gần như không có những người đã dinh tê. Nhưng lịch sử đã lên án họ, đã tẩy chay họ, và hơn 45 năm qua, những ca tụng hay những chỉ trích cần nói cũng đã nói rồi, có khi nói quá nhiều. Để có một cái nhìn thấu suốt và toàn diện hơn về những gì mà nước mình đã trải qua trong thế kỷ hai mươi, nhất là để không còn cái thành kiến bên này bên kia, cũng cần phải nghe mọi tiếng nói, dù là riêng tư.
Văn chương chỉ là những giọng nói riêng tư. Dương Thu Hương viết Những thiên đường mù để nói về những vết thương từ cải cách ruộng đất, hay Mai Thảo viết Đêm giã từ Hà Nội để nói cái tình cảm của người Bắc di cư, lắm khi không màn đến cái nguyên ủy sâu xa của các sự kiện chính trị, mà chỉ bàn đến những cái thật gần ngay trước mắt mình, trong cuộc đời xung quanh mình thôi. Nhưng không có nghĩa là những riêng tư ấy không đáng được lắng nghe và xem trọng.
Cũng đành của Dương Nghiễm Mậu (viết năm 1958, sau in trong tập truyện ngắn cùng tên do Tạp chí Văn Nghệ xuất bản năm 1963) là câu chuyện về tình cảnh tội nghiệp của một người thanh niên tên Kha bỏ kháng chiến về thành. So với cái sự khổ đến không còn ra người như Kha cùng cô gái điếm tình cờ gặp rồi cưu mang nhau thì anh Tràng cùng chị vợ nhặt của Kim Lân trong Vợ nhặt (Văn Học, 1962) hãy còn sung sướng chán. Kha sống như chuột như gián, ăn rác và bị bọn lính đánh nhừ tử rồi bắn chết. Tất cả địa ngục cùng cực đó, mà Dương Nghiễm Mậu chỉ còn biết thốt được hai chữ “cũng đành”.
Không nội tâm, không tả cảnh, chỉ những lời kể gãy gọn, dứt khoát của Cũng đành cũng đầy đủ cái khốc liệt dữ dội mà người đọc không thể buồn ngủ nổi.
1 Comment