Bốn tiêu chí để đánh giá một bài viết IELTS task 2 là độ đáp ứng đề bài, độ liên kết nội dung và hình thức, vốn từ, cùng độ đa dạng và chuẩn xác của ngữ pháp. Mỗi một tiêu chí trong số đó lại dựa trên những tiêu chí nhỏ hơn nữa, và được chấm bằng một thang đo từ 1 đến 9. Điểm 0 chỉ dành cho những ai không dự thi, không làm bài, hoặc chép ra một bài viết trong trí nhớ mà không ứng biến ngay tại chỗ.
Độ đáp ứng đề bài (task response)
Theo Writing Task 2: Band Descriptors (Public Version) của British Council và IDP, 9 hạng mức của tiêu chí này được mô tả như sau:
- Lạc đề.
- Hầu như không đáp ứng yêu cầu đề bài. Không trình bày lập trường; có cố gắng trình bày 1 hoặc 2 ý, nhưng không có sự phát triển ý.
- Đáp ứng nhưng không đủ bất kỳ phần nào của yêu cầu đề bài. Không trình bày lập trường; có ý, nhưng ý lại không liên quan hoặc không được phát triển đầy đủ.
- Đáp ứng rất hạn chế yêu cầu đề bài. Hình thức tổng thể không phù hợp. Có trình bày lập trường nhưng không rõ ràng; có ý chính nhưng khó xác định, và trùng lặp, lạc quẻ, hoặc không được củng cố.
- Đáp ứng phần nào yêu cầu đề bài. Hình thức nhiều chỗ không phù hợp. Trình bày lập trường nhưng sự phát triển không rõ ràng, hoặc không có kết. Trình bày một số ý chính nhưng hạn chế và không được phát triển đầy đủ. Có chứa chi tiết lạc quẻ.
- Đáp ứng đủ các phần của yêu cầu đề bài, nhưng thiếu sự cân bằng vì có phần nhiều phần ít. Trình bày lập trường rõ ràng, liên quan, nhưng kết không rõ ràng hoặc trùng lặp. Trình bày ý chính liên quan, nhưng không được phát triển đầy đủ hoặc không rõ ràng.
- Đáp ứng đủ các phần của yêu cầu đề bài. Trình bày lập trường rõ ràng xuyên suốt bài viết. Trình bày, mở rộng, và củng cố các ý chính nhưng có vẻ quá chung chung và/hoặc ý phụ thiếu sự tập trung.
- Đáp ứng đủ các phần của yêu cầu đề bài. Câu trả lời được phát triển tốt với những ý phụ liên quan, mở rộng, hợp lý.
- Đáp ứng hoàn toàn đủ các phần của yêu cầu đề bài. Trình bày một lập trường được phát triển đầy đủ để đáp lại câu hỏi đề bài, với những ý phụ liên quan, được mở rộng hoàn toàn, và hợp lý.
Từ các mô tả trên đây, ta thấy nổi rõ lên một số vấn đề cần làm rõ: Thế nào là sự đầy đủ trong đáp ứng các phần của yêu cầu đề bài (the completeness in addressing all parts of the task), sự liên quan và rõ ràng của lập trường (the relevance and clarity of position), sự phát triển của ý (the development of ideas) và sự phù hợp của hình thức (the appropriateness of format).
Thế nào là các phần của yêu cầu đề bài (parts of the task)?
Trước hết, hãy cùng bàn về khái niệm các phần của yêu cầu đề bài (parts of the task). Một đề bài thì có nhiều hơn 1 yêu cầu ư? Vậy cụ thể là những phần nào?
Để dễ bàn hơn, có thể thử lấy một đề mẫu như sau:
You should spend about 40 minutes on this task.
Write about the following topic.
The first car appeared on British roads in 1888. By the year 2000 there may be as many as 29 million vehicles on British roads. Alternative forms of transport should be encouraged and international laws introduced to control car ownership and use. To what extent do you agree or disagree?
Give reasons for your answer and include any relevant examples from your knowledge or experience. Write at least 250 words.
Có thể thấy các phần của yêu cầu đề bài như trên bao gồm:
- Trả lời câu hỏi: Bạn đồng ý hay không đồng ý với hai việc khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thay thế cho xe hơi và ban hành luật quốc tế để kiểm soát tư hữu và sử dụng xe hơi.
- Cung cấp lý lẽ cho câu trả lời của bạn.
- Cung cấp những ví dụ liên quan dựa trên kiến thức và kinh nghiệm cá nhân để chứng minh lý lẽ.
