Nhạc tiền chiến của Văn Cao có lẽ không còn nhiều liên quan đến thời bây giờ. Thời bây giờ, không còn giấc mộng lên tiên như Lưu Thần và Nguyễn Triệu trong Thiên thai (1941), không còn những chàng ngọng nghịu lời yêu, đem tấc lòng gửi vào tiếng đàn như Trương Chi (1945), cũng không còn người phụ nữ ngồi đan áo trông ngóng bóng lang quân lướt đi ngoài sương gió như trong Buồn tàn thu (1939) nữa. Những bản nhạc này cũng giống nhạc của Đặng Thế Phong ở chỗ, nếu lấy mỹ cảm bây giờ mà nghe, thì thấy chúng rất cũ kỹ.
Nhưng âm nhạc của Văn Cao dường như không ngừng biến chuyển. Nếu như Văn Cao của tiền chiến nổi tiếng với những bản tình ca, thì Văn Cao thời kháng Pháp lại được yêu mến thêm vì những bản hùng ca sôi nổi, khỏe khoắn như Sông Lô hay Tiến quân ca. Sau năm 1975, khi đất nước thống nhất, giai điệu của bài Mùa xuân đầu tiên cũng rất mới mẻ.
Văn Cao làm thơ và vẽ tranh cũng rất tài hoa. Không như nhiều bài thơ của phong trào Thơ Mới, các bài thơ của Văn Cao có một cái gì đó khiến chúng không bị lỗi thời. Những bài thơ như Tuổi già đến, Mùa xuân không nở, Năm buổi sáng không có trong sự thật, Thời gian, Trôi, Không có hai mùa xuân, Có lúc, Ba biến khúc tuổi 65, thậm chí là cả Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc và Những người trên cửa biển, người bây giờ đọc lên vẫn thấy đồng điệu.
Hình như ở Văn Cao có một số nghich lý cùng tồn tại: rất nhút nhát trước các cô gái, nhưng làm sát thủ bắn Đỗ Đức Phin rất dứt khoát; có thể sáng tác rất nhiều, nhưng lại bị kết án im lặng 30 năm. Trong bộ phim tài liệu Buổi sáng có trong sự thật do hãng phim Trẻ & hãng phim Giải Phóng làm năm 1995, ta thấy cách Văn Cao chơi dương cầm rất đặc biệt.
Cái âm thanh dội lên khi ông nắm hai bàn tay lại thành nắm đấm và đập liên tiếp vào những phím đàn được ông gọi là “những nốt nhạc làm tan đi nỗi cô đơn”.
Vũ Thư Hiên có kể về chuyện Văn Cao và Nguyễn Tuân bị gọi lên gặp Trường Chinh sau khi tuần báo Văn đã đình bản. Văn Cao trong giai đoạn sau 1958 sống chủ yếu bằng việc vẽ phụ bản bìa sách. Cuốn Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (Hội văn nghệ Hà Nội, 1972) của Nguyễn Tuân, và nhiều cuốn khác nữa là do ông vẽ bìa.
4 Comments