Nhật ký giáo sinh

nhat-ky-giao-sinh

14.02.17: Trước đám đông trẻ tuổi

Cách xưng hô trong tiếng Việt là một thứ khiến người ta đau đầu vì bản thân mỗi một danh xưng đã hàm chứa trong nó những nguyên tắc hay kì vọng về vai trò và quyền lực của các bên trong một mối quan hệ. Bạn tôi bảo rằng, với người lạ mà tuổi tác không chênh lệch quá xa, tôi nên chủ động xưng hô theo cách mà tôi lớn tuổi hơn họ, vì như vậy sẽ giúp tôi có ưu thế quyền lực. Điều này ngược hoàn toàn với những gì tôi thể hiện trước đây. Với người lớn tuổi hơn hoặc bằng tuổi mình, tôi có thể thể hiện quan điểm một cách rất thoải mái. Và vì thế tôi thích tự xưng là em gọi người ta bằng anh chị, hoặc xưng là mình và gọi người ta là bạn. Nhưng trưởng thành là một điều khó tránh khỏi. Khi được gọi là anh, tôi cảm thấy bối rối vì được gán cho một quyền lực và một địa vị hoàn toàn xa lạ. Tôi cảm thấy phải có trách nhiệm với cái quyền lực ấy. Tôi cảm thấy phải nói lời đúng, làm điều đúng. Còn bây giờ, trước bốn mươi con người trẻ tuổi gọi tôi bằng tiếng “thầy”, tôi không biết mình phải thể hiện như thế nào vì tôi không chỉ được trao quyền lực mà được trao gửi một kì vọng là sẽ định hướng họ đến những điều đúng đắn và tốt đẹp.

Tôi đã làm gì để có được thứ quyền lực này? Tôi đâu có là một điều gì đáng kể giữa cõi đời này để mà trở thành một khung tham chiếu? Hơn thế nữa, một kẻ đã đi qua cả tốt lẫn xấu, thành kiến lẫn tin tưởng, và không còn có thể tin vào bất cứ thứ gì ngoại trừ tin vào mỗi khoảnh khắc mình đang trải qua, thì làm sao tôi có thể dạy những đứa trẻ này tin tưởng được chứ? Làm sao một con người tự do như tôi có thể buộc chúng tuân thủ vào luật lệ?

Giữa bốn mươi con người khác nhau về xuất thân, di truyền và môi trường sống, tôi còn cảm thấy sức nặng của từng hành vi cử chỉ và lời nói của mình. Chẳng hạn nếu mở lời nói về một điều gì đó, thì điều đó sẽ là điều gì? Kỷ luật, điểm số, trang phục, bạn bè hay phim ảnh, âm nhạc, quê quán, gia đình,… Là những thứ tôi quan tâm, những thứ một vài người trong số họ quan tâm, hay là những thứ gắn kết chúng tôi lại với nhau – những thứ mà giữa hỗn độn các thông tin mới tiếp nhận, tôi chưa thể nào bình tĩnh và sáng suốt được? Và liệu tôi có được quyền khái quát hóa hay phân loại họ và đối xử với từng nhóm phân loại một cách phổ quát nhất mà lờ đi sự khác biệt?

Nhưng trước những tờ giấy trắng chưa được viết này, nếu tôi không cung cấp một cứ liệu tham khảo thì làm sao những đứa trẻ này có thể viết lên được điều gì chứ? Giữa các khái niệm mới mẻ, nếu tôi không diễn giải bằng một cách hiểu mang đầy tính cá nhân, thì làm sao có thể tồn tại những sự tri nhận đầu tiên về thế giới khách quan ở chúng? Tôi cảm thấy mình là một chỉ huy gà mờ của một con tàu chiến đang trong đêm tối của trận mạc, và những người lính của tôi đang nhìn tôi với ánh mắt tin cậy, trông chờ ở tôi một lời chỉ dẫn để đưa họ đến ánh sáng. Và dẫu biết rằng mỗi một chỉ thị của mình đều hàm chứa khả năng hối tiếc, nhưng tôi vẫn phải ra lệnh bằng một giọng dõng dạc nhất và đanh thép nhất. Và ngay cả khi tôi đang mông lung, tôi cũng phải thể hiện cho họ thấy là tôi là một tảng đá vững vàng, một mỏ neo nơi họ có thể bấu víu vào.