- Số chữ phải ít nhất 250.
Sau khi tham khảo rất nhiều các đề bài writing task 2 khác nhau, mình thấy rằng, bất cứ một đề bài nào cũng chỉ gồm các phần sau: (1) Trả lời câu hỏi, (2) Cung cấp lý lẽ để củng cố câu trả lời, (3) Cung cấp ví dụ dựa trên kinh nghiệm và kiến thức cá nhân để chứng minh lý lẽ. (4) Ít nhất 250 từ.
Hình thức bài viết (format) và sự phát triển của ý (the development of ideas)
Trong khi (4) rất dễ xác định, thì (1), (2), và (3) lại bị nhập nhằng với cái gọi là sự phát triển của ý và hình thức bài viết. Bởi vì chỉ cần xem qua thì có thể thấy dường như có tồn tại một hình thức, hay cấu trúc bài viết hàm ẩn dựa trên tiêu chí đầu tiên của writing task 2. Hình thức đó như sau:
Mở bài: Dẫn nhập. Và có chứa câu trả lời cho câu hỏi ở đề bài. Câu trả lời này phải liên quan, không được ngoài lề, và rõ ràng. Đây là lập trường (position) mà mình sẽ bám sát xuyên suốt bài viết.
Thân bài: Gồm ít nhất 2 ý chính (tối ưu là 3), hay main ideas, cũng tức lý lẽ, hay reasons, để củng cố cho lập trường. Mỗi ý chính lại gồm các ý phụ, hay supporting ideas, củng cố cho ý chính. Bản thân ví dụ, hay examples from personal knowledge and experience, cũng có thể đóng vai trò như một ý phụ. Đó chính là phát triển ý. Mỗi ý chính được trình bày thành một đoạn văn riêng biệt; các đoạn văn này phải tương đương với nhau về số chữ. Đó chính là phân đoạn (paragraphing) mà ta sẽ trình bày ở tiêu chí 2.
Kết bài: Phải không được lặp với các ý đã trình bày.
Đây được xem là một hình thức phù hợp cho bài viết writing task 2. Chỉ cần bám sát vào nó, cộng thêm đảm bảo số lượng chữ tối thiểu 250, ta sẽ thỏa mãn được tiêu chí đầu tiên.
Sự liên quan và rõ ràng của lập trường (the relevance and clarity of position)
Hầu hết các đề bài writing task 2 đều có một sự lỏng lẻo về mặt lý luận. Chẳng hạn như bản thân đề tài nói trên tồn tại một số tiền giả định (presupposition) mà người viết phải tạm chấp nhận, ngay cả khi nó có khiến họ cảm thấy không chắc chắn và nhập nhằng. Cụ thể hơn, việc khuyến khích sử dụng phương tiện thay thế và ban hành luật quốc tế về tư hữu xe hơi đâu nhất thiết phải có bất cứ mối liên hệ (correlation) nào với sự gia tăng số lượng xe hơi ở Britain? Hiệu quả cũng như các vấn đề phái sinh từ việc sử dụng phương tiện thay thế đã được kiểm chứng hay chưa? Ở cấp độ vĩ mô và khách quan, cho rằng sử dụng phương tiện thay thế sẽ làm chậm quá trình biến đổi khí hậu hay ùn tắc giao thông, nhưng ở cấp độ vi mô và chủ quan, việc này có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của cá nhân mình thì sao? Cũng như việc ban hành luật quốc tế về tư hữu và sử dụng xe hơi là một ý rất chung chung, một khi cụ thể hóa nó với những chương trình hành động thực tế, với các đối tượng, quy mô, chế tài ở từng khu vực một, thì sẽ có nhiều vấn đề khiến mình đồng tình hoặc phản đối nó.
Tuy nhiên, đề writing task 2 lại không cho phép người ta bàn rộng vấn đề ra, hay vận dụng các kiến thức liên ngành phức tạp. Chỉ với 250 từ, mà người ta buộc phải trình bày một vấn đề rất khái quát như vậy thì chắc chắn sẽ gây ra một sự nhập nhằng, không chắc chắn trong nhận thức của những đầu óc có tính phản biện cao.
Đây có lẽ là lý do mà đã có nhiều bài báo khoa học bàn về tính chất validity của đề IELTS trong việc đảm bảo năng lực ứng viên đủ để dự phần vào môi trường học thuật. IELTS, với tư cách là một bài kiểm tra năng lực tiếng Anh, có những giới hạn của nó.
