Dương Nghiễm Mậu, viết về Vũ Trọng Phụng (1966)

duong-nghiem-mau-viet-ve-vu-trong-phung-1966

Bài trên tập san Văn số 67, Sài Gòn, ngày 1-10-1966

Để nhìn lại khuôn mặt của giai đoạn lịch sử, để tìm lại đời sống thực của xã hội đã qua, để hiểu biết những nguyên nhân sâu xa của mọi biến chuyển trọng đại nào đó chúng ta có thể tìm tới đó những tài liệu lịch sử xã hội chính xác, những bản tường trình, những đạo luật, những bút ký, nhật ký… và tất nhiên không thể bỏ qua những công trình nghệ thuật, văn chương bởi vì văn chương nghệ thuật của bất cứ thời nào cũng không ít thì nhiều phản ảnh đời sống của một giai đoạn lịch sử đã qua. Không những thế, những tác phẩm văn chương thường là những nhân chứng giá trị hơn hết, trung thực hơn hết. Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn nói với chúng ta tinh thần một thời tao loạn, chán ghét chiến tranh… Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du phơi bày một xã hội tranh tối tranh sáng của ma quái và sự thực của những bất công xã hội, những bải hoải suy vong… Những tác phẩm ấy đã soi chiếu cho chúng ta đời sống, tâm tư con người, hoàn cảnh xã hội của một giai đoạn lịch sử. Nhưng nói như thế không có nghĩa rằng nó chỉ phản ảnh cho sự thực của một thời mà nhiều khi nó là gương soi của con người trong nhiều thời. Để nhìn lại thực trạng xã hội Việt Nam trước năm 1945, để tìm hiểu nguyên nhân của cuộc giải phóng dân tộc, để biết những nguyên cớ sâu xa nào đã ảnh hưởng đến thời đại chúng ta hiện nay, chắc chắn chúng ta có thể tìm thấy một phần nào những câu trả lời nơi những tác phẩm văn chương tiền chiến, những trả lời ngay thẳng giá trị…

Sau những thất bại của phong trào Văn Thân, những nổi dậy chống trả của Hoàng Hoa Thám, Tán Thuật, Nguyễn Trung Trực… chỉ còn là những ngọn lửa cháy không ngừng trong lòng người dân Việt, chế độ của thực dân Pháp đã vững trên đất nước ta, thì xã hội ta đã bước sang một giai đoạn mới. Trên phương diện chính trị chúng ta đã mất chủ quyền, đất nước bị chia làm ba miền với ba chế độ cai trị khác nhau, nghĩa là chúng ta chỉ còn là một nước bị đô hộ. Không những thế chúng ta không phải chỉ bị đô hộ bởi một nước cùng một nền văn minh là nước Tàu mà chúng ta còn phải chịu sự đô hộ của một nước khác với một nền văn minh khác hẳn. Chúng ta không những chỉ chịu một nền cai trị mới mà tất cả những giá trị tinh thần, nền tảng giáo dục, cơ cấu tổ chức xã hội cũng bị thay đổi, làm xáo trộn hẳn. Trên phương diện văn chương, chúng ta có thể tìm thấy những bằng cớ, những sự thật trong cuộc thay đổi lớn lao này. Không cần viện ra nhiều, chỉ cần nói đến những tác phẩm lớn, những tác giả tiêu biểu cho những khuynh hướng khác nhau chúng ta đã có thể thấy xã hội đang thay đổi, nghĩa là chúng ta có thể thấy khuôn mặt của xã hội ta trước năm 1945 ra sao.