15.02.17: Một bịa tạc về tiền bối

Tôi đã đứng trước gương điều chỉnh mái tóc rễ tre sao cho không quá trẻ con, không quá chải chuốt mà tạo được vẻ thân thiện và sáng sủa. Và trên đoạn đường gần 8 cây số đến trường, tôi luyện tập một câu “Chào cả lớp!” đến chục lần. Đắn đo chọn cách nói để không quá nghiêm túc, không quá thân mật. Điều chỉnh chất giọng sao cho không quá nhiều treble để nghe không có vẻ thiếu sức nặng, không quá bass để nghe không quá nhàm chán. Tôi cân nhắc mình sẽ nói về cái gì? Nói bao nhiêu thì vừa đủ? Và rất nhiều chuẩn bị và băn khoăn khác cho buổi lên lớp đầu tiên.

Nhưng thực tế là tôi chỉ có đủ thời gian để kiểm tra vệ sinh lớp học mà thôi. Và tụi nhóc thì nói chuyện với nhau quá sức ồn, và tôi cảm thấy việc bảo chúng ổn định để nghe tôi nói những câu tôi đã chuẩn bị chẳng khiến cho phần việc buổi sáng đó hiệu quả hơn tí nào cả. Vậy nên tôi ngồi một chút để quen với lớp học thôi.

*

Giữa lúc bọn trẻ đang làm bài tập, cô quay sang hỏi tôi về chuyện nghề giáo. Cô hỏi tôi sau này có đi dạy không? Tôi bảo dạ em vẫn chưa biết. Rồi cô, với giọng chỉ đủ lớn cho hai cô trò nghe, nói về việc làm nông nghiệp.

Chúng ta đang trồng cây trên một mảnh đất đã ngập ngụa hóa chất sau nhiều vụ mùa. Chúng ta không còn biết, hoặc không được phép biết, một cách thức trồng trọt nào khác mà không dùng đến hóa chất hay phân bón. Và khi chúng ta quyết định sẽ tự thay đổi cách thức trồng trọt theo cách riêng của mình thì những người nông dân khác và cả những người quản lý chất lượng nông nghiệp cũng sẽ không cho phép ta được làm như vậy trên mảnh vườn chung. Ở mảnh vườn này không có gì là tự nhiên cả. Có những quả được sinh ra, tươi xanh và đẹp đẽ, nhưng bên trong nào ai biết có những mục ruỗng hay sâu bọ gì. Nếu em là một người nông dân, em sẽ làm gì đây?

Cô hỏi tôi. Và trong ánh mắt mệt mỏi của cô, tôi biết rằng sau mấy chục năm trồng cây, cô vẫn chưa có câu trả lời cho mình, hoặc có nhưng cô không đủ can đảm hoặc có quá nhiều điều để bận tâm hơn là hiện thực hóa nó.

Còn tôi, tôi không biết.

20.02.17: Trong thịnh vượng

Xếp hàng – một việc làm cần thiết để duy trì trật tự của đám đông. Hôm nay tôi lại phải chờ nghe gọi tên, điểm danh và đứng vào hàng như những gì đã diễn ra khi tôi từng ở trong một tập thể con người – tôi rất ghét điều này vì tôi thấy mình lọt thỏm giữa những cái đầu cao lêu khêu.

Chúng tôi được gọi tên và bước lên đứng trước toàn thể những học sinh cấp ba. Tôi cảm thấy mỗi hành vi của mình, trước ánh mắt của đám đông, không còn tự nhiên nữa. Tôi luôn có cảm giác phải tập trung kiểm soát từng hành vi nhỏ nhặt như giữ lưng thẳng khi đi đứng, cố gắng hóp bụng vào một chút để trông bụng mình không bự lắm, và khi phải cúi xuống để lượm một thứ gì đó, vì cơ thể ục ịch của mình tôi cảm thấy như mỡ đang dồn lại và gây áp lực lên những những thớ vải quần áo, khiến chúng gào thét chực chờ rách toạt, và tôi còn ko biết nếu giữ thẳng chân hay là khụy xuống một chút thì trông tư thế của mình sẽ bớt kì cục hơn… Cảm giác khi cơ thể của mình bị lột trần bởi hàng vạn ánh mắt, với một kẻ bị ám ảnh cơ thể, là một cảm giác rất không thoải mái. Giữa đám đông, tôi không thể tự chủ được suy nghĩ. Tôi nghĩ về các khái niệm être-pour-soiêtre-en-soi rồi tự hỏi, phải chăng chính vì Sartre cũng là một gã lùn, lác mắt và xấu xí, nên ông mới nghĩ ra được những khái niệm này?

