Một điểm chung giữa Đặng Thai Mai với Nguyễn Tuân, Ngô Đình Diệm, Phan Khôi, Đào Trinh Nhất hay Bùi Diễm là các ông ấy đều là con của những nhà Nho đỗ đạt các kỳ thi hoặc làm quan dưới triều Nguyễn. Nguyễn Tuân là con của cụ Nguyễn An Lan, là một tú tài (秀才, junior bachelor, trước năm 1828 gọi là sinh đồ, người đỗ 3 trên 4 kỳ của thi Hương). Ngô Đình Diệm là con của Ngô Đình Khả, quan thần dưới triều Đồng Khánh, Thành Thái và Khải Định, không rõ trước đó có khi cử hay không. Phan Khôi là cháu ngoại của Hoàng Diệu, là con trai của Phan Trân, phó bảng (副榜, thi Hội và thi Đình nhưng không đủ điểm để đạt danh hiệu tiến sĩ). Đào Trinh Nhất là con của Đào Nguyên Phổ, hoàng giáp (黃甲, hay Đình Nguyên nhị giáp, thi Đình nhưng không nằm trong top 3 người cao điểm nhất), là một nhân vật của Đông Kinh Nghĩa Thục. Bùi Diễm là con của Bùi Kỷ, cũng là phó bảng. Đặng Thai Mai thì là hậu duệ của Đặng Dung, Đặng Tất, là cháu của Đặng Thai Giai, người từng tham gia phong trào Cần Vương, và là con của Đặng Nguyên Cẩn, cũng là phó bảng và làm quan trong triều, từng tham gia và cổ động phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh. Ngoài ra còn nhiều vị khác cũng có xuất thân tương tự.
Hầu hết những vị này đều chịu ảnh hưởng mạnh từ thế hệ cha ông mình. Nguyễn Tuân viết Vang bóng một thời, đề dedication “kính tặng Phụ Thân”, vì những vang và bóng của một thời đó là dấu tích của cụ Tú Lan đã chỉ vẽ cho con trai mình biết cai hay cái đẹp của các thú chơi, các thứ nghề. Cụ Tú Lan làm quan, nhưng thuyên chuyển qua nhiều tỉnh thành, nên ngay từ nhỏ Nguyễn Tuân cũng đã được đi nơi này nơi kia. Cũng trong, nếu không nhầm, Chiếc lư đồng mắt cua, hoặc một bài phỏng vấn, Nguyễn Tuân có nói việc nghe hát cô đầu cũng là do ngay từ khi chỉ mươi, mười hai tuổi, thì cụ Tú Lan đã dẫn Nguyễn Tuân vào nhà hát. Câu văn Nguyễn Tuân, theo Trương Tửu, là vừa rất cổ mà lại vừa rất Tây. Ngô Đình Diệm thì chịu ảnh hưởng của cha mình, nên tư tưởng trung quân rất rõ, biểu hiện qua cách ông tôn trọng vua Bảo Đại và đối đãi ân cần với thái hậu Từ Cung, ngay cả khi Bảo Đại đã bị phế truất. Đào Trinh Nhất thì dành cả sự nghiệp để tìm hiểu và viết về những nhân vật lịch sử thế hệ trước ông như Lê Văn Khôi, Phan Đình Phùng, hay Lương Ngọc Quyến nhằm chiêu tuyết, soi sáng hành trạng và công lao của họ. Phan Khôi là một trường hợp đặc biệt: Tuy được dạy Nho học, ông lại sớm từ bỏ để theo Tây học. Nhưng với các chủ thuyết, dù là Nho giáo hay chủ nghĩa cộng sản, Phan Khôi đều không cuồng tín, không áp đặt một cách máy móc vào xã hội Việt Nam, mà ông thẳng thắn phê bình những điểm không phù hợp. Bùi Diễm, vì sinh năm 1923, nên thuộc về thế hệ Tây học. Duy có trường hợp Nguyễn Văn Vĩnh, tuy lớn tuổi hơn cả Dương Bá Trạc, Phan Khôi, hay Hoàng Tăng Bí, nhưng từ nhỏ không dính dáng gì đến Nho học, mà chỉ học tiếng Pháp rồi đọc Pháp văn. Dẫu vậy, cụ Vĩnh lại dịch Kiều sang tiếng Pháp, và cụ vẫn xem trọng những giá trị đẹp của văn hóa Việt Nam. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh và cụ Nguyễn Văn Tố là hai trong số những con người đặc biệt mà có lẽ chúng ta sẽ tìm hiểu nhiều hơn về sau.