Nhìn lại văn chương tiền chiến chúng ta thấy những tranh chấp mới cũ, những đập phá hình thức, những kêu đòi tự do cá nhân trong hầu hết những tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn, nó phản ảnh đời sống, tinh thần của một lớp người mới trong xã hội ta. Chúng ta còn thấy những lạc hậu, nghèo đói khổ ải, những tráo trở biến động, những thét gào trong những tác phẩm Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Lạp, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Đoàn Phú Tứ… Trong văn chương tiền chiến đời sống của xã hội ta đã được ghi lại một cách phong phú. Nhưng để lại cho chúng ta một bức họa sâu sắc, đầy đủ hơn hết tình trạng xã hội ấy thì phải nói đến những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Có người nói rằng trong khi còn ở Pháp, Tạ Thu Thâu đã nói muốn biết xã hội Việt Nam ra sao thì chỉ cần đọc Vũ Trọng Phụng thì biết. Nếu thế thì quả Tạ Thu Thâu đã có một con mắt tinh đời.

Nhân dịp tưởng niệm Vũ Trọng Phụng tôi ghi lại dưới đây những ý kiến vụn vặt của tôi, những cảm nghĩ của đời sống sau ông những biến cố trùm lấp, điều tôi muốn nói đến nhiều nhất là thử căn cứ vào hai tác phẩm chính của Vũ Trọng Phụng là Số đỏ Giông tố phác họa lại thực trạng xã hội Việt Nam thời nô lệ. Một thực trạng đang kêu đòi giải phóng, cách mạng…

* * *

Vũ Trọng Phụng sinh năm 1911 (1) và mất năm 1939 – đúng vào khoảng thời gian nền đô hộ của người Pháp ở Việt Nam đã vững vàng.

Cuốn Số đỏ của Vũ Trọng Phụng nhằm mô tả một lớp người đặc biệt của thành thị, bọn người học đòi Tây phương. Họ cho rằng dân ta hủ lậu, phản văn minh tiến bộ. Họ cổ động cải cách y phục, hô hào cho giới bình dân, cổ võ thể thao. Sang đến cuốn Giông tố – Vũ Trọng Phụng phóng con mắt bao quát hơn mô tả một gia đình quan lại – đó là gia đình Tạ Đình Hách, từ một tên trọc phú trở thành nghị viên – một kẻ đã dùng tất cả thế lực tiền tài để đàn áp đám dân nghèo, phơi bày mọi hình vi bẩn thỉu. Một gia đình thối nát, vợ ngủ với cung văn, chồng hiếp dâm, con ma cô và đồng thời liên can đến một gia đình thôn quê – gia đình ông đồ Uẩn – một ông đồ thất thế, bạc nhược. Với hai tác phẩm đó, Vũ Trọng Phụng đã mô tả một đời sống thành thị nhầy nhụa với gái điếm, thuốc phiện, tiền bạc, rượu lậu, với những kẻ lăn mình vào đời sống nặng vật chất, chuộng hư danh – và một đời sống thôn quê tối tăm thất học, tinh thần hương đảng xôi thịt khiếp sợ dưới quyền cai trị của bọn quan lại. Trong cái sân khấu tranh tối tranh sáng đó những nhân vật thời đại đã được Vũ Trọng Phụng vẽ ra.

Trước hết ta hãy nói đến một hạng người mà Xuân Tóc Đỏ là tiêu biểu, đó là hạng “chó nhảy bàn độc”. Từ một tên ma cà bông trèo sấu, đã lĩnh công hai hào một ngày để ngồi trên mũi ô tô mà thổi loa, mà gào những chữ di tinh, mộng tinh cho “vua thuốc lậu” Nam Kỳ, chạy cờ hiệu, đi nhặt banh sân quần, bị đuổi vì nhòm đầm thay quần; nhưng hoàn cảnh giả dối đưa hắn thành một người khai hóa xã hội:

– Ông, ông là ai?

Xuân Tóc Đỏ ưỡn ngực lên, giấu cái chổi lông gà sau lưng, nghiêm trang:

– Tôi? …là một người dự một phần trong việc Âu hóa.

– À!

– Một người cải cách xã hội… có trách nhiệm quốc dân văn minh hay là dã man.

