Bài của Thiên Tướng (tức Vũ Bằng) đăng trên Văn Học số 106, sau nằm trong tập Mười chín chân dung nhà văn cùng thời (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Văn Giá sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu)
Trong tập báo này, Văn Học đăng tải Một chuyến đi của Nguyễn Tuân. Đó là một tập du ký thuật lại những chuyện vui buồn cùng những cảm nghĩ của Tuân khi rời Bắc Việt sang Hương Cảng để đóng phim Cánh đồng ma với các anh Đàm Quang Thiện, Nguyễn Doãn Vượng, Nguyễn Dương, Hoàng Văn Dư, Lê Huyên, Tùng Hiệp…
Ai cũng biết Nguyễn Tuân văn sĩ lập dị, nhưng có lẽ ít người biết Tuân vẽ nhọ bôi hề. Mà cái đời vẽ nhọ bôi hề của Tuân cũng “lâm ly quy phượng” lắm, phàm muốn biết rõ Tuân người ta không thể không tìm biết khía cạnh đó; vì thế chúng tôi đã đi tìm hai người bạn rất gần gụi với Tuân để nói chuyện Tuân về phương diện ấy.
Đó là hai ông Nguyễn Doãn Vượng, nguyên chủ nhiệm báo Trung Bắc Chủ Nhật, quản lý Báo Mới, hiện phụ trách về kỹ thuật đại ấn quán Kim Lai, và Vi Huyền Đắc, nhà soạn kịch lừng danh ba bốn chục năm nay, hiện phiên dịch sách cho nhiều nhà xuất bản và báo chí.
Nguyễn Doãn Vượng nói về Tuân, tài tử màn ảnh
Thực ra, Nguyễn Doãn Vượng và tôi những lúc trà dư tửu hậu, tưởng nhớ các bạn ở xa xôi vẫn thường nhắc đến Tuân nhưng phần nhiều chỉ nói với nhau về tính tình hay nghệ thuật viết của Tuân. Nguyễn Doãn Vượng tâng tiu Tuân hết sức, vì ngoài tình bạn, Vượng có thể coi như là người đã khám phá ra Nguyễn Tuân lúc chưa ai biết Tuân là ai hết. Đó là lúc Tuân bị Tây câu lưu ở Thanh Hóa, Vượng và tôi về Thanh mời Tuân làm phóng viên cho tờ Trung Bắc Tân Văn mà lúc đó cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã sang cho cụ Nguyễn Văn Luận.
Trong mấy năm làm phóng viên Tuân không bật được lên. Về sau, Tuân viết lặt vặt cho Tiểu Thuyết Thứ Bảy của ông Vũ Đình Long. Tôi nói “lặt vặt” là vì Tuân viết mà không mấy thích: Tuân không hợp với ông Vũ Đình Long và sống hơi xa cách ông Long chỉ vì lẽ em ruột của Tuân là Nguyễn Khánh Đàm, nguyên chủ nhân nhà sách Nguyễn Khánh Đàm ở 14 đường Sabourain Saigon (nay là đường Tạ Thu Thâu) lại lấy em gái ông Vũ Đình Long. Vốn tính cẩn thận, tế nhị, Tuân không muốn viết cho một tờ báo của một nhà dân giá dân giáo. Trong khi ấy, Tuân lại thích viết cho những báo khác hơn, nhưng trong các báo này không có tờ nào trội bằng tờ Trung Bắc Chủ Nhật.
Nói cho thật, Nguyễn Tuân nhà văn bắt đầu nổi tiếng từ những truyện ngắn trên tờ báo đó. Biết Nguyễn Tuân, lúc ấy người ta mới tìm những bài cũ của anh đăng trên các báo khác trước đó, như Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tao Đàn, Ích Hữu. Và cũng kể từ đó, Vang bóng một thời mới bắt đầu bật lên, cũng kể từ lúc đó người ta bắt đầu để ý đến Nguyễn Tuân trong Một chuyến đi lúc anh sang Hương Cảng đóng phim Cánh đồng ma.
Đi Hương Cảng, một sự tình cờ đối với Nguyễn Tuân
Phim Cánh đồng ma do Đàm Quang Thiện viết, là cuốn phim đầu tiên của người Việt Nam thực hiện qua sự đóng góp về kỹ thuật của công ty Nàm Duỵt (South China Motion Picture). Tất cả chi tiết lúc đóng phim, Nguyễn Tuân đã kể hết trong Một chuyến đi, khỏi cần nhắc tới. Tôi tìm Vượng sáng nay là để hỏi những chi tiết và nhận xét mà Tuân chưa nói tới hay chưa có ai nói tới.