Trước khi lễ chào cờ bắt đầu, một giọng đọc vang lên: “…chúng ta đang sống trong một đất nước tươi đẹp, phồn vinh và thịnh vượng như hôm nay là nhờ công lao to lớn của…”. Khoảnh khắc ấy, tôi thấy mình đã đi một chặng đường quá xa, hoặc đủ xa để không còn tin được vào những lời này nữa rồi. Tôi đang làm gì ở đây thế này? Cố gắng lờ đi cái sâu rộng phức tạp đến ngạt thở của sự thật để truyền dạy một tín điều riêng biệt, ấu trĩ và giản đơn cho thế hệ tương lai ư? Và khi bài quốc ca vang lên, tôi không còn thấy mình hát theo một cách dõng dạc tự tin và đầy xúc cảm như những ngày trung học nữa, tôi thấy ngại ngùng và xấu hổ như sắp bị bắt quả tang là đang vụng trộm vậy.

Trong thịnh vượng, làm sao chúng ta hiểu được giá trị của thịnh vượng? Siêu anh hùng chỉ xuất hiện khi có siêu phản diện, cái tốt cũng cần cái xấu để hiện thân.

Trẻ em chúng không hiểu tại sao lại phải làm hoặc ko được làm một cái gì đó, và người lớn chỉ đơn giản ko đủ kiên nhẫn để giải thích cặn kẽ nên nói rằng ‘không cần hiểu, chỉ cần làm theo’.

Ngay cả khi đã được giải thích, nếu thiếu trải nghiệm thì đến một lúc, chúng cũng sẽ hoài nghi: “Lửa có thật sự nóng?” hay “Tại sao lại phải sợ ông Kẹ?”.

Nhưng dường như hầu hết đang đều bị ru ngủ bởi những câu khẳng định và họ quên bẵng cả nghi vấn. Ngay cả nghi vấn, ở thời đại mà dường như không còn cần thiết phải hỏi “Là cái gì?” nữa, nhiều người chỉ thiết tha trả lời cho câu hỏi “Như thế nào?” thay vì lẽ ra nên tự hỏi trước câu hỏi “Tại sao?”.

Ôi tôi khao khát một cuộc chiến tranh hay thảm họa. Để lúc đó, tất cả đều bắt đầu hoài nghi mọi thứ quanh mình. Và rồi chúng ta sẽ dựng xây một thế giới con người mới, dù biết rằng rồi một ngày tương lai sau đó nó sẽ lại bị phá bỏ – cũng như luật pháp hay nguyên tắc.

Đập đi và xây lại những ngôi nhà – chẳng phải đó là một hoạt động sống duy nhất của chúng ta?

17.02.17: Karma

Khi trong cảm xúc mãnh liệt, chúng ta có thể đưa ra một quy kết rất vội vã về mọi thứ. Như khi vui, thế giới trước mắt bỗng trở nên vô cùng tươi đẹp. Còn khi tức giận, chúng ta có thể đổ lỗi cho bất kỳ điều gì.

Một điều tôi thấy không hài lòng là chúng ta đang bóp méo những tri nhận về thế giới sao cho chúng vừa khít được cái hộp của tri nhận cũ, chúng ta chất những thông tin mới lên chiếc xe bò và lăn nó trên những rãnh của một con đường mòn từ trước để đi đến một cái kết luận mà chúng ta đã quá quen thuộc với nó. Chẳng hạn, khi nói về nguyên nhân của sự phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình, có người bạn của tôi, bằng lập luận của riêng anh ấy, hướng vấn đề đến mâu thuẫn chính trị – điều mà trước giờ tôi chả bao giờ ngờ tới, dù tôi biết có rất nhiều người ở ngoài kia, bất cứ chuyện gì cũng có thể cố gắng tìm được nguyên do từ chính trị. Tương tự như vậy, khi nói đến lòng tốt và tâm xấu, nhiều người tôi biết sẽ diễn giải nó bằng góc nhìn của một con chiêng công giáo hay một phật tử. Và chính bản thân tôi cũng không thoát khỏi điều đó khi rất nhiều các cuộc hội thoại của mình, tôi luôn hướng người ta tới bi kịch về sự bất lực của con người trong sự tương đối của kiếp người. Dù cá nhân tôi nghĩ, cách diễn giải vấn đề của tôi có thể thoát ly tạm thời khỏi các ràng buộc về văn hóa hay chính trị hay tôn giáo, nhưng có một sự thật là từ trước đến nay tôi vẫn chỉ dừng mọi phản biện hay suy ngẫm ở cái quy kết của mình – một chiếc hộp của tri nhận cũ. Tôi đang chờ đợi chính mình khám phá ra, hay được khai sáng, để có được một góc nhìn rộng lớn hơn, một điểm nhìn cao cả và bao quát hơn.