Có thể sự hứng thú của Đặng Thai Mai với văn chương Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy ông chịu ảnh hưởng của thế hệ cha ông. Nguyễn Tuân cũng vậy, Vũ Bằng hay Tô Hoài gì đấy nói rằng Nguyễn Tuân đọc rất nhiều sách văn học cổ. Thời niên thiếu, Đặng Thai Mai đọc rất nhiều sách văn học Trung Quốc. Ông kể trong hồi ký rằng mình đọc Từ Chẩm Á, và mua sách từ những người ở cảng biển, cảng sông gánh về. Lòng yêu nước, sự căm ghét thực dân Pháp và tinh thần anh hùng cách mạng của Đặng Thai Mai đã hình thành từ giai đoạn này, qua lời kể về ông và cha của bà nội, cũng như qua sách truyện. Đặng Thai Mai kể về việc đọc Tam Quốc diễn nghĩa như sau:
“Tôi còn nhớ là có hôm tôi đã đọc cho đến khi gà gáy canh ba, bà nội tỉnh dậy rút lấy cuốn sách bắt tôi phải lên giường thì tôi mới thôi… để chờ ngày và đêm hôm sau. Tôi cũng nhớ là tôi đã đọc bộ tiểu thuyết này rất lâu. Không những là vì có nhiều đoạn tôi đã đọc đi đọc lại mấy lần đến nỗi thuộc lòng từng câu từng chữ… Nhưng còn có những tình cảnh làm cho tôi phải nghẹn hẳn lại. Tôi còn nhớ là lần đầu, khi đọc đến đoạn Quan Vân Trường chết, tôi đã khóc nức nở, phải xếp sách lại đến mấy ngày, và sau đó mỗi lần cầm lại cuốn sách, đến chỗ đó là lại phải khóc, rồi lại bỏ sách xuống. Có đến hàng tháng thì nỗi đau đớn trong lòng mới hơi dìu dịu và tôi mới có thể tiếp tục đọc nốt. Thế nhưng rồi đến chỗ Trương Phi chết, tôi lại phải khóc”
Đặng Thai Mai học tiểu học và trung học ở Vinh, đến khoảng 21 hoặc 22 tuổi (1923-24) thì học Cao đẳng Sư phạm (École Supérieure de Pédagogie), thuộc Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise). Thời gian này, một trong những đồng chí của Đặng Thai Mai là Tôn Quang Phiệt, cũng người Nghệ An và cũng học chung trường. Hai người cùng tham gia các phong trào yêu cầu ân xá Phan Bội Châu và truy điệu Phan Châu Trinh, rồi sau này móc nối với các tù chính trị ở Trung Kỳ và những trí thức yêu nước như Trần Mộng Bạch, Trần Phú, Hà Huy Tập, Đào Duy Anh lập ra Hội Phục Việt, rồi sau nhiều lần đổi tên đến năm 1928 trở thành Đảng Tân Việt, tức Tân Việt Cách mệnh đảng (1928), chủ trương đánh đổ đế quốc, xây dựng xã hội bình đẳng, bác ái. Trước đó, nhóm của Đặng Thai Mai và Tôn Quang Phiệt từng ngồi lại với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (hay còn được biết với danh hiệu Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, do Nguyễn Ái Quốc chủ trương, cứu nước theo con đường chủ nghĩa cộng sản, với nhiều nhân vật là thành viên cũ của Tâm Tâm Xã của Phạm Hồng Thái) nhưng không thành, có lẽ vì sự khác biệt về mục tiêu và đường lối tranh đấu. Cũng trong thời gian này, Đảng Tân Việt cũng ngồi với Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học, nhưng cũng không hợp nhất được. Cứ thế mỗi nhóm một con đường riêng.