Một nhà Âu hóa chưa đủ, hắn còn trở thành một sinh viên trường thuốc, một ông đốc luận bàn về y học, trở thành một nhà thể thao ái quốc, bạn của nhà báo, bác sĩ, của sư mô, bàn việc phục hưng đạo Phật quanh miếng thịt chó, đã giải phóng phụ nữ bằng phương pháp làm hại đời một người con gái, giữ kiên trinh cho bà góa phụ bằng cưỡng bức… Từ xã hội hạ lưu hắn đã chen chân góp mặt với giới thượng lưu: Xuân Tóc Đỏ cảm thấy thời cuộc đã mở rộng con đường công danh… Nó đã có một địa vị to tát trong đám những bậc thượng lưu. Rồi hắn lớn tiếng: “… Quần chúng nông nổi ơi, mi đã biết đâu cái lòng hy sinh cao thượng vô cùng nó khiến ta chối từ danh vọng…” Hắn đã gọi đám quần chúng là mi, hắn đương nhiên nhận mình là kẻ hy sinh, duy trì hòa bình, cứu nạn can qua. Cả một đám người đã hoan hô nó, đã ca ngợi nó, người cai trị đã phong chức nó, cả đến người đại diện cho hội Khai trí Tiến đức, đại diện cho trí thức xã hội cũng phải: “Lại đây với cái nguyện vọng được yết kiến quan tài tử Xuân, bậc vĩ nhân của xã hội”.

Cùng với trường hợp của Xuân Tóc Đỏ trong Số đỏ, nhân vật chính của Giông tố là Tạ Đình Hách cũng có những nét tương tự, nhưng Xuân Tóc Đỏ dưới ngòi bút của Vũ Trọng Phụng cố ý đưa đẩy hắn như một sự tình cờ, không do tâm địa của Xuân mà do hoàn cảnh xã hội gian trá, lừa bịp sản xuất ra hắn; càng mang bộ mặt ngờ nghệch, ngu muội bao nhiêu càng để lộ cái sự thật về nếp sống thượng lưu của thành thị, nó là cái cớ để lộ chân tướng những Văn Minh, cụ cố Hồng, bà Phó Đoan, Typhn, Tuyết, Joseph Thiết… Nhân vật Tạ Đình Hách khác hẳn, Nghị Hách đã được giới thiệu và trình bày là một con người tâm địa độc ác, cướp vợ bạn, dâm đãng, thủ đoạn:

– Thằng cha có hai chục con vợ lẽ trong đồn điền ấy à?

– Phải

– Cái thằng cha bỏ bã rượu vào ruộng lương dân rồi báo nhà đoan và, chỉ bởi một thủ đoạn ấy, đã tậu được ba trăm mẫu ruộng đất rẻ tiền ấy à?

– Chính thế.

— Cái thằng cha độc ác đánh chết người làm rồi vứt xác người ta xuống giếng mà khai người ta tự tử ấy à?

– Nó đấy.

– … Đây này nhé: lão nghị ấy có năm trăm đồn điền trên tỉnh này, một cái mỏ than Quảng Yên này, ba chục nóc nhà tây ở Hà Nội, bốn chục nóc nữa ở Hải Phòng, bạc nhà nó cứ gọi là gà ăn không hết.

Đó chỉ mới là những điều được dân chúng biết, còn bao điều khác trong bóng tối. Cái con người đã dám thốt ra: “Cứ mở hết máy, tội vạ đâu tao chịu, đã tin ở cái quyền năng của tiền bạc, thế lực, chức tước là Bắc kỳ nhân dân đại biểu, giao du với những ông tuần, quan công sứ, quan tổng đốc. Nghị Hách có thể làm bất cứ việc gì như mua lòng một ông quan, rải truyền đơn, làm đại biểu nhân dân, vu cho nhân dân làm phiến loạn, đổi đen ra trắng như lật bàn tay. Con người như Nghị Hách đủ làm một biểu tượng cho bất cứ một xã hội nào, cái xã hội mà trong đó tiền bạc nắm quyền sinh sát con người. Với tiền bạc do thủ đoạn tạo ra, Nghị Hách có con đi Tây học về mở trường, có một Tiểu vạn trường thành, có hàng bao nhiêu cung tần mỹ nữ, kẻ hầu người hạ, mua được cả trinh tiết gái tân. Từ trong cái nhầy nhụa đó, Nghị Hách lại vung tiền ra mua danh vọng, phát chẩn cho dân nghèo (mà chính hắn đã bóc lột) và nghiễm nhiên là một nhân dân đại biểu, rồi từ đó cũng có thể nhận là một nhà ái quốc, cách mạng tranh đấu giúp đỡ dân nghèo, thật là mỉa mai. Ngoài hai hạng người đặc biệt nói trên, chúng ta có thể xếp chung quanh đó những hạng người khác đã là bộ mặt xã hội cho thời nô lệ.

