nghệ sĩ Bảy Nam

nghe-si-bay-nam-kim-cuong

Muốn tìm hiểu về cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, ngoài những cuốn sách đã xuất bản như Làm thế nào để giết một tổng thống của Lương Khải Minh và Cao Vị Hoàng, hay là Nhật ký Đỗ Thọ: tùy viên một tổng thống bị giết, người ta không thể không tìm đến báo chí. Chính báo chí mới là primary sources, còn sách chỉ là secondary sources mà thôi. 

Nhưng số người sưu tầm báo chí chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay, nghệ sĩ cải lương mà làm chuyện đó thì lại càng không có. Thế nên điều thực sự gây tò mò về nghệ sĩ Bảy Nam là việc bà đã sưu tầm rất kỹ lưỡng các bài báo về sự kiện tháng 11 năm 1963. Bà chọn lọc tổng cộng trên 6.000 mẩu tin, cắt ra từ các báo khác nhau, cùng hàng trăm bức ảnh, trong đó có nhiều ảnh các nhà sư tự thiêu trong phong trào đấu tranh phật giáo trước cuộc đảo chính, và những tấm ảnh diễn biến cuộc đảo chính cùng cái chết của hai anh em ông Diệm. Bà cẩn thận đóng thành 6 tập, bìa cứng, mạ vàng dòng chữ “Cuộc đảo chánh Ngô – Đình – Diệm, Ngô – Đình – Nhu (1/11/1963). Saigon. Lê Thị Nam (Sưu tập)”. 

Trong bộ sưu tập này, bài báo đầu tiên là một bản tin của Việt tấn xã Sài Gòn ngày 10/8/1963: “Lộn xộn trong dịp lễ Phật đản tại Huế: Lựu đạn nổ làm 7 người chết, 6 người bị thương. Một số người xông vào đài phát thanh, cơ quan an ninh phải dùng vòi xịt nước giải tán”. Ngoài ra, còn có các bài báo của ký giả nước ngoài viết về tình hình Việt Nam. Đáng chú ý là bài viết của Franx Connif trên tờ Thời báo New York ngày 4/9/1963, được báo chí Sài Gòn đăng lại, có nhan đề Ai đẩy Tổng thống Kennedy vào con đường bế tắc ở Việt Nam? 

Lúc bà Bảy Nam còn sống, Trần Bạch Đằng đã đến mượn bộ sưu tập này để nghiên cứu mà viết cuốn tiểu thuyết Ván bài lật ngửa, sau được chuyển thể thành phim truyện nhiều tập. Sau khi bà Bảy Nam mất, Kim Cương đã trao bộ sưu tập này cho nhà báo Trần Thanh Phương, góp vào bộ sưu tập báo chí đồ sộ của ông. Nhà báo Trần Thanh Phương mất vào tháng 2 năm ngoái (2020).

Về quá trình sưu tầm của bà Bảy Nam, Kim Cương kể, “suốt nhiều tháng liền trong năm 1963, sáng nào cũng vậy, má chị đều mua hàng xấp báo đủ các loại để mọi người cùng xem. Sau khi xem xong, má chị cặm cụi cắt dán, tự tay đóng thành từng tập, lưu giữ những bài báo, bức ảnh mà bà thấy quý. Thấy má làm công việc đó vất vả, tốn khá nhiều thời gian, có lần chị hỏi vì sao lại làm như thế, má chị trả lời: ‘Má muốn giữ lại những tin tức và hình ảnh về những sự kiện to lớn đã xảy ra để cho các con, các cháu sau này còn đọc, còn biết. Bây giờ chưa thấy nhưng mấy chục năm sau các con mới thấy quý’.” (theo bài viết NSND Bảy Nam và bộ sưu tập báo chí về cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm trên báo Công an nhân dân).

Nếu chúng ta nghĩ cho thật kỹ, thì sẽ thấy cái khủng khiếp nằm ở chỗ, dường như giờ đây, khi mà những người đã sống ở giai đoạn đó đều đã chết, và những gì từng được viết về giai đoạn đó đều đã mất dấu, hoặc bị tiêu hủy, hoặc bị cấm đoán, thì mấu chốt duy nhất để nhìn nhận đúng về những nhân vật như Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, hay Trần Lệ Xuân, cùng sự sụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa chỉ có thể được tìm thấy ở cái bộ sưu tập đó của bà Bảy Nam. Trong khi một trong những điểm quan trọng nhất của câu chuyện Việt Nam thế kỷ 20 đã bị phủ một lớp định kiến tàn nhẫn rồi thêm một lớp bụi lưu cữu của thời gian trước khi bị ném về miền vô tăm tích, thì Bảy Nam vô tình đã trở thành một con người cần mẫn, chăm chỉ và lặng lẽ đóng vai trò là người nắm giữ một trong những chiếc chìa khóa mở ra sự thật.

Theo một bài viết trên RFA, bà Bảy Nam có vở Mắng Việt gian, từng tham gia dự thi sáng tác văn nghệ toàn quốc, nhưng lại bị loại bỏ, không được giải gì. Nội dung của nó thế nào, có lẽ chỉ có Kim Cương và một số rất ít người biết. 

Con người Bảy Nam thật sự thú vị, khi nói như giáo sư Trần Văn Khê, rằng bà luôn bằng lòng với những vai phụ: đứng sau Năm Phỉ, đứng sau Kim Cương, nhưng nhờ có bà mà những vai chính trở nên thật lộng lẫy. Phải chăng, thông qua việc sưu tầm này, bà cũng đang muốn đóng một vai phụ nào đó, làm chậm nhịp bước của lịch sử vào hư vô?

Và đến lượt mình, khi Bảy Nam cũng sắp sửa bước vào một hư vô, thì cũng như Trần Văn Khê nói, chính Kim Cương với tình hiếu đạo của mình đã làm sáng sủa gương mặt mẹ, cũng như Phạm Thị Ngoạn đã làm cho cha mình là Phạm Quỳnh, hay Tôn Nữ Hỷ Khương làm cho cha mình là Ưng Bình Thúc Giạ Thị.

Sau đây là một số bức ảnh bà Bảy Nam mà tôi sưu tầm trên mạng:

Nghệ sĩ Bảy Nam và những người bạn diễn chung đoàn hát một thời

Nghệ sĩ Bảy Nam và nghệ sĩ Thành Lộc chụp tại HTV năm 2002. Ảnh: Thanh Hiệp

Chân dung nghệ sĩ Bảy Nam

NSND Bảy Nam và bé Tô Rô (Gia Vinh) trong vở “Lá sầu riêng” năm 1979 (ảnh gia đình cung cấp)

Bảy Nam và ba con: Kim Cương, Kim Quang và Ngọc Thố (ảnh gia đình cung cấp)

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến nhà thăm nghệ sĩ Bảy Nam. Ảnh: Thanh Hiệp.

Nghệ sĩ Bảy Nam tiễn Kim Cương sang Pháp năm 1965 (ảnh gia đình cung cấp)

Áp phích một bộ phim của đạo diễn Marcel Camus có Bảy Nam đóng.

3 Comments

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s