Dường như khi thế nước dâng cao, các hội nhóm luôn đứng trước yêu cầu phải xác định một lập trường tư tưởng và hệ thống hóa hoạt động của tổ chức, với cương lĩnh điều lệ rõ ràng. Bản thân nội bộ Tân Việt Cách mệnh đảng bị phân hóa bởi chủ nghĩa cộng sản: Trần Phú bỏ Tân Việt chuyển qua gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên. Đào Duy Anh lúc này hãy còn chưa muốn theo con đường cộng sản, chủ trương Bloc National. Cuối cùng đến tháng 9-1929, những thành viên Tân Việt theo đường lối cộng sản họp với những người cùng chí hướng lập ra Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, trong đó có Đặng Thai Mai và Võ Nguyên Giáp.
Cũng trong năm 1929, có sự ra đời của hai tổ chức chính trị theo đường lối cộng sản khác. Một là An Nam Cộng sản đảng của Châu Văn Liêm, Trần Não, Hồ Tùng Mậu, hoạt động ở Nam Kỳ, với nhiều thành viên từng tham gia Thanh niên Cao vọng Đảng, tức Hội kín Nguyễn An Ninh. Hai là Đông Dương Cộng sản Đảng với các nhân vật như Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu. Đến tháng 2-1930, trước yêu cầu của Comintern, ba đảng hợp nhất lại thành một là Đảng Cộng sản Việt Nam sau các cuộc họp tại Hương Cảng.
Trong năm 1930, vì tham gia Cứu tế Đỏ Quốc tế, Đặng Thai Mai bị Pháp bắt giam. Khi ra tù, ông sống ở Hà Nội và dạy học ở các trường Gia Long, trường tư thục Thăng Long. Rất nhiều trí thức yêu nước dạy học tại trường Thăng Long, có thể kể đến Bùi Kỷ, Võ Nguyên Giáp, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Nguyễn Cao Luyện, Phan Anh, Nguyễn Lân, Vũ Đình Hoè. Đây cũng là nơi mà Nhất Linh đã dạy học và gặp gỡ với Khái Hưng Trần Khánh Giư.
Đến năm 1936, Đặng Thai Mai cùng Nguyễn Văn Tố, Vương Kiêm Toàn, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp,… thành lập ra hội truyền bá chữ quốc ngữ (association de la diffusion du quốc ngữ). Cũng trong thời gian này, theo lời kể của Nguyễn Vỹ, Đặng Thai Mai viết báo cho tờ Le Peuple, Rassemblement, Notre voix và là cây bút chủ chốt của tờ Le Travail, cùng với Võ Nguyên Giáp (dùng bút hiệu Vân Đình). Le Travail do Trịnh Văn Phú và Nguyễn Văn Tiến chủ trương, có tính cách ôn hòa với sự tham gia của một số trí thức có tư tưởng xã hội, nhưng không phải là cộng sản, như Bùi Ngọc Ái. Trần Huy Liệu và Trường Chinh Đặng Xuân Khu thì viết cho tờ Thời Thế và Tân Tiến. Các tờ báo kể trên đều là của đảng cộng sản, nhưng lúc bấy giờ hãy còn phân biệt là Đệ Tam (Stalinist) và Đệ Tứ (Trotskyist). Vì ở trong Nam cũng có những tờ báo tranh đấu như La Lutte, với lực lượng chính yếu là những người cộng sản theo khuynh hướng Trotskyist như Tạ Thu Thâu, Nguyễn Văn Tạo, Phan Văn Hùm.