Nhưng thôi, hãy nói riêng về những than thở của hôm nay. Hôm nay, sau khi tôi than thở về những mặt trái của hệ thống giáo dục được nghe kể lại, tôi đã được mục sở thị những biểu hiện mơ hồ của nó. Giáo viên hay học sinh đều phải chạy theo điểm số thi đua. Nhưng với giáo viên, cuộc chạy đua đó còn khốc liệt hơn vì đó là công việc mưu sống chứ không còn là một thử nghiệm. Những đua tranh, ganh ghét, đố kỵ… thực hơn và khắc nghiệt hơn.

Khi đang kiểm lỗi trong xấp hồ sơ dày cộm và vô tình chứng kiến được những khắc nghiệt của hệ thống, tôi cảm thấy mơ hồ một bóng ma hiện về. Cách đây khoảng 10 năm trước, chẳng phải tôi và gia đình mình, chỉ vì thành tích cá nhân, đã góp thêm một vệt nhơ nhớp vào cái bức tranh tiêu cực này bằng một cuộc gọi sao?

Ôi, là chính tôi chứ không ai khác! Vậy thì lúc này, chẳng phải những gì mà tôi đang nếm trải chỉ là trả một món nợ từ quá khứ hay sao? E rằng những thứ giằng xé nội tâm này hãy còn là quá nhẹ. Tôi không dám nói là ‘chẳng ai trong chúng ta trong sạch cả’, nhưng tôi cảm thấy, đã đến lúc tự hỏi rằng cái ‘bàn tay vô hình’ đang điều khiển chúng ta liệu có phải là karma, là bóng ma quá khứ của chính mình?

22.03.17: Lưỡng nan

“Học sinh trường này dở lắm, một đứa ở trình độ trung bình thậm chí không thể nói được một câu tiếng Anh hoàn chỉnh và đúng ngữ pháp”.

Sau khi nghe lời giới thiệu đầu tiên đó về các em, tôi lại được giao nhiệm vụ thiết kế 1 tiết học project-based learning cho các em – theo đó, kết quả đạt được là các em phải thực hiện một bài thuyết trình bằng tiếng Anh với phương tiện trình chiếu trong thời lượng năm phút. Thật là một cơ hội hãn hữu đúng không?

Để khuếch trương thêm cái tính chất hãn hữu của cơ hội đó, một vài thông tin thêm được nói ra như sau:

“Bản chất tiết học này, theo chỉ thị, là học sinh phải làm hết. Giáo viên chỉ được gặp và hướng dẫn đúng 2 tiết: tiết giao đề tài và tiết nghiệm thu”.

Đồng nghĩa với việc tôi – vốn không phải giáo viên phụ trách tiết học này – sẽ đóng vai một ông bụt nào đó xuất hiện một cách thường trực để giúp các cô Tấm trong thời gian từ lúc được giao nhiệm vụ phân loại thóc và đậu cho đến khi buổi lễ hội diễn ra.

“Có một cô giáo, khi nhận được lời khen ngợi của cấp trên vì thành công của tiết học này, đã bày tỏ chân thành là nó quá nhọc sức và đã phải chuẩn bị hết 3 tháng trời. Cấp trên nghe như vậy rất không hài lòng”.

Và tôi chỉ có 3 tuần để thực hiện.

“Thêm một điều nữa là đôi khi mình phải dạy sai. Có những trường hợp cố tình dạy sai, để cho nó nói sai rồi mình mới sửa cho nó. Bị sửa sai nó mới nhớ. Dạy sai cũng là một kỹ năng quan trọng đó”

Wow, từ đâu một giáo sinh có thành tích học tập bết bát như tôi lại được trao gởi một cái cơ hội hãn hữu như thế này nhỉ? Công việc này thậm chí còn không được liệt kê trong quy chế rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.
Không sao.

