Nguyễn Tuân, Làm lại cuộc đời

nguyen-tuan-lam-lai-cuoc-doi

Hôm nay là một ngày rằm tháng tám. Trận bão từ đâu rớt về, đã trùm màu tang tóc, lên trên cả một thành phố lớn. Muốn chia buồn với tạo vật, người ta đã bỏ mất tết Trung thu. Cố nhiên lũ trẻ lấy làm hậm hực.

Nhưng có riêng gì chúng.

Trong một căn nhà gác nhỏ kia, có ba thiếu niên đang nguyền rủa thời tiết bằng những lời nói nặng mà một bà cụ hay lễ bái phải bịt tai và mau tay lần chuỗi tràng hạt.

Hoàng cầm tờ báo đọc tin Thiên văn đài Phủ-liễu báo bão. Chàng đọc rất to. Lưu và Nguyễn nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu, quay ra phí ngoài bốn tay bấm chặt lấy song sắt cửa, tầm mắt gửi hẳn vào trời mưa gió dữ dội.

Lắc đầu nhún vai.

Nguyễn thở dài.

Hoàng vứt tờ báo, đâm ra thẫn thờ.

Họ đang ôn lại dĩ vãng. Thời đã qua của Hoàng, của Nguyễn, của Lưu, đều nặng nề những dấu vết thương đau.

Cách đây không đầy một tháng, lúc họ rủ nhau đến ở chung căn phòng này, họ đã thề phải nhắc nhỏm lẫn nhau làm lại cuộc đời. Họ thường an ủi lẫn nhau rằng với cái tuổi của mỗi người chưa quá ba mươi, làm lại cuộc đời cũng không có gì là khó khăn lắm. Họ muốn cách mệnh tinh thần. Ngày trước là đùa dỡn, bây giờ phải đổi ra tôn thờ. Ngày trước là ích kỷ, bây giờ là tha thiết với mọi cái gì xảy ra chung quanh mình. Xưa kia đối với người với việc, họ đều nghi ngờ, rẻ rúng. Bây giờ Hoàng, Lưu, Nguyễn muốn phục hưng lại cõi lòng uể oải và mỗi người muốn nhận lấy một trách nhiệm. Trên tấm cửa gỗ, họ đã lấy phấn viết vào đây một câu: “Cái bí quyết của Hạnh phúc là biết nhận lấy Trách nhiệm”.

Ba đứa con hoang của Thời đại, ngày ngày tụng niệm câu mà chúng đã nêu lên làm trâm ngôn. Sớm rồi sớm, chiều lại chiều, Lưu, Nguyễn, Hoàng được yên tĩnh trong lòng để viết – họ là nhà văn viết – rất sốt sắng như một người biết qua cái nghề của mình. Và tin ở tương lai của nghề. Và cho rằng đùa dỡn với văn chương, với nghệ thuật là có tội.

Trong mấy tuần lễ, ba người sống chung bên cạnh nhau, chỉ để học, viết và bàn về giá trị trí thức. Bà chủ nhà tuy là dốt nát, nhưng cũng hiểu lầm rằng đấy là mấy cậu học sinh thi tú tài và khen thầm họ ngoan ngoãn không hay đi chơi đêm và phá phách ồn ào làm kinh động giấc ngủ của kẻ khác. Mỗi bữa cơm nước cho họ xong, bà thường vui vẻ nói chuyện với thằng nhỏ bằng câu mở đầu: “Chả bù với bọn học trò trước”. Bà chủ nhà, chặc lưỡi những tiếc có một đứa con gái đã trót gả chồng mất rồi, nếu không thì trong ba cậu này, làm gì bả chả tìm được mặt rể hiền. Trời đất ơi! Một người đàn bà cũ kỹ, căn cơ đã mến phục được lũ con cưng của thời bệnh.

