Hồ Hữu Tường về thời gian ở Pháp và nhóm ‘ngũ long’

ho-huu-tuong-41-nam-lam-bao

Trích từ chương 1 của cuốn 41 năm làm báo (1972, Saigon: Trí Đăng) của Hồ Hữu Tường

Tháng 11 năm 1930, các báo ở Pháp đăng một tin sét đánh, nhứt là đối với các sinh viên Việt. Bạo động bùng nổ ở Yên-bái, Hải-dương, Lâm-thao,… Những nhà cách mạng lôi cuốn được lính khố xanh, đã cướp đồn, giết quan trấn thủ người Pháp, trong lúc mà nhiều nơi khác, lựu đạn thô sơ chế tạo trong xứ nổ lung tung. Rồi mấy ngày sau, báo nào cũng đăng tải tin tức về những cuộc dội bom, những khủng bố và thông cáo ,chánh quyền thực dân cho biết “đã làm chủ tình thế”.

Lúc ấy, tôi đương học tại Đại học Lyon, đã nạp luận án thi Cao học về toán, chờ thi. Còn việc học khoa sư phạm, dạy hai tháng tập sự tại trường trung học, để chuẩn bị thi thạc sĩ toán học đã hoàn tất. Trước ngày ấy, trước mắt tôi chỉ thấy cuộc thi thạc sĩ. Khi đi tập sự, giáo sư ngạc nhiên nói: “Đây là lần thứ nhứt mà có một thí sinh trẻ như thế này. Tôi lại ngạc nhiên hơn nữa, vì người ấy không phải là người Pháp, mà phải học với ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ”. Mấy lời khen, tuy thành thật, song không khỏi làm tôi phải thẹn, một cái thẹn có lẽ bởi quá hãnh diện mà ra. Kết quả là tôi còn học toán hăng hơn nữa.

Nhưng từ khi tôi có tin bạo động ở Yên-bái, những hình, những phương trình, những định lý toán học bay đâu hết, không còn trong trí tôi, trước khi nhắm mắt ngủ. Lòng tôi sôi nổi luôn bởi những hoạt động cách mạng. Mà cách mạng như thế nào, tôi không có chút ý thức. Thành phố Lyon, trước kia đầy rẫy sinh viên Tàu. Họ có tổ chức những nhà trọ cho sinh viên ăn ở rẻ tiền, có công ăn việc làm, tức là một lối “sinh viên lao động”. Bây giờ, họ về xứ bớt. Nhưng tại Đại học, vẫn còn lưu lại một Institut franco-chinois, còn tấm bảng cẩm thạch to tướng gắn trong hành lang. Bầu không khí ấy làm cho tên tuổi của Tôn Dật Tiên được nhắc đến mãi. Mà vào tuổi sinh viên, câu được nhắc nhiều hơn hết là: “Nhất cách mạng, nhị phu nhân”. Đối với đa số sinh viên, hễ nhắc đến câu ấy thì anh em cười xòa, cho rằng không đúng. Vì vào tuổi ấy, “nhất phu nhân” mới phải, nhứt là tại Lyon là thành phố mà thường giựt giải hoa hậu cho gái Pháp. Nhưng bấy giờ tôi mới thấy rằng Tôn Trung Sơn có lý. Trong nhà ngủ, có mấy anh bạn thuê phòng ở trọ. Hễ cắm đầu học từ sớm cho đến sáu giờ, thì đầu đã nặng, cần nghỉ ngơi, lại gặp lúc mấy cô đầm tan sở ra về, ra đón mà tán, thì đầu óc mau tỉnh táo lại, để ăn tối, thì là một món khai vị rất ngon lành mà chẳng tốn tiền chi cả… trừ khi người đẹp nhận lời ngay, thì đêm ấy giốc túi. Nhưng từ khi có bạo động Yên-bái, tôi bỏ cái lối “khai vị” nọ mà tản bộ dọc bờ sông Rhône để trầm tư về tiền đồ xứ sở.

Kết quả của một tháng trầm tư nầy, là tôi viết thơ cho anh Hội trưởng hội A.G.E.I (Đông-dương sinh viên tổng hội: association générale des étudiants indochinois, nay còn nhớ, trụ sở ở đường Gay Lussac, Paris V). Tôi nhờ cho biết ở Paris có thể đi dạy học tư, đủ tiền ăn trong tháng chăng? Vì từ hai năm qua tôi không có tiền từ bên nhà gửi qua, mà chỉ sống bằng cái nghề dạy học tư nầy.