Cách duy nhất để một người có đầu óc critical đưa ra một câu trả lời súc tích, rõ ràng và liên quan cho câu hỏi của đề writing task 2 là phải chấp nhận sự lỏng lẻo của lý luận, và chấp nhận bàn về vấn đề ở một mức chung chung. (Nếu muốn phát triển năng lực viết theo kiểu có tính đời thực cao này, có thể tham khảo cuốn The Structure of Argument của Annette T. Rottenberg và Donna Haisty Winchell.
Chiến lược phù hợp nhất để lập trường rõ ràng và liên quan là người viết nên đồng tình hẳn hoặc phản đối hẳn với quan điểm nêu ra trong đề bài. Nên nhớ rằng, IELTS writing là để đánh giá việc viết như thế nào chứ không đánh giá việc viết cái gì hay viết để làm gì. Nên mình chỉ nên tập trung vào lý luận hình thức để tránh bị ngợp bởi quá nhiều suy nghĩ.
Đối với một người giáo viên luyện IELTS, những kỹ năng cần dạy học trò để giúp họ thỏa mãn tiêu chí này gồm: kỹ năng phân tích yêu cầu đề bài (address all parts of the task), kỹ năng xác định lập trường (nail down the position), kỹ năng kết cấu bài viết (format), kỹ năng phát triển ý (ideation and development of ideas).
Độ liên kết về ý và về hình thức (coherence and cohesion)
Cũng theo Writing Task 2: Band Descriptors, bản thân tiêu chí được đánh giá theo thang đo 1-9 như sau:
- Không thể truyền đạt bất kỳ một thông điệp nào.
- Rất yếu trong việc làm chủ những đặc điểm về tổ chức ý.
- Không có tổ chức ý. Dùng rất ít và dùng sai các phương tiện liên kết.
- Có tổ chức ý nhưng thiếu logic. Không có sự tiến triển rõ ràng về nội dung. Dùng phương tiện liên kết cơ bản nhưng trùng lặp và sai. Không phân đoạn hoặc phân đoạn không đúng.
- Có tổ chức ý. Không có sự tiến triển nội dung tổng thể. Dùng phương tiện liên kết không đủ, không đúng hoặc lạm dụng. Lặp từ do thiếu tham chiếu hoặc thay thế. Không phân đoạn, hoặc phân đoạn không đúng.
- Tổ chức ý logic và có sự tiến triển nội dung tổng thể. Dùng phương tiện liên kết hiệu quả, nhưng sự liên kết bên trong hoặc giữa các câu còn sai hoặc cứng nhắc. Tham chiếu không rõ ràng, không phù hợp, phân đoạn nhưng không phải lúc nào cũng logic.
- Tổ chức ý logic và có sự tiến triển nội dung tổng thể. Dùng phương tiện liên kết phù hợp mặc dù đôi chỗ bị quá ít hoặc quá nhiều. Mỗi đoạn văn chỉ xoay quanh một ý chính.
- Tổ chức ý logic. Làm chủ mọi phương tiện liên kết. Phân đoạn đúng và đủ.
- Dùng phương tiện liên kết mượt đến mức không gây “lộm cộm” cho người đọc. Phân đoạn rất điêu luyện.
Có thể thấy có một sự chồng lấp, gối lên nhau của một số mặt của tiêu chí thứ hai với tiêu chí thứ nhất. Cụ thể hơn, yêu cầu về tổ chức ý và tiến triển nội dung lại rất có liên quan đến phát triển ý và hình thức bài viết đã trình bày ở trên. Có thể đây là lý do mà nghiên cứu của Fiona Cotton đã cho thấy độ đáng tin cậy của hai tiêu chí đầu thấp hơn hai tiêu chí sau, và giám khảo cũng thấy khó khăn khi chấm.
Gác lại những nhập nhằng nói trên và đơn giản hóa tiêu chí thứ hai, ta sẽ thấy có bốn phương diện quan trọng của tiêu chí này: sự phân đoạn (paragraphing), năng lực dùng phương tiện liên kết (the use of cohesive devices), quan hệ logic bên trong mỗi câu và giữa các câu (the logical relationship within and between the sentences), và sự tiến triển của nội dung tổng thể (the overall progression).