Bằng cái phẳng lặng vui vẻ của công việc trứ thuật hàng ngày, Hoàng, Lưu, và Nguyễn nhất định tin yêu ngày hôm nay, tin yêu ngày mai và chôn sâu xuống tận đáy lòng những ngày xám xịt đã qua. Với cái chủ quan mới đối với cuộc sống, đêm ngủ của họ thường không bị đứt quãng như ngày trước. Ít lâu nay, tịnh không có một cơn mơ quái gở nào làm bận rộn tới giấc ngủ ngon lành của họ. Trông thấy họ ngủ mê mệt, má ắp nghiêng xuống bàn tay chèn vào kẽ gối, có ai dám ngỡ họ đã dăm tao bảy tiết làm con nuôi của tội lỗi. Giấc ngủ ngoan ngoãn kia, đến anh thợ cày cũng phải thèm tiếc. Và những kẻ chìm đắm trong trường sa ngã trong linh hồn họ được thư thái như thế, thường nổi lòng ghen ghét.

Bây giờ, Hoàng, Lưu, Nguyễn không dám sống về đêm nữa. Họ nghĩ đến những đêm trăng với hoa tàn héo cạnh bên ngọn đèn dầu lạc, họ lại kinh sợ như trẻ rất nghe chuyện yêu tinh. Họ tưởng chừng như thời đó đã xa lắm rồi. Từ nay, họ quyết sống lúc ban ngày để làm việc như trăm nghìn người lương thiện khác, làm việc cho đầy đủ rồi tối đến, ngủ giấc ngủ của người công bình.

Lắm buổi sớm, Lưu, Hoàng, Nguyễn vươn vai và ngáp xong một cách rất thừa thãi họ đều khen lẫn nhau: “Chúng ta độ này không đứa nào nói mê, nghiến răng và đạp tay chân như người giẫy chết nữa nhỉ!” Họ cười to quá. Mở mắt ra, họ đã lấy làm sung sướng ngay, dẫu rằng mở đầu cho ngày đó, người ta chưa thấy một dấu vui, một điềm lành. Hình như họ tìm ngay sinh thú trong sự ngạc nhiên thấy mình được dự một phần trong sinh sống của muôn loài.

Thế mà Tội lỗi vẫn chưa buông tha cho họ đấy. Thế mà quỷ Satan vẫn theo đuổi kẻ chân tu và cám dỗ hoài.

Bởi vì, hôm nay tết Trung Thu, một trời bão tấp gió mưa nặng nề đã giày vò tàn nhẫn đến lòng người biết nhớ cũ.

Đi đôi với trận mưa trên thành phố, trận mưa tuôn trong lòng người muốn tràn ra ngoài bằng giọt nước mắt. Than ôi! mưa gió ngoài rời, mưa gió trong lòng người.

Cả một buổi chiều hôm nay, Lưu, Hoàng, Nguyễn, tự nhiên, đâm nhớ cảnh giang hồ. Ở người họ, mỗi lúc lòng giang hồ đã nổi dậy, thế nào cũng có một chuyện kỳ quái lôi thôi xảy ra. Lấy một việc rất gần đây làm tỉ dụ.

Đầu năm nay, Hoàng ngồi bồi tịch một bữa tiệc rất long trọng ở trại bà huyện Mộc. Bấy giờ vào khoảng cuối xuân sang hè. Chiều hôm ấy, trời oi ả lạ.

Bà huyện Mộc vốn yêu Hoàng như yêu một người em út. Bà thấy Hoàng là người thông minh, sống một cuộc đời bất hạnh, không nhà cửa nhất định, bà thường lấy làm ái ngại. Hồi ấy, nhân Hoàng vừa mới đi xa về, bà làm một bữa rượu tẩy trần, mời những thân bằng cố hữu đến họp mặt nói chuyện. Thật là một dịp tốt cho người ta được gần nhau trong một hoàn cảnh ấm áp. Cái đinh của bữa tiệc, cố nhiên là Hoàng. Đang ăn uống vui vẻ, bên ngoài trời nổi sấm chớp, đổ một trận mưa dày. Từ lúc trời nổi giông gió, Hoàng ngừng tay gắp và đòi uống rượu suông rất nhiều, Hoàng không uống như thế. Tửu lượng chàng rất kém. Mặt chàng đỏ bừng bừng rồi chàng đưa tay bóp trán như một người biết lặng lẽ đau đớn. Bà huyện Mộc phải nặng lời gắt: “Thôi, Hoàng không được uống nữa”. Bất kể lời ngăn của người chị hiếm có ấy, Hoàng vẫn uống, lặng thinh không nói một lời. Mắt chàng sáng chiếu lên theo với luồng chớp ngoài sân mỗi lúc một mau.