Hơn tháng sau, tôi mới được thơ phúc đáp, ký tên Hồ Văn Ngà. Anh Ngà cắt nghĩa rằng anh mới vừa đắc cử hội trưởng, nghiên cứu hồ sơ, rồi phúc đáp sau khi dò hỏi kỹ lưỡng, nên trễ. Đáng lẽ, tôi đi ngay. Song chỉ còn mấy hôm nữa là tôi sẽ trình luận án thi Cao Học, nên nán lại.

Ngày trình luận án nầy, sáng sớm tôi đã đem rương đi gởi lên Paris, mua vé xe lửa. Đậu rớt gì cũng không cần. Sáng thi xong, chiều tôi đã ngồi xe lửa. Sáng hôm kế, tôi đã bước chơn xuống xe tại nhà ga Lyon ở Paris. Người đón rước tôi là Tạ Thu Thâu, bởi chức vụ của anh là đón rước người mình vừa đến Paris lần đầu cho khỏi bỡ ngỡ.

Xe taxi đưa tôi đến thẳng Cachan, một xóm ngoại ô Paris. Đây là biệt thự do Huỳnh Văn Phương mướn và sắp trả vì mãn giao kèo. Khi sang Pháp học, Phương đã cưới vợ. Bên vợ giàu, cho chị Phương sang Paris theo chồng, cùng hai em trai đi du học. Gia đình đông đảo, có đàn bà, nên thuê villa nhỏ ở cho rẻ, và có nhiều tiện nghi hơn là ở phòng ngủ. Vào nhà, thì chị Phương đã về xứ trước với hai em. Trong nhà tôi lại gặp cụ Phan Văn Trường ở một phòng, khít với phòng tôi.

Cụ Phan vốn là một bực túc nho, sang Pháp trước thế chiến. Bên nhà, cụ đã học tiếng Pháp, sang bên này, cụ học thêm, để vào Đại học. Kịp đến khi cụ Phan Châu Trinh bị biệt xứ gởi sang Paris, thì cụ Phan Văn Trường sát cánh với cụ Tây Hồ. Chiến tranh Âu-châu bùng nổ năm 1914. Lập tức, thực dân Pháp ra lịnh tuyển mộ lính và nhân công sang Pháp để “giúp mẫu quốc”. Sợ tiếng nói của hai cụ Phan được những người tung chinh nghe theo, Pháp dựng đứng một cuộc “âm mưu giả tạo” để chụp mũ hai cụ và một số người Việt khác, mà bắt nhốt vào ngục. Nhốt như vậy cho đến đời G. Clémenceau lên làm thủ tướng, nhờ luật sư Marius Moutet can thiệp, các cụ mới được thả ra. Cụ Phan Văn Trường có viết một hồi ký, nhan đề là “một chuyện âm mưu người An-nam ở Paris” và đăng trong tờ l’Annam, mà cụ làm chủ nhiệm. Khi ra tù, hai cụ được Nguyễn Thế Truyền, học xong ở Toulouse lên hiệp tác. Đầu tháng bảy, cụ Tây Hồ móc nối được với Nguyễn Tất Thành, lúc đó ở London, nên viết thơ gọi về Paris, Nguyễn Tất Thành vốn là con trai của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, sau cải danh là Nguyễn Sinh Huy, là bạn thân của cụ Tây Hồ, và cũng là đồng chí trong phong trào 1908. Đến 1918, nhóm nầy lại được Nguyễn An Ninh ở Sài-gòn sang nhập bọn. Người ngoài cho đó là năm con Rồng, bởi người Việt xưng mình là “con Rồng”. Linh hồn của nhóm “ngũ long” nầy là cụ Phan Châu Trinh. Và khi chường ra công chúng, nhứt là khi viết báo chống thực dân, thì ý kiến thường do cụ Tây Hồ xướng ra, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh thảo thành tiếng Pháp, và giao cho Nguyễn Tất Thành đem giao cho nhà báo với một bút hiệu chung. 