Hạng nho sĩ thất thế: người đại diện là ông đồ Uẩn ở Quỳnh thôn, người mà Tú Anh – con Nghị Hách, một người Tây học, cho rằng: Cũng là một nhà nho hẳn hoi, mà một nhà nho thì vẫn khí khái lắm – nhưng ông đã khí khái thế nào? Ông khúm núm trước cửa quan nhận cho Nghị Hách cưới con, lên mặt với làng, từ bỏ nếp sống cũ để “khi đi qua chợ Đồng Xuân, Long đã thoáng thấy ông đồ Uẩn ngồi vắt vẻo trên chiếc xe nhà mà Tú Anh đã tậu cho Mịch – trông mặt bố vợ hụt lúc ấy có vẻ dương dương tự đắc quá, có vẻ ngạo mạn quá…”

Vũ Trọng Phụng đi từ nhân vật đồ Uẩn đã đưa ra nhận xét về ảnh hưởng của Nho học thời ấy “cái nền học thuật ấy vẫn chế tạo ra những hạng người cực đoan, hay thì hay vô cùng, hoặc dở thì cũng dở vô cùng. Cho nên cái tiết tháo của nhà nho hoặc cái đê tiện của nhà nho đều cùng đứng về hai thái cực cả. Ông đồ Uẩn chính là hạng thuộc về cái thái cực thứ hai, bị hoàn cảnh lôi cuốn đến không giữ được nhân cách… với một hạng hào thứ hai nữa đã thành thực đi theo đạo Cần Vương cũng như đã thành thực quay về kinh thờ một ông công sứ đến nỗi sì sụp bốn lễ bốn vái mà không thấy ngượng, có thể cho xích tay cả gia đình bạn đồng chí cũ đã cứu mình thoát chết để dâng công mà không hói hận mảy may… người cao khiết quá, giữ tiết tháo một cách nghiệt ngã thì thành ra gàn dở vô dụng cho đời, mà người trung dung quá thiên về chủ nghĩa gia đình quá thì thường vì bốn chữ vinh thân phì gia mà mất hết lương tâm”.

Hạng Tây học: trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng nói đến bọn Tây học nhiều, nhưng riêng hạng này có thể chia làm nhiều hạng khác nhau:

– Bắt chước cái rởm của Tây phương, tự cho là Âu hóa, cải cách, nhân vật điển hình là Văn Minh. Hắn sang Tây để học ăn chơi, về nước lo cải cách y phục nhố nhăng, moa toa với cả bố. 

– Học Tây đỗ đạt, có tinh thần tiến bộ nhưng chỉ nghĩ tới mình như Tú Anh. Hoặc vẫn nhờ cậy trông chờ ở một thế lực khác như ông huyện Cúc Lâm.

– Theo Tây đến tưởng mình là Tây, như Typhn, Joseph Thiết, Trực Ngôn – đặc biệt là Joseph Thiết, dân An nam vào làng Tây chưa đủ lại còn ở trong đảng Bảo hoàng, “không phải làm việc cho triều Huế, nhưng cho dòng họ Orléans bên Pháp và Léon Daudet”.

Tất cả bọn này tự coi như giới thượng lưu, nói tiếng Pháp, nhảy đầm, chơi quần vợt, ăn uống ở những nơi sang trọng riêng biệt.

