Gu nhạc là thuốc thử để xem mình thuộc thế hệ nào. Nếu tôi nhớ không nhầm thì bài báo gần đây tôi đọc nói rằng thứ âm nhạc mình nghe tuổi mới lớn sẽ định hình gu nhạc của mình cả đời. Có lẽ đúng thật, bằng chứng là playlist của đồng nghiệp tôi chỉ toàn là Westlife với chả Backstreet Boys. Còn tôi thì, do tôi tự nguyện nhét vào tai mình đủ thứ thể loại trong suốt 10 năm qua, chỉ vì muốn hiểu vì sao người ta có thể thích được chúng, mà không ngờ rằng chính tôi cũng thích chúng nốt. Nên rốt cuộc, tôi có những bài hát ưa thích cạnh nhau trong một playlist mà dường như chẳng có bà con họ hàng gì với nhau cả.
Một điều khá kỳ quặc là lúc tôi gần tỉnh giấc buổi sáng, tự dưng trong đầu tôi có cảm giác là bài hát đầu tiên mình phải mở khi thức dậy là một bài gì đó, rất cụ thể. Có khi là Don’t Speak của No Doubt, có khi là Hoa sữa của Hồng Đăng do Thanh Lam hát. Rồi thì C’est toi của Lam Phương, bản tiếng Pháp do Bạch Yến hát; Cuộc tình trong cơn mưa, nhạc CantoPop của Vương Tổ Hiền; Niềm đau chôn giấu, nhạc Nhật, Lữ Liên viết lời Việt, Khánh Hà hát; Bài Hương ca vô tận của Trầm Tử Thiêng, Hoàng Oanh hát, Mystery of Love của Sufjan Stevens, nhạc phim Call me by your name, hay Lý con sáo do Hương Thanh hát.
Thi thoảng trong ngày, cảm giác muốn nghe một bài gì đó đến cũng rất bất chợt. Tôi nhớ lúc vừa bơi ở hồ Yết Kiêu xong, suất sáng sớm, ngồi trên ghế đá lúc trời nắng vừa lên, tôi bỗng muốn nghe hai bài, thế là mở điện thoại đeo tai nghe để nghe. Một là bài Nhạt nắng của Xuân Lôi, Thanh Thúy hát, và hai là Nghìn trùng xa cách của Phạm Duy, Thái Thanh hát. Tự dưng lúc đó tôi có một suy nghĩ rất kỳ quặc, là nếu những người mà tôi yêu quý mất, tôi sẽ ngồi bên cạnh quan tài và hát thì thầm cho họ nghe bài Nghìn trùng xa cách, và tôi cũng muốn rằng trong đám tang của chính tôi, người ta cũng chơi bài Nghìn trùng xa cách nữa.
Sau này, tôi xem thông tin thấy nói rằng Thái Thanh không thích người dự tang lễ của mình mặc đồ đen vì như vậy rất buồn. Tôi thấy chi tiết đó rất hay, và nó cũng giống cái tinh thần của bài Nghìn trùng xa cách, nó là một sự tiễn biệt, tuy có tiếc nuối, nhưng sau cùng vẫn là chấp nhận một điều không thể khác, như chấp nhận cuộc đời vốn dĩ có sinh có tử.
Với tôi, Thái Thanh cũng như những giọng ca khác, có một số bài tôi chỉ thấy bà là hát hay nhất cũng như có một số bài mà tôi chỉ thấy Bảo Yến, Thùy Dung, hay Thu Hiền hát. Nhưng ở Thái Thanh có một cái gì đó trong tác phong, trong cách hát rất riêng của Thái Thanh, hay nói đúng hơn là rất riêng của gia đình bà, của ban hợp ca Thăng Long. Bà hát với cả khuôn mặt, với ánh mắt nụ cười, hát với đôi bàn tay, tự nhiên như thể bà thuộc về một thế hệ mà việc hát còn chưa là một cái nghề, mà là một thú vui của “những cô thôn mờ xa đón bầy dân đánh cá”, như người ta hò kéo lưới, người ta hò gánh lúa, như Kim Chung và Kim Xuân hát Dư âm của Nguyễn Văn Tý trong phim Kiếp hoa vậy. Đó là cái thời mà, nói như một nhà phê bình, là người ta còn tư duy nguyên hợp, con người và thiên nhiên, cuộc sống và nghệ thuật hòa làm một, nên nói năng cũng có văn vẻ, ăn uống cũng có phép tắc, chào hỏi cũng có điệu bộ, ngôn ngữ tình yêu cũng kiểu cách, khóc than cũng lên bổng xuống trầm, thậm chí đánh nhau mà như vũ đạo. Xem cách Thái Thanh trả lời phỏng vấn ta càng nhận thấy rõ cái đặc tính này, nó ảnh hưởng lên cả con gái bà là Ý Lan.