Cả đám tiệc không hiểu gì. Duy chỉ có Lưu và Nguyễn đều rõ sự khủng hoảng trong tâm hồn Hoàng và đưa mắt luôn luôn nhìn nhau. Mặt Hoàng, bỗng tái đi; chàng đứng phắt dậy, ra mắc áo, với chiếc áo đi mưa của Nguyễn. Đáp câu hỏi bà huyện Mộc, Hoàng ngoái cổ lại tạ lỗi cùng mọi người và xin phép ra ngoài một chút. Bữa tiệc tàn đã xoay sang cuộc tổ tôm đến hồi thứ ba, thứ tư gì đó mà vẫn chưa thấy Hoàng trở lại. Lưu và Nguyễn trong lúc chờ bốc nọc hay đợi ù, vẫn đưa mắt hỏi nhau về thái độ Hoàng, Lưu và Nguyễn, giữa đám bài, ngồi buồn thiu như hai thỏi kẹo bột gặp tiết nồm. Thỉnh thoảng bà huyện Mộc xướng cây bài, lại kêu: “Quái nhỉ”. Đến đã khuya mưa vẫn không ngớt hột. Lúc người bưng cháo siu dè lên, Lưu và Nguyễn không ăn xin về. Lòng nhớ bạn và thương bạn làm họ ngang dạ. Trông thấy cái ấm áp của làn khói bát cháo nóng đùn đùn bay trong một mái trai ấm cúng, Lưu và Nguyễn đang tự hỏi thầm xem trong phút này, Hoàng đang ở đâu? Tuy là tiết hạ, nhưng mưa và gió cũng lạnh lắm chứ. Về đến nhà Lưu bảo Nguyễn: “Hoàng nó đi như thế này không biết bao giờ mới về”. Nguyễn nói thêm: “Mà hắn đi như thế, không bao giờ cho biết địa chỉ ở đâu. Lúc nào hắn nhớ chúng ta có dịp về được, là hắn về. Tôi còn lạ gì tính hắn. Cũng như tôi không lạ tôi có nhiều lần cũng điên ngộ như thế! Chao ôi! Chúng ta! Ai chịu được chúng ta. Trừ khi chúng ta ra về.”

Thế rồi mùa hè từ từ đi qua. Mỗi khi thấy hoa soan tây rụng tàn lửa bên đường giải nhựa, Nguyễn lại bảo Lưu: “Thằng Hoàng nó ghét màu đỏ này lắm. Cái thằng cũng lạ. Về thảo mộc học, nó cừ ra phết. Không biết nó tò mò tìm ở đâu mà biết chữ Hán gọi cây soan tây là phượng vĩ tùng”.

Thư từ ở các nơi gởi về cho Hoàng đã dày thành một tập xếp ở góc tủ sách. Mỗi tập thư còn nguyên vẹn. Một tập thư không có người bóc. Ngắm tập thư vô duyên, có khác gì ngắm một cảnh bờ sông nước trong vắt không có người tắm mà trên bờ cỏ, phất phơ manh áo vải còn nóng hổi hơi người.