Thực sự không sao vì bản kế hoạch của tôi đã được phê duyệt một cách êm mượt. Và sự êm mượt ấy không kéo dài khi người thiết kế giáo án lại một lần nữa được ưu ái giao nhiệm vụ thực thi nó đồng thời cùng với hai giáo sinh khác nữa. Vì ngay sau lần rehearsal đầu tiên (tôi “được” yêu cầu phải làm như vậy.), thứ tôi nhận được từ peers lẫn mentor (vốn dĩ lẽ ra phải là người thực hiện chính) là những cái lắc đầu, cau mày, làu bàu… Trời ạ, tôi không hiểu. Ý tôi là, nếu có ai ở đây đủ tư cách để trưng ra cái biểu hiện đó, thì người đó phải là tôi chứ?

Tại sao tôi lại nói như vậy?

Hãy nghe lời của mentor tôi nói:

“Trời ơi vậy là không được rồi. Powerpoint phải chèn video vào. Khi nói, phải có sự tương thích giữa lời nói và hình ảnh chiếu như là thuyết minh phóng sự vậy. Phát âm sai quá nhiều. Làm sao mà kịp đây? Em phải soạn lấy, rồi làm hết. Chọn ra 1, 2 đứa giỏi nhất lên nói thôi. Cái này cả tổ dự giờ, làm như vậy sao coi được. Mấy nhóm kia cũng không được luôn, em phải làm luôn cho cả mấy nhóm kia. Em đừng ngại gì cả, tại tụi kia hướng dẫn không được, cô sẽ nói tụi nó để em làm.”

Tôi bỗng thực sự hoang mang. Vì những gì được trình chiếu trên đây toàn bộ là những gì các em làm dựa trên sự hướng dẫn ban đầu của tôi (vì lúc sau đó tôi chỉ giám sát 1 trong 4 nhóm mà thôi). Ý tôi là tôi hoàn toàn nhận thức được nhiều hơn tất cả những lỗi được nêu ra, nhưng chẳng phải, theo lời nhận xét đó, chúng ta đang đặt ra một tiêu chí quá cao so với năng lực hiện tại của học trò sao? Và việc đắc thụ những kiến thức lẫn kỹ năng cần thiết để đáp ứng cái tiêu chí đó cần nhiều hơn 3 tuần rất nhiều trong khi thời gian gặp mặt lại rất hạn chế. Mặt khác, nếu tôi làm hết cho các em, thì ý nghĩa của cái tiết học này để làm gì nhỉ? Chẳng phải nó chỉ đơn thuần là một vở kịch – như nhiều tiết thao giảng mà tôi từng được biết sao? Hãy nghe lời của của đồng sự tôi nói:

“Tuân muốn làm vậy nhưng mà không thể được đâu. Vì tụi nó rất là dở. Thấy thằng nhóc K. không? Đã dặn bao nhiêu lần là phải đọc chữ island là [aɪs.lən], mà lúc lên nó lại đọc là [ɪ.lend] thì làm sao mà khá nổi. Học sinh trường công lập dở lắm, trường này cũng vậy. Tuân dạy trường quốc tế chưa? Dạy ở trường quốc tế, chỉ cho cái hình thôi nó cũng nói được nguyên một bài. Bởi vậy sau này có dạy cũng đừng dạy trường công. Còn bài này, cô bảo Tuân làm thì Tuân làm lại powerpoint đi, rồi để đó tôi dạy tụi nó thuyết trình”

Chẳng hiểu sao tôi lại có thể giữ gương mặt của mình không cảm xúc đến khi cô ấy hoàn thành phần nói của mình. Trời ạ. Chính cô ấy cũng là người dạy các em phải đọc culture là [kuː.tʃər]. Và cũng chính cô ấy là người soạn cho các em một bài nói mà trong đó có những câu rất hoành tráng như “SaPa is a quiet mountain town and snowing.” hay là “Walk and bike cycle around the Hoan Kiem Lake in the morning sunrise.” Và giờ này cô ấy đang than vãn là tất cả vấn đề là do mentor quá hão huyền và học trò quá ngu dốt. Những trường hợp như thế này thật đủ sức biện minh cho sự tồn tại của thể chế Cộng Hòa, thậm chí là Độc tài chuyên chế.

Tôi là ai để mà nói với mentor của mình là “Em nghĩ mình nên dẹp vở kịch này đi?” Tôi là ai để mà nói với peers của mình là “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Trước khi hỏi người khác tại sao một đứa lớp 11 không nói được tiếng Anh, bạn có bao giờ tự hỏi mình tại sao một giáo sinh tiếng Anh năm 4 Đại học lại không viết nổi một câu đúng ngữ pháp?” Và nếu tôi có nói thì tình hình khá hơn chăng?