Hạng con đẻ của đời sống vật chất: có thể nói tất cả những nhân vật tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng do đời sống vật chất mà ra – nhưng có một hạng người đặc biệt hư hỏng, dâm đãng, nhất là đàn bà là do cái đời sống xa hoa, phè phỡn mà tạo ra. Đó là bà Phó Đoan, hai đời chồng, đa dâm, nuôi chó như nuôi chồng, mồm nói kiên trinh, bụng mong bị hiếp – có thể nói đây là một loại đĩ – đĩ có tàn có tán, đĩ có hương án thờ vua, bởi vì chính bà Phó Đoan đã được ban tiết hạnh khả phong. Sau đó đến Thị Mịch. Từ một cô gái quê ngây thơ chất phác trở thành dâm đãng, lãng mạn, xảo quyệt. Rồi cô Tuyết, rồi vợ Nghị Hách… tất cả là nạn nhân của đời sống xã hội.

Hạng học đòi hợm hĩnh: Có thể nói đến cụ cố Hồng, bố của Văn Minh – người đã làm bộ như có con làm quan nói đi nói lại: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi để tỏ ra mình già cả, là cố… moa toa với con, ham danh hão; vừa nghe nói đến Hồng lô tự khanh, đã vội kêu: “Bay đâu bày hương án”. Bên cạnh đó là bà đồ Uẩn, ông Typhn, vợ Văn Minh.

Hạng đầu cơ thời thế: người tiêu biểu là Victor Ban, làm nghề cỡi ngựa thi, làm thuốc lậu, mở nhà chứa, mở khách sạn trở thành giàu có. Cùng với sư cụ báo Gõ Mõ, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để mưu lợi.

Những điều tôi trình bày ở trên chỉ mới được phác lược chưa đi sâu vào từng chi tiết, nhưng nó đã khá rõ để cho chúng ta hiểu một phần nào xã hội Việt Nam thời nô lệ Pháp. Một xã hội đã thay đổi hoàn toàn trên căn bản do sự du nhập nền văn minh Tây phương. Ở đây do người Pháp đại diện. Một sự thay đổi không phải với tinh thần cách mạng. Chính bản chất của xã hội Việt Nam không phải tiến đến sự thay đổi đó – mà đây là một sự du nhập miễn cưỡng, xã hội bị thay đổi không tự nó.

…Tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng đứng riêng ra với vẻ cười cười chua chát nhưng đầy căm phẫn trước một xã hội mục nát, bẩn thỉu, cái xã hội chẳng riêng cho thời nô lệ mà cho bất cứ xã hội nào khi ở đó vật chất được đề cao, tiền bạc nắm quyền sinh sát, bọn trí thức thượng lưu ăn chơi cờ bạc, đĩ điếm, bọn cai trị hà hiếp cướp bóc, nơi đời sống bị đè nén, không công bằng, không tự do.

Người ta có thể gán cho tác phẩm của Vũ Trọng Phụng màu sắc bi quan, bất mãn, thiếu xây dựng – đó là một sự lầm lẫn – Vũ Trọng Phụng phải là người can đảm tin tưởng hơn hết, và xây dựng hơn hết mới có đủ sức để viết ra như vậy – xã hội như thế phải bị thanh toán – và Vũ Trọng Phụng viết ra đó cho mọi người phải nhìn thấy con đường và nhiệm vụ phải làm – con đường và nhiệm vụ mà chưa biết đến bao giờ con người mới có thể hoàn tất được. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng như một bức thông điệp nhân đạo gửi cho nhân loại với tất cả yêu thương và tin tưởng của một người đã sống và chết đi trong đau khổ, đói rét, bệnh tật – chắc Vũ Trọng Phụng không muốn loài người phải như thế nữa.