Tôi: Về Nguyễn Tuân, văn sĩ, có nhiều người đã nói tới rồi. Tôi muốn hỏi anh về Nguyễn Tuân, tài tử màn ảnh, bởi vì anh là người sống gần với Nguyễn Tuân nhất trong thời kỳ sang Hương Cảng, đóng phim Cánh đồng ma.
Nguyễn Doãn Vượng: Nguyễn Tuân văn sĩ cũng như Nguyễn Tuân tài tử lúc nào cũng là một anh chàng khó chịu, làm cho nhiều người tức bực. Lắm khi tôi cũng bực Tuân hết sức, nhưng tôi chịu đựng anh; và theo nhận xét của tôi thì anh cũng có biệt nhỡn nể nang tôi nhiều, cho nên hai chúng tôi lúc nào cũng vẫn đặc biệt cảm tình với nhau. Tuy nhiên, cũng có đôi ba lúc tôi giận Tuân không tả được.
Tôi còn nhớ lúc ở Hương Cảng, tôi đóng phim xong mệt về không buồn ăn uống, lăn ra nằm nghỉ và chỉ mong chợp được mắt cho lại sức. Tuân đi chơi đêm về hút thuốc phiện say, không ngủ được cứ ngồi gãi và hút thuốc vặt. Cứ như thế thì cũng chẳng hại ai, nhưng chết một cái Tuân chướng không chịu nổi: anh cứ lè nhè ở tai tôi nói hết chuyện này sang chuyện khác, mặc dầu tôi đã đuổi cút đi. Quá lắm, anh ta thấy tôi không nghe lại dựng tôi dậy, bắt nghe anh ta nói hết dây cà, ra dây muống. Tức quá, không chịu nổi, tôi vùng một cái đứng lên, đạp cho anh một cái ngã lăn từ trên giường xuống đất. Giá phải một người khác thì anh em sẽ giận nhau; nhưng Tuân khó tính thế nào không biết, chớ qua ngày hôm sau anh ta lại đối xử với tôi niềm nở như không có gì xảy ra.
Một lần khác, cũng trong thời kỳ ở Hương Cảng, Tuân hớt hơ hớt hoảng tìm tôi, nói có việc phải cần ngay một số tiền kha khá lớn. Khỏi nói, ai cũng biết rằng ở hải ngoại, anh em hiếm tiền, nhưng thấy nét mặt Tuân và nghe thấy anh nói là có tiêu “tối khẩn”, tôi phải chạy đông chạy tây lấy những tiền “cắt cổ” đưa anh.
Vài hôm sau, nghe anh em thuật lại, tôi mới biết là Tuân vớ được tiền đã lên một khách sạn lớn nhất ở Cửu Lùng, gọi một ấm chè thật ngon và kêu những bánh ngọt thật đắt tiền, vừa ăn vừa bù khú với một “phì phà chảy”.
Giận quá, tôi đi tìm anh để “sửa lưng” một trận thì anh biến mất tích một hai ngày, chờ lúc anh em hết giận mới dẫn xác về, lấy hai tay che cái mũi to cười hô hố, “hòa cả làng”.
Kể lại mấy câu chuyện để chơi. Thực ra, không lúc nào tôi giận được Tuân bởi vì tôi nhận thấy Tuân là người dù sao thì cũng là vào cái hạng “chơi được”, ngoài ra, riêng tôi lại yêu cái tài của anh, có tài có tật, biết làm sao được?
Tôi: Nhân nói về tài, anh có thể cho tôi biết một ít nhận xét của anh về cái tài đóng phim của Nguyễn Tuân?
Vượng: Trong phim Cánh đồng ma, Tuân chỉ đóng một vai phụ: vai khán hộ. Nhưng ngay lúc bắt đầu tập, tôi đã thấy Tuân có “khiếu” rồi và ngay khi đó tôi nghĩ rằng cái tài của Tuân, trên sân khấu, có thể còn trội hơn trên màn ảnh nữa. Vốn là một người sống nhiều về nội tâm, lại có học, Tuân thông suốt vai trò mình thủ, am hiểu tâm lý toàn bộ vở kịch cũng như cuốn phim nên dễ lột được tinh thần của vai trò. Thêm vào đó, anh lại chịu khó tìm hiểu và “nghiên cứu vấn đề” nên anh đóng phim hay đóng kịch cũng như chơi bời, “uống rượu hết cả cấn”, nếu không xuất toàn lực ra để tận hưởng thì không chịu.