Thông qua các bài viết của mình, Đặng Thai Mai bày tỏ thái độ chính trị tương đối rõ ràng. Chẳng hạn, nhận định về đóng góp của Phạm Quỳnh cho tiếng Việt cũng như câu nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”, Đặng Thai Mai viết:
“Sự tiến bộ của tiếng Việt trong thời gian 1920 – 1940 thì cũng là thành tích của nhiều nhóm nhà văn mà phần đông có tinh thần yêu nước và vẫn chống đối với tư tưởng văn chương của Phạm Quỳnh. Nhưng trong vấn đề bồi dưỡng văn học tiếng Việt này, Phạm Quỳnh đã có đóng góp được công lao gì? Phạm Quỳnh đã làm báo, nhưng chương trình ‘phục hưng’ tiếng Việt của tay chủ bút tờ Nam Phong là thế nào? Trong văn chương của Phạm Quỳnh có gì có thể gọi là chủ trương đúng đắn, là lý luận vững chắc? Phạm Quỳnh đã làm Thượng thư bộ Học; nhưng trong thực tiễn ‘cụ thượng Học’ đã làm được gì? Trước sau mười mấy năm, Phạm Quỳnh chỉ khai sinh cho cái bằng sơ học yếu lược. Cái cấp học quốc ngữ ba năm ấy đâu phải là đạo bùa cải tử hoàn sinh cho tiếng Việt! Ấy là chưa nói đến nội dung của cái chương trình sơ học yếu lược của y. Ngay từ hồi đó, có người đã phê phán chủ trương của Phạm Quỳnh và cho rằng: nó chỉ làm chậm bước tiến của học sinh. Ý kiến trên đây có phần đúng là ở chỗ Phạm Quỳnh thực tế chỉ nối giáo cho bọn thực dân kìm hãm học tiếng Việt vào cấp sơ học mà thôi. Cuối cùng còn lại một câu nói của Phạm Quỳnh mà ngày nay vẫn còn có người khoái trá ngâm nga: ‘Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn’. Một câu lập dị, mới nghe ra tưởng chừng sâu sắc lắm! Nhưng lập dị muốn cảm động, muốn thuyết phục thì ít ra cũng phải có một chút sự thật! Đằng này không! Mọi người có chút lương tri đều biết rằng: nước ta có còn thì tiếng ta mới còn và tiếng ta có còn thì Truyện Kiều mới còn! Phạm Quỳnh sợ nói như thế vì y chỉ là người phát ngôn của phòng nhì phủ Toàn quyền. Phạm Quỳnh đã ngụy biện, đã nói dối để che đậy một lập trường chính trị bán nước hại dân. Chân lý giản dị hơn, chân thật hơn, nhưng y không dám nói, vì hoạt động của y sẽ vả vào miệng của y ngay lập tức!”

Về tính cách và lối sống của Đặng Thai Mai, Nguyễn Vỹ nói như sau:
“Đặng Thai Mai vẫn còn phong độ ‘nhà nho’, có thành kiến trưởng giả và tự tôn mặc cảm. Cho nên cùng là trong đảng cộng sản, nhưng anh không thích chơi thân với những đảng viên ít học, hoặc học kém hơn anh.
Hồi tôi ở phố hàng Cót, thỉnh thoảng anh ghé chơi, luôn luôn dắt theo đứa con gái nhỏ lúc bấy giờ độ 12 tuổi. Em bé này chuyên môn đọc truyện kiếm hiệp và Đặng Thai Mai lại khuyến khích sự ham đọc loại sách ấy. Anh muốn nó lớn lên sẽ là một nữ tướng, thông thạo những thủ đoạn phi thường như các vai nữ anh hùng trong tiểu thuyết kiếm hiệp. Sau này có vài bạn ở chiến khu Việt Bắc về Saigon cho tôi biết rằng thời kỳ 1950-54, em bé đó đã thành vợ của Võ Nguyên Giáp. Tôi hơi ngạc nhiên và không khỏi hồi tưởng lại lúc tôi biết cô em 12 tuổi, học trường tiểu học, hãy còn kẹp tóc, thường ôm trong cặp một mớ truyện kiếm hiệp 3 xu, mà mười hai năm sau lại làm vợ Võ Nguyên Giáp, là bạn thân của ông thân sinh cô? Tuy nhiên tôi muốn nói rằng câu chuyện con gái của Đặng Thai Mai lấy vị thủ lãnh của Việt Minh là do vài bạn ở chiến khu Việt Bắc về kể lại, đúng hay không, tôi không thể biết được. Tôi chỉ ghi vào tập hồi ký này làm một tài liệu mà thôi, sau này lịch sử sẽ xác nhận hay đính chính tùy theo thực tế.