Qua những tác phẩm, Vũ Trọng Phụng trình bày xã hội theo con mắt của mình, đó là con mắt của một thiên tài, và với ý thức của một chiến sĩ cách mạng – thiên tài vì nghệ thuật chụp bắt nhân vật và sự kiện, chiến sĩ cách mạng vì Vũ Trọng Phụng đã nắm được căn bản ý thức đời sống con người mà viết nó ra – từ thực tại đó nhân vật sự việc đã vượt ra để trở thành điển hình bất tử

* * *

Đọc trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, nhân khi nói về trường hợp Vũ Ngọc Phan tìm đọc cuốn Giông tố từ khi nó còn được đăng báo cho tới khi in thành sách, tôi mới biết rằng những sách của Vũ Trọng Phụng thuở đương thời đã bị đả kích không ít. Tôi không được biết đã có những ai thời đó lên tiếng trên báo để kết án những sách của Vũ Trọng Phụng là đồi trụy, ngoại lai, sa đọa hay không nhưng chắc chắn là trong xã hội đã có những kẻ dè bỉu kết án nó. Không có bằng có về những kết án lố bịch đó, nhưng tôi nghĩ chắc chắn người ta sẽ dẫn chứng những đoạn nghị hách hiếp dâm Thị Mịch trên xe hơi; Long ngủ với Tuyết trong khách sạn; cảnh Nghị Hách sau khi cưới Thị Mịch về ngồi sờ mó người vợ lẽ có mang, hôn hít, ôm ấp rồi vỗ cái bụng chửa đánh bốp một cái mà kêu: “thế này còn nước mẹ gì nữa!” cảnh Nghị Hách chiếu phim con heo; cảnh Xuân Tóc Đỏ khám ngực cô Tuyết; Xuân Tóc Đỏ nhòm đầm thay quần; cảnh bà Phó Đoan tắm khan vỗ bì bạch vào bụng; Xuân Tóc Đỏ hiếp bà Phó Đoan… và không biết bao nhiêu điều khác để kết án, nhưng có điều chắc chắn tác phẩm của Vũ Trọng Phụng không phải chỉ thành công, chỉ được dựng thành bởi toàn những điều ấy. Trong phần kết cuốn Giông tố trong cảnh ăn chơi ở một nhà chứa, Vũ Trọng Phụng đã phác họa một bức tranh khá linh động, trong bức tranh đó diễn tả cảnh đồi trụy, cảnh thú vật của người ăn chơi “khách có đến ba chục người… toàn là những thiếu niên tri thức, cử nhân tú tài, giáo sư của Đại Việt học hiệu… Đời là một cuộc chiến đấu. Đời là một cuộc chiến đấu… Một ông giáo khác kêu như hóa dại, như sắp cởi cả quần áo để chạy ra đường – Nàng không yêu ta, ta phải hiếp… nàng. Một ông cử nhân khác gọi: Hỡi khổ chủ. Hỡi khổ chủ, vào hộ một tay mau lên. Một chị em thất thanh kêu lên: Ông giáo gì mà đểu thế. Lúc nãy thì sao đứng đắn thế..”. Đọc lại đoạn đó tôi không hiểu thời đó những nhà giáo – những nhà giáo còn nhiều nề nếp đạo đức cũ, còn phong độ những nho sĩ còn có một đời sống đẹp sáng – có lấy làm khó chịu hay không? Tôi nghĩ chắc những vị giáo sư thực sự là những bậc thầy thì sẽ chỉ buồn lòng ngao ngán cho một thực trạng xã hội, buồn lòng vì trong giới có những người không xứng đáng, các vị ấy hiểu rõ ràng những sự kiện trong một tác phẩm văn chương không phải là một sự bịa đặt hoàn toàn và ở trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng những sự kiện đó được viết ra không ngoài mục đích nói lên tha thiết. Nhưng có lẽ những kẻ đồi trụy hơn ai hết lại lớn miệng hơn ai hết lên tiếng cho rằng nhà văn đã bôi nhọ nhà giáo, đã làm mất uy tín nhà giáo, đã làm cho xã hội đồi trụy, làm những mầm non hư hỏng. 

Người ta có thể, có quyền đứng trên những vị trí cá biệt để lên tiếng trước bất cứ một vấn đề gì liên quan đến đời sống cộng đồng. Để phê phán một tác phẩm văn chương người ta cũng có thể đứng trên những quan niệm đạo đức, luân lý, xã hội nào đó để phê phán, nhìn tác phẩm với con mắt và quan điểm riêng.

