Cũng trong lúc đọc GEB, mình lại gặp lại những suy nghĩ về khả năng của thực tại khác.
Douglas Hofstadter viết, Aristotle đã đặt nền tảng cho tam đoạn luận, cũng như Euclid đã đặt nền tảng cho hình học, và suốt nhiều thế kỷ trôi qua, người ta dựa vào đó mà mở rộng phát triển môn luận lý và hình học. Tuy nhiên, đến thế kỷ thứ 19, bắt đầu có những khai phá về các loại hình học khác, những cái nhìn khác về tính chất của các điểm và các đường, với tính chất hợp lệ tương đương. Đó là hình học phi Euclid. Việc này gây chấn động cộng đồng toán học vì nó thách thức những ý tưởng thâm căn cố đế bấy lâu nay của toán học.
Thông tin này liên hệ ngay đến Isidore Isou, người đã chủ trương Letterism ở Pháp. Letterism vốn bắt nguồn từ Dada, cũng lại là một trào lưu nghệ thuật đặt lại vấn đề “thế nào là nghệ thuật”, và Siêu thực. Isidore Isou quan niệm rằng, thực tại ngày hôm nay của thơ là cuối cùng của một con đường, một lịch sử, được mở ra bởi Homer. Homer nằm ở pha amplique, tức là pha khởi đầu, còn thơ bây giờ đã được phát triển, có nhiều thành tựu, nhưng nó đã bị vắt kiệt, đã quá mỏi mệt, nên nó đang ở pha ciselante, tức pha cuối. Và ở đây cần phải có một bước chuyển hóa để bắt đầu một thực tại mới, một con đường mới cho thơ.
Ý niệm về khởi đầu và kết thúc này lại một lần nữa rất liên quan đến vòng tròn, cũng tức là sự vô tận, hay chu kỳ như hình ảnh con ouroboros trong thần thoại tự ăn mình.
Chính Isidore Isou là một trong những người ảnh hưởng lên Guy Debord. Tính chất phản động, tức là đi ngược lại sự tiếp tục bình thường, của Isou đã lây nhiễm lên Guy Debord. Tuổi trẻ của Guy Debord gắn với vandalism, sự nổi loạn, bất mãn với một trật tự sẵn có, và sau này Guy Debord viết nên tác phẩm muốn lật đổ toàn bộ thực tại về thị giác đó là Xã hội diễn cảnh.
We don’t know what to say. Sequences of words are repeated; gestures are recognized. Outside us. Of course some methods are mastered, some results are verified. Often it’s amusing. But so many things we wanted have not been attained, or only partially and not like we imagined. What communication have we desired, or experienced, or only simulated? What real project has been lost?
(Guy Debord’s Critique de la séparation, 1961, translation by Ken Knabb)
“Những gì cần nói đã được nói, những gì cần viết đã được viết, những gì cần làm đã được làm”, Pascal đã thốt lên như vậy, và La Bruyère ở thế kỷ thứ 17 cũng lặp lại, “chúng ta đã đến quá muộn để nói bất cứ thứ gì vì chúng đã được nói rồi”. (“Buổi trưa này xưa kia ta đã đi/ Phải cùng chăng? Lòng nhớ rõ làm chi!”, Huy Cận).
Theo một bài viết về cái chết của văn chương, Harold Bloom, trong cuốn The Anxiety of Influence (1973) đã viết rằng những nhà thơ lớn nhất của thời kỳ Lãng mạn đã hiểu sai những tiền nhân của mình để làm rỗng đi không gian tưởng tượng cho chính họ. Giết chết tiền nhân thông qua việc khinh rẻ họ. T. S. Eliot cũng bày tỏ ý tưởng tương tự năm 1920, khi ông thốt lên rằng “những nhà thơ ấu trĩ thì bắt chước, còn những nhà thơ chín chắn thì ăn cắp; những nhà thơ tồi thì rũ sạch đi những gì họ nhận được, còn những nhà thơ tốt thì biến đổi nó thành một thứ gì tốt hơn, hay chí ít là khác đi”. Borges cũng cùng quan điểm khi ông nói rằng “mỗi nhà văn tạo ra những tiền nhân cho mình”.
Theo Harold Bloom, cái cảm giác đến muộn này không chỉ riêng gì thời Lãng mạn mới có mà dường như nó là một thứ động năng của lịch sử văn chương. Xuyên suốt nhiều thế kỷ, văn chương luôn là một cuộc đối thoại giữa hiện tại với quá khứ, người thời trước tiếp tục sống nhờ người thời sau, người thời sau đọc lại người thời trước theo một cách khác. Họ “gặp nhau trong vinh hạnh của cuộc đời, gặp nhau giữa những đức tin bao la phơi phới”, ngay cả khi “tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giả”. George Steiner vì thế mới nói rằng cái dạng thức tối thượng của phê bình nằm ở chính tác phẩm: “Phê bình một nhà thơ của một nhà thơ nằm trong chính bài thơ của nhà thơ đó” (Real Presences, 1989).