Tuy không đồng tư tưởng cách mạng, lập trường chính trị hoàn toàn trái hẳn nhau, nhưng tôi vẫn có cảm tình với Đặng Thai Mai, vì tính nết điềm đạm và khôn khéo của anh. Anh phê bình văn thơ của tôi một cách rất vô tư. Anh cho rằng tôi quá mơ mộng, không chịu nhìn thực tế trên đời. Đó là quan điểm của riêng anh, mặc dầu anh rất thành thực, nhưng tôi cũng thành thực không tán thành quan điểm ấy.
Giữa Đặng Thai Mai và tôi, cũng như giữa Trương Tửu và tôi, vẫn còn giữ được mãi chút thiện cảm cá nhân, cho đến khi các biến cố thế chiến xảy ra, mỗi người thất lạc đi mỗi ngả. Đặng Thai Mai viết Pháp văn rất hay, lời văn cứng rắn, và dễ quyến rũ. Trái lại, cô con gái 12 tuổi của anh (tôi quên mất tên), đã tập tễnh làm thơ Đường luật và viết những mẩu chuyện ngắn bằng Việt văn khá trôi chảy nhưng đã nặc mùi cộng sản của ông bố.”
Thời kỳ quân đội Nhật ở Đông Dương, Đặng Thai Mai viết cho tờ Thanh Nghị của Vũ Đình Hòe. Ở tờ báo này, ông chủ yếu dịch AQ của Lỗ Tấn, và dịch hai vở kịch của Tào Ngu là Lôi Vũ và Nhật Xuất. Khi đang dịch dở Nhật xuất thì Thanh Nghị bị đình bản. Đặng Thai Mai đặc biệt hứng thú với Tào Ngu. Sau này, Đặng Thai Mai cũng dịch Người Bắc Kinh, được nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1963. Có tài liệu nói rằng, có một bản dịch khác của Nguyễn Kim Thản do Đặng Thai Mai viết lời giới thiệu. Bản dịch Lôi vũ của ông được tập hợp lại và in thành sách ở nhà in Đại Chúng, ngày nay cũng có thể dễ dàng tìm thấy. Chúng ta có thể xem một số trích đoạn được ông dịch:
“Phồn Y là một người đàn bà can đảm, âm thầm. Nét mặt trắng nhợt, chỉ còn cặp môi hơi đỏ. Cặp mắt to và âu sầu, đường sống mũi cao thành ra bộ mặt khá đẹp nhưng cũng có vẻ dễ sợ. Dưới đường lông mi dài và âm u, người ta có thể đoán biết Phồn Y là một tâm hồn u uất. Cũng có lúc cặp mắt đang bị ngọn lửa lòng nung đốt ấy toả ra mấy tia sáng tràn trề những nỗi đau khổ, phiền não của một người đàn bà trẻ tuổi thất vọng. Khoé môi hơi cong về phía trên, biểu lộ tâm tình một người đàn bà uất ức mà vẫn cố gắng giữ cho được bình tĩnh. Khi Phồn Y ho thì hay đưa bàn tay nhỏ xíu và trắng ngần ép khẽ vào bộ ngực gầy yếu. Mãi đến khi thở dài ra được một hơi rồi thì mới đưa tay lên vuốt vào nơi cồn má đỏ hồng. Phồn Y là một người con gái Trung Quốc lối xưa, yếu đuối, sầu não, thông minh, thích văn thơ nhưng vẫn có ít nhiều chất dã man của con người nguyên thuỷ trong tâm hồn, trong gan ruột, trong tư tưởng điên cuồng của nàng và ngay cả trong lực lượng mà Phồn Y cảm thấy giữa những lúc không ngờ nữa. Xét về toàn thể, Phồn Y có vẻ giống như chất thuỷ tinh, chỉ có thể cung cấp cho tinh thần người đàn ông những niềm an ủi. Tảng trán sáng sủa biểu hiện một thứ lý tính thâm trầm, thế mà mỗi lúc Phồn Y sa ngã, đắm đuối vào cõi tưởng tượng mơ màng của tình cảm, là cô nàng bỗng cười lên sằng sặc một cách sung sướng. Khi Phồn Y gặp được điều vui thích và nỗi lòng sung sướng