Thế rồi mùa hè hết. Thế rồi gió bấc về, đem luôn cả Hoàng về, trả Hoàng cho Lưu và Nguyễn. Ba người ôm nhau. Cái mừng rỡ đã qua, Lưu và Nguyễn mới nhận ra Hoàng chỉ còn là một manh áo the rách. Mặt võ vàng và mái đầu điểm vài sợi chỉ bạc, Hoàng cất giọng nói khàn khàn: “Từ hôm tao đi trốn mưa, bỏ trại chị huyện, ở nhà có gì lạ không chúng mày?” Lưu và Nguyễn nghẹn ngào, nhưng cố làm ra giọng cợt nhả, đồng thanh trả lời: “Thiếu mất có một mày, mọi cái đều trở nên vắng vẻ”. Hoàng kêu đói, Nguyễn tìm ở đáy nồi một miếng thịt bò kho thao quả, đưa cho bạn tội nghiệp với một câu trách móc âu yếm: “Mẹ kiếp, cứ bao giờ ốm và đói thì ông mới lại gặp mày. Gọi hàng bánh tây mà ăn. Số mày vẫn phong lưu. Ban nãy, thằng Lưu và tao ngon miệng đã định ăn hết, không biết tại sao lại còn sót lại miếng thịt nhỉ! Như thế, đủ biết còn lâu mày mới ăn mày được. Chóng ăn cho khỏe đi, rồi lại đi trốn mưa như thế nhé! Khổ lắm bố ạ”.

Thực vậy, họ đều cảm thấy cái khổ của cuộc đời không có tổ chức. Bởi thế nên từ hôm đoàn tự lại, họ mới nguyền cùng nhau phải làm lại cuộc đời.

Nhưng, như hết thảy người ta vừa rõ đấy, cái yên tĩnh hàn gắn, bồi đắp, mất bao gắng gỏi chỉ đậu được mấy tuần lễ.

Cuộc sống êm đềm của Lưu, Nguyễn và Hoàng, ít ngày gần đây tựa như cái bình tích chốc lát của mặt bể lặng mà phía dưới vẫn có sống ngầm muốn nhô đầu lên.

Những kẻ giang hồ có say sóng, thì chỉ quị ở trường hợp đi trên mặt nước có sóng ngầm và trong nghề hàng hải những con tàu lớn thường hay đám bởi nguồn sóng ngầm cứ dồn thúc mãi vào sau lái đít tàu.

Chiều hôm nay, sóng ngầm nổi dậy, trong lòng ba đứa trẻ chỉ muốn hối hận mãi để làm lại cuộc đời. Thấy sức mạnh của cơn bảo cứ giăng thêm mãi, Nguyễn chọn bộ quần áo sang nhất, ướm màu áo cho điều hòa với màu cà-vạt và loay hoay đánh mãi đôi giầy đen. Chàng lầm bầm:

Tiếc thiếu mất một cái áo đi mưa.

– Trời gió bão, đèn đường tắt, đường ngập, mày định đi đâu?

Lưu vừa hỏi, vừa lòm ngòm từ giường bò ra. Chàng năn nỉ Nguyễn:

– Ở nhà đi ngủ sớm. Như thế hơn.

– Ừ, mày cứ đi ngủ sớm hơn mọi ngày. Tao chạy đi đằng này một tị. Một tị thôi mà.

– Đi đâu thế, Nguyễn? Hoàng giật giọng hỏi:

Nguyễn nheo mắt nhìn thẳng vào mặt bạn như muốn báo: “Khốn nạn, đến như mày đã có lần trốn mưa mất mặt mất mấy tháng tròn, mà mày cũng hỏi ta câu ấy nữa sao? Suy bụng mày, mày sẽ biết bụng ta. Hà tất phải nhiều lời. Có muốn đi thì mặc quần áo vào rồi theo ta đi tác-ác. Còn vẽ vời hỏi han mãi”. Hoàng như hiểu ý, miệng huýt sao, chân sỏ giầy. Nghĩ đến câu “đi một tị”, Hoàng mỉm cười.

– Tao cũng phải đi một tị. Thằng Lưu ở nhà, tao về ngay đấy.

