Thua Nguyễn Tuân 10 tuổi, thời điểm Tô Hoài mới in sách lần đầu thì Nguyễn Tuân đã có tiếng từ lâu. Và Tô Hoài thấy mặt Nguyễn Tuân hình như là trước khi Nguyễn Tuân đi tù năm 1941 vì đó là thời điểm mà Nguyễn Tuân đương đăng hàng kỳ tiểu thuyết Thiếu quê hương trên báo Hà Nội Tân Văn của Vũ Đình Dy (bắt đầu từ ngày 2-1-1940).
Viết Cát bụi chân ai, câu văn Tô Hoài không tuân thủ quy tắc ngữ pháp, mà bộc phát từ các ấn tượng trong ký ức. Khi Tô Hoài kể chuyện, những sắp đặt, dù có trật tự và khéo léo, cũng không quan trọng bằng sự trôi chảy của mạch hồi tưởng.
Hình như Tô Hoài không phải là một người khoáng đạt trong suy nghĩ. Nếu như Nguyễn Tuân có thể làm cho muôn vật khác nhau dính líu tới nhau, nhiều khi bởi những liên tưởng kỳ quặc, thì Tô Hoài, mặc cho một phần đáng kể trong văn nghiệp liên quan đến nhân hóa loài vật, lại không giỏi tưởng tượng bằng.
Tô Hoài cũng không kỳ công và không quá nghiêm túc. Chữ dùng của Tô Hoài rất phong phú, nhiều khi lạ, nhưng chúng nhiều khi là phương ngữ, là tiếng lóng mà Tô Hoài cũng chẳng thèm tra từ điển xem có không. Cái phong phú của Tô Hoài đến từ, trước hết, là sự lịch duyệt của ông. Tô Hoài có một đặc điểm là ông rất dễ dãi, là kiểu người “sao cũng được”. Ông ăn bọ xít, ăn món nhau thai của Nguyên Hồng, chơi gay với Xuân Diệu, hay đi đám tang Trần Thiếu Bảo của nhà Minh Đức mà không cảm thấy có một vấn đề gì với chúng cả. Nhiều khi người ta bảo như vậy là không được, Tô Hoài nghe vậy chứ cũng không cảm thấy như vậy. Ở Tô Hoài có một cái gì đó rất sơ khai, rất vô minh, chính vì thế mà cái ác trong mắt Tô Hoài chỉ như là chuyện ăn thịt nhau của thế giới loài vật. Trong Ba người khác, chẳng hạn, người ta thấy một Tô Hoài lãnh đạm với cái đau khổ và cái bần tiện. Không chính không tà, không thiện không ác, không tinh tế, không sắc sảo. Dường như chỉ có sự ích kỷ là động lực cho cái thế giới dã man mông muội đó.
Nhưng ở Cát bụi chân ai thì khác, Tô Hoài lúc này có rất nhiều chi tiết mà ông hé lộ cái cảm xúc của mình, như cái đoạn Nguyễn Tuân hò Phú Ơn ở Ngã Sáu, đoạn kết nạp Nguyễn Tuân và Xuân Diệu vào Đảng năm 1950 làm ông nhớ những buổi kết nạp trước đó, và tưởng đến những bước đường đến với cách mạng khác nhau của mỗi người. Và nhất là cả đoạn cuối, lúc nhận tin Nguyễn Tuân qua đời.
“- Đêm qua, nghe đài báo ông Nguyễn Tuân mất rồi.
Tôi nghĩ như vẫn buổi tôi ngồi uống một mình ở nhà ông trước hôm đi Cát Bà, như Nguyễn Tuân vẫn nằm yên từ buổi sáng hôm ấy. Nguyễn Tuân! Nguyễn Tuân ôi. Ô hô? Ô hô!”
Ít ỏi vậy thôi, nhưng nó hé lộ cái khía cạnh tình cảm của con người Tô Hoài. Tô Hoài không xuất thân như Nguyễn Tuân, có lẽ cha ông không đưa ông đi nghe hát cô đầu ngày còn nhỏ, cũng không cắt nghĩa cho ông hiểu cái hay cái đẹp của các thú chơi. Gia đình Tô Hoài hình như dệt vải hoặc làm giấy dó gì đó. Ông lớn lên lúc mà miền Bắc đang chết đói như rạ. Cái con người đó thừa chứng kiến sự bần tiện thấp kém của con người để trở nên hoài nghi và xem thường với nhiều thứ. Con người đó trải qua 30 năm chiến tranh, lại có thêm nhiều thứ đáng để giữ trong lòng cho riêng mình biết. Kiểu cách của Tô Hoài hiếm khi bày tỏ cảm xúc qua văn chương, nhưng ở Cát bụi chân ai, nhiều chi tiết cho thấy cái lòng trắc ẩn và thương cảm của Tô Hoài.