Sự phân đoạn sẽ dựa trên hình thức bài viết đã trình bày. Về các phương tiện liên kết, như tham chiếu (referencing), thay thế (substitution), liên từ (connectors), vân vân, cũng như quan hệ logic bên trong mỗi câu và giữa các câu, có lẽ có nhiều điều mà có lẽ chúng ta sẽ phải nghiên cứu sau. Rất có thể có liên quan đến kiến thức của môn luận lý học (logics). Còn về sự tiến triển nội dung tổng thể, cách phù hợp nhất để kiểm tra có lẽ là đọc một lượt toàn bộ bài viết để cảm thấy nó có “mượt” và “tiến triển” không hay là “lộm cộm” và “luẩn quẩn”.
Vốn từ (lexical resource)
Những hạng mức đánh giá của vốn từ bao gồm:
- Chỉ có thể dùng một vài từ rời rạc, không thể hợp thành câu.
- Vốn từ rất hạn chế. Không làm chủ được hình thành từ và chính tả.
- Vốn từ rất hạn chế. Năng lực làm chủ hình thành từ & chính tả cũng rất hạn chế. Có những lỗi sai nghiêm trọng làm biến đổi nghĩa của câu.
- Vốn từ cơ bản, lặp lại nhiều lần, và dùng không phù hợp. Năng lực làm chủ hình thành từ và chính tả hạn chế. Lỗi gây khó khăn cho người đọc.
- Vốn từ hạn chế nhưng đủ làm bài. Có lỗi đáng kể về chính tả hoặc hình thành từ gây khó khăn cho người đọc.
- Vốn từ đủ làm bài. Có nỗ lực dùng từ không thông dụng nhưng vẫn có chỗ chưa chính xác. Có lỗi chính tả và hình thành từ, nhưng không làm cản trở việc đọc.
- Vốn từ đủ để diễn đạt tương đối linh hoạt và chính xác. Có dùng những từ không thông dụng, nhưng phù hợp về mặt phong cách và kết hợp từ. Thi thoảng có lỗi về lựa chọn từ, chính tả, hoặc hình thành từ.
- Vốn từ rộng, cho phép diễn đạt linh hoạt, trơn tru, và chính xác. Dùng những từ không thông dụng một cách điêu luyện tuy vẫn mắc lỗi về lựa chọn từ hoặc kết hợp từ.
- Vốn từ rộng. Diễn đạt rất tự nhiên và tinh tế mọi sắc thái nghĩa. Hầu như không có lỗi. Nếu có cũng không đáng kể.
Dựa trên mô tả này, ta thấy khi đánh giá cấp độ 6.5 trở xuống, có thẻ sử dụng các khái niệm: lỗi về từ (lexical errors), chính tả (spelling), hình thành từ (word formation), độ thuận đọc (readability) và độ đa dạng của từ vựng (range of words). Còn khi đánh giá cấp độ 6.5 trở lên thì phải lưu ý thêm những khái niệm: phong cách (style), kết hợp từ (collocation), lựa chọn từ (word choice), độ chính xác (precision). Muốn đạt được cấp độ 9 thì phải đạt được sự tự nhiên (naturalness), và sự tinh tế (sophistication) của diễn đạt nữa.
Độ đa dạng và chuẩn xác của ngữ pháp (grammatical range and accuracy)
Các cấp độ của tiêu chí này bao gồm:
- Không thể hình thành câu.
- Không thể hình thành câu trừ những ngữ đoạn thuộc lòng.
- Có nỗ lực hình thành câu nhưng quá nhiều lỗi ngữ pháp và dấu câu, làm thay đổi nghĩa.
- Cấu trúc ngữ pháp rất nghèo nàn, với rất ít mệnh đề phụ. Có vài cấu trúc chính xác, nhưng vẫn nhiều lỗi ngữ pháp và dấu câu.
- Cấu trúc ngữ pháp tương đối hạn chế. Có nỗ lực dùng câu phức nhưng mắc lỗi nhiều hơn dùng câu đơn. Có lỗi ngữ pháp và dấu câu gây khó khăn cho người đọc.
- Dùng được hiệu quả câu đơn và câu phức. Có lỗi ngữ pháp và dấu câu nhưng hiếm khi gây trở ngại cho việc đọc.
- Dùng nhiều câu phức. Làm chủ được ngữ pháp và dấu câu nhưng vẫn còn lỗi, tuy không đáng kể.
- Cấu trúc câu rất đa dạng. Hầu như không có lỗi.
- Cấu trúc câu rất đa dạng cho phép diễn đạt vừa linh hoạt, vừa chuẩn xác. Rất hiếm khi có lỗi.
