một người nằm lại Vũng Chùa

Trong dòng người đưa tiễn đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội và tại Quảng Bình, không chỉ có giọt nước mắt của những cụ già, những người đã nghe tiếng súng đầu tiên của cái đêm đầu tiên toàn quốc kháng chiến ngày 19 tháng 12 năm 1946; những người đã dự phần vào một thế kỷ của phẫn nộ và phản kháng, của niềm tin và hy vọng, của hy sinh và chiến thắng, của ly tán và đoàn tụ, của tổn thương và mặc cảm; những người mà, việc tướng Giáp ra đi đánh động trong tâm hồn họ một hồi chuông tuyên cáo sự khép lại của thời đại chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khi biểu tượng lớn nhất của nó đã mở cánh cửa bước vào cõi hư vô, mà còn có nước mắt của những em nhỏ. Các bạn nhỏ khóc không phải vì từng có một tiếp xúc cá nhân với tướng Giáp, cũng không phải vì từng sống trong thế hệ chiến đấu dưới sự lãnh đạo của tướng Giáp, mà vì từng nghe những câu chuyện kể về tướng Giáp và quân đội nhân dân Việt Nam trong 30 năm kháng chiến. 

Trong phim Lam Vũ, nhân vật Hãn Đông chia sẻ bản thân thấy kỳ lạ khi ngày cha của mình chết thì anh không có nhiều cảm xúc, nhưng khi nghe tin chủ tịch Mao chết thì anh đã khóc mấy ngày liền, những người hàng xóm xung quanh anh cũng vậy. Người ta hay cười khẩy những giọt nước mắt như vậy. Nhưng tôi thấy họ quá cynical để hiểu được những tình cảm ngây thơ.

Đặng Thai Mai kể, ngày còn nhỏ, khi đọc Tam quốc diễn nghĩa đến đoạn Quan Vân Trường chết, Đặng Thai Mai đã khóc nức nở, và phải xếp sách lại đến mấy ngày, sau đó mỗi lần cầm lại cuốn sách, đến chỗ đó là lại phải khóc, rồi lại bỏ sách xuống, thế nên ông đọc cuốn này rất là lâu. Rồi đến khi dìu dịu, có thể tiếp tục đọc nốt, thì đến chỗ Trương Phi chết, ông lại phải khóc. Điều này thực cũng giống như mình khóc xem phim Lord of the ring, đến đoạn đoàn hộ nhẫn tưởng rằng Frodo và Sam đã bị lửa của núi Doom tiêu diệt vậy thôi. Đó không phải là sự khóc vì một kỷ niệm cá nhân nào hết, mà vì mình cảm thấy như có một cái gì đẹp đẽ, lớn lao bị mất đi. Và khóc là một biểu hiện hết sức bình thường của một con người biết phân biệt thiện ác, tốt xấu ở mức cơ bản nhất, và biết yêu những cái điều tốt, điều thiện, điều đẹp.

Việc tướng Giáp chọn Vũng Chùa, đảo Yến làm nơi an nghỉ cuối cùng cũng như nguyện vọng của cụ Hồ về việc hậu sự đã cho thấy cả hai đều xem trọng những điều sau cái chết. Người ta mãi tranh cãi chuyện cụ Hồ có khuynh hướng nationalism hơn hay là communism hơn, trong khi câu trả lời là rất hiển nhiên.

Nhưng cũng chính vì vậy, mà phải nhìn nhận chiến thắng Điện Biên Phủ giống như cái nhìn nhận của NL: Điện Biên Phủ là một lời hồi đáp cho nỗ lực của những con người quốc gia chủ nghĩa, mà tiêu biểu là Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học đã bị chém đầu năm 1930. Những phong trào Văn Thân hay phong trào Cần Vương xét cho cùng đại diện vẫn là những con người của thế kỷ 19. Còn cuộc nổi dậy của Nguyễn Thái Học mới là của những người thế kỷ 20, những thanh niên lớn lên trong cái chế độ bảo hộ mà Pháp thiết lập ở Việt Nam nhưng lại chống Pháp chính vì bất bình với sự cai trị của Pháp.

Rồi dân chúng sẽ phải bước vào cảnh núi xương sông máu. “Nhưng tình thế nước này khó tránh được. Vả chăng, cuộc chiến đấu chống Pháp là cuộc chiến đấu chính nghĩa. Cho nên gia đình này phải có người góp máu vào.” (bà nội của Dương Thu Hương, khi nói về việc cho con trai tham gia mặt trận Việt Minh năm 1946).

Tôi nghĩ một ngày tôi cũng muốn đi thăm Quảng Bình, quê hương của Nguyễn Hữu Cảnh, Bảo Ninh, Ngô Đình Diệm và Võ Nguyên Giáp. Lúc ngồi trên xe nhìn ra cửa sổ, có khi tôi sẽ đeo tai nghe mở bài Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s