Về cái bút hiệu nầy, có một giai thoại kể ra buồn cười. Lúc ban đầu, các cụ chọn bút hiệu là Nguyễn Ố Pháp. Nghĩa là thằng Nguyễn ghét người Pháp. Tên nầy được độc giả Pháp hoan nghinh lắm, vì giọng nói dí dỏm đặc biệt của người Việt, lại thêm câu văn của Ninh và Truyền gọt giũa, nên có duyên. Độc giả gởi thơ đến nhà báo hỏi Nguyễn Ố Pháp là ai và tên ấy có nghĩa gì? Các cụ buộc lòng phải dịch cho ngay tình, Các bạn Pháp phản đối cái tên cực đoan và dễ ghét, mà tiếng Pháp gọi là sô vanh (chauvin), và đề nghị đổi đi. Từ đó, bút hiệu Nguyễn Ố Pháp bị đổi ra là Nguyễn Ái Quốc. Về sau, bốn vị kia tách ra, nên Nguyễn Ái Quốc còn lại riêng cho Hồ Chí Minh.

Khi ban đầu, tên mới lạ là Nguyễn Ố Pháp, chẳng bao lâu đổi thành Nguyễn Ái Quốc xuất hiện, ai cũng muốn biết người nầy bằng xương bằng thịt là ai. Nhứt là mấy thám tử của bộ thuộc địa. Một lần tại câu lạc bộ Faubourg, có một thanh niên đưa tay lên xin nói. Chủ tọa trước khi trao lời, hỏi tên họ để giới thiệu thì thanh niên xưng mình là “Nguyễn Ái Quốc”. Làm cho thính giả chăm chú nghe. Và thám tử, đêm ấy vô cùng sung sướng, vì đã viết được một bản phúc trình về cho bộ trưởng. Bộ trưởng không tin, chỉ nghĩ rằng “Nguyễn Ái Quốc chỉ là một bút hiệu mới của Phan Châu Trinh mà thôi”. Nhưng trước sự “bằng xương bằng thịt” dầu là ông bộ trưởng, làm sao mà cãi bây giờ? Bèn ra lịnh tống trát đòi “Nguyễn Ái Quốc đến cấp tốc tại bộ thuộc địa gặp ông bộ trưởng”, nhưng lại đem trát giao tận nhà Phan Châu Trinh. Cụ Tây Hồ gọi Tất Thành đến giao tờ trát, Tất Thành cầm trát đến gặp ông bộ trưởng Pháp và câu đầu nói xỏ rằng “Nguyễn Ái Quốc là tôi. May mà trát gởi đến nhà chú tôi là Phan Châu Trinh, nên được chú tôi đưa lại. Không thì lạc mất rồi. Từ nầy về sau, hễ muốn gặp tôi, thì gọi ngay tôi nơi địa chỉ, đừng làm phiền đến chú tôi nữa”. Bộ trưởng bộ thuộc địa đành câm miệng hến. Ngầy ấy, cụ Tây Hồ xỏ Tây tế nhị được, xuống chợ Mouffetard mua lòng lợn về mời đủ năm Rồng xơi một tiệc “khải hoàn”.

Tôi ở chung với cụ Phan Văn Trường được hơn tuần, thì cụ về xứ. Trong thời gian đó, ngày nào tôi cũng quấn quít theo bên cụ, mà nghe cụ kể những mẫu chuyện thăng trầm của đời tranh đấu mình. Cụ rất vui tính, cười hề hề, dầu cho chuyện bi đát, cụ cũng tìm thấy vài nét ngộ nghĩnh để mà trào lộng. Cụ là một bực học giả uyên thâm, các sách hay của Tây phương lẫn Đông phương, cụ đều đọc cả. Cụ nói:

– Tôi đọc được nhiều là nhờ nghèo. Mùa lạnh ở nhà rét quá chịu không nổi, mà mih2 không đủ tiền mua than củi để sưởi. Đành vào thơ viện từ chín giờ sáng đến mười giờ tối, gián đoạn bằng hai lượt đi ăn. Vào thơ viện, phải im phăng phắc, thì đọc sách là việc bắt buộc.

Triết học, kinh tế học, lịch sử, xã hội học, tôn giáo… sách nào căn bản, cụ đều có nghiên cứu kỹ. Luận án thi tiến sĩ luật của cụ bàn về chủ nghĩa Bôn-sê-vích ở Nga, đem áp dụng vửa được cuộc cách mạng. Nhưng mà trong thâm tâm, cụ chê tất cả các triết gia Tây phương, ngay cả Marx nữa:

– Bọn nó vì tự cao ám thị mà chẳng chịu ngó đến văn hóa Đông phương, thành chui rút vào tháp ngà, không có một cái nhìn thống quan. Riêng có anh chàng Schopenhauer khiêm tốn, đọc sách Phật, nên tác phẩm của y đọc dễ chịu hơn.

Tôi xin hiến cho đàn hậu tấn nhận định của một bực tiền bối đã dày công đọc sách và suy gẫm.

