Trong lúc đọc GEB, đến đoạn nói về cuộc gặp giữa Bach và Friedrich Đại Đế tại Potsdam nơi Bach đã ứng tấu với những chiếc đàn được làm bởi Silbermann, tạo ra những bản nhạc dựa trên nhạc đề của nhà vua, mà sau khi về Leipzig ông đã tập hợp lại thành The Musical Offering, mình mới thấy rất thú vị trước sự tương tự trong cách kết cấu một bản fugue với cách xây dựng các tuyến nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung hoặc truyện tranh của Naoki Urasawa.
Từ “tuyến“ trong “tuyến nhân vật” làm mình tin rằng nó là một lựa chọn từ ngữ phù hợp, ngay cả khi chưa khảo cứu một thuật ngữ tiếng Anh tương đương. Tuyến thì gợi đến tuyến tính, là những đường, cũng như đường đời. Và đường đời là một tập hợp các khoảnh khắc liên tục, cũng tức là một không gian một chiều, chỉ có vô hạn khả năng các khoảnh khắc mới mở ra vô hạn các chiều kích khác, và những chiều không gian này liên quan mật thiết đến giấc mơ. Nhưng chung quy lại, đường đời vẫn là tuyến tính, cũng như sự tuyến tính của thời gian trong nhận thức thực tại của con người. Câu nói của Heraclitus, “không ai tắm hai lần trong một dòng sông”, đã phản ánh cái trực cảm đó của con người, vì dòng sông thì tuyến tính.
Ngôn ngữ thì thường tuyến tính (về các ngoại lệ thì mình không sure lắm). Miệng chúng ta không thể cùng lúc phát ra hai âm tiết khác nhau, hoặc viết đè chồng một dòng chữ này lên dòng chữ khác cũng không thể tạo ra chiều không gian thứ hai, trừ khi đó là ngôn ngữ của loài heptapods trong phim Arrival, được minh họa bằng sự chênh lệch trong đường kính của các vòng tròn.
Một bản nhạc trên năm dòng kẻ của nhạc phổ cũng vậy, luôn phải có thứ tự trước sau. Tuy nhiên, đặc điểm của fugue là ngoài một cái giai điệu chính, tức là một cái giọng dùng để làm nhạc đề (subject), thì sau đó sẽ xuất hiện thêm các giọng khác phỏng theo giọng chính, nhưng ở một cao độ khác, đóng vai trò như đáp đề (answer), tiếp đó sẽ có cả các giọng khác nữa có lối chuyển động ngược lại với giọng rõ theo kiểu đối âm, đóng vai trò phản đề (countersubject), không những vậy, còn có các giọng xuất hiện giữa chừng, tham gia vào cuộc chơi nhưng không đi đến giai kết, đóng vai trò là chủ đề giả (false subject). Từ fugue lại có liên quan đến hai từ fugere (“chạy trốn”) và fugare (“đuổi theo”), nên một bản fugue giống như một cuộc đuổi bắt giữa các giọng, thế nên việc dịch fugue thành tẩu pháp cũng có cái lý của nó. Một bản fugue thường có ba giai đoạn. Đầu tiên là trình bày, nơi các giọng sẽ lần lượt xuất hiện. Sau đó sẽ bước sang giai đoạn khai triển, nơi các giọng có những biến chuyển, lấn át lẫn nhau. Cuối cùng là tái hiện, nằm ở phần kết thúc của một chương, có vai trò đưa mọi thứ trở lại cung thể của nhạc đề chính.
Ví Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung là một bản fugue, thì mỗi nhân vật sẽ là một giọng. Giọng làm nhạc đề chính là giọng mở màn, cũng chính là Đoàn Dự, tức là long bởi vì Đoàn Dự mở màn [nhan đề ban đầu của tác phẩm là Lục Mạch Thần Kiếm], cũng như là người mà Kim Dung dành nhiều phần của tác phẩm để theo chân nhất, mặc dù có lúc ông lại chuyển sang theo chân của Tiêu Phong, lúc đó, giọng rõ nhất sẽ là giọng của Tiêu Phong, tức là thiên, hoặc theo chân của Hư Trúc, để giọng rõ chuyển sang Hư Trúc, tức là Ma Hầu La Già. Các nhân vật khác: Cưu Ma Trí (Ca Lâu La), Mộ Dung Phục (A Tu La), Tứ Đại Ác Nhân (Quỷ Dạ Xoa), A Châu (Càn Thát Bà), A Tử (Khẩn Na La) lần lượt xuất hiện tương tự như sự xuất hiện lần lượt của các giọng ở giai đoạn trình bày. Rồi sau đó, các giọng lại tương tác qua lại với nhau trong mạch phát triển của truyện, như trong giai đoạn khai triển. Kim Dung thi thoảng theo chân Du Thản Chi, nhưng Du Thản Chi chỉ là chủ đề giả. Cứ thế cho đến khi các lực triệt tiêu lẫn nhau để trở lại trạng thái cân bằng ban đầu.
Điều tương tự cũng có thể thấy trong các tác phẩm của Naoki Urasawa như Monster hay 20th Century Boys.
Trong The Musical Offering của Bach có một bản tên là Canon per Tonos. Điểm đặc biệt của nó là khi đang ở cung Đô thứ, thì kết thúc nó lại nhảy lên cung Rê thứ, cứ thế cho đến hết một quãng tám thì nó trở lại cung Đô thứ. Một vòng tròn như vậy được Bach dùng để tôn vinh Friedrich Đại Đế, đại ý muốn nói rằng vinh quang của nhà vua cứ lên mãi lên mãi không ngừng. Nhưng riêng mình thấy ở đó có một cái gì rất gần với khái niệm luân hồi hoặc sự phát triển theo mô hình xoắn ốc được học trong triết học Mác-Lê, và thực ra chính ở sự trở lại, quay về này lại có gì đó vô cùng liên quan đến Kiều, đến 15 năm lưu lạc của Thúy Kiều và sau cùng được đoàn tụ trở lại.
Một số cuốn sách có các chương được đặt như các phần của một bài hát. Chùa Đàn mở ra với Dựng và kết lại bằng Mưỡu cuối. Và cách dùng từ Vĩ thanh cho chương cuối, như trong Kỳ án ánh trăng của Quỷ Cổ Nữ, nó càng cho thấy cái cảm thức về mối tương quan giữa âm nhạc và tự sự.
Và chính vòng tròn này là Strange Loops, khái niệm xuyên suốt GEB của Douglas Hofstadter.
Ảnh bìa: các nhân vật trong Monster của Naoki Urasawa.