Những trang viết về Trịnh Công Sơn, mình luôn cứ phải viết lại nhiều lần. Nhiều khi phải mất nhiều tháng nhiều năm để có thể nói về một điều phức tạp một cách đơn giản hơn.
Đến bây giờ, mình tin Trịnh Công Sơn nói đúng về bản chất của chiến tranh, cũng như Bảo Ninh đã làm trong Thân phận của tình yêu. Nhưng Bảo Ninh nói về chiến tranh khi chiến tranh đã kết thúc, tức là khi cái cảm giác yên hùng hay căm giận đã lắng xuống, chỉ còn lại khoảng trống của sự mất mát và những sang chấn tâm lý, chứ còn trong thời chiến, Bảo Ninh vẫn là một người lính. Còn Trịnh Công Sơn nói về chiến tranh khi cả hai phía của sông Bến Hải đều ra sức kêu gọi tiêu diệt nhau, “giải phóng” nhau, và ông thì chỉ ca hát cho cái ảo tưởng về một sự đoàn kết đã mất từ rất lâu, từ trước cả khi cái gọi là Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến tan rã năm 1946.
Nhưng nghịch lý nằm ở chỗ, dẫu biết rằng “một lầm lỡ đã lên đường và phải đi cho trót con đường máu xương”, nhưng nếu người lính miền Bắc hay người lính miền Nam không chiến đấu, mà dừng tay lại như lời khuyên ông Sơn thì làm gì có ngày cho ông ca Nối vòng tay lớn trên đài phát thanh vào tháng 4-1975? Nói cách khác, mâu thuẫn mà Trịnh Công Sơn tạo ra là mâu thuẫn giữa chiến và phản chiến, giữa một hành động có tính cách cấp thiết nhằm giải quyết một vấn đề cấp thiết, với một điều đúng đắn có tính cách lâu dài.
Có điều, ông Sơn tuy đủ bác ái để nhận ra cuộc chiến này đáng buồn, nhưng ông lại không đủ biết điều để hiểu vì đâu mà ông lại có được một nhìn nhận sâu sắc như vậy? Trong khi lẽ ra, nếu ông ở miền Bắc, thì ông chỉ hiểu một điều duy nhất: cuộc chiến này là cần thiết, phải giải phóng miền Nam khỏi chế độ Mĩ Ngụy để thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà.
Đó là vì miền Nam có một sự tự do tương đối trong tư tưởng và trong sáng tác. Sự tự do đó đã cho phép nhiều giải pháp chính trị được đặt ra, và cũng vì thế mà có rất nhiều phe phái xuất hiện đấu đá lẫn nhau. Sự tự do đó cho phép những Nguyễn Đức Quỳnh, Nghiêm Xuân Hồng, Phạm Công Thiện, hay Chu Tử trình bày những con đường triết lý khác nhau, thay vì chỉ có một con đường duy nhất. Sự tự do đó làm cho văn chương và âm nhạc miền Nam trở nên phong phú, mà từ đó Trịnh Công Sơn đã rút tỉa ra nhiều thứ để đưa vào sáng tác của mình (“nắng thủy tinh”, “gia tài của mẹ”, “hội trùng dương”). Và cũng chính sự tự do đó làm nên tên tuổi của Trịnh Công Sơn.
Về sau Trần Đức Thảo phải ngỡ ngàng khi thấy Trịnh Công Sơn viết được như vậy về cuộc chiến cơ bản vì ở miền Bắc, Trần Đức Thảo đâu có thấy ai dám viết như vậy. Ông Hữu Loan viết thơ khóc vợ mà còn bị cho là ủy mị, ông Phạm Duy viết Bên cầu biên giới còn bị bắt khai tử bài hát, thì ông Trịnh Công Sơn viết Ướt mi có mà đem đốt uống làm thuốc.
Mà trong cái tình thế miền Nam như vậy, ông Sơn không đi lính, và viết nhạc phản chiến, thì ông có khác chi bảo người lính miền Nam buông súng đi. Thế nên mấy ngày cuối tháng 4 nghe ông Nguyễn Mạnh Cường, con của ông bà Nguyễn Văn Đa, bảo rằng anh nào anh nấy bỏ hết về nhà. Rồi Nguyễn Bắc Sơn cũng nghe nhạc Trịnh Công Sơn, rồi đi chiến đấu mà cứ như đi chơi, xem cuộc chiến như tai trời ách nước đánh nhau một trận cho vui, thì làm gì còn ý chí giết giặc lập công.
Đấy, câu chuyện thời điểm nó mới thật là quan trọng. Đương lúc hai bên đang đánh nhau thừa sống thiếu chết vì tin rằng nếu bên kia thắng thì nước nhà lâm nguy, ông Sơn nhảy vào bảo dừng tay đi đừng đánh nhau nữa, ừ thì ông đúng, nhưng trong cái thời điểm đó ông làm vậy chẳng được cái tích sự gì.
3 Comments