Tôi vốn học toán. Những cái mà tôi biết về triết, là nhờ học lóm với cụ Phan Văn Trường trong thời gian nầy. Học chỉ ban ngày thôi. Đến tối, những anh Thâu, Phương và Chánh qui tụ về, ráp nhau cãi chánh trị với cụ. Bấy giờ, ba anh này đã đi sâu vào chủ nghĩa Marx, thiên về cánh Trotsky, nên cố tình thuyết phục cụ Phan ngã theo lập trường chánh trị của họ. Nhưng cụ Phan một mực chê Marx còn hẹp hòi. Ở đây nên nhắc lại một lời của cụ dường như là một tiên tri:

– Các anh rồi sẽ xem. Chủ nghĩa cộng sản mà sang qua Á-đông mình, thì sẽ chẳng khác gì văn hóa Mông-cổ chinh phục nhà Tống. Về chánh trị, họ sẽ thắng. Còn về mặt văn hóa, chủ nghĩa cộng sản sẽ bị Phật giáo đồng hóa, chẳng khác chi văn minh Mông-cổ bị văn minh Tàu đồng hóa vậy.

Bốn mươi mốt năm đã qua, sự đụng chạm giữa chủ nghĩa cộng sản và Phật giáo mới bắt đầu. Hãy còn sớm mà phê phán lời tiên tri của cụ Phan Văn Trường.

Ngày mà cụ Phan lên xe lửa đi Marseille để đáp tàu về nước, là ngày mà chúng tôi dọn nhà. Mỗi người tìm chỗ ở riêng. Tôi vốn không tiền nhiều, dọn đến ở chung với một anh bạn, tên Đặng, có thuê được phòng rộng ở gầm vườn Parc Montsouris. Ban ngày mạnh ai nấy đi lo việc của riêng mình. Đến bữa cơm tối thì gặp nhau tại đường Cujas, mà ăn tại quán cơm Shanghai, để nhơn tiện trao đổi tin tức. Trong ngày, lẩn quẩn vùng đó, hoặc đến phòng cách sanh viên “kèm toán” cho các anh còn dự bị thi tú tài, hoặc la cà vào thơ viện của Sorbonne. Vào ban trưa, sau bữa cơm, tôi bắt chước một số mà ra ngồi vườn Luxembourg mà tán gẫu. Nơi vườn này, đầu tháng năm, hoa đã trở, lá đã khoe xanh, trời đã khoáng đãng, đẹp đẽ vô cùng, mà các nữ sinh viên lại tô điểm những cái đẹp nhân tạo vào cái đẹp của thiên nhiên, làm cho đời sống lữ thứ không đến nỗi tẻ nhạt lắm. Trong khung cảnh này, tôi gặp lại một anh bạn, cùng với tôi đi chuyến tàu sang Pháp năm 1926, bấy giờ học khoa học tại Sorbonne. Ấy là Ngô Ngọc Đối lớn tuổi hơn tôi, xem tôi như em ruột, gặp tôi rủ đi gặp hai người nữa để gầy sòng belote. Một trong hai người nầy đương làm ký giả ăn lương của một tờ báo lớn, tên là tờ l’Humanité, cơ quan trung ương của đảng cộng sản. Ấy là Nguyễn Văn Tạo. Tạo cùng với Đối và tôi đã thi tú tài I tại Aix-en-Provence. Đối với tôi đậu kỳ tháng Juin. Kỳ Octobre, Tạo mới đậu, nhưng không tiền đi học nữa, Tạo sang Brignolles mà gác con nít trong một trường nhỏ. Nơi đây, Tạo làm quen với một lãnh tụ cộng sản, tổ chức Tạo vào đảng, thấy Tạo làm việc hăng hái và trung kiên, nên đề cử lên Paris mà thay chơn cho một người Việt khác là Liêu Sanh Trân, vừa bị mất tín nhiệm. Anh Liêu Sanh Trân nầy, năm 1927, đã cùng với Trần Văn Ân tổ chức tại Aix-en-Provence một tờ báo nửa tiếng Việt, nửa tiếng Pháp, lấy tên là l’Annam scolaire. Báo nầy cổ xúy mở đại hội nghị sinh viên Đông-dương tại Aix-en-Provence mùa hè năm 1927 rất sôi nổi. Trân có tài viết tiếng Pháp và diễn thuyết, nên được đảng cộng sản kéo lên Paris để làm việc gì đó trong văn phòng của ủy ban trung ương đảng. Nhưng Trân bắt đầu ăn chơi rồi làm một cái gì mà làm mất tín nhiệm.

