Một số trích đoạn trong Đẹp (Đời Nay, 1941) của Khái Hưng

dep-doi-nay-1941-khai-hung

Và nàng buồn rầu đứng ngắm mấy cái đèn xếp khẽ đưa đi đưa lại ở đầu những cành liễu mềm. Nàng hồi tưởng lại một đêm tết Trung thu thời nàng còn nhỏ. Năm ấy mẹ nàng mới mất, cha nàng cho nàng về quê thăm bà ngoại, ở một làng gần Hà thành. Gặp tiết Trung thu, cha nàng mua cho nàng một cái đèn kéo quân, bốn chiếc đèn xếp, một hộp bánh nướng và để nàng đem theo cả về quê. Nàng sung sướng và khi gặp bà, nàng khoe liền.

Tối hôm ấy, bên khóm tre trong vườn, kê một cái bàn trên bày đèn kéo quân, bốn đĩa bánh nướng, hai quả bưởi, hai đĩa hồng chín, một nải chuối tiêu còn ương và những tấm mía mà buổi sáng bà ngoại đã róc và nhuộm phẩm hồng, phẩm xanh. Còn bốn chiếc đèn xếp thì nàng treo ở các cành tre mềm rủ xuống mặt bàn. Hai bà cháu chơi tết trong yên lặng, cái yên lặng của những đêm trăng ở nơi thôn dã mà tiếng dế bất tuyệt càng làm thêm sâu, thêm xa rộng mênh mông. Bỗng Trinh liếc mắt nhìn thấy trên má bà hai giòng lệ lấp lánh dưới ánh đèn. Nàng mới chín tuổi nhưng nàng sớm biết, và nàng hiểu ngay rằng đó là nước mắt khóc mẹ nàng, vì nàng vẫn thấy bà ngoại yêu mẹ lắm.

Nàng liền đến gần bà ngoại thỏ thẻ: “Bà ăn bánh với cháu nhé?” Bà ngoại cố gượng trả lời: “Bánh để bày cỗ đã chứ!” Nàng mỉm cười rất ngoan ngoãn, cố làm vui lòng bà: “Vậy tí nữa bà cháu ta phá cỗ nhé?” Rồi nàng giảng nghĩa cho bà ngoại những điển tích trong cái đèn kéo quân:

“Đây này, bà này, ông Đinh Tiên Hoàng cưỡi rồng đây. Chú ông ấy đương đứng bờ sông lạy ông ấy đây. Đây là ông Triệu Tử Long với ông Trương Phi. Ông Triệu Tử Long bế con ông Lưu Bị đấy. Đằng sau là giặc đuổi. Đây là người tát nước với người đánh dậm. Đây là ông sư gõ mõ tụng kinh với lại hai bà vãi ngồi lễ phật…”


“Nó xấu, nhưng có lẽ cái ý nghĩa của nó đẹp”

Xưa nay ít khi chàng nghĩ sâu xa tới ý nghĩa của một vật. Chàng đã quen nhìn màu và nét. Và hầu như cái đó đã ngấm ngầm trở nên một triết lý của chàng: Ở đời chỉ có màu và sắc. Người con gái đẹp, cũng như một phong cảnh đẹp, chỉ là sự hòa hợp nhịp nhàng của màu và nét. Có ai trông thấy bề trong của người con gái, cũng như có ai lại đi ngắm cái ý nghĩa của một phong cảnh đẹp!

Một tâm hồn đẹp? Thì tâm hồn nào chẳng đẹp ở trong một hình thức đẹp. Thử xấu mà ngây thơ xem có ai thương được không? Nhưng cái ngây thơ ở người đẹp là một cái đẹp. Cả đến những cái tai ngược, ngu ngốc, kiêu ngạo, cũng đều không hẳn là những cái xấu ở dưới màu và nét cân đối của một thân thể hoàn toàn; trái lại thế nữa.


“Sống là lên đồng, khi hầu bóng cô, khi hầu bóng cậu, khi hầu bóng chúa, khi hầu bóng bà Thượng Ngàn, lại khi hầu đức Thánh Trần nữa.

(…)

Người ta chỉ sung sướng khi ra khỏi cái tôi, cái tôi khả ố như Pascal đã nói. Cô có ngắm những người lên đồng không? Mặt họ rạng rỡ, mắt họ sáng ngời, miệng họ tươi cười, điệu bộ họ lẳng lơ, thân thể họ uyển chuyển uốn theo nhịp đàn, linh hồn họ phiêu phiêu bay trong hương khói. Đẹp! Họ đẹp gấp bội lúc thường, những lúc họ sống với cái tôi tầm thường, là là mặt đất mà họ rất ghét. Bấy giờ thị họ không là họ nữa. Họ chỉ là cô nọ, cậu kia mà họ cảm thấy, mà h5o chắc chắn rằng đẹp lắm. Và họ đẹp lên. Sao mà tôi thích xem lên đồng thế! Và tôi lo lắng rằng một ngày kia cái nghệ thuật lạ lùng, cái nghệ thuật cao siêu đầy ái tình và triết lý ấy dễ bị tiêu diệt: Người ta chỉ trông thấy đó là một mê tín, người ta chịu nhìn nhận rằng đó là một mê tín đẹp.