Trông Tuân lúc lên phim trường tập dượt hay thủ vai chính thức, tôi có cảm giác anh là một Sacha Guitry. Và có lúc tôi đã nghĩ rằng nếu có một cái kịch nào “kiểu Sacha Guitry” mà để anh thủ một vai quan trọng, có nhiều phần chắc chắn anh sẽ thành công rực rỡ.
Ở ngoài đời, Tuân là một người lập dị, điệu bộ. Đóng phim, anh cũng điệu bộ, trầm mặc và cố tìm cách nhập vào vai mình thủ. Đoàn Phú Tứ cũng giống Nguyễn Tuân về điểm đó, nhưng có một điều hơi khác biệt: Tuân “ẩn” vào trong vai trò của mình một cách triệt để, hoàn toàn, còn Đoàn Phú Tứ nhiều lúc vô tình lại để lộ cái bản chất thực của Tứ ra.
Tôi: Tuân đóng có một phim Cánh đồng ma thôi ư? Sau đó, anh có dự định gì về một cuốn phim khác với Tuân không?
Vượng: Thực ra, chúng tôi không mấy ưng ý về hãng phim Nàm Duỵt, nhưng lúc ấy chúng tôi phải chấp nhận là vì ở trong nước chưa có kỹ nghệ phim, nhất là lúc ấy là thời kỳ phim câm bắt đầu cáo chung để chuyển sang một giai đoạn mới là phim nói.
Dẫu sao, cũng nhờ phim Cánh đồng ma mà các hãng phim ở Âu châu bắt đầu để ý các tài tử Việt Nam – đã đành là ở thời kỳ phôi thai này, các tài tử Việt Nam chưa được tôi luyện kỹ càng và chính phim Cánh đồng ma chưa được hoàn hảo về kết cấu bố cục cũng như kỹ thuật. Được các hãng phim Âu Tây chú ý, chúng tôi cũng cảm thấy nức lòng. Phim Cánh đồng ma thực hiện năm 1937 thì cuối năm 1938, đầu năm 1939, giám đốc hãng Pathé Nathan là Georges Faure và nhà dàn cảnh của hãng là Thomasset tiếp xúc với anh em chúng tôi nói chuyện.
Sau một bữa tiệc trà tổ chức tại nhà riêng chúng tôi ở 30 đường Henvei d’Orléans có đông đảo anh em nghệ sĩ, văn gia, người đẹp Hà thành tham dự (trong số có Tứ Kiều và bà Mai Căm) với tất cả các anh em chị em đã đi Hương Cảng đóng phim Cánh đồng ma, hai ông Georges Faure và Thomasset đưa ra một kế hoạch dài hạn là mời chúng tôi đóng hai cuốn phim. Đó là phim Le sampanier de la baie d’Along (Người chèo ghe trên vịnh Hạ Long) và phim Postes Frontières (Đồn biên giới) thuật lại một câu chuyện xảy ra trong khi làm con đường hỏa xa Hà Nội – Vân Nam Phủ.
Georges Faure và Thomasset sau đó bắt đầu làm việc liền và chọn lựa những tài tử mà họ xét ra có khả năng có tương lai. Riêng tôi được họ lựa thử vai chính trong phim Đồn biên giới: một tên thổ phỉ Tàu, nghiện thuốc phiện, ngậm ngang con dao găm ở miệng, bắt cóc Pháp kiều. Tôi còn nhớ trong số các tài tử được hãng Pathé Nathan lựa chọn để đóng hai phim kể trên kia, có Nguyễn Tuân, ngoài ra còn mấy người nữa mà bây giờ đã khuất bóng như Nguyễn Dương, Lê Huyên, Tùng Hiệp…
Tôi: Sau đó, vì lẽ gì mà lại không thực hiện được hai cuốn phim nói trên? Vì lẽ gì Nguyễn Doãn Vượng, Nguyễn Tuân và các đồng chí không thấy tái xuất giang hồ trên màn bạc?
Vượng: Như trên kia đã nói, công cuộc điều đình này diễn ra đầu năm 1939. Nhưng Thế chiến thứ nhì lan man, đến tháng Chín 1939, tôi nhận được một thư của Georges Faure báo cho biết là ông ta bị động viên. Thành thử ra chương trình thực hiện hai phim Người chèo ghe trên vịnh Hạ Long và Đồn biên giới không thực hiện được.