Tiêu chí cuối cùng này có những phương diện sau: cấu trúc câu (sentence structure), lỗi ngữ pháp (grammatical errors), đặt dấu câu (punctuation). Muốn đạt cấp độ 9, phải đạt được sự linh hoạt (flexibility) mà vẫn chuẩn xác (accuracy).
Muốn làm chủ được hình thành từ thì phải tìm hiểu kỹ về môn hình thái học (morphology). Muốn đạt được các tiêu chí về vốn từ ở cấp độ trên 6.5, buộc phải tiếp xúc nhiều với tài liệu đời thực (authentic materials). Muốn có siêu ngôn ngữ (metalanguage) để làm công cụ đánh giá các tiêu chí như phong cách, tính tự nhiên, sự tinh tế thì có thể tìm hiểu thêm về ngữ nghĩa học (semantics), phong cách học (stylistics), ngữ dụng học (pragmatics), và phân tích ngôn từ (discourse analysis). Muốn làm chủ cấu trúc câu thì phải tìm hiểu kỹ về môn văn phạm/ngữ pháp (grammar) và cú pháp học (syntax).
Bottom line
Trên đây, ta mới chỉ xem xét từng tiêu chí một cách riêng lẻ. Tuy nhiên, trong một bài viết thực tế, các tiêu chí này có thể chênh lệch đáng kể. Chẳng hạn, vốn từ có thể rất phong phú, ngữ pháp rất chuẩn nhưng lại không phân đoạn hoặc lạc đề. Mặt khác, cũng có những trường hợp mà các thang đo theo đơn vị 1 điểm là quá lớn, mà năng lực người viết lại có thể nằm đâu đó trong khoảng chênh lệch 0.5. Thang đo vận hành như một dải phổ, hơn là một công tắc nhị nguyên. Những thực tế này khiến cho việc chấm một bài viết rất khó khăn chứ không đơn giản. Mặc dù đã có nỗ lực phân biệt các tiêu chí và các hạng mức, người giám khảo cũng vẫn bị mông lung và phải tùy cơ ứng biến mà thôi.
Để hỗ trợ việc chấm bài viết, ta có thể phân nhỏ thành các câu hỏi như sau:
Về độ đáp ứng đề bài:
- Lạc đề hay đúng đề? Có đủ 250 chữ trở lên hay không?
- Bài viết có hình thức mở – thân – kết đầy đủ không? [thiếu các đoạn trong thân bài hoặc thiếu kết bài sẽ bị trừ điểm]
- Có tồn tại một lập trường rõ ràng và liên quan đến đề bài xuyên suốt bài viết hay không?
- Các đoạn trong thân bài có đồng đều về số chữ không? [nếu không sẽ bị cho là phát triển các ý không cân bằng]
- Trong mỗi đoạn của thân bài, có cấu trúc ý chính – ý phụ – ví dụ không? [nếu không thì sẽ bị cho là không có phát triển ý]
Về độ liên kết ý và hình thức:
- Bài viết có phân đoạn hay không? Nếu có thì phân đoạn có hợp lý không? Mỗi đoạn có xoay quanh một ý chính không?
- Có dùng phương tiện liên kết bên trong các câu, giữa các câu, và giữa các đoạn không? Dùng có đúng (phản ánh đúng quan hệ logic giữa các ý) và đủ không? Có đa dạng hóa các phương tiện liên kết không hay trùng lặp?
- Bài viết có sự tiến triển nội dung tổng thể không?
Vốn từ:
- Có lỗi chính tả và lỗi hình thành từ không? Nếu có thì nhiều hay ít?
- Có lựa chọn từ nào kỳ quặc, không chính xác, gây khó khăn cho việc đọc không?
- Vốn từ rộng hay hẹp? Có lặp từ không? Có nỗ lực dùng từ không thông dụng không? dùng đúng không?
- Nâng cao: Dùng kết hợp từ có phù hợp để làm câu văn tự nhiên? Lựa chọn từ có chính xác và hợp phong cách, hợp văn cảnh? Có diễn đạt được sắc thái nghĩa tinh tế không?
Độ đa dạng và chuẩn xác của ngữ pháp:
- Cấu trúc câu có đa dạng không? [Tần suất của mệnh đề phụ (subordinate clause), câu phức (complex sentence), câu ghép (compound sentence), câu ghép – phức (compound-complex sentence), vân vân có cao không? Vận dụng có linh hoạt không?]
- Có lỗi ngữ pháp và dấu câu không? Lỗi nghiêm trọng hay không đáng kể?
1 Comment