biểu lộ cả lên trên đôi má thì người ta cảm thấy ngay rằng Phồn Y là một người có thể bị yêu, một người đáng được yêu; người ta biết ngay rằng Phồn Y cũng là một người đàn bà như trăm nghìn người đàn bà khác; tình yêu của Phồn Y là khối lửa nồng nàn, tức giận của nàng cũng là một khối lửa có thể đốt cháy người. Thế nhưng bề ngoài Phồn Y vẫn có vẻ thâm trầm, lo âu, chẳng khác nào cảnh lá mùa thu rụng xuống bên mình chúng ta vào lúc chiều hôm. Phồn Y cũng cảm thấy mùa hè của nàng đã qua rồi và cái rán chiều của đời nàng đã bắt đầu rũ xuống. Phồn Y bận tuyền mầu đen, bộ áo thêu mấy cánh hoa, màu bạc nhợt; một chiếc quạt đeo vào nơi ngón tay.”
Năm 1986, vở kịch Lôi vũ được công diễn ở sân khấu 5B với đạo diễn Hoa Hạ, và các diễn viên Minh Trang, Thành Lộc, Việt Anh, Hữu Châu, Hồng Vân, đã rất thành công, kích hoạt một mối quan tâm của đại chúng cho bộ môn kịch nói. Lúc này, Trương Chính mới có bình luận rằng cái vinh dự này có được là nhờ một phần đóng góp không nhỏ của Đặng Thai Mai.
Đặng Thai Mai cũng viết sách và in ở nhà xuất bản Hàn Thuyên của Trương Tửu, cuốn Văn học khái luận, đánh giá văn học với cái nhìn duy vật biện chứng của Karl Marx. Trương Chính bình luận: “Sách trình bày có hệ thống, đề cập những vấn đề cơ bản nhất, viết theo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, nhưng không hề nhắc đến tên Mác – Lênin (vì không tiện nhắc). Điều này làm cho chúng tôi là những người còn mang nhiều thứ thành kiến linh tinh, tiếp thu được một cách dễ dàng, thoải mái, không nghi ngờ về tính khách quan của tác giả”.
Đặng Thai Mai cũng rất quan tâm tới Lỗ Tấn. Đặng Thai Mai viết: “Với Lỗ Tấn, tôi bắt đầu suy nghĩ về lối học văn học của mình từ lúc bắt đầu cầm sách đi học. Quan điểm của Lỗ Tấn về vấn đề di sản văn học, nhận thức của tiên sinh về tư cách của nhà văn, về những vấn đề cơ bản như hình thức, nội dung, như đặc sắc của dân tộc và tinh thần quốc tế (…) đã hé mở cho tôi cả một vũ trụ bao la và mới mẻ, đẹp đẽ”. Nhưng người dành nhiều thời gian để dịch và nghiên cứu Lỗ Tấn nhất lại là Trương Chính. Và Đặng Thai Mai cũng là người đã khuyến khích Trương Chính dịch các tác phẩm Lỗ Tấn.
Nói đến văn học Trung Quốc ở Việt Nam, không thể không dành cho Đặng Thai Mai một vị trí trang trọng. Trương Chính viết:
“Mối quan hệ giữa Đặng Thai Mai và văn học Trung Quốc lâu dài và mật thiết như thế, mặc dù ông chỉ dịch vài ba tác phẩm, và cũng chưa bao giờ bỏ nhiều thì giờ nghiên cứu văn học Trung Quốc, kể cả văn học hiện đại. Nhưng ông là người đưa đường chỉ lối và nêu gương sáng cho người sau tiếp bước. Công ấy to hơn là công của người dịch thuật, nghiên cứu”
Từ năm 1946 trở đi, Đặng Thai Mai được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá I, Ủy viên Ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời là Bộ trưởng Bộ giáo dục trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến thành lập ngày 2 tháng 3 năm 1946.