Nhưng chúng tôi vẫn chưa hết hy vọng…
Tôi: Các anh lại định tự tay mình thực hiện một cuốn phim với tư bản Việt Nam?
Vượng: Không. Năm 1945, một người Pháp, ban nhạc khí ở đường Borginis Derbordes tên là Bévy gặp tôi và Nguyễn Tuân điều đình thực hiện một cuốn phim lấy trong kho tàng cổ tích Việt Nam làm cốt truyện, mà tài tử nam sẽ có Tuân, tôi và một vài anh em khác, còn tài tử nữ thì có con gái Bévy, Marie Điện hoa khôi trường trung học Albert Sarraut (Hà Nội), và Edwig Feuilleré hợp tác.
Nhưng không may là Cách mạng tháng Tám 1945 nổ bùng, một lần nữa bao nhiêu mưu định lại đành bỏ dở… Tôi về mở hãng tráng ảnh kẽm, còn Nguyễn Tuân thì sau khi ở tù Nhật ra, lại phất phơ sống với nghề viết văn, viết báo ngoài mặt, mà bên trong thì tham gia phong trào cứu quốc chuẩn bị đối phó với Tây sẽ trở lại và Mỹ đứng ở đàng sau Tây.
Còn Tuân, kịch sĩ?
Bây giờ những người bạn chơi kịch với Nguyễn Tuân hầu hết không có mặt ở đây.
Riêng tôi đã từng đi xem Tuân thủ vai chính trong vở Kim tiền của Vi Huyền Đắc tới hai lần, tôi nghĩ không có cách gì hơn là tìm ông Vi Huyền Đắc, vì chắc chắn người viết kịch và người đóng kịch phải tiếp xúc với nhau nhiều và hiểu biết nhau nhiều.
Tôi gặp Vi Huyền Đắc vào một buổi sáng tại nhà riêng anh ở một vùng ngoại ô rất nên thơ. Vi Huyền Đắc đương ngồi xem báo. Sau một cốc rượu mạnh, tôi nói với anh.
Tôi: Tôi muốn viết về một kịch sĩ nguyên là một người bạn thân, nhưng tôi lại không biết anh ta về phương diện kịch nói, chỉ biết về phương diện văn chương nên hôm nay đến phiền anh.
Đắc: Ai vậy?
Tôi: Nguyễn Tuân.
Đắc: À. Tôi nghe thấy anh ta mới mất. Nhưng theo “tin giờ chót” thì tin ấy hình như thất thiệt. Anh có biết gì hơn không?
Tôi: Cùng lắm, tôi cũng chỉ biết như anh vậy. Nhưng có một điều mà tôi chắc chắn là anh hiểu biết hơn tôi là vấn đề Nguyễn Tuân, kịch sĩ. Theo ý anh thì về phương diện kịch, Tuân ra thế nào?
Chắc bạn đọc đã biết Vi Huyền Đắc, một “cây kịch” tiền chiến, từng soạn nhiều vở kịch nổi danh một thời như Uyên ương, Hai tối tân hôn, Ông Ký Cóp… nhiều lần trình diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội và từng được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Vi Huyền Đắc không cần suy nghĩ nhiều đâu.
Đắc: Nguyễn Tuân? Ờ phải, không phải bây giờ, mà bao giờ cũng vậy, tôi nhận rằng Nguyễn Tuân đóng kịch thật hay. Tôi biết và hiểu Nguyễn Tuân nhiều nhất qua vở Kim tiền là một vở kịch dài do tôi biên soạn và cũng chính tôi và Tam Lang Vũ Đình Chí dàn cảnh. Vai chính trong kịch là một ông phán do Tuân thủ.
Có thấy Nguyễn Tuân từ lúc học kịch cho đến lúc tập thử rồi chính thức lên sân khấu trình diễn ra sao, người ta mới biết Tuân nghiên cứu, học hỏi tinh thần vở kịch, tâm lý nhân vật, cố tìm cách “nhập” vào vai trò của mình một cách công phu, tỉ mỉ đến chừng nào. Đứng trên phương diện kịch, cũng như đứng trên lãnh vực văn chương, anh không chấp nhận những cái gì có tánh cách nửa chừng. Anh ước muốn sự toàn mỹ, còn đạt được hay không thì lại là chuyện khác.
Tôi: Cái tính lập dị, lừng khừng của Tuân có ảnh hưởng gì đến nghệ thuật diễn xuất của anh không?
