Memorable renditions of ‘I dreamed a dream’

Câu chuyện đời tư của Susan Boyle mang lại một cách nhìn nhận phong phú hơn về sự kiện bà ấy nổi tiếng thế giới với bài hát I dreamed a dream tại chương trình Britain’s Got Talent năm 2008. Người ta sẽ liên hệ bài hát đó với cuộc đời Susan Boyle, rằng chính bà cũng đã từng có một giấc mơ trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng rồi cuộc đời đã đưa đẩy vùi dập để người phụ nữ ấy gần 50 tuổi mà vẫn nghèo, độc thân, không xinh đẹp, và cả một chút ngờ ngệch nữa.

Cái câu chuyện đó rất hợp với lời bài hát I dreamed a dream, vốn là lời của Fantine trong Les Misérables khi cô bị mất việc, phải bán tóc, bán răng để nuôi con.

Trong bản thu âm sau cuộc thi, khi hát đến đoạn “and there are storms we cannot weather”, Susan Boyle có một chút crack trong đó. Nhưng rất có thể đây cũng là chủ ý, tương tự như cách hát của Ruthie Henshall.

Trong số những màn trình diễn đáng nhớ nhất của I dreamed a dream, có lẽ không thể không kể đến bản của Anne Hathaway trong bản điện ảnh của Les Misérables năm 2012. Trong đoạn ấy, cô phô bày ra cái đau khổ của nhân vật bằng nét mặt bơ phờ, tiếng nấc nghẹn, động tác run rẩy. Thoạt đầu, cách diễn này làm ta hơi khó chịu vì nó có vẻ cường điệu, melodramatic còn hơn cả bản trên sân khấu.

Nhưng ngẫm kỹ thì ta sẽ bắt đầu thấy cái cảm giác khó chịu này mở ra một câu hỏi mang tính cốt yếu của việc hát: “Thế nào là một cách hát đúng cho một bài hát?”

Trong khi rất nhiều critic trên mạng, bao gồm các fanpage, các vocal coach và cả các chuyên gia reaction, đặt trọng tâm của việc đánh giá một cách hát dựa trên việc cách hát đó có chuẩn xác với các kỳ vọng về làn hơi, phát âm, nhịp, tuy thi thoảng cũng đề cập đến sự riêng biệt trong âm sắc và liên hệ đến các khía cạnh của trình diễn, có một lúc tôi nhận ra đó là một cách đánh giá làm nghèo nàn đi việc hát.

Đó là khi tôi muốn nghe Buồn tàn thu của Văn Cao, không phải do Ánh Tuyết, Ngọc Hạ, hay Thanh Lam hát, mà chỉ muốn nghe Thái Thanh hát thôi. Vì chỉ có Thái Thanh mới có một cách hát như vậy, trong hầu như mọi ca khúc mà bà thể hiện. Và tôi vẫn nhớ có một video trên mạng quay lại bà Thái Thanh hát trong ngày sinh nhật năm 80 tuổi. Lúc trình diễn bài Nửa hồn thương đau của anh trai bà, tôi thấy lúc hát câu đầu “nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng hương xưa”, bà ngân dài chữ “thoáng” và bàn tay bà đưa lên làm một cử chỉ như vén một màn sương thời gian để được nhìn rõ hơn quá khứ, tôi biết rằng đó là Nửa hồn thương đau của Thái Thanh.


Cũng như bài Hương xưa của Cung Tiến. Tuy đã có nhiều người hát: Hà Trần, Trần Hiếu, Lệ Thu, nhưng có không ít người chỉ muốn nghe Duy Trác hát. Đó là một trong những giọng nam hát tình ca mà ngày nay không có nhiều người trẻ biết tới.

Điều này làm tôi nghĩ, vì sao cũng bài hát đó, nhưng chúng ta muốn nghe chỉ một ca sĩ nào đó nhất định hát nó, mà không thỏa mãn với cách hát của ca sĩ khác?

Đó là lúc tôi biết rằng, một ca sĩ thực sự lớn khi họ thổi vào bài hát một thứ sinh khí riêng chỉ mình mới có thể làm được. Và cái cách hát đó qua thời gian, khi nghe lại, nó gợi lại ký ức chung của một thế hệ, những đường xưa lối cũ, những niềm vui nỗi buồn. Điều thực sự làm nên giá trị của một giọng hát là “một nét riêng tư” không thể nào thay thế. Và trọng tâm không thể nằm ở kỹ thuật thanh nhạc, vì kỹ thuật thanh nhạc tuy có thể giúp một giọng hát phát huy trọn vẹn nét riêng của mình, nhưng không thể tạo nên cái riêng. Nếu tất cả mọi ca sĩ đều có cách lấy hơi giống nhau, cách nhả chữ giống nhau, cách ngân, cách ngắt nhịp như nhau, thì tôi thà tạo ra một con rô bốt chuyên hát đúng kỹ thuật còn hay hơn.

Với quan niệm đó, trở lại với bản I dreamed a dream, tôi cho rằng cách hát của Susan Boyle, của Anne Hathaway, của Ruthie Henshall đều legit, đều đúng theo cách riêng của mình. Nhưng nếu hỏi, cách hát nào để lại ấn tượng sâu sắc, về sự riêng biệt mà chính người ca sĩ tạo ra, thì với tôi đó là bản của Anne Hathaway.

Bây giờ chúng ta sẽ nói về tính chất “cường điệu”, “diễn xuất” của cách hát Anne Hathaway.