Gia đình họ Phạm vào Nam từ rất sớm; Phạm Duy ghi tương đối kỹ lưỡng về chuyến đi này trong hồi ký. Khi vào Nam, họ mở phòng trà Đêm Màu Hồng, chính đây là nơi mà giọng ca Thái Thanh vang danh Sài Gòn. Thái Thanh thậm chí còn lớn tuổi hơn cả Cung Tiến hay Thanh Tâm Tuyền, là hai người bạn của anh trai bà, Phạm Đình Chương. Những ca sĩ Bạch Yến, Thanh Thúy, Lệ Thu, Khánh Ly, Hoàng Oanh đều chỉ là thế hệ sau này so với Thái Thanh. Chính vì Thái Thanh là người đã trải qua cả hai cột mốc 1954 và 1975, nên gọi bà là người ca sĩ đã “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” không hề ngoa. Về điểm này bà rất giống Phạm Duy, cuộc đời của cả hai người đều gần như trải dài phần lớn thế kỷ 20.
Nguyễn Xuân Nghĩa, hình như trong một chương trình về Thanh Tâm Tuyền, có kể về Thái Thanh và Phạm Đình Chương sau ngày thống nhất. Đại khái họ bị bắt trình diễn để người ta nghe xem nhạc miền Nam ngày xưa đồi trụy thế nào. Thế là họ hát Nửa hồn thương đau, hát xong cả hội trường lặng ngắt như vừa trải qua một cái gì gây kinh ngạc, và có người phải lên tiếng “đấy các anh xem, thứ nhạc này làm tê liệt hết cả người”. Nghĩ về cái tình cảnh người ca sĩ và nhạc sĩ lúc ấy mới thật là đáng thương. Thái Thanh được mời hát nhạc đỏ, nhưng bà từ chối. Và chính vì không có thái độ hợp tác, nên bà bị cấm hát suốt 10 năm, cho đến khi rời khỏi Việt Nam năm 1985. Đó là biểu hiện của tiết tháo và tự trọng mà không phải ai cũng có.
Người ta hay dùng cụm từ “nhà văn lớn” để nói về một cái hạng mục tối thượng dành cho người cầm bút. Cũng từ đó mà đôi khi tôi tự hỏi, liệu có thể nói về một “ca sĩ lớn” không? Cái suy nghĩ đó vậy đuổi tôi thường trực đến mức tôi hoài nghi chính ý niệm “lớn”. Mọi sự phân loại hay xếp hạng đều không tránh khỏi giả định về sự tồn tại của một hệ thống các tiêu chí ngầm, như giọng hát, kỹ thuật hát, vốn hiểu biết, độ nổi tiếng, sự nhạy cảm, và cả tư cách con người nữa. Nhưng sau hết, chính mình lại thấy có những trường hợp mình yêu thích họ không phải vì bất kỳ điều gì trong số những điều đó. Và ngược lại, cũng có những người đầy đủ hết mọi tiêu chí nhưng họ lại không gây cho mình chút hứng thú nào.
Và tại sao lý luận của một nhà phê bình hay sự bình chọn của cộng đồng trên một bảng xếp hạng lại phải có sức nặng hơn chính cái yêu cái ghét của bản thân mình chứ? Cảm nhận âm nhạc có lẽ cũng giống với việc viết hay sử dụng ngôn ngữ, nó đặt người ta trong tình thế không thể hoàn toàn tách khỏi cái chung cũng không thể hoàn toàn buông bỏ cái riêng. Cái chung là sự giống và cái riêng là sự khác. Giống như mọi sự sáng tạo đều có phần kế thừa, “chúng ta là những con người ta của người ta, chỉ có giấc mơ là của mình” (Nguyễn Tuân).
Nguyễn Tuân, khi được hỏi suy nghĩ của ông về cái gọi là “phong cách”, cũng nói rằng, “trên cơ sở cái nhân sinh quan, thế giới quan chung ấy, mỗi người lại có một cái nhỡn quan riêng, tiếng Pháp gọi là vision. Đó là cái đẻ ra phong cách. Vì cái đó mà anh thì thích tả gió, tả nắng, anh thì thích tả mây, tả mưa, người có sở trường này, người có sở trường nọ. Rồi cách đưa vấn đề cũng khác nhau. Nó đẻ ra tất cả. Văn học có cái rất vui là phong cách, cách nói, cách quan niệm về nghệ thuật khác nhau. Anh giảng dạy lại không đi vào đấy, chỉ nói về nội dung, về tư tưởng nên trở thành nhạt nhẽo vô duyên. Tại anh thôi, cái chỗ phong phú nhất, vui nhất, ‘xôm’ nhất anh lại đếch đi vào nên người ta chán”.
Sau hết tất cả, tôi nghĩ rằng, quan trọng nhất vẫn là chính người nghệ sĩ đó đã kết nối với tâm hồn mình như thế nào mới quan trọng, quan trọng hơn mọi bảng xếp hạng hay mọi trang sách phê bình. Vì sao có những cuốn sách, những bài hát, tuy đã đọc hết, nghe hết mà mình vẫn muốn đọc lại, nghe lại như để tìm kiếm một điều gì đó? Chính nó, chính cái điều mình nghĩ là hãy còn ở đó, mới làm nên cái giá trị của một tác phẩm, chí ít với riêng mình.
6 Comments