Souvenez-vous que vous avez, rencontré un soir un instituteur qui pleurait la mort de son père

Đêm ấy nằm trong một phòng ngủ của khách sạn công ty do hãng xe đò dành riêng cho hành khách đi xe của hãng, Tuấn lắng tai nghe trong phòng kế cận tiếng khóc ấm ức rất là thê thảm của một người đàn ông. Tuấn nôn nao cảm động, muốn biết người hành khách đó là ai vậy, và tại sao họ khóc liên miên như vậy, không lúc nào ngớt? Tuấn lóp ngóp bò dậy, khẽ bước chân không ra đứng nơi cửa buồng của chàng. Tuấn lắng tai nhưng không nghe được gì cả, ngoài tiếng khóc thút thít, lúc nức nở, lúc rên rỉ, như kẻ đau khổ đang bị một tai nạn gì bi ai thảm thiết lắm. Một lúc lâu Tuấn thấy cửa phòng mở, và một người đàn ông chạc 35, 40 tuổi từ trong bước ra. Tuấn để ý đến đôi mắt của ông tràn đầy những ngấn lệ.

Ông mặc đồ Tây, không biết từ đâu đến, nhưng có lẽ là xuống xe từ lúc 6 giờ chiều. Bấy giờ đã 10 giờ khuya ông vẫn chưa thay đồ ngủ. Ông đi ra sân sau một lúc trở vào, Tuấn đánh bạo hỏi:

– Thưa ông, sao ông khóc dữ vậy? Ông có điều chi đau khổ lắm phải không?

Người hành khách lạ lại òa lên khóc, vừa ấm ức trả lời:

– Ông… thân tôi… chết!

Thấy Tuấn tỏ vẻ xúc động, ông nói tiếp:

– Tôi làm instituteur (trợ giáo trung tiểu học) ở Tourane, hôm qua được giây thép của mẫu thân tôi ở Nha Trang… báo tin… ông thân tôi chết tại quê nhà… Tôi buồn lắm, cậu à… Tôi thương song thân tôi lắm… Tôi mất ông thân tôi… tức là tôi mất tất cả… (ông lại khóc lớn).

– Thưa thầy, bác năm nay bao nhiêu tuổi?

– Ông thân tôi… thọ 78 tuổi…

– Thưa thầy, bác đau bệnh gì?

– Thân phụ tôi… khỏe mạnh, ổng chết vì bịnh già… Bây giờ tôi về… để tang… và lo an táng… thân phụ tôi.

Thấy Tuấn cũng rưng rưng nước mắt, và gương mặt ngây thơ, ông hỏi:

– Cậu ở đâu?

– Thưa thầy, tôi là một cựu học-sinh Collège Qui-Nhơn.

– Cậu đi đâu đây?

– Tôi đi Huế, tiếp-tục học thi Diplôme.

– Cậu tên gì?

– Dạ, Tuấn.

– Cậu còn song thân không?

– Dạ, thưa thầy còn.

– Cậu có phước quá… cậu phải thương yêu song thân như trong sách luân lý đã dạy… Mình là con trai, được cha mẹ sinh ra nuôi dưỡng cho khôn lớn, phải có hiếu với cha mẹ, phải kính cha mẹ, thương cha mẹ… cha mẹ mình mất tức là mình mất tất cả…

Vừa nói vừa khóc, đến đây thầy trợ giáo lại khóc òa lên khiến Tuấn bùi ngùi không cầm được giọt lệ.

Có lẽ tại vì biết Tuấn là học trò collège, nên tự nhiên thầy trợ giáo sẵn dịp thuyết cho Tuấn một bài học luân lý gia đình bằng tiếng Pháp:

– Souvenez-vous que vous avez, rencontré un soir un instituteur qui pleurait la mort de son père… Vous voyez. Je ne suis plus jeune comme vous, mais devant de deuil cruel qui me frappe, je pleuré comme un enfant… Parce que je suis toujours l’enfant de mon père… un père que j’aime, que j’adore, que je chéris le plus au monde…

(Cậu nên nhớ rằng một đêm cậu có gặp một thầy trợ giáo đang khóc vì cha chết. Cậu thấy không, tôi đâu còn trẻ như cậu, nhưng trước cái tang tàn bạo đang dày vò tôi, tôi khóc như một đứa trẻ, vì tôi vẫn là đứa con của thân phụ tôi, một đấng từ phụ mà tôi yêu, tôi cưng, mà tôi quí hơn hết trên đời).

Nói xong thầy trợ giáo đủng đỉnh bước vào phòng của thầy. Tuấn nhìn theo cái băng tang bằng crêpe đen, dày, và to mà thầy đeo trên cánh tay phải…

Là một thanh niên của thế hệ 1927, sống trong một xã hội còn thấm nhuần đạo Khổng, Tuấn rất khâm phục thầy giáo và tự nguyện rằng mình sẽ là một đứa con có hiếu như thầy và sẽ nhớ mãi những lời thầy khuyên bảo về đạo là con. Cả đêm Tuấn không ngủ được cứ nghe tiếng thầy trợ giáo ở phòng kế cận thút thít khóc cha và Tuấn cứ lặp đi lặp lại nhiều lần mấy câu tiếng Pháp của thầy: «Souvenez-vous que vous avez rencontré un soir un instituteur qui pleurait la mort de son père…»

Tuấn lại nhớ có lần Tuấn trong thấy dán trên vách tường một người bạn có theo đạo Thiên chúa một bức ảnh màu của bà Maria ngước lên Trời đôi mắt đẫm lệ, và ở dưới bức ảnh có chua một câu in nét đậm: «Souviens-toi que ta Mère a pleuré» (con hãy nhớ rằng Mẹ con đã khóc).

Nào là của đạo Khổng, nào là của đạo Phật, đạo Thiên chúa, những câu danh ngôn về đạo đức, luân lý, đầy những nước mắt đã thâm nhập vào tâm hồn còn ngây thơ của Tuấn ngay lúc Tuấn đang còn chập chững phiêu lưu vào đường đời.

Sau này, cuộc đời của Tuấn sẽ thay đổi rất nhiều, xã hội Việt-Nam cũng không còn phong độ thanh cao khương kiện nữa, nhưng Tuấn vẫn không quên câu chuyện của thầy trợ giáo khóc cha, và mấy lời thầy chỉ bảo cho chàng bằng tiếng Pháp ở một quán trọ trên bước đường phiêu lãng.

(Nguyễn Vỹ, Tuấn, chàng trai nước Việt, chứng tích thời đại từ 1900 đến 1970, quyển 1, 569-572)

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s