Có một tính chất người ta gán vào giọng hát, đó là “truyền cảm”. “Ồ, cô ấy có một giọng hát truyền cảm”, nhưng thế nào là một giọng hát truyền cảm? Tôi cho rằng truyền cảm hay không truyền cảm không nằm ở ca sĩ, mà ở người nghe. Cùng một cách hát, nhưng với người này nó tác động mạnh hơn với người khác, có người khi xúc động rưng rưng, nhưng cũng có người dửng dưng lạnh nhạt.

Về phía người ca sĩ, giữa cố gắng phô diễn cảm xúc, như thể mình đang nhập tâm vào một nhân vật nào đó trong lời hát, rồi trình bày, bất chấp cả việc có những tiếng nấc nghẹn và trật nhịp, với việc hát một cách chuẩn xác những yêu cầu của bài hát, tạo ra một hình thức đẹp trọn vẹn, mặc dù không cần thổn thức thì cái nào đúng hơn? Lần này một lần nữa, tôi lại nghĩ là không có đúng hay sai.

Tôi đã từng xem một video Thanh Lam hát bài hát của cha mình, Chia tay hoàng hôn, để tiễn ông về nơi chín suối. Tuy tang gia bối rối, nhưng ca sĩ vẫn hoàn thành bài hát trọn vẹn.

Mặt khác, tôi cũng từng xem Võ Hạ Trâm hát Giấc mơ mùa thu trong chương trình thay lời muốn nói, và hình như lời bài hát gợi cô đến những chuyện tình cảm riêng tư, làm cô vừa hát vừa khóc, mất kiểm soát cao độ và nhịp.

Nhưng ta khó có thể nói được là cách hát nào là thành thật hay giả dối, vì nó thuộc về nội tâm của người trình bày. Có những tột cùng đau khổ được thể hiện ra ngoài bằng chỉ một ánh mắt, nhưng cũng có những cái buồn thoáng qua nhưng người ta lại dùng cả gương mặt bàn tay.

Và ta nên nhớ rằng bản I dreamed a dream của Anne Hathaway là một bản nhạc trong một bộ phim ca nhạc. Nghĩa là ở đó, diễn xuất và âm nhạc là hai phần hòa quyện, không thể tách rời. Nhất là với treatment của cảnh quay cận Fantine, khi không có chuyển động máy, không thay đổi bối cảnh, mọi thứ giữ yên, thì rõ ràng chủ ý của nhà làm phim là trọng tâm phải nằm ở cảm xúc của diễn viên. Chẳng ai muốn xem một cô Fantine hát về đau khổ mà nét mặt lẫn giọng hát không có chút gì đau khổ.

Bản chất của diễn xuất là gì? Là phô bày ra cái bên trong, dù là những cái tế vi nhất. Toàn bộ sân khấu và điện ảnh đều dựa trên cái nguyên lý đó. Một diễn viên đi casting không thể diễn một cách hời hợt rồi bảo là, tuy động tác cử chỉ của em hời hợt nhưng tâm trí em là tâm trí nhân vật, chỉ là vì nhân vật này, tâm trí và cử chỉ không hòa hợp với nhau. Không một đạo diễn nào chấp nhận điều đó, vì chẳng người xem nào đi ngồi suy đoán bên trong đầu diễn viên nghĩ gì. Diễn xuất phải là câu chuyện của hình thức, của động tác. Meryl Streep rất hiểu điều này. Thậm chí cả Tây Du Ký 1986 cũng vậy.
Và Anne Hathaway đã có một diễn xuất xuất sắc trong cảnh quay I dreamed a dream, khi cô thể hiện ra được những cảm xúc rất nhỏ trong từng câu hát. Cách hát của Hathaway không dựa trên khuôn mẫu nào trước đó hết.

Nếu thử so sánh đoạn đầu, “there was a time when man was kind”, theo cách diễn của Henshall và của Hathaway ta sẽ thấy có sự khác biệt. Với Henshall, đó là lúc mà Fantine hoài niệm về quá khứ, và quá khứ làm cô hạnh phúc. Đến câu “then it all went wrong”, nét mặt trở nên buồn lắng. Nhưng Hathaway thì khác. Hathaway bổ sung vào khoảng trống của kịch bản một tư thế, một bối cảnh: Đó là Fantine đang nằm vô hồn nhìn lên trần nhà như sau một ngày mệt mổi, và môi mấp máy bật ra thành những câu thì thầm yếu ớt, loạng choạng, rồi cô mới ngồi dậy. Lúc này, trong gương mặt người hồi tưởng không có cảm xúc vui tươi, mà là một nét buồn rười rượi và những run rẩy thể hiện cảm xúc sợ hãi, mệt mỏi trước thực tại. Dường như Fantine này đã quá mệt mỏi để có thể nở một nụ cười.

Đây cũng là một phần trình diễn được tính toán rất kỹ lưỡng, khi mà xuyên suốt bài hát ta thấy cô lựa chọn những cảm xúc và sắp xếp theo trình tự chuyển biến của lời bài hát. Từ thấp thoáng nét hy vọng (“he filled my days with endless wonders”), chuyển sang giận dữ (“he took my childhood in his strides”), rồi tự giễu (“and still I dream he comes to me”), rồi vỡ mộng (“there’re dreams that cannot be”), rồi bất mãn (“so different from this hell I’m living”), và cuối cùng là sự chấp nhận thực tại trong chua chát (“now life has killed the dream I dream”). Fantine của Hathaway trở thành một Fantine vô cùng sinh động.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s