khả năng Trần Trọng Kim

tran-trong-kim

Trong Một cơn gió bụi (1969, Saigon: Vĩnh Sơn), Trần Trọng Kim mấy lần bảo mình chỉ là một thân già gặp cơn ngộ biến tòng quyền biết sao, mặc dù trong mọi sự cụ làm đều có một tấm lòng vì dân vì nước. Sau khi nghĩ kỹ thì, tôi thấy tấm lòng của cụ đúng là đáng trân trọng, nhưng cái lực của cụ không có. Về mặt hình thức, tuy Bảo Đại nghĩ rằng nội các của mình ở một địa vị có thể thương lượng với Nhật, nhưng thực tế Nhật nắm đằng cán. Chính phủ thời Đế Quốc Việt Nam không phải do dùng bạo lực cách mạng mà giành lấy, cũng không thu phục được rộng rãi quần chúng lúc bấy giờ đã chán nản con đường chống đế quốc kiểu quân chủ chuyên chế. Hồ Hữu Tường từng kể, năm 1945, trong lúc ông đang trú tại nhà ông Lê Văn Văng ở Hà Nội, đã nhận được thư từ Trần Trọng Kim, thông qua Phan Kế Toại, gửi đến cho 12 người mà đứng đầu là Tạ Thu Thâu, rồi tới ông, rồi sau đó là Trần Văn Giàu, Đặng Thái Mai, Nguyễn Xuân Chữ, Trần Văn Ân, Nguyễn Tường Long, Ngô Đình Diệm, Bùi Ngọc Ái, Vũ Đình Di, Vũ Đình Hòe, Lê Toàn, mời về Huế lập tân nội các, nhưng Hồ Hữu Tường từ chối, cũng như nhiều trí thức khác. Điều này cũng cho thấy trí thức cũng như quần chúng bây giờ không còn mất ai muốn đi theo con đường bảo hoàng như Phạm Quỳnh hay các nhà nho thời Cần Vương, thời Văn Thân nữa. Thế nên nội các Trần Trọng Kim chỉ duy trì được vẻn vẹn 5 tháng mà thôi. Và nếu Nhật rút đi, mà sau này Pháp quay lại thì e cũng khó lòng chống đỡ.

Nhiều chi tiết trong Một cơn gió bụi cũng cho thấy cái thái độ lần lữa của người Nhật trong việc trao trả độc lập cho Việt Nam, từ những chậm chạp thoái thác trong thương thuyết, đến chuyện đưa Trần Trọng Kim sang Singapore rồi ở hoài ở đó, khiến cho cụ Dương Bá Trạc chết luôn ở nước ngoài với căn bệnh ung thư. 

Quan trọng nhất là, cụ Kim cũng thừa nhận rằng, người Nhật lúc này cũng còn toan tính xem nên chọn giải pháp Bảo Đại hay giải pháp Cường Để thì có lợi hơn nữa mà. Cái tréo ngoe ở chỗ, trong khi Cường Để không phải lựa chọn số một của người Nhật ở Đông Dương, mà là Bảo Đại. Thì với Bảo Đại, cụ Kim cũng không phải lựa chọn số một cho chức thủ tướng, mà là Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Diệm lại là người thân tín với Cường Để. Mặc dù cho rằng Bảo Đại nhu nhược, nhưng qua những lời kể lại về sau, ngay cả trước và sau vụ phế truất Bảo Đại năm 1955, ông Diệm lúc nào cũng tôn trọng Bảo Đại. Dường như tư tưởng trung quân đã ăn sâu vào nhận thức của ông Diệm, thông qua lời dạy của cha là Ngô Đình Khả, nên Ngô Đình Diệm mới có cái hành xử với nhà vua như thế. Bảo Đại, trong hồi ký Con rồng Việt Nam (1990, Nguyễn Phước Tộc), cũng bày tỏ rằng mình tin tưởng Diệm là người liêm chính, dù không phải lúc nào cũng để cho Diệm đứng ra làm chủ mọi việc. Chẳng hạn như Bình Xuyên về sau cũng có nhiều quan hệ với Bảo Đại. Trước đây, khi mà hồi loan, Bảo Đại cũng đã chọn Ngô Đình Diệm làm thượng thư, cùng với Phạm Quỳnh, Bùi Bằng Đoàn, Hồ Đắc Khải, và Thái Văn Toản. Nhưng sau Ngô Đình Diệm từ quan về quê hình như vì không đồng tình về việc gì đó. 

Nhân tiện, chính quyền Ngô Đình Diệm về sau có phải là chính quyền bù nhìn không? Lúc ông Diệm lên làm thủ tướng, tình thế cũng chẳng khác gì cụ Kim: một chính quyền không có quân đội. Hơn nữa, lại còn gặp tình thế “loạn 12 sứ quân”, từ Bình Xuyên cho đến Hòa Hảo. Thế nên Pháp hay Mỹ đều nghĩ ông Diệm sẽ chẳng trụ được lâu, thế mà chính ông Diệm đã bình ổn được mọi thứ, và làm nên kỳ tích. Richard Nixon, trong cuốn No more Vietnams (1985), đã ví vai trò Ngô Đình Diệm quan trọng như tảng đá đỉnh vòm, cân bằng các lực để duy trì ổn định, mà chỉ khi bị lấy đi người ta mới thấy nó quan trọng. Chính vì Ngô Đình Diệm rất cứng rắn trong việc điều hành đất nước, thậm chí tới mức độc tài, nên nhiều nhóm chính trị ở miền Nam, tuy cùng ý chí chống Cộng, vẫn không đồng tình với Diệm. Và cũng Diệm về sau không còn ngồi cùng chiếu với Mỹ mà Mỹ hậu thuẫn cho cuộc đảo chính năm 1963. Ngô Đình Diệm là một nhà lãnh đạo có ưu và nhược điểm, đã làm được nhiều điều nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Giờ đây nhìn lại, chính nhờ có ông Diệm mà nền Đệ Nhất Cộng Hòa mới ra đời, tạo ra thành trì cho những người đứng bên này so với V.M., nhưng nếu như ông Diệm chấp nhận tổng tuyển cử thì sẽ thế nào? Kịch bản nào sẽ diễn ra cho lịch sử Việt Nam? Điều đó thật khó nói.

Người Nhật quan tâm nghiên cứu Trần Trọng Kim, vì đó là một trong những mấu chốt cho một tương lai họ đã bỏ lỡ ở Đông Dương.

4 Comments

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s