Đắc: Tôi nhận là Tuân lập dị, nhưng trên sân khấu tôi không nhìn thấy cái tính lập dị ấy, tôi chỉ thấy Tuân là một người kiểu cách, cử chỉ thận trọng, do đó mỗi cái hất tay, mỗi bước đi, mỗi cái cười, mỗi câu nói của anh đều có tính toán, nghiên cứu, suy ngẫm, thành thử vai trò của anh thủ rất thực, rất “sống động” và rất sát với cuộc đời thực tế.
Tôi: Tuân có chỗ yếu nào, đứng về phương diện kịch sĩ?
Đắc: Có một điều tôi rất lạ về Tuân. Sinh trong một gia đình Nho giáo, con cụ Tú Lan chuyên viết về vang bóng một thời qua, có những nhà Nho rung đùi uống rượu ngâm thơ rả rích mà chính Tuân lại không biết ngâm thơ. Thành ra lúc tập vở Kim tiền có một điều rất chướng ách, kỳ cục là tôi phải “huấn luyện” cho Tuân ngâm thơ, bởi vì trong đoạn đầu vở Kim tiền có một đoạn vai chính phải ngâm mấy câu thơ.
Đến lúc ấy, tôi mới sực nhớ ra một điều: trong bao nhiêu năm hát xướng, chơi bời và viết lách với Tuân, quả thật tôi không hề thấy anh ngâm thơ bao giờ cả. Thảng hoặc có đêm đi hát, anh có cao giọng hát hay ngâm một vài câu, nhưng chẳng qua chỉ là ngâm tếu, hát quấy, để làm vui anh em chị em trong nhà hát. Câu hát mà Tuân thường hát nhất ở cô đầu là bài lúc kép đàn lên dây cây đàn đáy: từng tưng từng tưng. Ấy là lúc Tuân bắt đầu lên giọng, họa theo tiếng đàn “Xanh, chín chùm xanh xanh…”.
Uống rượu đến khuya, nếu không say lăn say lóc, Tuân còn có một thích nữa là đóng một vở kịch rùng rợn: kịch chết.
Nét mặt rất nghiêm trang, làm ra cái vẻ âu sầu mà không nói một lời, Tuân chít khăn trắng lên đầu, bắt một cô đầu nằm xuống làm người chết. Tuân là khổ chủ đứng lo tang ma, mua chín cây nến cắm chung quanh, đặt một bát cơm quả trứng lên ở phía đầu rồi tắt hết đèn đi, huy động các anh em chị em có mặt ở đấy bưng miệng khóc, khóc ầm ĩ, khóc tru tréo, khóc bù lu bù loa, làm cho hàng xóm rợn tóc gáy lên phải đổ sang hỏi thăm xem có ai vừa “nằm xuống”.
Lấy tư cách “khổ chủ”, Tuân lấy tay bịt miệng lại, ra tiếp những người đến hỏi thăm. Tuân đóng y như thực với một bộ điệu, những lời nói y như thực, làm cho những người đến hỏi thăm tưởng là thực, phải chép miệng phàn nàn: “Tội nghiệp, vừa buổi sáng đây tôi còn trông thấy cô ấy đứng gọi hàng bún chả vào ăn. Thế mà…”.
Tuân rơm rớm nước mắt: “Ấy đấy, khổ thế đấy… Đời người có khác gì ngọn đèn trước gió… nhưng mà thôi, cũng là số kiếp cả… Chúng tôi xin cảm ơn các chị em đã quá bộ đến thăm em…”
Cho đến tàn nửa đêm, mọi người vẫn bị lừa và đến tận gần sáng họ mới biết là bọn “ông mãnh” nó đóng kịch với nhau để lỡm mọi người. Họ hết lời nguyền rủa. Tuân lấy bàn tay cong cong lại che cái miệng và cái mũi to cười rung rúc, đắc chí không chịu được…
Câu chuyện với Nguyễn Doãn Vượng và Vi Huyền Đắc đã giúp tôi hiểu Nguyễn Tuân hơn lên một chút nữa.
Đối với Tuân, đời chỉ là một tấn kịch dài mà người ta chỉ là những diễn viên, những nghệ sĩ có một cái hơn người là thông cảm nhiều hơn, thông suốt nhiều hơn nên đóng vai trò của mình tự nhiên hơn, xác thực hơn. Tính lập dị bất quá cũng chỉ là một khía cạnh tâm lý cần thiết khi đóng cho thực sát vai trò của mình. Người nào chửi mình là lầm hết vì họ không biết rằng mình sống tức là mình đóng kịch.
Saigon, 1-4-1970
1 Comment