Nhưng đồng thời phải nhớ người viết cũng có quan điểm, con mắt riêng của họ. Một tác phẩm văn chương không thể là một cuốn sách dạy luân lý. Và khi lên tiếng phê phán, một người phê bình đứng đắn phải nhìn thấy. Nhưng để nhìn thấy tất nhiên không phải là những con mắt chột, những thành kiến hẹp hòi thiển cận phát sinh từ những tâm hồn vấy bùn, những kẻ chỉ nhìn thấy văn chương mỗi một khía cạnh hạn hẹp là sự ích lợi. Tôi nghĩ, nếu Vũ Trọng Phụng còn sống đến ngày nay, còn tiếp tục viết thì chắc chắn Vũ Trọng Phụng sẽ nhiều lần khóc dở mếu dở trước những hạch hỏi hỗn láo tại sao thế này, tại sao thế kia, xã hội ta đâu có thế này, đâu có thế kia, tại sao không thế này, thế kia, không lành mạnh xây dựng, bệnh hoạn đồi trụy, nguy hại cho tinh thần thanh thiếu niên… Mà trong khi đó có khi chính Vũ Trọng Phụng, hay bất cứ những người viết nào khác lại là những người lo xây dựng, lo lành mạnh cho đời sống hơn ai hết. Tác phẩm Vũ Trọng Phụng đã minh chứng điều đó với chúng ta. Có tiếng gào thét đòi cách mạng, đòi được sống tốt đẹp hơn nào mạnh bằng tinh thần những tác phẩm mà Vũ Trọng Phụng đã viết?

Văn chương của bất cứ thời nào cũng không thể thoát ra khỏi xã hội của nó, xã hội mà tác giả đã sống ở khía cạnh này hoặc khía cạnh khác. Nói như thế không có nghĩa rằng người viết chạy theo thời đại, chạy theo xã hội, coi văn chương chỉ là một phương tiện hành động. Văn chương trước nhất phải là văn chương đã, sau đó là những gì tác giả nó viết ra. Những gì viết ra đó là phần nào suy nghĩ, phần nào đời sống, phần nào quan điểm của một người, mà người đó sống trong một thời đại, một xã hội nào đó. Dù muốn dù không không thể chối cãi được điều này. Nó có đó chứ không phải là đặt ra, khoác vào, trùm lên. Chắc chắn Vũ Trọng Phụng cũng không đặt ra những điều ông định nói nhưng là ông thấy phải nói, nếu nói thì nói thế không thể nói khác, viết là phải viết thế chứ không phải là bây giờ phải viết thế này, viết thế khác cho hợp thời, cho ăn khách. Nghĩa là nhà văn viết những gì của nhà văn tự nó. Trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là tất cả thời đại ông sống, trong văn chương tiền chiến khuôn mặt thời đại không phải chỉ có trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, nó có mặt trong rất nhiều tác phẩm của nhiều tác giả nhưng nó kết tinh, nó điển hình nhất trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, nó điển hình đến độ vượt thoát ra khỏi chính thời đại nó. Đó là bằng cớ minh chứng tài năng của Vũ Trọng Phụng. Nó cũng minh chứng rằng một tác phẩm bám sát lấy thời đại, cuộc sống của một xã hội nào đó không có nghĩa chỉ sống trong một thời, một hoàn cảnh mà nó vượt thoát ra, vẫn thành công…

8-1966
Tập san Văn số 67
Sài Gòn ngày 1-10-1966


  1. Thực tế, Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912

Photo: 33 Devant le Grand Marché
Ville de Hanoi : [album de photographies]
Date: 1916
Couverture temporelle: 1910-1916 ?
Couverture spatiale: Hanoi (Vietnam)
Format: Tirage argentique collé sur carton
Cote: PH04-33
Description: Vue d’un marché à ciel ouvert de Hanoi.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s