Điều này có nghĩa là viết lách về cơ bản không phải là tự thân, không phải là nguyên bản, mà là tiếp nhận và chuyển đổi. Điều này lại rất liên quan đến khái niệm lặp và khác của Deleuze. Đọc và viết vì thế là hai hoạt động không thể tách rời. Nguyễn Tuân nói về đi và viết, rồi đi, đọc và rồi viết, nhưng theo nghĩa rộng nhất của đọc, thì đi cũng chỉ là đọc chính mình.
Tom McCarthy, tác giả của tiểu thuyết C, đã nói tiểu thuyết “sống với cái chết của chính nó” kể từ Don Quixote của Cervantes. Một tiểu thuyết mà không bị giết chết thì sẽ không bao giờ sống. Nó phải luôn được đọc lại theo một cách khác với cái ý định ban đầu của người tác giả. Và chính bản thân sự “đến muộn” cũng là một chủ đề của Don Quixote, khi mà đại kỵ sĩ tài hoa xứ Mancha của chúng ta cũng theo đuổi cái bóng của một thời đại đã qua, thời đại của những hiệp sĩ.
Walter Benjamin từng nói, nơi ra đời của một tiểu thuyết là sự cô độc của con người cá nhân. Bởi đó là thứ tạo ra cái khác trong cái lặp. Một nhà văn phải chống đối, phải phản bội lại tiền nhân để mở ra một pha amplique khác. Chính vì thế mà Nhị Linh khi viết tiểu luận về Tự Lực Văn Đoàn đã ví Tự Lực Văn Đoàn tạo ra một ngôi nhà, để từ ngôi nhà đó người ta rời bỏ đi và xây ngôi nhà khác cho riêng mình. Thái độ đốt tiền chiến của Thanh Tâm Tuyền và Trần Dần là thái độ của những người muốn bỏ ngôi nhà cũ đi để xây ngôi nhà mới, bởi thực tại của văn chương chữ quốc ngữ đã bắt đầu từ Tự Lực Văn Đoàn, và chỉ có chối bỏ tiền nhân thì mới làm một nhà văn được. Thanh Tâm Tuyền cùng Sáng Tạo đã đặt lại các vấn đề về văn chương. Khi viết Nỗi buồn trong thơ hôm nay năm 1955, Thanh Tâm Tuyền đã bàn về nghệ thuật của hủy thể Dionysus thay vì Apollon, nhằm muốn tìm một khả năng khác của thực tại, tương tự như cách mà Isidore Isou đã tìm cách đi một con đường khác con đường mở ra bởi Homer.
Một ví dụ khác của thực tại và các khả năng của thực tại khác: Sách giáo khoa lịch sử đã bắt đầu lịch sử Việt Nam hiện đại với hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Bởi vì sao, vì các khả năng của một lịch sử khác, với các nhân vật như Nguyễn Thái Học, Tạ Thu Thâu, Trương Tử Anh, hay Ngô Đình Diệm đã chết. Chính vì thế mà Christopher Goscha trong nỗ lực của mình đã muốn viết lại một bài sử khác bằng cuốn A New History (2016) mà trong phần mở đầu ông nói rằng có nhiều hơn một câu chuyện về Việt Nam, chứ không chỉ có một câu chuyện về Việt Nam duy nhất xoay quanh Hồ Chí Minh, một thực tại mà người cổ súy vô cùng mạnh mẽ cho nó là ký giả Frances FitzGerald với cuốn sách giành giải Pulitzer Fire in the Lake.
Nhưng chúng ta chỉ có thể nghĩ về những khả năng của thực tại khác trong một cảm giác đến muộn, một cảm giác hoài niệm. Thế giới chúng ta ngày hôm nay đã là một phần của một thực tại diễn ra, và các vũ trụ hư cấu của Marvel hay của Tolkien cũng như là một giấc mơ về những khả năng của thực tại khác.
“What about the reality where Hitler cured cancer, Morty? The answer is: Don’t think about it.”, Rick to Morty.
Sartre tin rằng con người bị kết án tự do và tính nhân văn của hiện sinh nằm ở chỗ người ta không bị bó buộc vào một danh tính, rằng con sãi ở chùa không nhất thiết sau này phải quét lá đa. Nhưng mà bản thân cái tự do lựa chọn ấy lại nằm trong một sắp đặt lớn hơn của số phận, khi mà trí thông minh, năng lực sáng tạo, tập trung hay kiên trì của chúng ta cũng ngẫu nhĩ không thua gì các yếu tố của môi trường chúng ta sinh ra và lớn lên.
Và hoài niệm hay nostalgia mà có buồn thì rất có thể không phải vì những cái đã xảy ra, những điều đã làm, mà rất có thể vì những cái chưa xảy ra, những điều đã chưa có dịp làm, như cái kết của Mia và Sebastian trong phim La la land vậy.