Có gì mà không hiểu? Cô thì bảo sống tức là đóng kịch, nay đóng vai này mai đóng vai khác. Còn tôi cũng nói gần như cô, cho sống là lên đồng.”


“Ông có biết quyển tiểu thuyết em đọc là quyển gì không? Quyển ấy đã bị bà đốc và cô giáo em liệt vào hạng bị cấm đấy. Vậy ông có biết là quyển gì và của tác giả nào không? Thôi ông chả đoán được đâu. Đó là quyển Symphonie pastorale của André Gide, một truyện cũng không lấy gì làm hay lắm, cũng không lấy gì làm nhảm lắm và chắc ông chưa đọc. Sở dĩ em đọc là vì trước kia em sợ Andre Gide, coi ông ta như một tác giả sâu sắc bí hiểm quá quát. Một hôm em đọc bản dịch truyện La porte etroite của Đỗ Đình Thạch thấy dễ và cũng hay. Thế rồi chủ nhật trước, khi ở nhà ông về em gặp một người bạn trai cầm quyển Symphonie pastorale, em mượn liền. Sách có hai truyện. Nhưng em chỉ mới đọc xong truyện Symphonie pastorale thì sách bị tịch thu. Ông có muốn em thuật lại câu truyện cầu kỳ ấy cho ông nghe không? Phải đấy, em kể cho ông nghe để ông được biết bà đốc và cô giáo em vô lý đến bực nào.

Đây này: Một giáo sĩ – chừng một giáo sĩ như giáo sĩ đạo Tin Lành ở đây – một hôm gặp một cô bé mời đến chữa cho một bà lão già ở một xóm hẻo lánh. Giáo sĩ đến nơi thì bà lão đã chết. Người còn sống ở cái nhà ấy duy có một thiếu nữ. Nói thiếu nữ ngay thì cũng hơi không đúng, vì lúc bấy giờ đó chỉ là một con mọi, bẩn thỉu, hôi hám, quần áo nhung nhúc những rận và rệp. Khốn nạn cùng cực, con người ấy lại vừa mù vừa câm. Sự thực người ấy chỉ mù, sinh ra đã mù chứ không câm. Người ấy không nói được là vì từ thuở nhỏ ở với bà (người chết) mà bà không nói với một câu.

Giáo sĩ đưa về nuôi, vì thấy đứa trẻ mồ côi không còn một thân thích nào ở đời. Bà vợ giáo sĩ không bằng lòng nhưng vì tòng phục chồng nên không dám hé môi. Giáo sĩ cắt tóc tắm gội thay quần áo cho người mù. Và cách đó ít lâu nhận ra rằng đó là một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần và thông minh tuyệt trần nữa.

Từ đó bắt đầu cuộc nhạc tấu nơi thôn dã, la symphonie pastorale. Giáo sĩ yêu thiếu nữ, thiếu nữ yêu giáo sĩ, trước còn yêu như cha với con, sau tình cha con đổi ra tình yêu vắn tắt. Nhưng tình yêu ấy vẫn âm thầm và… đau đớn. Giáo sĩ có một người con trai ngoài hai mươi tuổi. Cố nhiên anh chàng cũng yêu thiếu nữ, nhưng không được thiếu nữ yêu lại, hay đúng hơn, không được thiếu nữ yêu như yêu người cha.

Giá cứ thế mãi thì chỉ có một người khổ, người ấy là vợ giáo sĩ. Bà đã trông thấy rõ tình yêu của chồng và của con. Nhưng một bác sĩ lại đem mổ mắt và đem ánh sáng đến cho thiếu nữ. Ánh sáng tai hại! Vì thiếu nữ trông rõ sự thực: Cái đẹp biến đổi hẳn khác hẳn, trái ngược hẳn với những lời dạy tươi sáng mà giáo sĩ đã vẽ vào khối óc mơ mộng và ngây thơ của nàng.

Và nàng chết, ngã xuống sông mà chết trong lúc nàng nghiêng mình trên làn nước để ngắt mấy bông hoa. Hấp hối, lời nói cuối cùng của nàng là ngỏ cho giáo sĩ biết rằng lúc mù nằng cứ tưởng dung nhan giáo sĩ đẹp như những lời giáo sĩ nói, như cái giọng êm dịu và ngọt ngào của giáo sĩ. Nhưng sự thực, cái đẹp ấy chỉ có trên dung nhan người con: Người ấy đã thất vọng vì tình và đã xin vào nhà tu kín.

Ông có thấy truyện cảm động không? Em thì thấy vô lý. Vì sự thực chỉ có một. Cái đẹp cũng chỉ có một. Cái đẹp tưởng tượng trong khi mù vẫn là cái đẹp trước mắt khi đã sáng. Lỗi là ở chỗ thiếu nữ không biết nhìn hay nhìn sai vì quáng lòa trong ánh sáng đột ngột rực rỡ.”

Cover photo: SAIGON 1955, by Raymond Cauchetier

1 Comment

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s