Những người duy nhất tôi có thể nói là các em. Và tôi muốn nói với các em là “Các em đã làm rất tốt. Nếu hôm nay các em không nói được một câu tiếng Anh hoàn chỉnh, đó không phải là lỗi của các em. Đó là lỗi của chúng tôi, và cả những người đi trước chúng tôi. Các em là những đứa trẻ ngoan. Và K., thầy muốn xin lỗi thay cho cô X., vì lúc em nói cô cứ đứng bên cạnh em bảo là em tệ quá, em tệ quá. Em làm rất tốt. Và thầy hi vọng là các em dù có nhận ra bản chất của các vấn đề trong hệ thống, cũng sẽ cố gắng làm một người tử tế, để những thế hệ sau em được tốt hơn.”

Nhưng tôi đã không nói gì cả và chỉ làm tiếp thôi.

15.05.17: Lời chia tay

Chào các bạn, thực sự thì, tôi ghét trường học vì nó là một nơi đầy rẫy luật lệ, nguyên tắc và thủ tục. Nhưng luật lệ có một giá trị nhất định và không phải bao giờ tự do cũng là tốt. Và tôi kể ra như vậy cũng là để bày tỏ hy vọng rằng các bạn sẽ nhìn nhận những nguyên tắc được đặt ra cho lứa tuổi của mình theo một cách khác – nếu có bất mãn với nó. Tôi tin là các bạn đều hiểu rõ ranh giới giữa tự do và luật lệ nên đặt để ở đâu, khi nào nên tuân thủ và khi nào nên phản đối một cách đường hoàng chính trực.

Sự chung đụng cũng là thứ khiến tôi không thích ở trường học. Nhưng sau khoảng 3 tuần đầu, khi dần nhớ tên và gương mặt của các bạn, các bạn làm tôi cảm ơn ghê gớm vì các bạn khá dễ thương và dễ chịu, nhất là tôn trọng tôi. Điều này thực sự rất có ý nghĩa, vì nó tạo ấn tượng tốt với tôi về nghề giáo (vì tôi không đi trợ giảng hay đi dạy ở đâu cả trong suốt thời gian học Đại học). Cảm ơn các bạn về điều đó và cũng hy vọng là các bạn sẽ giữ mãi sự dễ thương của các bạn, dù cho sau này các bạn có ở trong những môi trường đầy ghen ghét và đố kỵ.

Hẳn mối quan hệ thầy trò mà chúng ta đã có khá là mờ nhạt vì các bạn biết quá ít về tôi, và tôi cũng chỉ xuất hiện khi được công việc yêu cầu chứ ít khi có quá nhiều chia sẻ cá nhân hay tình cảm với các bạn. Dù sao thì cách nghĩ của học trò về thầy cô, cũng như của giáo viên về học trò ngày nay cũng khác ngày xưa. Mọi thứ diễn ra nhanh quá, và với các bạn cũng như tôi, có quá nhiều thứ phải bận tâm hơn là ngồi lại và tỉ tê chuyện cá nhân vặt vãnh.

Sau khi đã ở trong nhiều tập thể con người khác nhau, sau những cuộc gặp gỡ và những lời chia tay, tôi dần cảm thấy việc gắn bó quá nhiều sẽ mang lại gánh nặng tâm lý sau khi tách ra. Vì bữa tiệc nào cũng phải tàn và chúng ta đều chỉ là những cá nhân đơn độc với hành trình của riêng mình. Tôi biết quan điểm này hơi tiêu cực, nhưng đó là cách nghĩ của tôi về cuộc sống.

Mặt khác, tôi là một người có khá tự do và khác xa với hình mẫu quy chuẩn của một nhà giáo về nhiều mặt, nên tôi không muốn các bạn biết quá nhiều về tôi vì sợ rằng các bạn sẽ không còn tôn trọng tôi hay các nguyên tắc đã được đặt ra nữa.

Tôi cảm ơn các bạn vì những điều mà tôi đã nói ở trên. Cũng mong các bạn thông cảm vì có thể trong 12 tuần qua tôi đã không hẳn làm tròn vai trò của một người thầy giáo trong việc giảng dạy cũng như trong việc chủ nhiệm.
Cũng nhân đây, tôi muốn chúc các bạn có nhiều sức khỏe và đoàn kết với nhau để có một hành trình thật nhiều niềm vui và ý nghĩa.

Tạm biệt.

1 Comment

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s