Sự ưa quan sát của Tô Hoài cũng không giống Nguyễn Tuân, có gì đó rất tự phát hơn là tự giác. Nguyễn Tuân hình như ý thức rõ việc quan sát là để ghi lại, và cách Nguyễn Tuân ghi lại nó có một sự toàn vẹn, kết cấu. Nhưng Tô Hoài, cái sự ghi nhớ của ông không có sự tập trung hay tinh lọc gì, mà như thể ông nhớ mọi thứ gì gây được trong ông một cái cảm xúc nào đó. Mô tả không với một chủ ý gì, mà từ đó người ta đọc ra một số thứ về con người:
“Chiều thứ bảy, như có đoàn thám hiểm ập đến nơi hoang vu. Đấy là những chuyên gia Thụy Điển làm việc ở xưởng tàu Phà Rừng ngồi ca nô đến, có mấy cô gái điếm đi theo. Một cô khoe với tôi ở ngoài hành lang là cô đã đọc Vợ chồng A Phủ! Các người nước ngoài chơi trên sân gác sáng tràng, quẳng vỏ chai Lúa Mới xuống vịnh, hò hát lảm nhảm suốt đêm. Hôm sau, một đám trai gái từ Hà Nội xuống đi tàu ra đảo. Như những người digan lang thang. Bạt và màn cuốn trong ba lô, vai đeo những can nhựa đựng rượu. Hỏi ra đều là cán bộ kỹ thuật và văn phòng đi chơi ngày nghỉ, sớm thứ hai lại có mặt ở các sở làm. Các bạn trẻ đều đã học ở nước ngoài về. Cuộc nhảy không có nhạc, nền xi măng lạo xạo ngay trước phòng tôi. Các bạn mời tôi ra chơi rồi xúm lại kéo tôi nhảy. Không ánh trăng, không đèn, không tiếng nhạc, chỉ có tiếng quay mình huỳnh huỵch, chân lào xào như người đi đêm trên bãi cát. Tôi đành kiếu. Nhớ một đêm nhảy múa man dại thế này trong tiếng trống rầm rộ trên bờ biển thành phố Dar es Salaam xế dưới Đông Phi. Chốc nữa, các bạn ấy trở về dãy nhà ngang đằng kia, mười mấy người mà chỉ thuê có một buồng. Tôi ngồi lại đây trông vào mịt mùng nhìn thấy xa lắc xa lơ một thời đã qua. Âu cũng là cái nhộn nhạo thuở nào được khuấy động chốc lát. Tôi cũng sợ rồi, tôi ngồi im.”
Cách viết như thế chả trách có người bảo Nguyễn Huy Thiệp là truyền nhân của Tô Hoài. Những thứ dường như rất vô chừng, rất ngẫu nhiên, được đưa vào văn làm nên những sắc thái xấu xí của con người. Nhưng sau cùng nó lại trở lại cái trạng thái hoài niệm, một cái trạng thái không đầu cuối và miên man xuyên suốt Cát bụi chân ai. Sự hoài niệm này có thể Tô Hoài chịu ảnh hưởng từ Nguyễn Tuân.
Cả cái thú hay đi, cả thói quen uống rượu, chừng như cũng sẽ có bóng dáng của Nguyễn Tuân trong đó nốt. Nguyễn Đăng Mạnh đã cho thấy Tô Hoài chừng như chẳng có xem ai trong cái làng văn là cao đẹp gì, nhưng Tô Hoài lại dành riêng Cát bụi chân ai để viết về ông Tuân, và theo tôi, Cát bụi chân ai mới là một trong những tác phẩm hay nhất của Tô Hoài, thì cái đó nói lên rằng, Tô Hoài rất quý và muốn thân với ông Tuân. Và quả thật ông Tuân cũng đã thân với Tô Hoài, nhưng cái kiểu cách của ông Tuân là mọi cái sự thân sơ đều nằm trong một sự sắp xếp của tâm trí. Rất thú vị là một người như ông Tuân, dù có đi chơi bê tha, cũng biết rằng tới giờ phải về là về chứ không đi quá, cũng tức là có tính tự kỷ luật rất cao, lại cũng là một người rất phóng túng trong các tưởng tượng, có thể đi rất sâu vào những đêm của lòng mình. Chính cái tổng thể của những hiểu biết, duyên dáng, chân thật, tự trọng, đĩnh đạc, tài hoa nơi Nguyễn Tuân đã làm biết bao người thích bên cạnh ông, muốn cầu thân với ông, điếu đóm cho ông và bắt chước ông, thì thực chính Tô Hoài cũng vì cái lẽ đó mà bị thu hút bởi Nguyễn Tuân.
Nhưng ngược lại, cũng ở Tô Hoài, ngoài cái sự dễ dãi trong tác phong, cái sự không quá nghiêm túc trong cuộc sống, cái sự ỡm ờ trong đối đãi, lại chứa đựng những tình cảm không to tiếng nhưng mà thâm sâu, chứ không phải một bồ dao găm chực chờ thời cơ chính trị, rồi còn cả những cái tin tức, những cái biết cũng hay hay, thế nên Nguyễn Tuân chỉ một thời gian “không được tào lao đôi ba câu lại thấy văng vắng”. Tình bạn của Tô Hoài với Nguyễn Tuân là một cái kiểu như thế.
Ảnh: Tô Hoài thời trẻ, của Trần Văn Lưu
3 Comments