– Nguyễn đi thằng Hoàng cũng đi. Thế tao ở nhà một mình làm gì?

– Thì cũng đi luôn với hai đứa chúng tao. Đồ ma bùn! Mè nheo suốt ngày.

Hình như bọn họ đã quên mất lời thề thốt bữa nọ. Họ không tiếc cái công làm người đứng đắn được mấy tuần nay. Con ngựa bị tù chân trong tàn cỏ khô, vẫn nhớ màu xanh non chỗ ria đường dài thăm thẳm. Bây giờ nó muốn chấp cả cương lẫn vế, nhất định đòi bon trên con đường cũ.

Lưu, Nguyễn và Hoàng vẫn thiết tha muốn làm người đứng đán. nhưng, đem gạn máu họ, người ta vẫn tìm thấy còn nhiều cái trụy lạc. Việc tổ chức lại cuộc đời, đến phút này vẫn là cái mộng xinh xinh. Nó đẹp như cái bọt xà phòng ngũ sắc mà trận gió bão đêm nay thổi vỡ.

Thăm dò lòng mình xem có nhận thấy tiếng can ngăn của lương tâm thì, Lưu chỉ vẳng nghe như ai đang bấm khẽ một bản đàn cũ, một bản đàn mà nhạc điệu đã dập theo tiếng gió rít và hơi mưa bay, và ca ngợi đời cầu bơ cầu bất. Biết bao nhiêu say mê trong sự phóng túng hình hài đã được nhắc tới. Lưu thở dài, muốn kêu lên một tiếng cũng dài như hơi thở. Ý chừng, chàng muốn nói với chàng một câu tâm sự. Rằng: ta chơi nốt đêm nay nữa cho gió mưa phải chắn mặt người phong sương. Sao người ta hay dối cả với người ta thế! Chàng ngâm:

Giang hồ… một chút ân tình cũ

Hoàng và Nguyễn cũng bắt lại câu đó và lúc ngâm xong đều một lượt, chế nhạo Lưu:

– Với tư tưởng lãng mạn và giọng uyển chuyển ấy, giá làm đàn bà thì chung thân chỉ đánh đĩ với đời thôi, em ạ!

Đêm hôm nay, Lưu, Nguyễn và Hoàng định tìm một quán rượu. Nhưng cuộc say cho nên trong một gian nhà giột ở xóm Vạn Thái, Lưu, Hoàng và Nguyễn đang tìm cảm giác mới (!) giữa cảnh bài trí của Trụy lạc. Họ thấy cả xóm, không có một linh hồn làng chơi nào, họ lấy làm hả vô cùng. Quần áo bị mưa tẩm ướt, họ mượn coóc-xê của con hát để cho ấm thân thể bị giá lạnh. Người nhớ chuyện “Tam quốc”, tưởng họ là lũ quan đầu hàng nhà Hán và bị Gia Cát thừa tướng cho mặc quần áo đàn bà gởi trả lại cho Tư Mã Ý để làm nhục nhau chơi. Đèn đóm trong nhà hát không có, họ thắp nến. Một mùi tử khí phảng phất bao trùm lấy ba đứa đãng tử. Những tiếng cười chán chường làm lung lay ánh sáng ma chơi của ngọn nến lờ mờ. Lúc mới bắt đầu đi, thấy đèn đường phố tắt ngấm, thấy cây cổ thụ bật rễ cái, thấy dây điện cuốn cành đa, Hoàng nói oang oang trong mưa lạnh:

– Những đêm giông tố như đêm nay, cái lòng đạo đức chỉ còn như một sợi tóc thôi. Những đêm như thế này, người ta hay nghĩ làm tội lỗi. Tại sao hung thủ không giết người trong đêm bão? Mưa sẽ gột hết vũng máu và dấu vết in trên mình xác chết đều được trận bão lau chùi sạch. Ha, ha!

Photo: Woman Smoking Opium, Hanoi – French Indochina circa 1915, by Léon Busy

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s