Nguyễn Văn Tạo là người Gò-đen, con nhà nghèo và mồ côi, được ông hội đồng Võ Công Tồn mến, nâng đỡ cho sang Pháp. Có đạo đức hơn, nên được trọng dụng. Chẳng bao lâu, Tạo được đề cử vào ủy ban trung ương đảng cộng sản Pháp, và với đảng danh là Antas. Tạo được gởi sang Moscou, trong phái đoàn của cộng sản Pháp mà dự hội nghị kỳ thứ sáu của Quốc tế cộng sản, tức là Đệ tam quốc tế. Những hành vi của Tạo, đối với tôi đều rõ. Nhưng khi chúng tôi gặp nhau, thì chỉ giải trí bằng những chuyện Marseille, tức là một lối tiếu lâm Pháp, tục tiễu có lẽ còn trắng trợn hơn tiếu lâm của ta. Chúng tôi vừa kể tiếu lâm, vừa chơi bài belote. Lệ chơi là bên nào thua, thì trả tiền mấy tách cà phê mà bốn người đã uống. Vận của tôi bao giờ cũng đỏ, nên Tạo luôn trả tiền. Đời tôi chưa từng trực tiếp ăn tiền của Moscou. Nhưng mấy lần này, nhờ cờ bạc, mà có liếm láp chút đỉnh mấy tách cà phê sữa. Nhắc chuyện nầy, không phải để kể rằng mình quen với cộng sản gộc, mà để nhấn mạnh vai trò của các sòng belote trong mấy ngày sắp tới.

Tôi lên Paris không phải để đi học nữa, càng không phải để đi cờ bạc. Chính là bởi thời cuộc đưa đẩy, muốn làm một cái gì đó để góp phần với non sông. Khi bước chơn lên đất thủ đô Pháp, tôi đã nói điều đó với Tạ Thu Thâu. Và Thâu rất đồng ý. Đầu năm 1928, trước khi xuống tàu về Sài-gòn, Nguyễn Thế Truyền giao Tạ Thu Thâu việc lãnh đạo đảng Việt-nam độc lập, là đảng mà Truyền sáng lập.

Theo lời cụ Phan Văn Trường thuật lại, thì năm 1922, khi Nguyễn An Ninh sắp sửa về nhà mà sáng lập tờ báo La cloche fêlée, thì cụ Phan Châu Trinh có đưa ra một phân công, gọi là “ngũ long tề khởi”. Tại quê nhà, bầu không khí thực dân và phong kiến còn quá nặng, Ninh lãnh sứ mạng đem tư tưởng dân quyền của Pháp ra mà “dĩ di diệt di”. Nên chi báo của Ninh nêu lên đường lối là “cơ quan tuyên truyền cho tư tưởng Pháp” (organe de propagande des idées francaises) Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Thế Truyền thì tựa vào đảng xã hội, sau biến thành cộng sản, nhưng Thành thì thiên tả mà đi vào lao động, Truyền thì đứng trên lập trường “quốc gia mượn thế lực cộng sản để mưu đồ sự giải phóng dân tộc”. Còn hai cụ Phan thì chờ Ninh xung phong, dọn dẹp chông gai bên nhà, hai cụ sẽ về góp sức mà tiến lên gây một phong trào dân chủ. Nhưng mà theo kế hoạch nầy, phân ra thì có, mà tụ lại thì chưa. Năm 1925, quả Ninh có rước hai cụ Phan về xứ. Nhưng sang năm 1926, cụ Tây Hồ lìa trần, Ninh lo tổ chức quần chúng, giao cho cụ Trường đứng mũi chịu sào tờ l’Annam. Rồi Ninh vào tù, cụ Trường ba chìm bảy nổi, bị án tù, sang Paris chịu vào khám. Còn Tất Thành mang tên chung là Nguyễn Ái Quốc, theo cộng sản luôn, một đi không trở lại.