Trong các giai đoạn về sau, ông lần lượt giữ các chức vụ về văn hoá và giáo dục như Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa, Hội trưởng Hội văn hóa Việt Nam, Giám đốc Trường dự bị đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV, Giám đốc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Nguyễn Đăng Mạnh có kể về kinh nghiệm được học với thầy Đặng Thai Mai như sau:
“Cụ Đặng Thai Mai cũng hay nói chuyện lan man, lạc đề, ít khi dạy đúng vào bài giảng. Thí dụ, dạy Kinh Thi, cụ lại toàn nói chuyện ngày xưa cụ học chữ Hán như thế nào. ấn tượng đậm nét nhất về thầy Đặng Thai Mai là trí nhớ tuyệt vời. Cụ có thể đọc thuộc lòng hàng trang sách tiếng Pháp các vở kịch của Corneille, Racine hay Molière.”
Đặng Thai Mai từng làm chủ nhiệm tờ Văn Nghệ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, và ông cũng là một trong những lý thuyết gia trong việc chống Nhân Văn – Giai Phẩm và sự cứng đầu của tuần báo Văn năm 1958 với bài Căn bản vẫn là vấn đề lập trường tư tưởng đăng trên báo Văn Nghệ. Trong đó có đoạn:
“Người ta đã dụng tình phủ nhận giá trị văn nghệ hiện tại để kết luận rằng: văn nghệ sĩ giờ đây không sáng tác được những tác phẩm có giá trị là vì tác phẩm của họ không chân thật; tác phẩm của họ không chân thật là vì họ không thể thành thật, vì họ không tự do; và sở dĩ họ không tự do là vì có can thiệp của chính trị (…), Tóm lại, văn nghệ phải được tự do, tự do hoàn toàn, tự do tuyệt đối, phải thoát ly khỏi mọi xu hướng chính trị, phải thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Điểm sai lầm nguy hại về nguyên tắc là ở chỗ đó, chứ không phải ở một khía cạnh nào khác. Đây chính là vấn đề lập trường tư tưởng”
Ngoài văn học Trung Quốc, Đặng Thai Mai cũng rất am hiểu văn chương cổ điển Pháp. Còn về văn học Việt Nam thì ông đặc biệt quan tâm đến văn thơ Phan Bội Châu và các nhà văn dùng ngòi bút để chống bạo quyền áp bức. Từ mối quan tâm của ông, giọng văn của ông, ta có thể thấy rất rõ tự thân Đặng Thai Mai là đại diện cho hẳn một khuynh hướng tư tưởng và một cách nhìn thế giới. Đặng Thai Mai chính là một sự nối dài của của cái quan niệm “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”, rằng văn chương là phải phụng sự một mục tiêu đạo đức chính trị nào đó. Cách nghĩ này hoàn toàn khác với Nguyễn Tuân.
Ấy vậy mà Đặng Thai Mai, cũng như Trương Tửu hay Nguyễn Đình Thi, cũng đều chơi được với Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân vẫn xem ông là “anh cả”, nể trọng ông, nhưng dường như cũng ngại nói chuyện tự do sáng tác với ông. Chủ yếu ông thích Đặng Thai Mai như một người bạn. Nguyễn Tuân nói:
“Anh Đặng Thai Mai là người tôi rất quý. Nhưng nếu có ai hỏi, Đặng Thai Mai có những tác phẩm gì, thì tôi lúng túng quá!”.
Có một câu nói đùa của Đặng Thai Mai mà Nguyễn Tuân rất thích thú và cứ nhớ hoài, đó là câu “Je suis un homme d’un seul vagin”. Ông nhắc lại câu đó rồi lại cười khoái chí, cuống mũi nhăn lại, cái mũi đã to, lại càng to.
3 Comments