Đặng Thế Phong

Chưa đầy hai năm kể từ thời điểm Nguyễn Văn Tuyên diễn thuyết về «âm nhạc cải cách», Đặng Thế Phong đã xuất hiện và có những bài hát nổi tiếng như Đêm thu, Con thuyền không bếnGiọt mưa thu.

Sau 1954, các tập nhạc của ông được tái bản nhiều lần ở miền Nam.

Đặng Thế Phong đang học năm thứ hai Thành Chung ở Nam Định thì bỏ dở vì hoàn cảnh gia đình, sau ông lên Hà Nội học Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (l’École supérieure des Beaux-Arts de l’​Indochine) với tư cách dự thính đến năm 1939, tức có thể ông cùng thời điểm khóa VII, tức khóa của Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị.

Nhất Linh thích nhạc của Đặng Thế Phong:

«À này, chị có biết cậu thích nhạc của ai nhất không? Cậu mê nhất là nhạc Đặng Thế Phong. Sau đó là Văn Cao. Thứ nữa mới đến Phạm Duy. Nhưng cậu thích lời nhạc Phạm Duy. Cậu mê cái câu này. Người về ấm lũy tre xanh… Cậu nói sao mà hay thế!»
(Nguyễn Tường Thiết, Nhất Linh cha tôi)

Có lẽ Nguyễn Tuân cũng vậy:

«Ngày xưa, có một lần Nguyễn Tuân, Hoàng Trung Thông về Đông Anh cùng với vợ chồng Nguyễn Hồng Phong – Ngọc Trai. Phong quê ở Đông Anh. Đêm ấy họ đi xem một đoàn cải lương Nam Bộ biểu diễn vở gì đó ở bên cạnh thành Cổ Loa.

Nguyễn Tuân nhớ gần đó có làng Quậy – rượu Quậy rất ngon – quê một đào hát ông đã quen rất lâu. Họ bèn đến hỏi thăm thì được biết cô đào ấy đã thắt cổ tự tử rồi vì bị quy là phản động gì đó trong cải cách ruộng đất. Buồn quá! Họ uống rượu, rượu rất ngon, đúng là rượu Quậy. 

Nguyễn Tuân vừa uống vừa khóc, vừa hát đi hát lại bài hát rất buồn của Đặng Thế Phong: Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi… »

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Lời bài hát của Đặng Thế Phong không hoàn toàn do ông biên soạn (chẳng hạn như Bùi Công Kỳ viết lời cho Giọt mưa thu), và có vẻ chịu ảnh hưởng của Thơ Mới rất nhiều.

Đặng Thế Phong là bạn của Phạm Cao Củng, từng cộng tác cho một tờ báo do Phạm Cao Củng chủ trương, tờ Học Sinh, nhưng với tư cách họa sĩ và nhạc sĩ, chứ không sáng tác văn chương như ta thấy trong trường hợp của Thạch Chương, tức Cung Tiến, trên tờ Sáng Tạo sau này.

Đặng Thế Phong vẽ truyện tranh Giặc Cờ Đen, Hoàng tử Sọ Dừa, minh họa cho truyện của Phạm Cao Củng, sáng tác một số bài hát cho học sinh và hướng đạo sinh, như bài Sáng trăng, Sáng trong rừng hay Gắng bước lên chùa (do Phạm Cao Củng đặt lời, in trên báo Tin Mới năm 1940). Jason Gibbs có đặt ra giả thuyết người có bút danh Hoàng Thái đã đặt lời cho bài Đêm thu cũng chính là Phạm Cao Củng. 

Thời bấy giờ, Phạm Cao Củng có khá nhiều mối quan hệ. Ông quen với Phùng Bảo Thạch (là cái ông mà Nguyễn Tuân ghi “đi căn 1 năm vì chứa chấp Phùng”), Lan Khai, Lưu Trọng Lư trong thời gian viết báo cho nhà xuất bản Mai Lĩnh của ông Đỗ Xuân Mai. Cũng thông qua Phạm Cao Củng mà Đặng Thế Phong quen với Hoàng Quý và Tô Vũ.


Phạm Duy dành một đoạn rất dài trong hồi ký của mình (quyển 1) để phân tích các bài hát của Đặng Thế Phong. Trong đó có đoạn:

Tôi vẫn cho Đặng Thế Phong là người đầu tiên đưa ra những bài hát lãng mạn và Văn Cao là người phát triển đến tột độ loại nhạc lãng mạn đó. Ngay từ lúc đầu mùa của Tân Nhạc, ba hay bốn năm trước Văn Cao, trong khi các nhạc sĩ khác như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Văn Chung, Lê Yên… chỉ làm ta rung động vì những bài hát về thiên nhiên thì Đặng Thế Phong dắt ta đi thẳng vào lòng người.

Thời đại của những năm cuối thập niên 30 là thời đại của bà Tương Phố trong phạm vi thơ (Giọt mưa thu) và của Hoàng Ngọc Phách trong phạm vi tiểu thuyết (Tố Tâm) còn rớt lại, đồng thời cũng là thời đại của các thi nhân, văn nhân lãng mạn đang nổi tiếng như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Nhất Linh, Khái Hưng, Lê Văn Trương.

Đặng Thế Phong mất năm 1942 vì bệnh lao, hưởng dương 24 tuổi.

3 Comments

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s