Nguyễn Thế Truyền vào đảng cộng sản Pháp, mượn phương tiện mà thành lập Việt-nam hồn, sau đổi lại Hồn Việt-nam, rồi Phục Quốc… Nhưng đảng cộng sản Pháp, sau khi tổ chức được một số cán bộ cộng sản Việt-nam trung kiên, không cần cái văn phòng tuyển một chiến sĩ, là phong trào ái quốc, thêm nữa, không đưa thêm phương tiện cho Nguyễn Thế Truyền làm báo. Cảm thấy mình lơ láo, Truyền bỏ đảng cộng sản, ra hợp cùng một số đồng chí mà sáng lập đảng Việt-nam độc lập cờ vàng năm ngôi sao đỏ. Chính là đảng nầy mà Truyền giao cho Thâu lãnh đạo trước khi về xứ. Thâu bèn bỏ học, biến thành một nhà “cách mạng chuyên nghiệp”. Lần lần Thâu đọc sách mà thiên tả, kéo luôn hai bạn thân là Huỳnh Văn Phương và Phan Văn Chánh theo mình. Thành ra khi tôi đến Paris, thì đảng Việt-nam độc lập đã tàn lụi, chết không kèn không trống. Những đồng chí cũ của Thâu trong đảng này mà những bạn bè mới thì chỉ tiến tới giai đoạn làm nhà ái quốc có cảm tình với xã hội chủ nghĩa mà thôi.

Khi vấn đề được đặt ra, cụ Phan Văn Trường khuyên đừng cho sống lại đảng V.N.Đ.L. cổ lổ, mà cũng chưa nên tô màu sắc chánh trị rõ rệt. Sau khi bàn cãi, chúng tôi chọn một cái tên rất nhu mì là “nhóm Việt Kiều tại Pháp” (les Émigrés vietnamiens en France). Và tờ báo, cơ quan của nhóm lấy tên là Tiền Quân. Rút kinh nghiệm của mấy năm đã qua, không thể khai thác luật báo chí của Pháp mà ra báo công khai nữa. Như vậy là tôi vào làng báo với một tờ báo bí mật. 

Tuy là báo bí mật, song cũng tổ chức hẳn hòi. Không biết khi tôi sanh ra, được sao nào chiếu mạng, song hễ vào nhóm nào, thì bị đưa làm thủ lãnh. Phen nầy, không phải nhờ tài, chẳng phải nhờ đức, cũng không phải “tuổi đảng cao” hay có uy tín gì cả. Nhưng bởi những anh em khác đều bận việc, còn tôi có thời giờ nhiều, nên tôi phải gánh cái trách nhiệm là “chủ nhiệm”. Ngoài ra còn có một lý do rất quyết định, là cả thảy đều đã hoạt động và có tên vào sổ bìa đen, bị mật thám theo dõi. Còn tôi ở tỉnh vừa lên, chưa có hành tung chánh trị nào cả, sự đi lại không bị ai nghi thì lãnh chức này tiện lắm. Ngoài cái vinh hạnh vừa bước vào làng báo mà đã làm chủ nhiệm, tôi còn có một vinh hạnh hiếm có là có được một bộ biên tập rất cừ, dẫu chưa có danh lừng, cũng sẽ lừng danh.

Đứng đầu là vị chủ bút Phan Văn Hùm. Phan Văn Hùm đã vào làng báo từ năm 1923, với tờ báo, tuy có tên tây là le Jalon, nhưng viết bằng tiếng Việt. Thuở ấy Hùm học tại trường công chánh Hà-nội, hợp cùng với Nguyễn Văn Tuệ mà sáng lập tờ báo viết tay nầy. Tuệ cũng học cùng trường, cùng lớp, ngoài việc viết báo, Tuệ góp phần chẳng nhỏ cho văn hóa nước nhà bằng cách đem cải lương của miền Nam ra phổ biến ngoài Bắc và lập gánh làm bầu. Báo le Jalon quyết ăn thua đủ với Phạm Quỳnh. Hệ số Nam Phong nào ra, thì Hùm đem ra mổ xẻ tơi bời, bắt bẻ từ ý kiến đến hành văn và từ ngữ. Ra trường với chức “trường tiền”, Hùm và Tuệ được bổ vào huế. Nơi đây cụ Phan Bội Châu vừa được A. Varenne ân xá và bị đày vào Bến Ngự, hai công chức nầy giao thiệp ra mặt với nhà cách mạng, lo chén cơm manh áo cho cụ, lại còn đem tư tưởng ái quốc mà phổ biến cho đám thanh niên. Học sinh trường nữ học bãi khóa, Hùm đem về nuôi đầy nhà. Thực dân chẳng biết làm sao, năn nỉ hai người xin từ chức mà khỏi trả tiền học bổng đã xài trong ba năm. Hùm về nhà giao thiệp với Nguyễn An Ninh, mà tổ chức “hội kín”, dính vào vụ đánh lính, bị bắt giam. Khi thả ra, Hùm viết thiên hồi ký Ngồi tù khám lớn (…)

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s